Ngày Xuân bàn về Tâm thiện - Tâm ác

Đặng Văn Hương

02/03/2024 06:27

Theo dõi trên

Đạo Phật dạy: Thiện là tăng thêm điều lợi, có ích cho người khác. Ác là làm tổn hại, giảm bớt giá trị vật chất và tinh thần của người khác.

dt1abn-1709303330.jpg

Ảnh tác giả phát biểu tại Đại hội Khuyến học thị xã Phú Thọ năm 2023.

 

Con người sinh ra vốn bản thiện nhưng bản năng sinh tồn, nhu cầu của cuộc sống mà sinh ra lòng tham, ích kỷ... cao hơn nữa là mưu mô xảo quyệt dẫn đến phạm tội, là tâm ác. Mọi người luôn khuyên dạy con cháu là sống lương thiện, sống tốt, không được làm việc ác, điều ác. Việc ác rất dễ nhận thấy, qua việc cướp của, đánh người, giết người, qua lời nói ác độc làm tổn hại đến người khác. Nếu trong lòng cảm thấy khổ, chắc trong tâm phải đang ôm giữ ác ý nào đó. Nếu một người nội tâm không có điều ác, người này sẽ không có cảm giác khổ. Vì thế, căn cứ theo đạo lý này, con người thường cảm thấy khổ, nghĩa là nội tâm có tồn tại điều ác, không phải là một người lương thiện thật sự. Lòng tham, tâm đố kỵ, tâm ngạo mạn, tâm ngu si, tâm hẹp hòi... đều là những tâm ác. Nếu con người có thể loại trừ những ác tâm đó, những thống khổ kia sẽ tan thành mây khói. Sau đây là những điều ác tâm đang tồn tại tiềm ẩn trong mỗi con người.

1. Tâm tham

Bởi vì nội tâm con người có lòng tham đối với tiền tài, của cải, danh vọng cho nên mới cảm thấy khổ. Loại lòng tham này là ác tâm, nếu có thể vứt bỏ ác tâm ấy, con người sẽ không vì những điều đó mà cảm thấy khổ nữa. Trong xã hội, nhiều người rất bình thường nhưng lại giàu có, hãy nên thấy họ giàu có mà vui vẻ, nên cầu chúc họ càng giàu có hơn, càng có nhiều niềm vui hơn, mới đúng. Người khác đạt được giàu có, họ rất vui và nên vui như người đó; người khác mất đi, đừng cười trên nỗi đau của họ. Người như vậy mới được coi là người lương thiện!

2. Tâm đố kỵ

Trong xã hội có nhiều người bình thường nhưng lại nhiều tiền của, danh vọng, rồi có người lại cảm thấy không phục, lại không vui, đây chính là tâm đố kị. Tâm đố kị cũng là một loại ác tâm, là một loại tâm xấu, phải kiên quyết tiêu trừ! Ngày xưa, con nhà người ta thi đỗ đại học, nhiều người thường vẫn nghĩ là nhà nó "chạy" được, hoặc bố mẹ nó làm sếp to... không hề xem xét lại chính gia đình mình, tại sao con mình không đỗ đại học? Vì lối nghĩ đố kỵ, soi mói người khác, không tự kiểm điểm chính mình nên không tiến bộ, phát triển được!

3. Tâm ngạo mạn

Tự cho mình là có việc, có gì đó… hơn người thì tự cho là mình giỏi; hoặc ta có nhiều thứ hơn người nên ta cần phải có thu nhập cao và danh giá. Đây chính là tâm ngạo mạn. Tâm ngạo mạn cũng là ác tâm. Có câu nói rằng: “Ngạo mạn cao sơn, bất sinh đức thủy”, nghĩa là: “Ngọn núi cao mà ngạo mạn, sẽ không tạo nên loại nước tốt”. Một người, khi đã sinh lòng ngạo mạn, thì đối với thiếu sót của bản thân sẽ như có mắt mà không tròng, vì vậy, không thể nhìn thấy bản thân có bao nhiêu ác tâm, sao có thể thay đổi bản thân để tốt hơn. Cho nên, người ngạo mạn sẽ tự mình đóng cửa chặn đứng sự tiến bộ của mình. Ngoài ra, người ngạo mạn sẽ thường cảm thấy mất mát, dần dần sẽ chuyển thành tự ti. Một người, chỉ có thể nuôi dưỡng lòng khiêm tốn, luôn bảo trì tâm thái hòa ái từ bi, nội tâm mới có thể cảm thấy tròn đầy và an vui.

4. Tâm ngu si

Có người cho rằng: có văn hóa thì phải có thu nhập cao, đây chính là một biểu hiện của tâm ngu si bởi vì văn hóa chỉ là điều kiện cần, chưa phải là đủ, không phải là căn nguyên của sự giàu có. Tâm lương thiện mới là nguyên nhân cho sự giàu có của mình. Tâm ngu si cũng là ác tâm!. Một số người, thường không hiểu được Luật nhân quả, trồng dưa lại muốn được đậu, trồng đậu lại muốn được dưa, đây là thể hiện của sự ngu si. Chỉ có người rèn luyện chân chính, mới thật sự hiểu được nhân quả, quy luật tuần hoàn của vạn vật trong vũ trụ, nội tâm mới có thể minh tỏ thấu triệt. Để từ đó, biết làm thế nào lựa chọn tư tưởng, hành vi và lời nói của mình cho phù hợp. Người như vậy, mới có thể theo ánh sáng hướng đến ánh sáng, từ yên vui hướng đến yên vui.

5. Tâm cưỡng cầu

Cưỡng cầu là yêu cầu, bắt buộc người khác thực hiện theo mục đích của mình. Cưỡng cầu là ác tâm. Một người sống trong thế giới này, không nên tùy tiện xem thường hành vi và lời nói của người khác. Dẫu là người thân, cũng không nên mang tâm cưỡng cầu, cần phải tùy kỳ tự nhiện! Luôn dùng tâm thiện giúp đỡ người khác, nhưng không nên cưỡng cầu điều gì.

6. Tâm hẹp hòi

Người thân hoặc ai đó, không nghe theo lời khuyên của mình thì mình cảm thấy không thoải mái, đây là không rộng lượng. Dẫu là người thân nhưng họ vẫn có tư tưởng và quan điểm của riêng họ, tại sao lại cưỡng cầu tư tưởng và quan điểm của họ bắt phải giống như mình? Không rộng lượng lâu dài sẽ dẫn đến hẹp hòi. Tâm hẹp hòi khá phổ biến trong con người. Ví dụ: đọc một bài thơ, một câu truyện hay... nhưng không bày tỏ cảm xúc của mình; nghe trực tiếp ca sĩ hát rất hay nhưng không vỗ tay tán thưởng, động viên ca sỹ đó! Tất cả những hành vi đó là sự hẹp hòi. Tâm hẹp hòi cũng là ác tâm.

7. Tâm hậm hực, oán trách

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp phải không ít người luôn mang trong lòng mình tâm hậm hực, oán trách. Họ hậm hực oán trách cha mẹ không công bằng, oán trách công việc quá nhiều, oán trách bạn bè không hiểu mình, thậm chí trời mưa hay trời nắng cũng oán trách. Họ không biết được rằng, oán trách là một loại cảm xúc xấu nhất khiến mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn trở nên kịch liệt hơn. Nó không chỉ khiến cho sức khỏe của chính bản thân người ấy xấu đi mà còn khiến người thân bạn bè dần dần xa lánh họ. Mục sư người Mỹ – Will Bowen đã viết: "Những người phàn nàn, oán trách quanh năm cuối cùng có thể bị cô lập và bị mọi người xung quanh xa lánh. Oán trách là một loại độc dược. Nó có thể làm giảm nhiệt huyết, phá hủy ý chí, hạ thấp địa vị, hủy hoại cả tâm và thân của con người. Cho nên, thay oán trách vận mệnh chi bằng hãy cải biến vận mệnh, thay oán trách cuộc sống chi bằng hãy cải thiện cuộc sống".

8. Tâm thị phi

Cấp trên mà nghe lời thị phi thì nhân viên bị hại. Cha mẹ mà tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng mà tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian còn hơn nọc độc rắn rết, sắc hơn gươm đao, giết người không rướm máu. Vậy thị phi là tâm ác.Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, thế mà thời tiết nắng mưa, ánh trăng soi tỏ vẫn bị thế gian trách, hận, ghét, thương. Nên một người trong cõi nhân gian này, không thể vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai, chỉ trích, thị phi. Nếu có nghe thấy tiếng thị phi trong thế gian thì nên bình tâm suy xét, đừng vội tin nghe. Mỗi người không nên có tính thị phi và không được nói lời thị phi!

9. Kết luận.

Thông thường ai đó vẫn cho mình là một người rất lương thiện. Nếu không được khai thị dạy bảo, con người vĩnh viễn sẽ không biết có một người xấu xa- tâm ác- như vậy đang tồn tại trong mình.

Hãy nắm chắc từng giây phút của cuộc đời, sống với thái độ lạc quan thay thế dần cho lòng tham, tính đố kỵ và ích kỷ... nội tâm của con người sẽ dần được chuyển hóa, dần thay đổi để thanh thản và bình an hơn. Muốn trừ bỏ tâm ác thì phải có, ngày càng tăng thêm lòng lương thiện.Trên thế giới này, cuộc sống của mỗi người đều có những khó khăn riêng, mong rằng mỗi trường hợp bi thương đều sẽ nhận được ấm áp tình người, mong rằng tất cả mọi người đều có lòng lương thiện để có thể đối đãi với nhau thật hòa nhã.

Trên con đường nhân sinh dài đằng đẳng, lương thiện chính là kim chỉ nam trong lòng mỗi người, giúp chúng ta thấy rõ nội tâm của mình, vĩnh viễn không bao giờ lầm đường lạc lối. Lương thiện là một loại phẩm tính mềm mại nhất, nhưng cũng giàu sức mạnh nhất tiềm ẩn trong nhân tính của con người. Bất kể gian nan thế nào, mặc kệ cô độc ra sao, cũng phải duy trì nhân cách cao thượng và chúng ta nên giữ vững tấm lòng lương thiện. Một ngày nào đó tất cả mọi người sẽ minh bạch, muốn có được tấm lòng lương thiện còn khó hơn sự thông minh. Bởi thông minh là thiên phú mà lương thiện lại là sự lựa chọn, rèn luyện suốt đời. Vậy nên, nếu có lúc cuộc sống này bắt ta lựa chọn, đừng ngần ngại lựa chọn trở thành người lương thiện từng bước loại bỏ dần tâm ác tiềm ẩn trong mình!

Một người, có hạnh phúc hay không, không dựa trên sự giàu có, danh vọng bên ngoài, mà dựa trên cố gắng an nhiên và thái độ sống với tấm lòng lương thiện mới là quyết định.

Đ.V.H

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết " Ngày Xuân bàn về Tâm thiện - Tâm ác" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn