Theo đó, cuốn sách dày 254 trang khổ 14 x 20,5cm vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành gồm 15 truyện ký: Ứng nghiệm sấm trạng trình; Bài học lịch sử: Chết thảm vì con rể; Nghĩ về một thuở cha ông đi mở cõi; Nhớ Mã Đà sơn cước - Chiến khu D; Không được lãng quên; Một thoáng với thi sĩ Bùi Văn Dung; Thành đạt; Khám phá bí ẩn đồi Diệm Xuân; Nét tài hoa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Chính; Khó thoát; Đặc sắc chợ nổi Cái Răng; “Quan Mượn”; Báu vật của làng; Hương ước cổ làng Mỹ Lộc; Tưởng nhớ, tri ân Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc…Mỗi câu chuyện là một "ứng nghiệm" về lịch sử, con người và xã hội.
Là một cựu sinh viên khoa Sử khóa 13 - Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) và vốn kiến thức sâu rộng của một nhà báo từng trải, tác giả có nhiều lợi thế đi sâu khai thác các dữ liệu lịch sử liên quan đến nhiều nhân vật nổi tiếng của Việt Nam như An Dương Vương, Triệu Việt Vương, Đào Cam Mộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Kính Vũ, các dòng họ Trịnh, Nguyễn mà tiêu biểu là Nguyễn Hoàng (Người tiên phong đi mở cõi từ năm 1558), những người đã để lại dấu ấn lâu dài trong di sản văn hóa của dân tộc. Tác giả khéo léo kết nối những câu chuyện này với những triết lý nhân quả sâu sắc, giúp độc giả hiểu rõ hơn về nguồn cội, bản sắc văn hóa dân tộc.
Tiêu biểu như truyện ký “Chết thảm vì con rể,” tác giả xâu chuỗi các tư liệu lịch sử, đưa ra bài học về cái chết của hai vị vua trong lịch sử Việt Nam, đó là An Dương Vương vào năm 179 trước Công nguyên và Triệu Việt Vương vào ngày 5 tháng Giêng năm Tân Mão (năm 571 sau Công nguyên). Cả hai vị vua này đều bị giặc truy đuổi, phải tuẫn tiết ở cửa biển. Cả An Dương Vương và Triệu Việt Vương đều bắt nguồn từ sự mất cảnh giác, không nghe lời khuyên giải, can gián của các bậc trung thần, để tình riêng lấn át tầm nhìn của một đấng minh quân, đặt lợi ích của gia đình lên trên lợi ích quốc gia, dẫn đến kết cục bi thảm. Đây là bài học cảnh giác đi liền với bài học yêu nước, mà người Việt muôn đời không bao giờ được lãng quên.
Với kinh nghiệm của một phóng viên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, tác giả đã mang đến những câu chuyện hiện đại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự hy sinh, và tình thương quê hương. Các Truyện ký “Nhớ Mã Đà sơn cước, chiến khu D”, “Không được lãng quên”, “Một thoáng với thi sĩ Bùi Văn Dung”, “Nét tài hoa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Chính”, “Đặc sắc của chợ nổi Cái Răng”, “Báu vật của làng” không chỉ là những bức tranh sống động về lịch sử mà còn là những bài học xương máu để truyền động lực cho thế hệ hiện tại.
Là một cây bút chính luận sắc sảo, tác giả không ngần ngại đưa vào tập truyện ký những câu chuyện mang tính thời sự về tham nhũng, lạm dụng quyền lực ở địa phương cấp tỉnh. Những nhân vật và tình huống được mô tả như Lý Tân, "Quan mượn"... đặt ra những câu hỏi cay đắng về xã hội hiện đại, đồng thời phản ánh sự cần thiết kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực. Tác giả không chỉ phản ánh, mà còn khuyến khích độc giả đặt câu hỏi về những vấn đề này để tự tìm kiếm giải pháp, câu trả lời cho những vấn đề gai góc đặt ra từ cuộc sống. Đó là 3 truyện ký “Thành đạt”, “Quan mượn”, “Khó thoát”, tiếp nối những vấn đề tác giả muốn chuyển tải thông điệp đã được đề cập trong tiểu thuyết “Tơ Vò” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018. Tác giả lên án sự tha hóa, lạm dụng quyền lực của một số cán bộ địa phương đang là chủ đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm.
Tương tự như "Tơ Vò", "Ứng Nghiệm Thành Đạt" tiếp tục sử dụng phong cách truyện ký là thể văn tự sự dựa vào những nguyên mẫu về người thật, việc thật, có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất, nhưng mở rộng hơn với những câu chuyện đa dạng và phong phú hơn. Tác giả Quân Yên đã khéo léo khi xây dựng cốt truyện của tập sách, có sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa, lịch sử, và triết lý nhân quả. Trong truyện "Khó Thoát", tác giả linh nghiệm: Những kẻ lộng hành như Phụng Tơm và tay chân thân tín từng “buộc án gán tội”, “đâm lao phải theo lao” trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn”, dù “hạ cánh” rồi vẫn chưa chắc được an toàn mà sẽ có lúc pháp luật rờ tới làm sáng tỏ công lý, thượng tôn pháp luật, góp phần lập lại trật tự kỷ cương xã hội, mà tác giả dự cảm: “Lưới trời lồng lộng! Thưa nhưng khó lọt lắm. Luật pháp còn có thể nhầm nhưng ‘luật quả báo’ thì không nhầm bao giờ, ‘có nhân có quả’. Những kẻ thất nhân tâm khi đương nhiệm ‘gây thù chuốc oán’ khó thoát lắm, nhất định phải bị trả giá".
Do đó, Tập Truyện ký "Ứng nghiệm thành đạt" không chỉ làm giàu nội dung mà còn giúp độc giả hòa mình vào những câu chuyện, từ đó hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ. Cùng với lối viết giản dị, gần gũi và sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, tác giả làm cho độc giả cảm thấy như đang nghe kể chuyện từ một người thân quen.
Có thể nói, tập truyện ký "Ứng nghiệm thành đạt" của Quân Yên (Vũ Xuân Bân) không chỉ là một tác phẩm giáo dục lịch sử mà còn là một cẩm nang văn hóa, phản ánh rõ nét những giá trị đạo đức và lòng yêu nước. Tác giả đã khắc họa đậm chất sử học, đưa độc giả đến những thời kỳ khác nhau của Việt Nam một cách sống động. Ở đó, tác giả không chỉ kể chuyện mà còn rút ra bài học lịch sử cho hậu thế và suy ngẫm về triết lý nhân quả, đạo đức, và trách nhiệm xã hội. Đây là tập truyện ký sắc sảo, hấp dẫn và phản ánh đa chiều văn hóa Việt.
Nhà báo Vũ Xuân Bân, sinh năm 1950 tai xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, quê hương Bà Triệu (Triệu Thị Trinh). Tác giả là Cử nhân Sử học khóa 13 (1968 -1972) Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) và Cử nhân Luật (Đại học Luật Hả Nội), nguyên Phóng viên chiến trường khóa GP10 - TTXVN, Nguyên Trưởng ban Biên tập Tin trong nước TTXVN; hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển (vanhoavaphattrien.vn). Ông là tác giả của nhiều bài báo chính luận sắc sảo. Ông từng đoạt giải A Giải báo chí toàn quốc năm 2004 với chùm tin, bài về Tây Nguyên (nay là Giải thưởng báo chí Quốc gia). Tác phẩm văn học đầu tay của ông là Tiểu thuyết "Tơ Vò" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018; Truyện ký "Ứng nghiệm thành đạt", NXB Hội Nhà văn 2023. |