Sáng 28/6, lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì lễ đón. |
Sáng 28/6, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026. Chuyến thăm góp phần khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của cả hai nước, đặc biệt coi trọng giữ gìn và không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào không ngừng được các thế hệ lãnh đạo cấp cao hai nước củng cố và vun đắp; hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và chuyến thăm của đồng chí Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026 lần này là một minh chứng rõ nét về tình cảm hữu nghị, hợp tác đặc biệt này giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, toàn diện Việt Nam-Lào thời gian qua tiếp tục được củng cố và phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở mỗi nước; đồng thời góp phần nâng cao vị thế của hai Đảng, hai nước; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; các hiệp định, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ cũng như thỏa thuận, chương trình hợp tác giữa các ban, bộ, ngành, đoàn thể nhân dân và các địa phương hai nước.
Hai bên luôn khẳng định quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào là mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có, là quy luật phát triển, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, cần giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Trên nền tảng quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng trong quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam-Lào, trong đó hai bên đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các nội dung tại các kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ; chú trọng hơn việc phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế đầu tư, thương mại.
Về đầu tư của Việt Nam tại Lào, tính đến nay Việt Nam có 413 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 4,22 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010; đã giải ngân lũy kế khoảng 2,2 tỷ USD; một số dự án lớn đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, tạo công ăn việc làm cho người dân Lào, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước.
Về thương mại, hai bên đã đàm phán, ký kết nhiều văn kiện góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này (Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào,…).
Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavan, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ) tạo điều kiện cho thương mại song phương phát triển bền vững.
Giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 4,8 tỷ USD. Các cơ chế ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước được hai bên tiếp tục thực hiện và danh mục ngày càng được mở rộng.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai Hiệp định hợp tác và đầu tư phát triển bến cảng số 1, 2, 3 cảng Vũng Áng; cơ bản hoàn thành dự án xây dựng sân bay Nong Khang tại tỉnh Houaphan. Hai bên đã ký thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientian; phối hợp đề nghị JICA xem xét triển khai thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Vientiane…
Bên cạnh đó, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng giữa hai nước đã được hai bên quan tâm thúc đẩy đạt và đã đạt được một số kết quả tích cực. Hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030 và Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió...
Các hoạt động hợp tác kinh tế giữa 2 nước được đánh giá ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 nước, hai dân tộc.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026 lần này là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hợp tác song phương giữa 2 nước Việt-Lào lên tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ hai nước ngày càng gắn bó keo sơn, phát triển bền vững.