Lớn lên cùng với sự tìm hiểu và học tập về lịch sử, quá trình bảo vệ giữ gìn biển đảo của quân và dân ta, tôi đã có được những cái nhìn sâu rộng hơn, bao quát hơn nữa về những sự vất vả, hy sinh, mất mát mà lực lượng Hải quân Việt nam đã và đang đối mặt. Biển đảo nước ta như mặt tiền, sân trước cửa ngõ quốc gia, tiếp giáp với 7 nước và 1 vùng lãnh thổ. Từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, nơi đây đã và đang diễn ra sự tranh chấp phức tạp quyết liệt về chủ quyền ranh giới biển. Khi bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành, tôi luôn nung nấu một niềm mong ước có ngày được đặt chân đến nơi địa đầu của Tổ quốc để cảm nhận và thấu hiểu hơn nữa nỗi vất vả, gian nan những mất mát hy sinh của Quân và dân đang đứng đầu sóng ngọn gió, anh dũng đối mặt hiên ngang với thiên tai và sự quấy phá của các thế lực bành trướng trong khu vực.
Không xa đâu Trường sa ơi… Một ngày hè tháng 5 đỏ nắng, phóng viên của Tạp chí Âm nhạc Việt Nam đã may mắn được có mặt trong Đoàn công tác số 18 nhận nhiệm vụ lên đường đi thăm hỏi và động viên quân và dân trên quần đảo Trường sa. Thật khó có thể diễn tả cảm xúc hồi hộp, háo hức trong tôi khi biết mong ước từ biết bao ngày tháng giờ đã trở thành hiện thực. Tìm hiểu những người đi trước để biết được một chút kinh nghiệm về những thứ cần chuẩn bị cho chuyến đi. Tôi và hơn 200 đại biểu của đủ các ngành nghề, lứa tuổi, địa phương đã được lên chuyến tầu kiểm ngư mang số hiệu KN 490 khởi hành từ cảnh Cát Lái TP HCM thẳng tiến về quẩn đảo Trường Sa yêu dấu. Trải qua gần 2 ngày lên đênh trên biển vượt qua hàng trăm hải lý vào một buổi sáng sớm ngày cuối tháng 5, chúng tôi đã được đặt chân lên hòn đảo đầu tiên của cuộc hành trình - đảo SINH TỒN ĐÔNG. Giây phút tầu cập cảng, được các chiến sĩ ra tận xuồng đón chào, cảm xúc trong tôi lại được trào dâng mãnh liệt, Được ngắm nhìn các chiến sĩ biển đảo Trường sa mến yêu bằng xương bằng thịt, được đặt chân lên những mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc – mơ ước bao ngày giờ đây đã trở thành hiện thực. Trong niềm yêu thương, ánh mắt trìu mền, những cái bắt tay xiết chặt, chúng tôi đã cùng nhau chuyện trò, hỏi han, động viên khích lệ anh em vượt qua những nỗi vất vả, những nỗi nhớ thương nơi quê nhà để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được giao. Có những chiến sĩ, khi ra đảo vợ mới đang mang bầu, giờ con gần đầy năm mà vẫn chưa được nhìn thấy mặt. Tình yêu thương với hậu phương chỉ được gửi gắm bằng những tin nhắn và nhưng cuộc gọi ngắt quãng. Nhắc đến gia đình, ánh mắt của anh vẫn rạng ngời hạnh phúc với một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng.
Rời đảo Sinh tồn đông, chúng tôi di chuyển đến đảo chìm Len Đao - một hòn đảo đứng cô lập giữa đại dương mênh mông trên nền bê tông bồi đắp nhân tạo là 01 khối nhà 3 tầng và 01 Nhà văn hóa. Sự kiện ngày 14/3/1988 còn in đậm trong tâm tư của người dân Việt Nam, khi Trung quốc dùng vũ lực xâm chiếm đảo Gạc Ma – trường sa. Vĩnh viễn 64 cán bộ chiến sĩ đã nằm xuống dưới lòng biển cả khi tuổi đời đang quãng tươi đẹp nhất. Các con tàu đưa đoàn đến đảo Len Đao thường thả hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đến anh – những con người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng liêng của Tổ quốc.
Sáng sớm ngày thứ 4, chúng tôi tiếp tục cập cảng Đá Tây A - một hòn đảo được xây dựng gần như mới hoàn toàn với rất nhiều khối nhà đồ sộ từ ngôi chùa ngay bến tầu cho đến Nhà văn hóa, trường học, sở chỉ huy và đặc biệt là trên đảo đã được xây dựng hệ thống Âu tầu làm nơi cho tầu bè của ngư dân tránh báo và tiếp nhiên liệu, sửa chữa…. Xen kẽ vào những công trình dân dụng là dãy nhà dân. Thật gần gũi với những tà áo dài những ánh mắt trẻ thơ ngây ngô chờ đón chúng tôi,. Chúng tôi đã ghé thăm các nhà, trò chuyện động viên gửi niềm yêu thương cho họ, những con người đã tình nguyện lựa chọn 1 cuộc sống thiếu thốn để bám trụ lại xây dựng quê hương ở nơi sóng gió của Tổ quốc. Trong con mắt của tôi, họ không khác gì những người chiến sĩ. Với tất cả những tình yêu mến, chúng tôi đã được thầy giáo duy nhất trên trường tiểu học Đá Tây A mời nước và tiếp chuyện, Một thanh niên 25 tuổi tràn đầy tình yêu thương và nhiệt huyết, một ánh đuốc sáng duy nhất dẫn dắt hành trình bước vào thế giới tri thức của các em nhỏ nơi đây. Bước chân dời đi, ai nấy đều mong có ngày quay lại để chứng kiến những sự trưởng thành tiến bộ của các em, cũng mong cho Thầy giáo luôn khỏe mạnh và giữ gìn bầu nhiệt huyết để sát cánh cùng nhân dân trên Đảo.
Trong lịch trình của chuyến đi, chúng tôi sẽ được ghé thăm động viên và tặng quà các cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ Nhà sàn DK1/16 thuộc bãi ngầm Phúc Tần có tên địa danh hành chính là Trạm Dịch vụ Kinh tế Khoa học Kỹ thuật Phúc Tần thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được xây dựng vào tháng 6/1989. Khu vực biển Phúc Tần là khu vực biển hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên sử dụng tầu nghiên cứu, tầu cải dạng, tầu cá vào thăm dò địa chấn, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của nước ta. Nơi đây đã chứng kiến sự anh dũng hy sinh để bảo vệ thềm lục địa của 03 đồng chí trong cơn bão khủng khiếp vào một đêm tháng 12/1990. Khi chúng tôi ghé thăm, do điều kiện sóng to gió lớn mà các đại biểu không thể lên xuồng để ghé thăm các đồng chí yêu thương của mình. Chúng tôi chỉ biết chào nhau, thăm hỏi bằng những cái vẫy tay từ rất xa, những tiếng còi tầu liên hồi gióng giả liên hồi cũng không thể diễn tả hết những tình cảm, nỗi yêu thương của đoàn công tác, của nhân dân cả nước gửi gắm cho những người con ưu tú, đang anh dũng hiên ngang cắm chốt nơi tuyến đầu đầy sóng gió hiểm nguy của tổ quốc.
Điểm đến cuối cùng trên hành trình, chúng tôi được dừng chân trên đảo Trường sa lớn - Trái tim của quần đảo Trường Sa, trung tâm huyện lỵ huyện Trường sa. Thật sự cảm động và vui mừng trước những thành quả của quân và dân trên đảo, với sự đầu tư mạnh mẽ, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong nước và kiều bào nước ngoài, những công trình dân sinh đã đua nhau mọc lên để phục vụ ngày càng tốt hơn nữa cuộc sông của quân và dân trên đảo. Từ Nhà khách, Nhà văn hóa, đến đài tưởng niệm, vườn hoa, thư viện, trưởng học, … đều rất khang trang và sạch sẽ. Đi đến đâu, chúng tôi cũng đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các cấp lãnh đạo, của các chiến sĩ trẻ, của nhân dân trên đảo. Đoàn công tác đã mang đến những món quà vật chất nho nhỏ nhằm sẽ chia bớt nỗi khó khăn, những tiết mục ca múa nhạc giao lưu phục vụ cho bà con và chiến sĩ. Đáp lại chúng tôi cũng đã nhận được những tấm chân tình, những món quà giản dị mang nặng tình yêu thương gửi gắm về đất liền.
Kết thúc chuyến hành trình, không ai nỡ rời đi. Chia tay chúng tôi là toàn bộ các chiến sĩ đã ra tận cầu cảng, đứng lại cho đến khi người cuối cùng lên thuyền, thuyền rời bến với hổi còi dài gửi lại tất cả những lời chúc tốt đẹp nhất cho quân và dân trên quần đảo.
Tất cả đều cùng mong muốn và tin tưởng, cùng vượt qua mọi khó khăn và sóng gió, với sự đồng lòng chung sức của toàn dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, chắc chắn tương lai tươi sáng đang chờ đón biển đảo, chờ đón cả dân tộc, cả đất nước Việt Nam ngàn đời bền vững của chúng ta.
Vẫy tay chào Trường Sa, hẹn ngày không xa sẽ gặp lại để với mỗi người dân Việt Nam, Trường Sa sẽ mãi không xa…
Thiết kế & Concept: Bình An