Hà Giang: Dựa vào dân giữ rừng nghiến Phong Quang

Lê Hoàn

26/05/2022 15:58

Theo dõi trên

Ở sâu trên những dãy núi cao của huyện Vị Xuyên (Hà Giang), nơi “trái tim” đại ngàn rừng đặc dụng Phong Quang vẫn còn những thân gỗ nghiến cổ thụ nhiều người ôm không xuể. Đây là “báu vật” độc nhất vô nhị trên địa bàn Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Mỗi ngày cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ tài sản vô giá ấy.

img-1653550010929-1653550083970-1653555133.jpg
Rừng đặc dụng Phong Quang được coi là "vựa" gỗ nghiến lớn nhất của Hà Giang

 

Ông Phạm Thanh Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh cho biết: Rừng đặc dụng Phong Quang có diện tích hơn 8.000 ha, thuộc địa phận các xã: Minh Tân, Phong Quang, Thuận Hòa, Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Rừng có hệ thực vật đa dạng và được coi là “vựa” nghiến lớn nhất của tỉnh.

Gỗ nghiến thuộc nhóm nhóm IIA, là loại gỗ tốt có tính cơ học cao, dai, bền, không mối mọt ngay cả khi chôn xuống đất. Loài gỗ này đều có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao và luôn được giới thượng lưu săn lùng, sở hữu. Chính vì vậy, đây cũng là loài gỗ mà lâm tặc luôn tìm cách khai thác trái phép.

Được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng gỗ nghiến luôn tự hào và nhận rõ trách nhiệm nặng nề đối với tập thể cán bộ của hạt. Địa bàn rộng, diện tích rừng trên núi cao, địa hình hiểm trở, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên Hạt đã thành lập các chốt trạm trong rừng để giữ rừng. Nhiều khi mấy tháng trời, cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng chẳng được về nhà vì đường đi cách trở, trong khi nhiệm vụ giữ rừng vẫn phải đảm bảo.

img-1653550011057-1653550084454-1653555205.jpg
Cán bộ kiểm lâm cùng nhân dân kết hợp tuần tra bảo vệ rừng Phong Quang

 

Được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng nghiến quý Phong Quang, cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh xác định, yếu tố quan trọng quyết định thành công trong công tác quản lý bảo vệ rừng là phải dựa vào dân để vận động tuyên truyền, để nhân dân là "tai mắt", đây chính là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm.

Các địa phương thuộc xã giáp ranh với rừng gỗ nghiến với đặc thù dân số trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân có tập quán sống dựa vào rừng và dựng nhà từ gỗ rừng; đời sống khó khăn, trình độ dân trí nhiều hạn chế… là cơ hội để lâm tặc lợi dụng người dân vào rừng chặt gỗ rồi tuồn ra ngoài. Trước tình hình đó, Hạt kiểm lâm cử cán bộ kiểm lâm phải trèo đèo, lội suối đến từng nhà tuyên truyền để người dân không vào rừng phá cây nữa. Nhiều lúc, cả tuần anh em cán bộ phải cắm chốt “cơm niêu, nước lọ” với rừng, không mấy khi được về với gia đình.

“Chúng tôi luôn xác định đối với người dân thì tuyên truyền thay đổi nhận thức của cộng đồng cùng bảo vệ rừng là ưu tiên. Những nội dung tuyên truyền như đến người dân thường đơn giản, dễ hiểu như không phát rừng già làm nương rẫy, không chặt hạ cây gỗ làm nhà, không săn bắn, đặt bẫy động vật rừng trái phép trong lâm phận rừng đặc dụng; rồi việc cung cấp thông tin về những đối tượng lạ mặt vào khu vực rừng đặc dụng, … đều được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền cặn kẽ đến người dân. Cách tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, phù hợp với văn hóa địa phương đã giúp người dân dân thay đổi nhận thức của mình”, ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang đã thực hiện mô hình giao khoán bảo vệ rừng cho từng nhóm hộ ở từng thôn nằm trong khu vực rừng đặc dụng. Mô hình này đã được thực hiện thí điểm tại các thôn Tân Sơn, Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân, đây là những thôn “nóng” về tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép trước đây. Cùng với đó là thực hiện việc gắn biển, đánh số cụ thể cho từng cây gỗ nghiến để giao cho các nhóm hộ quản lý.

Còn đối với lâm tặc thì lực lượng kiểm lâm quyết liệt đấu tranh một cách bài bản và có tổ chức. Bộ phận Thanh tra – Pháp chế thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về luật lâm nghiệp.

Khu vực rừng nghiến Phong Quang có địa hình hiểm trở, đường đi gian khó, ít dấu chân người, nhưng tuần nào tổ bảo vệ rừng cũng tuần tra từ 4 đến 5 lần, không cho lâm tặc có cơ hội “xẻ thịt” những cây gỗ quý. Cùng vị vậy, từ năm 2019 đến nay, không có vụ xâm phạm nào xảy ra tại khu rừng gỗ nghiến.

“Công tác bảo vệ rừng đang được đơn vị cùng các ngành chức năng phối hợp triển khai tốt nhưng để bảo vệ rừng nói chung, rừng nghiến quý Phong Quang nói riêng rất cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như mỗi người dân bởi suy cho cùng, bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ chính mình”, ông Phạm Thanh Tùng khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Giang: Dựa vào dân giữ rừng nghiến Phong Quang" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn