Mấy ngày tới, diễn ra nhiều sự kiện văn hóa truyền thống ở Xuân Lam nên Đặng Trần Phong, Bí thư Nghi Xuân muốn tạo cơ hội cho tôi tìm hiểu. Thú thực, vùng châu Hoan Châu (xứ Nghệ ngày nay) ôm vào lòng biết bao trầm tích văn hóa mà tôi chưa từng được biết đến. Đặng Văn Hoài là người sát cơ sở nhất, nên Bí thư Nghi Xuân “chọn mặt gửi vàng” giới thiệu là đúng rồi. Từ đê sông Lam về Xuân Lam không xa, Đặng Văn Hoài chỉ nhấn ga xế hộp vài lần là đến.

Khi tôi đến Xuân Lam còn được gặp Trần Đức Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, Bùi Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Thống Nhất Xuân Lam. Trần Đức Liên chính là người lặn lội, lăn lóc với công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa xã nhà nhiều nhiệm kỳ. Bùi Văn Chiến là người đang cung cấp những dịch vụ thiết yếu, đồng hành cùng bà con nông dân Xuân Lam phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Sau khi “bàn giao” tôi cho Chủ nhiệm Bùi Văn Chiến, Chủ tịch xã Đặng Văn Hoài lại lên xế hộp vù đi. Anh còn bao nhiêu việc đang chờ. “Em sẽ gặp lại anh, sau khi xong việc”, anh chỉ kịp nói thêm với tôi.
Đúng là chạm đến đất Xuân Lam là chạm đến vùng đất cổ của hai làng là Quả Phẩm và Yên Cự của đất Hoan Châu cũ. Từ năm 1945 đến nay, qua nhiều giai đoạn tách nhập địa giới, tên gọi các làng đã thay đổi, Yên Cự được đổi thành Hồng Minh, Quả Phẩm được đổi thành Hồng Lam.
Đứng giữa sân đền Thủy Quốc Linh Từ Chủ nhiệm Bùi Văn Chiến chỉ tay về phía sông Lam nói với tôi: “Đây là đất làng Chế xưa, gần bụi tre làng là chợ Quả Phẩm nức tiếng một thời”. Dứt lời, anh đọc cho tôi nghe câu ca cũ: “Nhất Kinh kỳ, nhì chợ Chế” và “Sông ùn thuyền đường ùn xe / Phồn hoa nổi tiếng nhất nhì châu Hoan”.
Thuỷ Quốc Linh Từ là nơi thờ “Thuỷ Phủ’ có niên đại hơn khoảng 800 năm, các vị thần thờ chính gắn liền với miền sông nước này và lịch sử mở mang bờ cõi Đại Việt. Theo đó, “Đức Vua Thuỷ Phủ” là vị thần đứng đầu “Thủy Phủ” trong hàng “Tứ Phủ” có công giữ nước và chiêu dân lập ấp từ buổi sơ khai, phò Vua và các tướng lĩnh đánh đuổi giặc ngoại xâm vùng đất Hoan Châu. Dân làng Chế tôn ngài “Đức Vua Thuỷ Phủ” là Thành hoàng của làng, cầu mong được Thần phù hộ che chở. Đây cũng là nơi phối thờ “Đức Vua Cha Bát hải Đồng đình” và Trần Hưng Đạo Đại Vương.
Dân làng Quả Phẩm xưa thường gọi là “Đền Chính” bởi trong vùng đất Tam Xuân (tên cũ của Xuân Lam) có rất nhiều ngôi đền thờ các vị thần khác nhau và trong dịp Lễ hội chính của đền Thủy Quốc Linh Từ, tất cả các đền trong vùng đều rước kiệu và lễ vật về tế yết tại đền thờ “Đức Vua Thuỷ Phủ”.

Theo truyền thuyết “Thuỷ Quốc Linh Từ” là nơi bàn giao công chúa Huyền Trân - con gái Vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân vào năm 1306 để đổi lấy hai châu là Châu Ô và Châu Lý (Bắc Quảng Trị đến đèo Hải Vân ngày nay). Đây cũng là nơi Ngài đã hiện thân báo mộng và giúp Lê Lợi (Vua Lê Thái Tổ) đánh tan quân Minh xâm lược ở thành Nghệ An nào năm 1425 và làm nên nghiệp đế.
Dù trải qua hàng trăm năm với rất nhiều biến động lịch sử, người dân làng Chế luôn hương khói đầy đủ, thờ cúng “Đức Vua Thuỷ Phủ” và “Đức Vua Cha Bát hải Đồng đình” và Trần Hưng Đạo Đại Vương”.
Rời Thủy quốc Linh từ nơi thờ Đức vua Thủy phủ đang được tôn tạo, nâng cấp, Bùi Văn Chiến đưa tôi đến Đền Thánh mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, cách đó không xa. Sau này tôi mới biết, hai di tích văn hóa lịch sử này đều xuất phát từ một gốc trong huyền sử.
Đền thờ Thánh mẫu được xây dựng trên mỏm núi Na - một ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh huyền bí. Bà là vợ của Lê Lợi. Bà Phạm Thị Ngọc Trân là người có công lớn chăm lo hậu cần cũng như sản xuất lương thực cung cấp cho nghĩa quân Lê Lợi. Năm 1425, Lê Lợi vây thành Nghệ An, tiến đánh thành Trào Khẩu ở Hưng Nguyên (Nghệ An), chính tại nơi đây, Hoàng hậu Ngọc Trần đã hy sinh thân mình tế thần để thần phù hộ cho nghĩa quân đánh thắng giặc. Sau khi bà mất, Vua Lê Thái Tổ cho dựng miếu thờ tại núi Na và đặt Thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế.
Khi tiếp xúc với các cụ cao niên ở Xuân Lam, tôi nghe kể rằng, vua tôi Lê Thái Tổ từng tổ chức cất bốc, đưa di hài bà về Lam Kinh, nhưng trong một đêm mối đùn không thể thực hiện được. Bà ở lại mãi mãi với non thiêng Hồng Lĩnh, cùng bà con Xuân Lam.

Các cụ cao niên kể lại rằng, qua nhiều biến thiên lịch sử, từ thời ta áp dụng “Cách mạng văn hóa” bên Trung Quốc về phá hết đình chùa, miếu mạo...nhưng rất may Đền thờ Thánh mẫu Phạm Thị Ngọc Trần được gìn giữ.
Ông Hoàng Văn Cần năm nay 76 tuổi, là cựu chiến binh, từng có mặt tiễu phỉ giúp nước bạn Lào cho biết, chính ông là thợ xây tham gia xây dựng, tôn tạo Đền Thánh Mẫu.
“Ngày xưa đất này, quê này nghèo lắm. Nay Xuân Lam đã khá lên, là xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu rồi. Chúng tôi chỉ mong Đức Thánh mẫu linh thiêng độ trì cho quê hương giàu mạnh, con cháu học hành thành đạt”, ông Hoàng Văn Cần chia sẻ với tấm lòng thành kính.
Trước khi tôi đến Đền Thánh Mẫu, Bí thư Nghi Xuân Đặng Trần Phong cho biết sắp diễn ra lễ giỗ 600 năm Hoàng hậu Ngọc Trần. “Đây là sự kiện văn hoá tâm linh quan trọng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự”, anh chia sẻ.
Khi tôi đến, mọi công tác chuẩn bị gần hoàn tất. Anh Trần Đức Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết, hằng năm, cứ vào ngày 23 đến 24 tháng 3 âm lịch, huyện Nghi Xuân lại tổ chức lễ giỗ Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần theo nghi thức cổ truyền của dân tộc nhằm tưởng niệm, tri ân công đức của bà, người có công lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Lễ giỗ năm nay được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ rước Hoàng hậu Ngọc Trần từ Đền Phạm Thị Ngọc Trần đến Đền Thuỷ Quốc Linh Từ theo nghi lễ truyền thống cùng các trò chơi dân gian, chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc trên hồ với các di sản văn hoá phi vật thể đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Định, Bắc Ninh. Anh nói thêm.
Chuỗi hoạt động lễ hội được diễn ra với tín ngưỡng thờ Mẫu, hội thi gói bánh chưng truyền thống, thi kéo co nam nữ… giữa các làng thuộc Xuân Lam. Lễ giỗ Thánh Mẫu không chỉ mang đậm bản sắc văn hoá dân gian địa phương mà còn góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, hướng về cội nguồn cho các thế hệ con cháu.
Khung cảnh Đền Thánh Mẫu linh thiêng, cây xanh phủ bóng trầm tư. Phía ngoài có tảng đá ghi dòng chữ “Chúa cả trăm vị thần”. Ngoài Đền Thánh Mẫu, Đền Thủy quốc Linh từ, Xuân Lam còn đền thờ Thái Danh Nho, chùa Kim Liên tự, Phổ Quang tự; trong đó đền Thánh Mẫu và Thái Danh Nho đã được công nhận là Di tích văn hóa cấp tỉnh. Tôi cứ ao ước, những giá trị tâm linh này ngày càng được lan tỏa.