Xe đạp ơi

Trương Thành Sơn

29/09/2022 06:16

Theo dõi trên

Bà Ngân mang cho ông Dũng bát cháo gà rồi ghé mắt đọc những dòng ông viết kể về ngày xưa hai người yêu nhau.

xe-dap-oi-1664406567.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn. Nguồn: Internet

 

Đó là năm 1978… 
Dũng đang đạp xe chở Ngân ồn ào cùng đám bạn, nàng thì thào phía sau chàng: 
- Dũng ơi, mình lạc đường đi!  
Chàng Dũng ngạc nhiên hỏi:
- Ơ, Ngân, mình đi đúng đường mà, sao lại lạc. 
Nàng Ngân khúc khích cười:
- Ông nỡm ngốc ạ, là người ta thích đi lạc. 
Ngẩn tò te một phút Dũng mới hiểu, chàng liền nói to:
- Ê, chúng mày đi trước đi, tao bị tuột xích. 
Chờ cho mấy đứa khuất khỏi chỗ đường vòng, Dũng phi luôn xe vào một lối rẽ khác. 
Hình như chỉ đợi thế, Ngân liền ôm eo Dũng, áp má vào vai chàng, vô tình khuôn ngực cứ day day vào lưng anh. Cu cậu thấy một dòng điện “cao thế” chạy từ lưng đi khắp cơ thể. Dũng như được tiếp thêm năng lượng cứ đạp phăm phăm, chẳng cần biết đang đi đâu nữa. 
Thế mà trời chẳng chiều lòng người, phía xa mây đen kịt đang kéo đến, gió mát lạnh, Dũng hỏi:
- Ngân ơi, mình đi đâu đây? Trời sắp mưa đấy! 
Ngân thì thào:
- Ứ, kệ mưa chứ, mình cứ đi, Ngân thích Dũng đưa mình đi đến cùng trời cuối đất, đi đâu cũng được. 
Mưa thật rồi, mưa xối xả, những giọt nước ném xiên vào mặt, vào người Dũng, chàng vừa đạp hối hả vừa hỏi:
- Ngân ơi, mình vào đâu đó tránh mưa nhé? 
Nàng Ngân kiên quyết:
- Không, không! 
Nói rồi cô cắn vào vai chàng cái thật đau. 
Chỉ một phút sau cả hai đã ướt như chuột lụt, nàng vẫn áp má vào vai chàng Dũng của mình, cô nhắm mắt nghĩ về ngày mai chia tay:
“Trời ơi, ngày mai anh Dũng của mình đi bộ đội và rất có thể Dũng của mình sẽ không bao giờ trở về nữa”. 
Cái áo mỏng ướt sũng hằn làn da cơ thể cô trắng ngần trong ánh chớp, nhưng trời tối nên chẳng ai thấy gì, dường như đang có lửa đốt giữa hai người nên nóng hầm hập. Ngân ngẩng đầu lên, dụi mặt vào lưng Dũng bảo:
- Anh ơi, mai anh đi rồi, Ngân sẽ buồn lắm đấy. 
Dũng đạp xe chậm lại, chàng ngơ ngẩn nghĩ:
“Ôi, đây là lần đầu Ngân gọi mình là “anh”, nàng đang buồn về mình nữa, thích quá đi thôi”. 
Đến một quán nước vắng giữa con đường hun hút, người bán hàng đã dọn hết vì mưa, Dũng dừng xe bảo:
- Ngân ơi vào đây đã. 
Ánh chớp khiến Dũng thấy rõ Ngân ướt sũng lộ tất cả những đường cong, những khe, rãnh, anh đỏ mặt quay đi, bảo:
- Em ra phía sau cởi áo vắt kiệt nước đi, Dũng canh chừng cho. 
Vậy là Dũng cũng đủ liều gọi nàng là “em”, xưng “anh”. 
Nàng “hứ” một tiếng rồi vênh cái mặt xinh lên trước ánh chớp sáng loá. Chưa bao giờ Dũng thấy Ngân xinh và dễ thương đến thế nên không kiềm chế được, Dũng ôm Ngân và vô thức lướt môi mình qua môi Ngân. 
Hình như đã đợi sẵn, nàng nhắm mắt hóng mặt lên hé môi đón nhận. Vậy là cả hai người chìm vào cõi thiên thai, đê mê vô tận của nụ hôn đầu tiên dưới ánh chớp sáng loà. Ngột thở, Ngân khẽ đẩy Dũng ra và chợt nhớ ngày mai anh lên đường rồi, cô bật khóc rồi lại kéo hôn Dũng vào tiếp. 
Nước mắt nàng lẫn với nước mưa chan hòa trên mặt hai người. Dũng luýnh quýnh hết ôm eo Ngân lại đặt tay lên hông nàng, rồi liều mạng lùa tay vào ngực Ngân. Cô cứ để chàng làm gì cũng được, nhưng kích thích quá mức, cô rên lên… 
Ngoài trời, mưa càng lúc càng to, sầm sập, mới khoảng hơn 6 giờ chiều nhưng đã tối đen. Ngân thở hào hển vào tai Dũng:
- Anh ơi, em cho anh đấy! 
Dường như đồng điệu đúng lúc chàng đưa tay vào phía dưới người Ngân, một ánh chớp sáng lòa giữa trời kèm theo tiếng sét kinh hoàng. Ngân sợ hãi ôm chặt Dũng, khi trời tối rầm trở lại người nàng bỗng mềm ra hết cả sức lực, mặc Dũng lóng ngóng cởi bỏ những thứ vướng víu… 
… Tỉnh dậy, trời đã hết mưa, Dũng vắt nước rồi mặc quần áo cho Ngân, nàng khúc khích cười khi cái quần lót lại lộn ngược ra ngoài. Lạnh, Dũng lại ôm hôn Ngân, nàng vừa cười trước đó nửa phút giờ lại khóc thút thít:
- Hu hu… mai anh đi rồi, hu hu… 
- Ừ, thanh niên ai cũng phải làm nghĩa vụ mà! 
Lặng đi một hồi Ngân nói nhỏ:
- Bây giờ phải về kẻo bố mẹ lo lắng anh ạ. 
Cái xe đạp thủng xăm từ khi nào, thế là hai người đành dắt bộ, đến nhà Ngân cách đến 3 kilomet nên cũng phải hơn 8 giờ mới tới. 
Cả nhà đứng trước cửa chờ, Dũng lí nhí chào, xin lỗi vì xe thủng xăm. Ngân bảo:
- Bố mẹ ơi, mai anh Dũng nhập ngũ, chúng con cùng các bạn chia tay ạ. 
Dũng định xin phép về luôn nhưng bố Ngân giữ lại, bảo:
- Cháu lấy quần áo của bác thay cho khỏi lạnh rồi ăn bát cơm cho ấm bụng đã Dũng ạ. 
- Dạ… vâng. 
Khi Dũng lấy xe Ngân về đến nhà thì đã gần 10 giờ, cả nhà và bà con lối xóm vẫn đang chờ để chia tay chàng trai ra trận. Mẹ Dũng rơm rớm nước mắt không nói một lời, chỉ hỏi nhỏ:
- Thế bố mẹ cái Ngân có mắng không? 
- Không mẹ ạ. 
Hôm sau Dũng nhập ngũ, xe đưa anh thẳng vào Thanh Hóa, rồi sau đợt huấn luyện, Dũng bắn đạn thật đạt 30 điểm nên được thưởng 3 ngày phép. Tiếc thay, khi anh về nhà thì Ngân lại đã nhập học Trường cao đẳng sư phạm tỉnh, nên họ chỉ được gặp nhau mấy tiếng ở một gốc cây ven đường gần trường cao đẳng sư phạm. 
Tận lúc chia tay ở bến xe, cô mới nói thầm:
- Dũng ơi, em có thai anh ạ. 
Dũng chỉ kịp nói: 
- Ôi, không kịp nữa, anh sẽ viết trong thư nhé. 
Thế rồi cái xe chạy mất hút nhòa trong nước mắt Ngân.
Trên tàu chạy về phương Nam để ra tiền tuyến biên giới Tây Nam, Dũng viết thư cho Ngân và cho bố mẹ nói hết sự tình. Nhận thư, bố Dũng liền đến gặp gia đình Ngân, hai ông bà cựu chiến binh chiến tranh chống Mỹ bàn về tương lai thế hệ bảo vệ biên giới. 
Bố Dũng lo chuyện thủ tục kết hôn vắng mặt cho đôi trẻ, bố Ngân lo xin bảo lưu kết quả học để Ngân về “chữa bệnh” mà thực chất là về sinh đẻ. 
Mãi hơn một năm sau, khi bị thương về TP HCM chữa trị xong, Dũng mới được phép tạt qua nhà mấy ngày, khi ấy Ngân đã để lại con cho bà nội nuôi, để về trường học tiếp. 
Khi Dũng bị thương, xuất ngũ trở về thì Ngân đã thành cô giáo, bé Thắng đã gần 3 tuổi. Cuộc sống rồi cũng ổn khi Dũng được về học tiếp đại học Bách khoa. 
Đó là câu chuyện tình yêu quá khứ của hai người… 
Từ ngày ông về hưu, hai ông bà mới thực sự được sống như một cặp vợ chồng son. Đỏ mặt, bà bắt ông cắt đoạn kể miên man về hai người ở cái quán nước, chưa yên tâm bà dặn:
- Em phải kiểm duyệt rồi anh mới được cho chúng nó đọc đấy nhé! 
Điện thoại ông reo lên, là thằng Thắng báo đã mua tour cho bố mẹ đi nghỉ ở Phú Quốc một tuần, nó dặn luôn em gái và em rể bố trí đưa ông bà đến sân bay. 
Ông Dũng quay nhìn cái xe đạp ngày xưa giờ được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà,  nói đùa:
- Em ơi, mình đi lạc nhé? 
Bà Ngân cười, dứ nắm đấm dọa ông. 
Cuộc sống an bình để ông bà hưởng thụ bù lại những hy sinh thời trẻ.

Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Xe đạp ơi" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn