Tuy nhiên, để đạt được điều này, văn hóa ứng xử đóng vai trò cốt lõi, bởi nó không chỉ phản ánh giá trị cốt lõi của một ngôi trường mà còn là "chìa khóa mở ra sự hài hòa", tôn trọng và hợp tác trong mọi hoạt động giáo dục. Văn hóa ứng xử không chỉ giúp giảm thiểu xung đột mà còn là cầu nối để tạo dựng niềm tin, sự gắn bó giữa cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh, hướng tới xây dựng một cộng đồng giáo dục tích cực.
Hơn thế nữa, văn hóa ứng xử góp phần hiện thực hóa mục tiêu lớn hơn - xây dựng một môi trường "Trường học hạnh phúc", nơi mỗi cá nhân đều được lắng nghe, thấu hiểu và phát triển. Đây chính là nền tảng để không chỉ thúc đẩy hiệu quả giáo dục mà còn lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng. Vậy, làm thế nào để thiết lập văn hóa ứng xử tích cực và hiệu quả trong nhà trường? Các giải pháp nào sẽ giúp gắn kết toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh để cùng hướng đến mục tiêu chung?
Các giải pháp xây dựng văn hóa nhà trường tại Trường TH Tân Sơn Nhì trong thời gian qua đó là đã tạo dựng được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ quản lý. Nhà trường đã hiểu rõ tầm quan trọng của sự đoàn kết và phối hợp giữa các thành viên trong Ban Giám hiệu chính là yếu tố then chốt tạo nên tạo nên môi trường lãnh đạo hiệu quả. Do đó, Ban Giám hiệu luôn tôn trọng ý kiến lẫn nhau và minh bạch trong phân công công việc; Đối thoại tích cực trên tinh thần xây dựng; Phối hợp nhau trong công việc để đạt được hiệu quả cao nhất; Gương mẫu trong lời nói, việc làm để là hình mẫu cho giáo viên và học sinh noi theo, góp phần tạo dựng môi trường học đường văn minh.
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng sự gắn kết giữa cán bộ quản lý và giáo viên. Những nhà quản lý, nhà trường đã quan tâm xây dựng mối quan hệ bền vững giữa Ban Giám hiệu và giáo viên trên cơ sở sự đồng cảm và hỗ trợ. Luôn lắng nghe và tạo cơ hội cho giáo viên được chia sẻ; Khích lệ, động viên và hỗ trợ chuyên môn thông qua việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, mời chuyên gia tập huấn, và xây dựng môi trường trường học hạnh phúc, nơi giáo viên và học sinh đều cảm nhận được niềm vui làm việc và học tập.
Song song, nhà trường đã thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong đội ngũ giáo viên. Giáo viên là lực lượng cốt lõi xây dựng văn hóa học đường, trong đó tinh thần đoàn kết và hợp tác đóng vai trò chủ đạo, như: Tôn trọng đồng nghiệp; Hỗ trợ lẫn nhau; Gắn kết tập thể; Tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt tập thể để xây dựng mối quan hệ gắn bó, thân thiện giữa các giáo viên.
Thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa giáo viên và cha mẹ học sinh thông qua các buổi họp, nhà trường công khai số điện thoại liên lạc của giáo viên chủ nhiệm, của văn phòng nhà trường để tiện việc cha mẹ học sinh liên lạc trao đổi khi cần thiết. Nhà trường xác định mối quan hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, giữa giáo viên chủ nhiệm với cha mẹ học sinh là mối quan hệ đối tác vì sự phát triển của học sinh. Vì thế, Ban Giám hiệu thường xuyên quán triệt giáo viên như: Cần cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh qua các kênh liên lạc như nhóm Zalo lớp, phần mềm LMS 360 Elearning. Hợp tác hai chiều, giáo viên chủ động trao đổi trực tiếp với cha mẹ học sinh về những học sinh cần quan tâm đặc biệt, khuyến khích tìm giải pháp thay vì chỉ trích hoặc đổ lỗi. Đồng thời, cha mẹ học sinh cũng mạnh dạn trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của con em mình.
Bên cạnh đó là việc xây dựng mối quan hệ thấu hiểu giữa giáo viên và học sinh. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng văn hóa học đường.
Thấu hiểu và yêu thương, giáo viên đặt mình vào vị trí của học sinh, sử dụng ngôn ngữ tích cực và tránh làm tổn thương lòng tự trọng của học sinh; Công bằng và làm gương, giáo viên đối xử công bằng, không phân biệt đối xử và trở thành hình mẫu về cách ứng xử văn minh; Tạo không gian chia sẻ, tổ chức “Hộp thư vui” hoặc “Điều em muốn nói” trong lớp để học sinh có thể bày tỏ ý kiến và cảm xúc. Thúc đẩy kết nối giữa Ban Giám hiệu với học sinh và phụ huynh. Ban Giám hiệu đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng văn hóa ứng xử học đường: Kênh liên lạc trực tiếp và công nghệ, tạo điều kiện để học sinh và cha mẹ học sinh trao đổi qua các kênh như email, hộp thư trực tuyến, hoặc phần mềm số hóa. Ngay từ buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm, nhà trường đã có buổi tọa đàm trao đổi trực tiếp với cha mẹ học sinh, thông tin đến cha mẹ học sinh địa chỉ email của cán bộ quản lý để cha mẹ học sinh có thể trao đổi thông tin bất cứ lúc nào. Đối với học sinh, nhà trường tạo một hộp thư "Điều em muốn nói", mở thường xuyên trên máy tính của thư viện để học sinh có thể vào đó, gửi tin nhắn đến Ban Giám hiệu.
Nhà trường cũng đã đẩy mạnh công nghệ vào việc xây dựng văn hóa học đường, giúp học sinh mọi lúc, mọi nơi, tự tin trao đổi những tâm tư, nguyện vọng của bản thân mà không cần nói với ai.
Có thể khẳng định, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Một môi trường giáo dục tích cực sẽ tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy tối đa tiềm năng, đồng thời góp phần hình thành những giá trị nhân văn sâu sắc. “Giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà còn là dạy người - và văn hóa ứng xử chính là cốt lõi của hành trình đó”.