
Lễ hội Cầu ngư là nghi thức truyền thống của cư dân vùng biển. Từ xa xưa, vào dịp đầu xuân, nhân dân thường tổ chức lễ hội cầu ngư kết hợp với cầu yên, cầu tài để mong sự an lành, may mắn và thành công. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa tín ngưỡng của người dân, Lễ hội Cầu ngư năm 2025 với mục đích phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cầu mong năm mới với nhiều thắng lợi mới, mọi nhà ấm no, hạnh phúc; mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, khai thác hải sản được nhiều cá tôm. Đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa giữa các xã trong huyện, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, quảng bá và thu hút khách thập phương về với quê hương Ngọc Bích.

Lễ hội là nơi giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, là dịp để Đảng bộ, chính quyền địa phương tổ chức cho nhân dân được vui chơi, thụ hưởng các giá trị văn hóa dịp đầu xuân, tạo hứng khởi cho một năm lao động, sản xuất mới.
Lễ hội cầu ngư gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ với các nghi lễ truyền thống như: Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ cầu ngư - lễ Đại tế, Lễ tạ, Lễ cầu yên, Lễ thả hoa… thể hiện lòng thành kính, tri ân của người dân đến các vị chư thần và kính thỉnh các chư thần phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, quê hương thanh bình, phát triển. Trong lễ thả hoa trên sông Bùng nối Cảng cá Đông Lộc với cửa biển Lạch Vạn, ngư dân trên 9 tàu thuyền tham gia rước lễ đã thực hiện nghi thức “nhúng giã” với ý nghĩa khai mở cửa biển, đánh dấu mùa khai thác hải sản của ngư dân; cầu mong luồng lạch luôn khơi thông, ngư dân ra khơi, vào lộng được thuận lợi, bình an, những chuyến đi biển khai thác được nhiều tôm cá, mùa màng bội thu.

Phần hội với các nghi thức rước kiệu, múa lân sư rồng, lễ rước nhúng giã, rước hoa, rước vật phẩm tế lễ… với sự tham gia của hàng ngàn người dân nghênh kiệu, tế nam quan, nữ quan, bát âm, dâng hương hoa, đồ tế lễ, kéo trống… trên đoạn đường gần 1km từ đền Cả sang cảng cá Đông Lộc. Tại phần hội, các trò chơi dân gian như: Kéo co, bịt mắt bắt vịt… mang tính cộng đồng, thu hút nhiều người tham gia cũng được tổ chức.
Đặc biệt, phần thi đan lưới giã với sự tham gia của 4 đội chơi đã tái hiện sự hình thành, phát triển gần 100 năm qua của nghề sản xuất ngư lưới cụ của cư dân làng biển được tổ chức thu hút đông đảo người dân reo hò, cổ vũ.
Trong khuôn khổ lễ hội, chính quyền địa phương cũng trưng bày tranh ảnh giới thiệu về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa và các gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương; tổ chức giao lưu văn nghệ giữa 18 xóm trên địa bàn.

Bà Hồ Thị Lan, xóm Hải Nam, xã Ngọc Bích chia sẻ, đây là lần thứ 5 bà tham gia lễ hội. Mỗi lần tham gia lễ cầu ngư, bà cảm thấy an yên, phấn khởi và tin tưởng năm mới gia đình sẽ ấm no hơn nhờ nghề khai thác hải sản.
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích nhấn mạnh, trong lịch sử phát triển xã Ngọc Bích đã ghi nhận về một thời phát triển rực rỡ đời sống văn hóa vùng biển, trong đó có tín ngưỡng tâm linh gắn với sinh hoạt, sản xuất của nhân dân cùng các lễ hội. Địa phương có 2 di tích văn hóa cấp tỉnh là đền Thiện (còn gọi là Tuần Thiện Đàn) và Quan Lớn Bùng. Riêng di tích đền Cả đã được nhiều đời vua ban sắc phong, gồm: “Bản cảnh thành hoàng trung dũng chi thần” (Vua Thành Thái năm thứ 2 - 1890); “Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ vị Thánh Nương” (Vua Duy Tân năm thứ 3 - 1909); “Đại càn Quốc gia Nam hải Tứ Vị Thánh Nương” và “Bản cảnh Thành hoàng Trung dũng Hồng an” (Vua Khải Định năm thứ 9 - 1924)”.

Đền Cả là không gian thiêng thờ cúng các vị có công với nước, với dân, thờ Thành hoàng; đồng thời là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã xưa gắn với các lễ hội vùng biển, đặc biệt là lễ hội cầu ngư đầu năm.
Thành công của Lễ hội Cầu ngư năm 2025 là tiền đề để địa phương xây dựng thành lễ hội truyền thống đặc trưng vùng biển của huyện; là cơ sở để đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng đền Cả là di tích lịch sử văn hóa. Thông qua lễ hội huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, phát huy tính sáng tạo, đoàn kết khắc phục khó khăn trong lao động, xây dựng các cộng đồng nghiệp đoàn, doanh nghiệp ngày càng phát triển, phấn đấu đưa địa phương ngày càng ấm no, giàu mạnh.