
Suốt gần 40 năm miệt mài, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô, đã nỗ lực khôi phục điệu hát truyền thống quê hương. Từ chỗ chỉ vang lên trong những lễ hội làng theo khuôn thức nghiêm ngặt, hát Dô giờ đây trở thành điệu hát quen thuộc của người dân Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội), trở thành phần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan về hành trình hồi sinh và lan tỏa di sản độc đáo này.

PV: Thưa bà, nghệ thuật hát Dô quan trọng như thế nào đến văn hoá của người dân xã Liệp Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội?
NNND Nguyễn Thị Lan: Hát Dô có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa của quê hương chúng tôi. Theo truyền thuyết, khi Thánh Tản Viên du xuân, Ngài đã ghé qua vùng đất này và nhận thấy đất đai phì nhiêu nhưng dân cư thưa thớt. Ngài đã quyết định ngự tại đây, dạy cho dân làng cách trồng trọt, chăm sóc ruộng vườn, và sống hòa hợp với thiên nhiên. Cứ 36 năm một lần, khi lễ hội được tổ chức, hát Dô lại vang lên, như một nghi thức cầu nguyện, một lời tri ân gửi đến Thánh Tản Viên. Người hát được chọn rất kỹ, phải làm nam thanh, nữ tú, lai lịch sạch sẽ.
Hát Dô không chỉ là một phần của lễ hội, mà còn là một phần trong nhịp sống của người dân nơi đây. Mỗi làn điệu đều mang đậm hình ảnh cuộc sống đời thường: làm ruộng, chợ búa, yêu đương, và cả những giá trị văn hóa truyền thống. Một ví dụ, khi đôi lứa đến tuổi yêu đương, bài hát có đoạn: Quạt này có 16 chương/Ở giữa phiến giấy tư lương căng màu/Có nắng thì che lên đầu/Có nực thì quạt đi đâu thì cầm/Ra đường gặp khách tri âm/Lấy quạt che miệng nói thầm cùng nhau.
Còn khi đến tuổi kết hôn, hát Dô lại có đoạn: Trầu xanh cau trắng nên duyên/Trăm năm nguyện giữ lời nguyền sắt son
Những lời ca này phản ánh mọi mặt của cuộc sống, từ những công việc hàng ngày đến những tình cảm thiêng liêng, từ những khó khăn đến những ước mơ, hy vọng trong cuộc sống. Với chúng tôi, hát Dô không chỉ là một di sản văn hóa, mà còn là linh hồn gắn kết mọi thế hệ của quê hương Liệp Nghĩa.

PV: Hát Dô có những đặc điểm gì khác biệt so với các thể loại âm nhạc truyền thống khác, theo bà?
NNND Nguyễn Thị Lan: Hát Dô khác biệt với các thể loại âm nhạc truyền thống khác ở cả giai điệu và nội dung. Nó đặc trưng ở việc kết hợp hát và múa, với các bài hát mô tả công việc như: Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải,... Bên cạnh đó, hát Dô còn có những bài hát về tình yêu, về hội hè, với những biểu tượng như: Quạt, khăn đỏ, túi cam,... mang đậm nét văn hóa dân gian. Điều đặc biệt là giai điệu và cách hát của Dô hoàn toàn khác biệt với Chèo hay Tuồng, hay các thể loại âm nhạc khác. Mỗi thể loại đều có bản sắc riêng, không thể lẫn lộn.

PV: Hát Dô vốn là điệu hát truyền thống của bà con xã Liệp Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội, gắn liền với lễ hội đền Khánh Xuân. Vì sao làn điệu này lại có thời kỳ bị “thất truyền”, thưa bà?
NNND Nguyễn Thị Lan: Hát Dô gắn liền với lễ hội đền Khánh Xuân, và theo lệ làng, cứ 36 năm lễ hội mới được tổ chức một lần. Chính vì thế, hát Dô chỉ được cất lên một lần sau mỗi chu kỳ 36 năm.
Trước mỗi kỳ hội, đền Khánh Xuân mở cửa để dân làng làm lễ xin Thánh cho phép mở sách hát, tuyển chọn người tập luyện. Sau hội, toàn bộ sách vở, đạo cụ múa hát đều được cất kỹ vào tráp, không ai được phép nhắc tới nữa. 36 năm sau, khi mở hội mới, người dân lại tập lại từ đầu. Nếu hát Dô không đúng dịp lễ, theo quan niệm dân gian, sẽ bị Thánh phạt dẫn đến câm hoặc điếc. Vì thế, từ lâu, người dân Liệp Nghĩa xem đó như một “lời nguyền” thiêng liêng, không ai dám phạm phải.
Năm 1926 là lần cuối cùng hội đền Khánh Xuân được tổ chức, cũng là lần cuối cùng làn điệu hát Dô được cất lên. Sau đó, do chiến tranh nên lễ hội gián đoạn, cuốn sách cổ về hát Dô dùng để thờ Thánh cũng bị thất lạc. Người biết hát ngày càng thưa vắng, khiến làn điệu gần như chìm vào quên lãng.


PV: Khi hát Dô dần biến mất, bà đã khôi phục lại làn điệu này như thế nào?
NNND Nguyễn Thị Lan: Năm 1989, khi tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa), tôi không thể đứng nhìn di sản quê hương lụi tàn. Chính vì vậy, tôi quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi do cổ tục truyền lại để khôi phục điệu hát Dô truyền thống.

Ban đầu, tôi bắt đầu tìm lại những người cao tuổi trong làng còn nhớ điệu hát này để học. Tôi đã được ba cụ: Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận và Đàm Thị Điều – những người từng tham gia hát tại hội đền Khánh Xuân năm 1926, truyền lại những bài hát Dô cổ. Trong đó, người tôi ấn tượng nhất là cụ Đàm Thị Điều. Sau khi dạy tôi các bài hát, cụ Điều đã dặn dò tôi phải bảo quản và gìn giữ cẩn thận vì đây là di sản quý giá của ông cha để lại. Không lâu sau đó, cụ qua đời. Tôi tin rằng cụ đã giao lại cho tôi di sản này với niềm tin tuyệt đối, và điều đó càng tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong hành trình của mình.
PV: Khi mới bắt đầu khôi phục lại điệu hát gắn liền với cổ tục, mà nhiều người e sợ, bà gặp phải khó khăn gì và vượt qua nó ra sao?
NNND Nguyễn Thị Lan: Trong hành trình khôi phục hát Dô, tôi đã nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng tôi cảm nhận hát Dô như một duyên nợ gắn liền với cuộc đời mình.
Khi có được bản chép các làn điệu hát Dô, tôi bắt đầu vận động thanh thiếu niên và gia đình để các cháu tham gia học hát. Tuy nhiên, ban đầu, nhiều người vẫn còn e ngại và thậm chí phản đối do quan niệm truyền thống đã ăn sâu trong tâm thức. Họ lo ngại rằng nếu hát Dô ngoài dịp lễ hội sẽ bị Thánh quở phạt. Nhiều người còn bảo tôi: "Vác tù và hàng tổng", khiến tôi có lúc băn khoăn, tự hỏi liệu mình có đang đi đúng hướng hay không.
Những lúc ấy, nhớ lại lời cụ Điều dặn trước khi mất, và kể từ khi tiếp xúc với hát Dô, trong đầu tôi luôn văng vẳng những làn điệu này, tôi càng tin rằng mình phải nỗ lực để bảo tồn truyền thống quý báu ấy.
Dần dần, khi thấy tôi kiên trì học và hát mà không gặp điều gì xấu, mọi người bắt đầu tin tưởng và tham gia. Họ nhận ra rằng việc duy trì và bảo tồn truyền thống này không có gì sai trái. Và rồi, số người tham gia học hát Dô ngày càng đông, đặc biệt là các bạn trẻ. Đến nay, tôi đã dạy cho tổng số là 1.685 cháu. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui vì có thể góp phần giữ gìn một phần văn hóa quý báu của quê hương mình.
PV: Hát Dô hiện nay đã tiếp cận được nhiều bạn trẻ. Trong quá trình dạy các bạn, bà nhận thấy những cảm nhận và ấn tượng gì của người trẻ về nghệ thuật hát Dô?
NNND Nguyễn Thị Lan: Ban đầu, các bạn trẻ không mấy hứng thú với hát Dô, chúng thường thích những dòng nhạc hiện đại hơn. Thấy vậy, tôi cũng cảm thấy buồn vì chúng chưa thể tìm thấy sự hấp dẫn trong những làn điệu cổ này. Tuy nhiên, tôi không bỏ cuộc mà kiên trì động viên, hướng dẫn các cháu từng chút một để chúng dần hiểu và cảm nhận được vẻ đẹp của hát Dô.
Một lần, tôi hỏi các cháu: “Các con thích bài hát nào nhất?”. Một cháu 16 tuổi đáp rằng cháu thích bài hát về tình yêu, đặc biệt là đoạn: “Là đêm là mùa đông, giữa thiếp mà còn không đợi chàng”. Một cháu khác lại yêu thích bài hát về chiếc quạt, với lời: “Quạt này có 16 chương/Ở giữa phiến giấy tư lương căng màu/Có nắng thì che lên đầu/Có nực thì quạt đi đâu thì cầm/Ra đường gặp khách tri âm/Lấy quạt che miệng nói thầm cùng nhau.” Còn một cháu khác lại thích câu hát về mùa hè: “Tháng giêng lấy tiết làm đầu...kêu trâu.”
Nghe các cháu chia sẻ như vậy, tôi thật sự vui mừng, vì thấy chúng đã bắt đầu hiểu và yêu mến những làn điệu hát Dô. Điều đó chứng tỏ chúng đã tiếp thu được những gì tôi truyền đạt và dần dần đi theo con đường tôi chỉ dẫn. Đó là một niềm vui lớn đối với tôi, vì tôi biết mình đã thành công trong việc giúp các cháu cảm nhận và gìn giữ nghệ thuật truyền thống này.

PV: Kể từ khi bắt đầu hành trình khôi phục hát Dô đến nay, bà cảm nhận được làn điệu này đã có những thay đổi tích cực thế nào?
NNND Nguyễn Thị Lan: Kể từ khi CLB hát Dô xã Liệp Tuyết (nay là xã Liệp Nghĩa) được thành lập vào năm 1990, chúng tôi đã quyết tâm phục hồi và gìn giữ làn điệu hát Dô cổ truyền. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, đến nay, hát Dô không còn là một di sản bị lãng quên nữa. Mỗi dịp xuân về, ngôi đền Khánh Xuân lại tổ chức hội hát Dô, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Hiện tại, CLB đã có hơn 1.000 thành viên, trong đó có 35 em nhỏ từ 11 đến 16 tuổi tham gia thường xuyên. Hát Dô không chỉ giới hạn trong xã nữa, mà đã được trình diễn ở nhiều nơi như Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các tỉnh thành khác. Đặc biệt, chúng tôi còn đưa hát Dô ra thế giới qua các chuyến biểu diễn tại Malaysia (2008) và Philippines (2010).
Năm 2003, CLB hát Dô xã Liệp Tuyết được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là địa chỉ văn nghệ dân gian. Và đến năm 2024, nghệ thuật hát Dô của xã Liệp Nghĩa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một niềm vinh dự lớn đối với chúng tôi.
PV: Để nghệ thuật truyền thống có thể duy trì và phát triển, vai trò của lớp trẻ là vô cùng quan trọng. Vậy bà đã khơi dậy tình yêu và đào tạo thế hệ trẻ theo nghệ thuật hát Dô như thế nào?
NNND Nguyễn Thị Lan: Để khơi dậy tình yêu và đào tạo thế hệ trẻ theo nghệ thuật hát Dô, tôi bắt đầu bằng việc động viên các em, tạo cho các em một không gian thoải mái để học. Tôi in sẵn các bài hát để các em tham khảo, rồi từng bước đưa các em vào quy trình học. Ban đầu, chúng tôi tập hát thuộc, sau đó là kết hợp múa tay, chân và hát sao cho đồng bộ, thật nhuần nhuyễn. Quá trình này không thể vội vàng, các em cần thời gian để thấm nhuần và dần dần hoàn thiện. Tôi cũng chú trọng đến việc các em không bị gò bó, mà được tự do thể hiện đam mê và cảm xúc trong mỗi bài hát.
Khi các em đã thuần thục các động tác và kỹ năng, tôi mới cho các em biểu diễn. Và để các em luôn duy trì sự nhiệt huyết, tôi luôn động viên, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, như là chuẩn bị đồ ăn nhẹ khi các em mệt hoặc tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong suốt buổi tập. Quan trọng là để các em cảm thấy yêu thích và thoải mái với nghệ thuật này.
Và cho đến bây giờ, các em không chỉ hát ở các sự kiện trong xã mà còn được mời biểu diễn ở những chương trình lớn ở các tỉnh trong nước. Sự nhiệt tình và tiến bộ của các em chính là minh chứng rõ nhất cho việc nghệ thuật hát Dô đang được thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy.
PV: Là người dành gần 4 thập kỷ để khôi phục, gìn giữ và lan tỏa hát Dô, bà có gửi gắm gì đến thế hệ trẻ trong việc bảo tồn nghệ thuật văn hoá truyền thống nói chung và làn điệu hát Dô nói riêng?
NNND Nguyễn Thị Lan: Trong bối cảnh hiện đại, khi mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị lãng quên, tôi luôn nghĩ rằng nếu chúng ta không nắm lấy mọi cơ hội để gìn giữ, thì một ngày nào đó, hát Dô sẽ chỉ còn là một ký ức mờ nhạt. Hát Dô không chỉ là một làn điệu dân ca, mà phản ánh văn hóa của cả cộng đồng. Vì vậy, tôi mong thế hệ trẻ không chỉ biết hát, mà còn thấm nhuần và hiểu sâu sắc giá trị của từng câu hát, từng điệu múa, để có thể lan tỏa và giữ gìn nó cho những thế hệ sau.

Ngoài sự nỗ lực của các thành viên trong CLB, muốn làn điệu hát Dô được bảo tồn, phát huy, nhân rộng hơn nữa thì rất cần sự chung tay, quan tâm của chính quyền địa phương, cũng như sự đóng góp của cộng đồng và các cá nhân.