Ông Bùi Hồng Đô (ảnh trên) – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ: Đây là một trong những hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, chào mừng kỷ niệm 60 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đồng Đậu (1962-2022) và ngày di sản văn hóa Việt nam (23/11).
Di chỉ Đồng Đậu thuộc thôn Đông Hai, xã Minh Tân (nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) được phát hiện vào tháng 2 năm 1962, đén nay đã tròn 60 năm. Qua 7 lần khai quật, thám sát tại đây, cùng nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định: Những di cốt người cổ tìm thấy ở Đồng Đậu được xác định có niên đại bằng phương pháp các bon phóng xạ (C14) cho thấy lớp sớm nhất ở Đồng Đậu có niên đại 3.500 năm trở về trước. Với 4 giai đoạn văn hoá khảo cổ cùng có mặt trên một di chỉ, diễn biến phát triển liên tục, thể hiện một qúa trình định cư ổn định, lâu dài của cư dân Việt cổ để hình thành nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc- Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương. Di chỉ Đồng Đậu cùng với hệ thống di tích khảo cổ khác ở Yên Lạc và tỉnh Vĩnh Phúc là từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn đã đưa quá trình mở đầu giai đoạn Hùng Vương dựng nước từ huyền thoại vào chính sử
Hiện vật thu lượm được qua các lần khai quật ở Đồng Đậu vô cùng phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, đủ loại chất liệu đá, gốm, xương, đồng cho thấy Đồng Đậu. Đây chính là giá trị lớn nhất của di tích khảo cổ học Đồng Đậu, không riêng cho Vĩnh Phúc mà của cả Việt Nam và vùng Đông Nam Á. Đó là những bằng chứng vô cùng quý giá để tìm hiểu về phong tục, tập quán và đặc biệt là thành phần nhân chủng của người Việt cổ trên lưu vực sông Hồng. Phát hiện di cốt người cổ ở Đồng Đậu sẽ đóng góp vào những tư liệu khoa học làm sáng tỏ dần vấn đề “Nguồn gốc người Việt” mà nhiều nhà khoa học còn đang gắng công tìm tòi, nghiên cứu.
Từ di tích Đồng Đậu, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, đặc biệt một lần nữa chúng ta có thể khẳng định: Tại đây, trong tiến trình lịch sử của dân tộc, từ miền núi tiến về đồng bằng, từ du canh, du cư đến định canh, định cư, người Việt cổ đã dừng lại ở Đồng Đậu, định cư liên tục suốt hai thiên niên kỷ và tạo lập ra đồng bằng Bắc bộ mà Tam Đái (Yên Lạc) là trung tâm. Từ Đông Đậu, họ đã tạo nên nền văn minh sông Hồng, văn minh lúa nước hết sức rực rỡ trong tiến trình từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn, hình thành nên quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước.
Với gần 500 hiện vật, tài liệu, hình ảnh khai thác từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Viện khảo cổ học Việt Nam được trưng bày khoa học, chân thực, thẩm mỹ và sinh động, trưng bày đã nêu bật những giá trị đặc sắc, sự hội tụ và sự lan tỏa của di tích Đồng Đậu trong sự hình thành và phát triển của nền văn minh sông Hồng trong buổi đầu dựng nước của dân tộc.
Thông qua trưng bày để tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử và những di sản văn hóa quý báu trên quê hương, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản, xây dựng nền văn hóa Việt.