Vĩnh Phúc: Đền Phú Đa - Công trình nghệ thuật độc đáo ở huyện Vĩnh Tường

GS.TS. Bùi Quang Thanh

04/12/2022 06:30

Theo dõi trên

Sau đây là tham luận của  GS.TS. Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam “Đền phú đa - Công trình nghệ thuật độc đáo ở huyện vĩnh tường” tổ chức ngày 22/08/2022, nhân kỷ niệm “ 200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)”.

den-da-phu-da-vinh-tuong-1669724730.jfif
Đền đá Phú Đa, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường

Có lẽ, ở Việt Nam, cho đến nay, thật hiếm có một công trình nghệ thuật nào của tư nhân, do tư nhân dựng nên cho mình, lại trở thành di sản văn hóa độc đáo, góp phần làm nổi danh cho một địa phương như ngôi đền Phú Đa trên đất Vĩnh Tường từ gần ba trăm năm trước !
Tọa lạc liền kề ngay triền đê sông Hồng, trên dẻo đất nhô cao hình mai rùa nổi lên giữa cánh đồng chiêm trũng ba bề nước quay mênh mông như hồ nước lớn thuộc xứ Đồng Giếng, trước đây thuộc xã Phú Hoa, tổng Tang Thác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền Phú Đa vốn mang tên dân gian là Đền Quan Thị hay Đền Đá, có lai lịch khá độc đáo, gắn với tên tuổi của danh tướng Nguyễn Danh Thường (có tài liệu ghi chép là Nguyễn Danh Thưởng) quen thuộc của vùng đất Vĩnh Tường.
Theo hồ sơ di tích đền Phú Đa trong đó có lý lịch đền Phú Đa (chủ yếu sử dụng nguồn tư liệu được ghi chép theo lời kể của các bậc cao niên trong dòng họ Nguyễn Danh các đời trước đó truyền lại) hiện đang lưu trữ tại Ban quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, thân thế và sự nghiệp của danh tướng Nguyễn Danh Thường/còn gọi là Nguyễn Danh Thưởng, được thể hiện khá ngắn gọn và khái quát. Truyền rằng, cụ Nguyễn Danh Thường vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông, nghèo khó. Là một cậu bé khôi ngô, thông minh, tháo vát, giỏi giang việc nhà, lại có tài ứng đối,tư chất hơn người Nguyễn Danh Thường luôn được mọi người quý mến. Cũng vì thế mà, tuy còn nhỏ, nhưng cậu bé Nguyễn Danh Thường đã trong một cuộc thả diều trên cánh đồng làng, may mắn được một vị quan Thượng thư bắt gặp, ưng mắt và nhận làm con nuôi, cho theo về Thăng Long, vào cung vua để học hành cùng con nhà quyền quý. Nhờ môi trường nuôi dạy trong cung vua phủ chúa Lê – Trịnh, Nguyễn Danh Thường đã học hành hanh thông, luyện tài văn võ, đỗ Tiến sĩ, được thăng quan tiến chức và vua chúa tin yêu quý mến.Đã nhiều lần, ông được triều đình Lê – Trịnh giao trọng trách mang quân đi dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, lần nào ông cũng hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao. Để ghi nhận công trạng của ông, Triều đình đã phong cho ông tước Thái Bảo Lãng Phương Hầu, phong chức Tham mưu quân Đô đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thành, trấn thủ cả một vùng rộng lớn từ Sơn Tây đến Thái Nguyên. Theo lời dân làng Phú Đa truyền lại cho con cháu: Thời đương nhiệm, cụ Nguyễn Danh Thường dù bận bịu với việc đang làm quan to trong triều,vẫn thường xuyên quan tâm đến dân làng Phú Đa. Cụ nhiều lần đã bỏ tiền mua đất ruộng, cấp cho người nghèo, cấp tiền cho dân làng mua trâu bò và dụng cụ sản xuất, mua cấp điền thổ để làm thủy lợi phục vụ nông nghiệp và mua cấp đất để mở chợ cho cả làng. Ngoài ra, cụ còn đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe cho người già và dạy dỗ lớp trẻ. Dân làng còn truyền cho nhau biết những cánh ruộng do cụ Danh Thường cấp cho người già để lấy tiền mua mũ áo cho các bậc cao niên, khoảnh ruộng “học điền” để gieo cấy, lấy tiền tạo nguồn kinh phí trả công cho các thày đồ dạy học cho con em trong làng, khoảnh ruộng “bút chì” để có nguồn mua giấy bút  cho con em đi học…
Là vị đương nhiệm chức quan to của triều đình, cụ Nguyễn Danh Thường đã sớm lo cho chặng cuối tuổi già của mình, không muốn mai này phiền lụy dân làng, cụ đã cấp tiền của cho bề tôi chăm lo xây dựng dinh cơ lớn trên mảnh đất cố hương, trong đó dành riêng khoảnh đất dựng lên một ngôi sinh từ, những muốn làm nơi thờ tự chính mình sau khi khuất núi. Toàn bộ khu dinh thự khổng lồ đó do thời gian và sự tàn phá của chiến tranh cũng như con người, hiện chỉ còn ngôi đền được làm bằng đá xanh và gỗ lim bền vững, để lại cho con cháu Phú Đa một kiệt tác nghệ thuật có nhiều giá trị văn hóa. Viếng thăm di tích đền đá hiện nay, dễ dàng nhận ra vết tích của chiến tranh còn đọng lại dấu tích cụt đầu của con nghê đá trên trụ cổng bên phải của đền. Mảng tường đá ong phía đầu đốc của đền còn găm lỗ chỗ những vết đạn sâu hoắm. Kề hai bên lối đi vào đền còn dấu vết tượng võ sĩ bằng đá bị cụt đầu, mới được phục dựng bồi đắp bằng xi măng phủ màu rêu xám…
Đền Phú Đa theo tư liệu hồi cố của các bậc cao niên được ghi chép lại trong hồ sơ di tích, được khởi dựng vào triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) niên hiệu Cảnh Hưng, trên diện tích mặt bằng 3 mẫu đất. Theo truyền ngôn, dinh cơ của Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường đã được dày công xây dựng trong khoảng thời gian rất dài. Riêng khu sinh từ tọa lạc từ Cổng đền là nơi thấp nhất đến Từ đường là nơi cao nhất được triển khai xây dựng công phu, tốn kém ngót 40 năm trời mới hoàn thiện.Đền tọa hướng đông nam, với 3 tòa kiến trúc (Cổng đền, Đại bái và Từ đường), làm hình chữ tam (tính từ cổng vào) bằng vật liệu đá xanh và gỗ lim, được đích thân cụ Danh Thường vào xem lựa và lấy từ mạn núi Nhồi Thanh Hóa, kéo ngược sông Hồng dồn về. Giữa khoảng không gian thoáng rộng được tôn tạo nền đất có móng cực kỳ đảm bảo cho sự hiện diện của đền, bất chấp lũ lụt ven sông. Cấu trúc đền bao gồm 2 trụ đá lớn phía trước cổng đền, tiếp đến là cổng đền, qua một khoảng sân rộng có 2 hàng tượng võ sĩ và voi ngựa bằng đá chầu 2 bên (với kích thước còn lớn hơn các tượng đá chầu ở sân Lăng Khải Định của Cung đình Huế), tiếp đến là tòa đại bái và tòa hậu cung. Trong tòa đại bái có 10 bia đá được chạm khắc chữ Hán dày đặc kín mặt mỗi tấm bia, vẫn còn nguyên đường nét sắc sảo, hai bên là hai tượng võ sĩ bằng đá xanh đứng gác. Có tượng 2 vị thư lại bằng đá xanh ngồi quỳ 2 bên phía trước cửa giữa của tòa hậu cung. Trong tòa hậu cung có 5 ngai thờ chia thành 2 hàng, 1 sập đá đặt trước ngai thờ. Hệ thống cột gỗ lim to vẫn còn nguyên vẹn đứng sừng sững uy nghi; các cặp sư tử đá, rồng đá, chó đá… được bố trí ở các vị trí hai bên của cổng đền và tòa Đại bái, chưa hề có dấu hiệu bị ảnh hưởng gì của thời gian trong gần 300 năm qua. Đi cùng với kiến trúc độc đáo trên là hệ thống các cấu kiện gỗ như: xà, kẻ hiên, thậm chí cả các cấu kiện vốn là nơi thường được người nghệ nhân dân gian thể hiện bằng bàn tay tài hoa như: ván nong, ván gió, y môn, cửa võng cũng đều được bào trơn, đóng bén, soi gờ kẻ chỉ đơn giản, liên kết mộng sàn chặt chẽ. Nhiều nghệ nhân danh tiếng về nghề mộc từ các vùng quê đã được trưng tập. Là đại công trình nằm trên thế đất ven sông luôn thường trực với mưa bão, lũ lụt, do vậy, cụ Nguyễn Danh Thường đã thể hiện sự chú tâm đến độ bền, tính vĩnh cửa của toàn bộ các kiến trúc. Bên cạnh các vật liệu được chế tác từ loại gỗ lim đỏ quý hiếm, đền Phú Đa còn sử dụng chất liệu đá xanh rắn chắc để liên kết làm xà ngưỡng, bó bậc và làm chân tảng kê cột, dùng gạch đá ong được lựa từ vùng đất trung du chuyển về để xây tường bao cho chắc chắn.
    Cho đến nay, nói đến giá trị đền đá Phú Đa là nói về những thành công tuyệt mỹ của trình độ chạm khắc gỗ và đặc biệt là chạm khắc đá cũng như trang trí đá thời Lê – Mạc ở Việt Nam. Bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân đương thời đã dụng công và thành công trong quá trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc thể hiện những mảng khối bề thế với đặc tả chi tiết, giữa bố cục toàn thể với thể hiện từng bộ phận trong tạo hình, trên cơ sở của sự lựa chọn tinh xảo chất liệu và màu sắc của đá để vận dụng trong tạo hình cũng như trang trí nội thất kiến trúc. Với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, cùng những đề tài có thật trong cuộc sống, chạm khắc ở đền Phú Đa đã tạo nên cho di tích sự trang nghiêm mà không lạnh lùng, quen thuộc mà không nhàm chán, chân thực mà vẫn lung linh, tôn thờ các thần linh mà vẫn ấm áp hơi thở của cuộc sống con người.
    Có thể nhận diện một cách cụ thể giá trị chạm khắc đá đền Phú Đa từ các di vật đá đang hiện tồn.
    Trước hết, tạm dừng để quan sát từ cổng đền hướng vào Tam quan. Hiện diện trước mắt du khách là hai cột trụ bằng đá, mỗi cột có chiều cao tổng thể là 4,20 mét, được bố cục thành 3 phần: Phần đế trụ là một tảng đá nguyên khối, được gia công thành hình chóp cụt bốn mặt, giật cấp, chỗ rộng nhất mỗi chiều là 0,60 mét, cao 0,40 mét. Kế tiếp phía trên là thân trụ, có mặt hình vuông, mỗi chiều rộng 0,40 mét. Phần thân trụ là cột đá nguyên khối cao 2,95 mét. Mặt trước của trụ đá khắc nổi 2 về của cặp câu đối. Ngay dưới hàng chữcó một ô vuông chạm nổi hình con Long mã đang tung vó bay trong mây, phía trên hàng chữ cũng có một ô vuông chạm nổi hình chim phượng ẩn hiện sau những giải mây uốn lượn hình hoa văn đẹp mắt. Phần trên cùng của trụ đá hiện diện mỗi bên trụ tượng một con nghê thân hình vạm vỡ, cơ bắp cuồn cuộn, long bờm xù ra trông dữ tợn, đang ở tư thế quỳ chầu hướng vào trong đền.Hai con nghê từ hai bên ngoảnh mặt vào nhau, làm tăng thêm vẻ sinh động về kiểu dáng của mô típ cặp tròn truyền thống trong điêu khắc tạo hình.
    Tại bậc tam cấp cổng Tam quan hiện diện hai bên 2 rồng đá, mỗi con có chiều dài 1,90 mét và độ dày thân 0,20 mét, được tạo tác từ đá phiến nguyên khối. Đầu rồng hướng ra phía ngoài, mũi to, mắt lồi, răng to, ức nở, râu – bờm được chạm khắc sống động bằng những dải vân mây với lối bố cục thoáng đạt và hài hòa, mềm mại.
    Bốn cột đá trong hệ thống 8 cột chịu lực của cổng Tam quan cũng được thiết kế cẩn trọng. Mang kích thước cao 2 mét như nhau, mỗi cột đá dựng theo hình trụ vuông, chiều rộng một mặt là 0,36 mét, các cạnh  của từng cột được soi lót để làm bới đi dáng vẻ gẫy góc nặng nề.Tại từng cột cũng tạo ô hình chữ nhật dọc theo chiều cao của cột để khắc chữ câu đối. Bốn cột đá hợp cùng 4 cột gỗ lim khủng đã góp phần tạo nên một hệ thống chịu lực vững chắc cho kiến trúc Cổng đền.
    Từ tòa kiến trúc Cổng đền đi vào hướng nội, các bậc đá nguyên khối xanh vuông với các kích cỡ khác nhau đã được xép đặt và bố trì hợp lý cho từng vị trí sử dụng đi lại vào chính đền.
    Về điêu khắc tượng tròn, đền Phú Đa đang hiện diện 20 đơn vị, trừ hai con nghê trên cột trục cổng đền như đã nêu trên đây, bao gồm các loại tượng người, tượng động vật, voi, ngựa, chó đá, nghê chầu. 
Về tượng người, nổi bật có đôi tượng võ sĩ thứ nhất và đôi tượng võ sĩ thứ ba (đặt ở sân đền) cùng đôi tượng quan văn (đặt trong tòa sinh từ).
 Đôi tượng võ sĩ thứ nhất được tạc liền bệ đá, cao 1,78 mét, đầu đội mũ quả gang, mình mặc áo giáp, ngực và vai chạm hổ phù, chân tượng đi hia, tay cầm chùy dựng dọc theo thân mình. Cổ áo của đô tượng này có khắc tên là Đinh Văn Do và Nguyễn Đình Toán. Đây là hai bộ tướng giỏi của Lãng Trung Hầu. Dân gian truyền rằng, Đinh Văn Do là người quê Thanh Hóa, vốn xuất thân nông dân, bị bắt giam vì can tội chống lại triều đình, chờ ngày xử tội. Bởi có tài bắn cung nên Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường đã dâng sớ xin vua cho theo làm bộ tướng. Nguyễn Đình Toán người làng Bún, trấn Sơn Tây, nhà nghèo nhưng học giỏi, thi đỗ tiến sĩ năm 18 tuổi, làm  quan đến chức Thượng thư, do phạm tội mà bị cách chức. Nhờ tài năng mà Toán cũng được Lãng Trung Hầu dâng sớ xin vua tha tội và thu phục về làm bộ hạ.
Đôi tượng võ sĩ thứ ba là đôi tượng võ quan, cao 1,73 mét, râu dài, nét mặt nghiêm khắc, đầu đội mũ tế nhưng không có cánh chuồn, mình vận áo bào trơn, tay phải cầm kiếm dựng ngược theo thân mình, tay trái giơ lên, bàn tay xòe thẳng đặt ngang ngực.
Đôi tượng quan văn trấn ngự đối diện nhau ngay cửa ra vào của sinh từ. Hai tượng được tạc giống hệt nhau, cùng cao 0,65 mét, ngồi xếp bằng tròn, mình mặc áo thụng, đầu đội mũ quan văn, hai tay để lên đùi, tay phải cầm bút, tay trái cầm quyển sách, ngón tay thon nhỏ, nét mặt thanh tú dáng thư sinh.
Các nhà nghiên cứu chuyên ngành đều thống nhất nhận định: Nhìn tượng người cùng với tượng động vật (chó ngồi canh cửa, voi chầu, ngựa chầu,…đã có thể thấy rõ rằng khả năng giải phẫu tạo hình của các nghệ nhân dân gian tham gia xây dựng kỳ tích này thực sự đã đạt đến trình độ cao để có được những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng chất liệu đá tuyệt tác.
Bên cạnh những tuyệt kỹ về chạm khắc đá những thành phẩm mỹ thuật từ con người đến động vật sinh linh, đền Phú Đa còn đang lưu giữ hàng loạt các đồ thờ tự hình khối được chế tác từ đá xanh, vừa tinh xảo vừa bền đẹp. Đó là các án thờ, sập thờ đá xanh nguyên khối khổng lồ đến hệ thống mâm bồng, ngai thờ, bàn đá đều được chế tác cân đối về tỷ lệ, chính xác về chi tiết vật dụng, thể hiện trình độ tạo hình đã vươn đến tầm điêu luyện và cực kỳ khoa học.
Hiện tại, đền Phú Đa đang lưu giữ 10 trong số 18 tấm bia đá vốn có, do tiền nhân chạm khắc để lại, góp phần làm tăng ý nghĩa nhân sinh và mỹ nghệ độc đáo của đền. Tất cả 10 tấm bia đều được quy tụ tập trung ở tòa Tiền đường, bao gồm hai loại kích cỡ: Loại cao 2,40 mét và một loại cao 2 mét, với chiều rộng 1,17 mét như nhau. Cả 1 tấm bia đều được khắc chữ chỉ một mặt, mặt kia gắn vào tường. Phía trên mỗi tấm bia đều có những thanh đá rộng bản đặt chườm ra ngoài tạo thành mái che kiểu “ô văng”. Diềm bia chạm hình hoa thị nối tiếp trong hình bát giác liên tục. Phía trên ô khắc tên bia có trang trí hình rồng cách điệu. Phía dưới cùng thay cho đế từng tấm bia là đố ngang chạm các đề tài chim phượng, long mã xen lẫn hình sóng nước nổi cuồn cuộn. Điều tuyệt vời tại 10 tấm bia đá được giữ nguyên vẹn này là nội dung được khắc văn tự Hán trong đó. Là một quan lại danh tiếng, giàu có, được vua Lê chúa Trịnh sủng ái, Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường về danh nghĩa đã đầu tư khổng lồ tiền của, công sức cho việc tự dựng cho mình một ngôi sinh từ khi mình còn đang đương nhiệm công việc triều đình, nhưng vượt qua hình thức chăm lo bản thân để lại di sản cho hậu thế, dù ông không có con cái nối dõi, đã thực chất thể hiện một cách thầm lặng trách nhiệm cao cả của mình với cộng đồng dân chúng, gửi gắm tấm lòng hiếu kính với tổ tiên. Không phải ngẫu nhiên mà ông chỉ dành tâm trí suy nghĩ, lựa chọn nội dung cần thiết để cho khắc vào từng tấm bia đá các điều khoản hương ước của làng xã, những ngày giỗ kỵ và các điều lệ nghi tiết tế tự cúng giỗ hậu thần, phúc Thần và liệt tổ, liệt tông theo phong tục, tập quán của một vùng quê. Và cao đẹp hơn, Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường với tầm nhìn cao rộng của một danh nhân văn võ song toàn, lo toan cho hậu thế sau này, đã chọn lựa và cho khắc vào bia đá những lời răn dạy cũng như triết lý thâm hậu của các bậc thánh nhân, hiền tài để con cháu mai sau đọc từ đó mà nhận ra những chuẩn mực về đạo đức, lối sống, để tự răn mình phấn đấu, tu dưỡng trở thành những người có ích cho xã hội và làm rạng danh cho gia đình, dòng họ và quê hương, đất nước.
Như vậy là, từ một vùng quê tưởng chừng  xa khuất với Thăng Long Kinh kỳ, nhưng nhờ có sự tài ba thao lược và tấm lòng hiếu kính tổ tiên cùng thịnh tình với cộng đồng, quê hương, đất nước để dựng nên và trao lại cho hậu thế ngôi đền đá tuyệt kỹ và đầy ắp giá trị lịch sử - văn hóa nhân sinh, Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường xứng đáng được các thế hệ hậu sinh của vùng đất Vĩnh Tường nói riêng và cộng đồng quốc gia da dân tộc Việt Nam nói chung tri ân và tôn vinh. Cũng từ quần thể di tích chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa nói chung, đền Đá Phú Đa đã và đang phát huy nội lực của một di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, chuyển tải các giá trị gửi gắm trong lòng di sản thành sức mạnh mềm văn hóa, trở thành điểm đến hấp dẫn cho tiến trình phát triển du lịch và phát triển kinh tế - văn hóa của Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Bùi Đăng Sinh (2007), Văn hóa dân gian Vĩnh Phúc
2.     Địa chí văn hóa dân gian vùng đất tổ (1986), Sở Văn hóa- Thông tin Vĩnh Phú
3.     Hồ sơ di tích đền Đá Phú Đa- lưu tại Bảo tàng Vĩnh Phúc
4.    Nguyễn Xuân Lân chủ biên (2000) Địa chí Vĩnh Phúc (sơ thảo), sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.
5.    Vũ Xuân Lang (1991), kiến trúc cổ Việt Nam, NXB Xây dựng Hà Nội.
6.    Ghi chép điền dã của tác giả tại huyện Vĩnh Lạc năm 1983 và tại huyện Vĩnh Tường năm 2021.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Đền Phú Đa - Công trình nghệ thuật độc đáo ở huyện Vĩnh Tường" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn