Vĩnh Phúc: Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và các hộ cá thể

Tiến Dũng

22/12/2021 14:02

Theo dõi trên

Theo UBND huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Dự án Cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Minh Phương thuộc địa phận xã Nguyệt Đức và thị trấn Yên Lạc, là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, hiện dự án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục về đầu tư, xây dựng đất đai, hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

phoi-canh-minh-phuong-1629106186.jpg
Phối cảnh Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương

 

Dự án có diện tích 33,3ha, trong đó có 14,07 ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và 19,3ha thuộc địa phận xã Nguyệt Đức. Đây là 1 trong 5 dự án cụm công nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, phân công lại lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản suất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương, tập trung đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư.

Dự án này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, ưu tiên phát triển nghề mộc, mở rộng thương hiệu quảng bá giới thiệu sản phẩm… nhằm góp phần nâng cao đời sống nhân dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng văn minh hiện đại, góp phần phát triển kinh tế của huyện và của tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại thị trấn Yên Lạc. 

Ngành nghề chủ yếu hoạt động trong Cụm công nghiệp là Sản xuất VLXD; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng, phế liệu... Dự kiến, dự án sẽ thu hút khoảng 260 doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ cá thể. Tính chất của Dự án là tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào trong Cụm Công nghiệp, đưa các cơ sở sản xuất ở các khu dân cư vào cụm công nghiệp sản xuất tập trung, tách rời khu dân cư; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các hộ.  Sẽ tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động. Giải quyết việc làm, phân công lại lao động, từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; duy trì, phát huy làng nghề truyền thống góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Việc xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương với kỳ vọng giữ được các làng nghề truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ các sản phẩm làng nghề, mang về giá trị kinh tế cao cho người dân ở nông thôn. Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, huyện Yên Lạc đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho phát triển làng nghề. Thông qua chương trình khuyến công, Yên lạc đã tổ chức các lớp truyền nghề cho hàng nghìn lao động; tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tình hình mới.