Vĩnh Phúc: Bí ẩn núi Đinh

Thi Thi

26/12/2021 09:02

Theo dõi trên

Núi Đinh trải dài từ các huyện, thành phố Tam Dương, Bình Xuyên và Vĩnh Yên. Với vẻ đẹp xanh ngát và hoa quả bốn mùa sai trĩu, núi Đinh đã khiến nhiều người say đắm, nhưng ít ai biết rằng, đằng sau nó còn ẩn chứa những bí ẩn linh thiêng về một thời lịch sử hào hùng của nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng và đất nước nói chung.

nui-dinh-vinh-phuc-1640484058.jpg
Đình Hữu Thủ, xã Kim Long, huyện Tam Dương - một trong những ngôi đình cổ kính thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh sơn

 

Theo nhiều tài liệu lịch sử tại Viện Thông tin khoa học xã hội (Hà Nội), Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, có nhiều di tích lịch sử trên địa bàn Vĩnh Phúc thờ Thất vị Đại vương (Lỗ Đinh sơn thất vị Thượng đẳng thần, tức là bảy vị Thượng đẳng thần họ Lỗ ở núi Đinh) đã có công đánh giặc nguyên Mông  xâm lược, bảo vệ đất nước thời Trần.

Xưa, tại sách Bồ Lý (tổng Lã Lương, động Tam Dương) có gia đình Bộ trưởng họ Lỗ tên Trọng, dòng dõi thế tộc, vợ là Khổng Thị Liên, vốn nhà thiện đức. Ông bà luôn chuyên cần tìm thuốc chữa bệnh cứu giúp cho dân, nên mọi người trong vùng đều kính nể. Tuy vậy, tuổi đã cao mà 2 vợ chồng vẫn chưa có con.

Một hôm, ông Lỗ Trọng lên núi Phù Mây hái thuốc nam thì gặp một vị tiên chỉ cho nơi đất tốt, bảo đem mồ mả tổ tiên táng vào đó sẽ gặp điềm lành. Ông Lỗ Trọng liền về làm đúng như lời thần tiên đã dặn. 100 ngày sau, vợ ông lại mộng thấy 6 con hổ xông vào nhà và chim phượng hoàng vào theo.

Bà Khổng Thị Liên bàng hoàng kể lại với chồng. Lỗ Trọng nghe thầm nghĩ đó là điềm lành, trời ban phúc. Cũng từ đó, vợ ông có thai, đến kỳ 25 tháng 10 năm Đinh Mùi, bà sinh một bọc con trai đặt tên là Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng, Lỗ Văn Mẫn.

nui-dinh-1640490154.jpg
Núi Đinh thuộc địa phận xã Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc

2 năm sau, ngày 10 tháng 7 năm Kỷ Dậu, bà Liên lại sinh được một bọc 3 cậu con trai Lỗ Văn Dực, Lỗ Văn Vũ và Lỗ Văn Đài. Cả 6 người con trai đều có tướng mạo khỏe mạnh, mắt phượng, mày ngài, hàm én, hơn hẳn người thường.

Đến 2 năm sau - đúng năm Tân Hợi, ngày 10 tháng 4, bà Liên lại sinh được 1 cô con gái vô cùng xinh đẹp, đặt tên là Lỗ Thị Bảy. Năm tháng qua đi, 7 anh em họ Lỗ lớn lên đều tài giỏi, đức độ và được nhân dân trong vùng rất mến phục.

Vào tháng 1 năm 1258, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta. 7 anh em họ Lỗ được Vua ban chiếu thư mời về triều, phong quan chức và giao trông giữ đạo Sơn Tây. Anh em họ Lỗ lập trại tụ nghĩa ở núi An Sơn (khu Đồi Cao, phường Ngô Quyền bây giờ), núi Đinh (xã Kim Long) và núi Trống (phường Khai Quang).

Ba năm sau, 7 anh em họ Lỗ được Vua ban đao, bảo kiếm, ngựa tốt, áo gấm và một vạn tinh binh. 7 anh em họ Lỗ cũng chiêu mộ được hơn 50 nghĩa binh ở Bồ Lý và Hữu Thủ để lên đường ra trận và chiến thắng lớn. Vua Trần Thái Tông làm lễ phong thưởng cho các tướng soái có công, 7 anh em họ Lỗ được ban cai quản tại sách Bồ Lý, động Tam Dương và đất núi Đinh tổng Miêu Duệ. Về sau, 7 anh em họ Lỗ hóa thân đều táng ở chân núi Đinh. Nhân dân ở đây và nhiều nơi vùng xung quanh núi Đinh đã lập đình, đền và miếu thờ các vị.

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 đình, đền, miếu thờ Thất vị Đại vương Lỗ Đinh sơn tại các huyện Tam Dương, Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên như các đình Lai Sơn, Yên Lập, Mỹ Hổ, Hữu Thủ, Sơn Bi, Thanh Giã; đền Bồ Lý; miếu Đậu; miếu Chám… Các di tích này hầu hết đã được xếp hạng cấp tỉnh.

Hằng năm, vào tháng Giêng, các làng đều dâng hương, mở tiệc tưởng nhớ công lao của Thất vị Đại vương Lỗ Đinh sơn. Tuy mỗi di tích có một kiến trúc khác nhau nhưng đều mang dáng vẻ trầm mặc, uy linh như lịch sử hào hùng để lại.

Cụ Bùi Quang Quyền (86 tuổi) - người trông nom di tích đình Hữu Thủ, xã Kim Long, huyện Tam Dương cho biết: “Ngôi đình này đã được xây dựng cách đây khoảng 300 năm. Trải qua các cuộc chiến tranh, ngôi đình cùng nhiều cổ vật bị phá hủy, nhân dân trong làng đã cùng khôi phục, tu bổ lại.

Gần đình còn có lăng của Thất vị đại vương do nhân dân lập, hằng năm cứ đến ngày 15 tháng Hai âm lịch, nhân dân lại tổ chức tiệc làng tưởng nhớ đến Thất vị đại vương và dâng lễ, rước kiệu trang nghiêm. Khi đó, kiệu sẽ được rước từ lăng về đình, lễ tế xong, nhân dân cùng nhau ôn lại lịch sử chiến công của các vị thần, sau đó cùng hưởng lộc trong không gian trước cửa đình đầm ấm, đoàn kết. Tại đây, các trò chơi dân gian cũng được diễn ra sôi nổi như kéo cò, đập niêu, đập lọ, vật…”.

Ngôi đình giờ đây đã thêm "năm tuổi”, nhưng cây đa, hàng gạch, lối đi trước sân vẫn cổ kính như tái hiện một thời lịch sử oanh liệt, sự hy sinh, nghĩa khí của các anh hùng dân tộc ngày nào mãi còn đây. Các thế hệ con cháu qua bao đời vẫn trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử quý báu của cha ông để lại như ngọn núi Đinh thiêng liêng giữ “hồn dân tộc” mãi vững bền với thời gian.

Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Phúc: Bí ẩn núi Đinh" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn