Kỳ 31.
Nguyễn Thân ngừng lại. Khâm Sứ Trung Kỳ nói:
-Đúng vậy, ngài Toàn quyền đã chỉ thị cho bản Khâm sứ Trung Kỳ thành lập bộ máy điều hành chiến tranh để dập tắt cuộc nổi dậy của Phan Đình Phùng. Khâm sứ Trung Kỳ dừng lại uống thêm một cốc rượu rồi nói:
-Ngài Hoàng Cao Khải, ngài cùng làng Đông Thái, huyện La Sơn với Phan Đình Phùng nên biết rõ về ông ta, ngài hãy nói qua về ông ta để các ngài ở đây được rõ thêm.
Hoàng Cao Khải nói:
-Dạ bẩm, Phan Đình Phùng sinh năm 1847, quê ở làng Đông Thái, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha của Phan Đình Phùng là Phan Đình Tuyến, đỗ Phó bảng, bác là Phan Đình Thông là chí sĩ, bác thứ hai là cử nhân Phan Đình Thuật, chú là Phan Đình Vận đỗ Phó bảng. Năm 1876 Phan Đình Phùng đỗ cử nhân, năm 1877 đỗ Đình nguyên tiến sĩ, sau được bổ nhiệm làm tri phủ Yên Khánh, Ninh Bình, do tính tình cương trực thẳng thắn nên được bổ nhiệm Ngự sử triều đình thời vua Tự Đức. Năm 1883, do việc phản đối Tôn Thất Thuyết phế truất vua Dục Đức nên bị cách chức, đuổi về quê. Năm 1884, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phục chức, phong Phan Đình Phùng làm Tham Biện sơn phòng Hà Tĩnh. Năm 1885, tại sơn phòng Hà Tĩnh, vua Hàm Nghi phong Phan Đình Phùng chức Thống đốc quân vụ đại thần, lãnh đạo toàn bộ quân Cần Vương bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Con người ông ta là quan văn nhưng khí tiết kiên trung, bất khuất, một lòng vì vua, vì nước mà không quản sống chết hiểm nguy. Về quân sự, ông ta là người biết tổ chức, lại biết dùng nhân tài. Hiện nay, Hương Khê là lá cờ đầu của Phong trào Cần Vương không chỉ ở miền Trung mà còn là cả miền Bắc.
Hoàng Cao Khải dứt lời thì Khâm sứ Trung Kỳ Se ra phin nói:
-Các ngài đã biết Phan Đình Phùng là người thế nào rồi đấy, văn võ song toàn, kiên trung bất khuất. Con người như vậy khó mà dụ dỗ mua chuộc, đe dọa được, chỉ có thể khuất phục bằng sức mạnh. Ngài Nguyễn Thân đây là đại diện cho triều đình, khâm mệnh đại thần nghe lệnh.
Nguyễn Thân chắp tay đáp:
-Dạ, có lão phu.
-Nay ta chỉ định ngài chỉ huy toàn bộ lực lượng lính khố xanh của bốn tỉnh tiến hành các chiến dịch tiêu diệt quân Cần Vương. Giúp việc và phối hợp với ngài Nguyễn Thân có công sứ Nghệ An Luýt xơ, ngài Hoàng Cao Khải đại thần triều đình. Các sĩ quan Pháp phải đặt dưới quyền điều động chỉ huy của ngài Nguyễn Thân. Tuy nhiên các đơn vị lính khố xanh và lính Pháp được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của các sĩ quan Pháp. Các sĩ quan Pháp ngoài tác chiến còn phải tham mưu cho ngài Khâm mạng Triều đình Nguyễn Thân. Chúng ta vừa dùng biện Pháp quân sự vừa sử dụng biện pháp đánh vào lòng người như thuyết phục dụ hàng Phan Đình Phùng, dụ hàng không được thì đào mồ mã cha ông, bắt những người thân đe dọa để phải ra đầu hàng. Việc dụ hàng giao cho ngài Đại thần Hoàng Cao Khải, đồng hương cùng làng với Phan Đình Phùng đảm nhận là tốt nhất. Về quân sự, ngài Nguyễn Thân là người Việt, hiểu rõ cách tác chiến của người Việt, hơn nữa ngài đã có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đàn áp những cuộc khởi nghĩa ở Nam Trung Kỳ, ngài có thể nói qua chiến thuật tác chiến với quân Cần Vương Hương Khê cho ta và các ngài ở đây nghe xem.
Nguyễn Thân hơi vênh bộ mặt gian ngoan:
-Ta phải biết chỗ dựa về nhân lực, lương thực, vũ khí của tất cả phong trào Cần Vương là ở chỗ liên hệ với bách tính. Muốn làm cho phòng trào Hương Khê suy yếu, sức cùng kiệt, cuối cùng bị tiêu diệt là bao vây, không cho tràn xuống đồng bằng, bao vây cắt đứt mối liên hệ giữa bách tính Hà Tĩnh, Nghệ An với nghĩa quân thì họ sẽ kiệt sức. Chính phủ Đông Dương phải không tiếc sức lực, của cải để xây một hệ thống đồn bốt dày đặc, kiên cố, kiên quyết không để họ tấn công phá đồn, bốt. Thứ hai, cùng với bao vây là mở các cuộc càn quét lớn để tiêu diệt từng căn cứ một và cuối cùng tiêu diệt đại bản doanh của Phan Đình Phùng ở Vụ Quang và Ngàn Trươi. Còn nhiều vấn đề khác nữa nhưng đấy là hai chiến thuật chủ yếu nhất để dập tắt phong trào này. Còn đối với dân chúng, chúng ta có chính quyền, bắt các chánh tổng, lý trưởng rào làng, kiểm soát đi lại, không cho dân chúng tiếp tế lương thực, cung cấp nguyên vật liệu cho Cao Thắng chế tạo súng và vũ khí, không cho con em họ gia nhập nghĩa quân. Làm được như vậy, chỉ hai năm, Hương Khê sẽ kiệt quệ, khốn đốn, lão phu sẽ sớm bắt được Phan Đình Phùng.
Khâm sứ Trung Kỳ cười ha hả:
-Ha!Ha!Ha!...Đúng là không ai hiểu người Việt bằng người Việt. Chính phủ Đông Dương sẽ bỏ tiền xây dựng đồn, bốt bằng xi măng cốt thép quanh Vụ Quang và Ngàn Trươi. Các công sứ Nghệ An và Hà Tĩnh phải ép bọn cấp dưới bắt dân rào làng, kiểm soát chặt chẽ. Kẻ nào không tuân theo giết. Các ông không làm được điều đó các ông bị kỷ luật. Nào chúc mừng ngài Nguyễn Thân thắng lợi, sớm bình định được xứ bảo hộ Trung Kỳ.
* *
*
Rừng núi Hương Khê, căn cứ Vụ Quang-Ngàn Trươi tháng 7 năm 1893 chìm trong nắng, gió thổi làm rừng lá xanh chuyển động xạc xào, lá vàng rơi xuống đầy đất. Khí trời trong rừng mà nóng bức, đôi khi lại xen những trận gió lào nóng như rang, khô không khốc.
Trong căn nhà vách nứa giữa núi vụ Quang, chung quanh cây lá rậm rạp. Đó là căn nhà của cụ Phan Đình Phùng, Thống đốc quân vụ đại thần, tổng chỉ huy của 15 quân thứ Cần Vương bốn tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Chung quanh căn nhà là doanh trại của nghĩa quân bảo vệ cho đại bản doanh. Dưới bóng các tán cây và trên lán các doanh trại, những lá cờ vàng ngũ sắc bay phấp phới. Những sắc lính quân phục màu nâu, thắt lưng xanh, vũ khí trong tay thay nhau tuần phòng. Chung quanh doanh trại, có tiếng hí của ngựa, tiếng voi gầm và cả tiếng vượn hú, tiếng chim kêu. Bản nhạc rừng còn nghe tiếng ầm ào của thác nước các sông đang đổ về sông Vụ Quang ào ào ngày đêm không ngớt.
Trong căn phòng đơn sơ vách nứa, mái cỏ gianh, bốn người đang ngồi uống nước quanh bộ bàn ghế làm bằng gỗ thơ sơ. Cụ Phan Đình Phùng ngồi một bên, đối diện với Tổng binh Cao Thắng. Ngồi cùng Cao Thắng có Đề đốc Cao Nữu, Đề đốc Nguyễn Niên. Sau một lượt trà, Phan Đình Phùng nói:
-Tổng binh có tình hình gì về chiến sự, xin cứ trình bày.
Cao Thắng khi đó gần 30 tuổi, đôi mắt sáng, thông minh, đầy gan dạ nói:
-Dạ, bẩm Thống đốc quân vụ đại thần, như ngài đã biết, ngày 3 tháng 3 năm 1892, quân ta giao chiến kịch liệt với đội quân của giám binh Huy nhi. Tháng 1 năm nay (1893), quân ta đã đánh bại cuộc càn quét rất lớn của Pháp vào Trường Vật và Ngàn Trươi. Địch từ ba hướng Bắc, Đông, Nam tấn công lại. Ngày 7 tháng 1 năm 1893, cánh quân của Đơ su la giơ ở hướng Bắc bị chặn lại, cánh quân của Ha ghe ở hướng Nam bị chặn đánh ở Khê Thượng. Ngày 23 tháng 1, Lăm be vào Khe Ngọn cũng bị chặn đánh. Ngày 6 tháng 2 quân ta tiêu diệt 1 sĩ quan Pháp và 20 lính khố xanh của Buốc gioa và Ha ghe. Tham chiến trận này còn có các sĩ quan Pháp Ma ri a ni, Rô be, Đi lanh ghết tơ cùng 85 lính khố xanh. Ngày 29 tháng 3 năm 1893, quân ta do Đề Thắng chỉ huy giao tranh với quân của Buốc gioa ở Mỹ Duệ. Đầu tháng 4, quân ta do Đề Nam chỉ huy đánh với quân của Buốc gioa và Rô be ở gần Mỹ Đức. Ngày 28 tháng 4, Rô be đánh vào Trại Chè, quân ta luồn về đồng bằng đánh đồn Trung Lương, Kim Chúc, huyện Can Lộc, đánh đồn Tri Bản, gần đồn Hương Khê và nhiều nơi khác ở huyện Nghi Xuân.
Ngày 12 và 15 tháng 5 năm 1893, Đề Nam đánh Huy nhi, Đờ su la giơ, Đi lanh ghết phơ ở gần trấn trị Hà Tĩnh. Quân ta tấn công đồn Khiêm Ích của tên Ma ri a ni. Ngày 7 tháng 7 cùng năm, Đốc Trạch đánh Ma ri a ni, cách đồn Nam Huân 6-7 km.
Cao Thắng ngừng lại uống nước và nhìn Phan Đình Phùng. Phan Đình Phùng hỏi:
-Qua chiến sự nửa đầu năm 1893, Tổng binh có nhận xét gì về ta và địch không?
Cao Thắng trả lời:
-Dạ bẩm, quân ta dùng các chiến thuật tấn công đồn, mai phục, tập kích, diệt Việt gian, chống càn quét nhưng vẫn bị bao vây ở miền núi, không mở rộng phạm vi xuống đồng bằng được, không thể trở thành phong trào của toàn cõi Trung Kỳ, các Quân thứ cũng không phối hợp tác chiến được. Trong khi đó, Quân Pháp nắm được chính quyền, sử dụng nó làm công cụ, huy động nhân tài vật lực trong toàn quốc để bao vây chúng ta bằng những đồn bốt kiên cố bê tông cốt thép. Chúng dùng chính quyền để buộc nhân dân Nghệ An-Hà Tĩnh rào làng, kiểm soát chặt chẽ bá tính, không cho họ cung cấp lương thực, vũ khí và nhân lực cho chúng ta, chúng đang đánh vào điều kiện sinh tử của chúng ta là mối quan hệ với bách tính. Mất quan hệ với bách tính, chúng ta sẽ tự suy yếu dần và sẽ thất bại.
Phan Đình Phùng nghe chăm chú, lộ vẻ đăm chiêu trên nét mặt:
-Vậy Tổng binh có giải pháp gì để cứu vãn tình thế không?
Cao Thắng đáp:
-Dạ bẩm Thống đốc quân vụ, để thoát thế bị bao vây, nối lại mối quan hệ với dân chúng, chúng ta phải vừa hoạt động ở miền núi, vừa phải hoạt động ở đồng bằng, trước hết là đồng bằng Nghệ An và Hà Tĩnh để phá thế bao vây của địch, dùng lực lượng của dân chúng mà lật đổ chính quyền địch ở hai tỉnh này và sau đó là toàn bộ BắcTrung Kỳ, thậm chí giải phóng cả Bắc Kỳ. Khi đó sự nghiệp Cần Vương chắc chắn sẽ thành công.
Phan Đình Phùng lại hỏi:
-Làm thế nào để tiếp cận được với đồng bằng Nghệ An và Hà Tĩnh?
Cao Thắng đáp:
-Trước hết, xin Thống đốc quân vụ cho thuộc tướng đem 1.000 quân đánh chiếm thành Nghệ An. Từ thành Nghệ An sẽ đánh chiếm toàn tỉnh Nghệ An và sau đó là tỉnh Hà Tĩnh.
(Còn nữa)
CVL