Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)

PGS TS Cao Văn Liên

14/06/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập VI  “PHONG KIẾN VIỆT NAM CHỐNG PHÁP” của PGS TS Cao Văn Liên.     

Kỳ 21.

Nguyễn Văn Tường đáp:

-Cứ làm như vậy đi.

Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đến tư dinh mời Nguyễn Phúc Ưng Đăng về làm vua. Ưng Đăng cả sợ nói:

-Ta còn non trẻ, sợ không kham nổi việc lớn.

  Tôn Thất Thuyết tâu:

-Ngài lên ngôi là ý của Tiên đế Tự Đức. Di chiếu của Tiên đế đã chọn ngài làm hoàng tử thứ ba, còn nay là mệnh trời, xin ngài lấy tôn miếu, xã tắc làm trọng.

chvua-ham-nghi-anh-phuc-1655130544.jpg

Vua Hàm Nghi - ảnh phục dựng  Nguồn: vi.wikipedia.org

 

  Vậy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng bị hai quan Phụ chính ép buộc lên ngôi vua. Ngày 2 tháng 12 năm 1883, vua mặc áo thêu con mãng (khi đó chưa may xong mũ cửu long, áo bào vàng và đai ngọc) đến điện Cần Chánh nhận ngọc tỉ ấn vàng truyền quốc lên ngôi, đế hiệu Kiến Phúc. Khi đó vua mới tròn 15 tuổi. Mọi công việc đều do hai quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết định.

  Một ngày giữa tháng tư năm Giáp Thân (1884), Kiến Phúc và hai quan Phụ chính đang thiết triều ở điện Cần Chánh thì có quan nội giám vào báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng và hai quan Phụ chính, có quan Kinh lược sứ Bắc Kỳ Ngô Tất Ninh về kinh muốn vào yết kiến.

  Tôn Thất Thuyết nói:

-Cho vào ngay.

-Dạ.

  Ngô Tất Ninh vào quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Kính chào hai quan Phụ chính.

  Vua Kiến phúc nói:

-Ái khanh bình thân.

-Đa tạ hoàng thượng.

Khi Ngô Tất Ninh đứng dậy, Tôn Thất Thuyết hỏi:

-Tình hình chiến sự Bắc Kỳ thế nào rồi? Thành Sơn Tây của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc còn hay mất?

  Ngô Tất Ninh đáp:

-Dạ bẩm hoàng thượng và hai quan Phụ chính, ngày 25 tháng 9 năm 1883, Cuốc bê lên làm Phó Đô đốc thay cho Hác măng về nước. Cuốc bê đã dùng 6.000 quân cùng các sĩ quan như trung tá tham mưu trưởng Mai gơ rét, đại úy tùy viên quân sự Ra ven, đại úy Đơ dông gi rơ và đại úy Sin ve tơ re tấn công thành Sơn Tây ngày 11 tháng 12 năm 1883. Trong thành có 5.000 quân của Lưu Vĩnh Phúc, Hoàng Kế viêm có 5.000 quân ở ngoài thành. Dưới tầm đại bác dữ dội của quân Pháp, quân Cờ Đen vẫn chiến đấu ngoan cường. Nhưng ngày 16 tháng 12 năm 1884, tường thành phía tây vỡ, quân Pháp tràn vào. Lưu Vĩnh Phúc đành rút quân về Hưng Hóa. Quân Cờ Đen chết và bị thương 1.000 người, quân Pháp chết 100 lính, 350 lính bị thương, 5 sĩ quan chết, 22 sĩ quan bị thương. Đây là trận giao chiến lớn nhất và thiệt hại lớn nhất kể từ 1873 đến nay trong chiến tranh của Pháp - Bắc Kỳ.

  Tôn Thất Thuyết hỏi:

-Còn Hoàng Kế Viêm rút về đâu?

-Dạ, Hoàng Kế Viêm đóng quân ở Vân Chủng gần thành Sơn Tây mà không chi viện cho quân Cờ Đen của Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc. Phò mã sau đó đã rút về Thanh Sơn, Phú Thọ. Ngày 12-tháng 4 năm 1884, Phò mã đánh nhau với Pháp ở Hưng Hóa. Sau trận này Hoàng Kế Viêm rút quân về Huế. Nguyễn Quang Bích lập căn cứ chống Pháp ở Yên Bái. Quân Cờ Đen rút về Tuyên Quang.

  Nguyễn Văn Tường hỏi:

-Ngài Kinh lược sứ, tình hình chiến sự ngoài Bắc Kỳ giữa giặc Pháp và quân Mãn Thanh thế nào rồi?

-Dạ bẩm hoàng thượng và hai quan Phụ chính, quân Thanh do các tướng Dương Cảnh Tùng, Diên Húc, Tổng đốc Quảng Tây, tướng Hoàng Quế Lan, bộ tướng của Diên Húc đem 5 vạn quân tràn vào, giành giật miền Bắc Đại Nam với quân Pháp. Ngày 7 tháng 3 năm 1884, 1 vạn quân Thanh do Hoàng Quế Lan chỉ huy đã giao chiến với 6.300 quân Pháp, 55 khẩu đại bác, 6 tàu chiến do Sác lơ tê ô đo Mi lô chỉ huy cùng các sĩ quan Pháp Lui Bơ riên đơ lơ, Phơ ra xi Đơ ne gơ ri ê đã giao chiến ở thành Bắc Ninh. Quân Pháp trội về pháo binh. Đến ngày 12 tháng 3 năm 1884, quân Thanh thất bại. Quân Pháp chiếm thành Bắc Ninh. Các tướng Thanh như Hoàng Quế Lan, Giả Văn Quý, Mạc Đồng Thành, Dương Cảnh Tùng cùng quân Thanh tháo chạy về Lạng Sơn và Thái Nguyên. Trên đà thắng lợi, quân Pháp đánh chiếm luôn Thái Nguyên ngày 19 tháng 3 năm 1884, chiếm Hưng Hóa ngày 12 tháng 4 năm 1884 và chiếm Tuyên Quang. Tướng Thanh Sầm Dục Anh, tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc kéo quân đến cứu các thành trên nhưng không kịp. Trận Bắc Ninh, quân Thanh 100 lính chết, 400 lính  bị thương.

  Nguyễn Văn Tường hỏi:

 -Ta nghe nói sau khi thua quân Pháp ở miền Bắc Đại Nam, nhà Thanh đã ký với Pháp hòa ước Thiên Tân có đúng không?

Ngô Tất Ninh trả lời:

-Bẩm hoàng thượng và hai quan Phụ chính, đúng như vậy. Do thất bại trong cuộc chiến tranh với Pháp ở miền Bắc Đại Nam, nhà Thanh buộc phải nghị hòa với Pháp. Hòa ước Thiên Tân Pháp-Thanh được ký vào ngày 18 tháng tư năm Giáp Thân 1884. Hiệp ước quy định quân Thanh rút khỏi Bắc Kỳ, cho phép quân Pháp được tự do sắp đặt công việc trên đất Đại Nam.

  Tôn Thất Thuyết lo lắng:

-Thôi, nguy rồi, Pháp chiếm ưu thế ở Bắc Kỳ, chiếm nhiều tỉnh, thành quan trọng, lại được hai hiệp ước Hác măng và Thiên Tân bảo trợ về pháp lý. Phe chủ chiến của ta ngày càng khó khăn trong việc cứu nước rồi.

  Tôn Thất Thuyết vừa dứt lời thì có quan nội giám bước vào:

-Dạ bẩm hoàng thượng, bẩm hai quan Phụ chính, tòa Khâm sứ Pháp có gửi tới một văn bản hiệp ước mới được gọi là Hòa ước Đu le Pa tơ nốt. Họ nói nếu ta không ký, chúng sẽ cho quân tràn vào đánh kinh thành Huế.

  Tôn Thất Thuyết đập bàn quát:

-Bọn mắt xanh mũi lõ này thật là quá đáng.

  Nguyễn Văn Tường nói:

-Nhưng không ký, chúng đánh vào Huế, lúc này ta chưa chuẩn bị xong lực lượng, kinh thành sẽ tan hoang, bị chúng cướp phá, hoàng gia và dân chúng sẽ chết chóc, tang thương và thảm họa.

  Tôn Thất Thuyết bảo Nguyễn Văn Tường:

-Ngài đọc xem chúng viết những gì trong đó?

  Hòa ước Pa-tơ nốt có hai văn bản, một bản viết bằng tiếng Pháp, một bản bằng tiếng Hán. Nguyễn Văn Tường đọc bản tiếng Hán và nói:

-Những điều khoản hầu hết như Hiệp ước Hác Măng năm 1883, vẫn là triều đình Huế chấp nhận sự bảo hộ của Cộng hòa Pháp trên toàn cõi Đại Nam. Cái mới của hiệp ước này là điều chỉnh lại địa giới hành chính của Ba Kỳ. Bắc Kỳ, theo hiệp ước Hác măng năm 1883 là toàn bộ miền Bắc kéo dài đến hết Thanh -Nghệ-Tĩnh, nay là toàn bộ miền Bắc đến Ninh Bình, Trung Kỳ theo hiệp ước 1883 là từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, nay theo hiệp ước Pa tơ nốt 1884 thì từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Bắc Kỳ và Trung Kỳ gọi là xứ bảo hộ, còn Nam Kỳ từ Biên Hòa đến Cà Mau gọi là xứ thuộc địa của Pháp.

  Tôn Thất Thuyết im lặng. Nguyễn Văn Tường đưa hai văn bản cho vua Kiến Phúc ký rồi đưa cho quan nội giám:

-Chuyển cho Khâm sứ Pháp.

  Tôn Thất Thuyết mắt tóe lửa căm thù nhìn theo tờ hòa ước. Trong trí não của ông đang phác thảo một trận đánh quyết tử với quân Pháp tại kinh thành Huế.

  Ngay sau khi ký Hiệp ước Pa tơ nốt vài ngày, ngày 10 tháng 6 Giáp Thân (31-7-1884), vua Kiến Phúc bỗng nhiên đột ngột qua đời, tại vị mới được 242 ngày (2-12-1883 đến 31-7-1884). Thọ 15 tuổi, truy tặng thụy hiệu Duệ Nghi Hoàng Đế, an táng tại Bồi Lăng, phía trái Khiêm Lăng của vua Tự Đức, vừa là bác, vừa là cha nuôi của vua Kiến Phúc.

  Lo tang lễ cho vua Kiến Phúc xong, Nguyễn Văn Tường hỏi Tôn Thất Thuyết:

-Thưa Phụ chính binh bộ Thượng thư, bây giờ chọn ai lên ngôi được?

Tôn Thất Thuyết đáp:

-Chọn vua nào còn bé, chưa tiếp xúc với Pháp thì mới không quan hệ, không thân Pháp. Không thân Pháp thì may ra công cuộc chống Pháp mới tiến triển được.

  Nguyễn Văn Tường nói:

-Hạ quan thấy em của Kiến Phúc là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con thứ 5 của Kiến Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai với bà Phan Thị Nhàn là được. Nguyễn Phúc Ưng Lịch sinh năm 1871, năm nay mới 13 tuổi, có thể là vị vua chống Pháp.

  Tôn Thất Thuyết liền sai nội quan đem áo mũ, xe, kiệu đi đón Ưng Lịch về làm vua. Khi đó Ưng Lịch đang sống bần hàn với mẹ ở thôn quê. Khi gặp Ưng Lịch, quan nội giám nói:

-Thần vâng lệnh quan Phụ chính, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết đến đón điện hạ về kinh thành lên ngôi vua.

  Ưng Lịch cả sợ đáp:

-Đó là một công việc quá sức, ta mới 13 tuổi không cáng đáng được việc lớn như vậy. Ta không nhận áo mũ đâu, các ngài hãy đi mời hoàng tử lớn tuổi hơn.

  Nội quan nói:

-Lệnh của quan Phụ chính chưa một ai dám chống lại. Nếu từ chối, thần không thể bảo đảm an toàn cho điện hạ và thân mẫu của ngài.

  Nguyễn Phúc Ưng Lịch cả sợ đành phải nhận lời. Ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân (2 tháng 8 năm 1884), hai hàng thị vệ đi hai bên hộ tống Ưng Lịch về điện Thái Hòa lên ngôi hoàng đế. Ưng Lịch lấy đế hiệu là Hàm Nghi.

  Trong dinh Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ, khâm sứ Pôn cơ hơ nác đang ngồi uống rượu với các sĩ quan, chợt có thuộc cấp vào báo:

-Dạ, bẩm Khâm sứ.

-Có việc gì không?

-Dạ bẩm, bên triều đình Huế vua Kiến Phúc đã chết. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường là hai quan phụ chính đã lập Nguyễn Phúc Ưng Lịch là em Kiến Phúc mới 13 tuổi lên ngôi hoàng đế mới.

  Khâm sứ Pôn Cơ hơ nác tức giận:

-Tôn Thất Thuyết đã vi phạm cam kết. Đem giấy mực ra đây.

-Dạ.

  Có giấy mực, Pôn Cơ hơ nác viết công hàm cho Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết mở ra đọc. Công hàm viết: “Các ngài đã vi phạm cam kết rằng Nam triều lập ai lên làm vua thì phải xin phép nước Đại Pháp mới được”.

  Tôn Thất thuyết nói với Nguyễn Văn Tường:

-Ngài dùng chữ Nôm viết văn bản trả lời nó đi.

  Khâm sứ Pôn Cơ hơ nác nhận được bản chữ nôm, không chịu:

-Đem thư này đến cho Tôn Thất Thuyết.

-Dạ.

  Tôn Thất thuyết nhận được thư. Thư viết: “Ngài phải viết lại văn bản trả lời bằng chữ Hán là chữ chính thức của Nam Triều. Đồng thời, ngài phải để tất cả phái đoàn Pháp được đi cửa chính, tức cửa Ngọ Môn vào điện Thái Hòa làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi”.

(Còn nữa)

CVL                                                

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa - Tập VI (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 21)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn