Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)

PGS TS Cao Văn Liên

23/01/2022 06:15

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV “NỘI CHIẾN NAM-BẮC TRIỀU” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 4.

Một cụ hỏi:

-Người họ Trần có phải là ám chỉ quan phụ chính Trần Chân hiện tại không?

Cụ già dáng đồ Nho đáp:

-Tôi không biết là Trần nào, nhưng quả nhiên người có thế lực nhất triều đình hiện nay là quan phụ chính Trần Chân.

Một cụ ngạc nhiên:

-Không thể nào. Quan phụ chính Trần Chân hiện nay nghe nói đã nhiều lần cứu Lê Chiêu Tông và rất trung thành với nhà vua cơ mà?

Cụ già dáng đồ Nho nói nhỏ:

-Trong hoàn cảnh hiện nay, trắng đen lẫn lộn, vua thì đa nghi, gian thần thì nhiều, bao nhiêu trung thần đã chết vì bị vu cáo. Bài ca này là của các thế lực gian thần tung ra nhằm mượn Lê Chiêu Tông giết hại Trần Chân. Và Lê Chiêu Tông cũng từ đó mà tự chặt chân tay của mình để bọn quyền thần dễ hoành hành, thậm chí tiến tới soán ngôi.

chuynha-le-1642865640.jpg
Triều đình nhà Lê - Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Một hôm Quốc Cửu Chữ Khảo, Thọ Quốc Công Trình Hựu cùng Thụy Quận Công Ngô Bính vào mật tâu với Lê Chiêu Tông. Quốc Cửu Chữ Khảo nói:

-Tâu hoàng thượng, bách tính khắp kinh thành đang truyền nhau đọc bài sấm phản nghịch có hại cho nhà Lê ta.

Lê Chiêu Tông hỏi:

-Sấm như thế nào?

-Dạ, như thế này ạ: “Trần Hữu nhất nhân, Vi Thiên hạ quân, Thổ đầu hổ vĩ, Tế thế an dân”.

Lê Chiêu Tông tức giận:

-Lại dám truyền bá một bài ca phản nghịch như vậy sao? Các khanh nghĩ như thế nào về bài “sấm” đó? Nó ứng vào ai?

Thọ Quốc Công Trình Hựu tâu:

-Dạ, muôn tâu hoàng thượng, người họ Trần không ai khác là quan phụ chính Trần Chân hiện nay. Với thế lực lớn nắm binh quyền như quan phụ chính thì mộng bá vương là điều dễ hiểu.

Thụy Quận Công Ngô Bính nói tiếp:

-Dạ tâu hoàng thượng, để trừ hậu họa thì nên sớm giết Trần Chân đi.

Lê Chiêu Tông nói:

-Nói thì dễ, làm thì khó, quyền thế của Trần Chân rất lớn, giết đâu có dễ.

Quốc Cửu Chữ Khảo ghé vào tai vua nói nhỏ:

-Như thế, như thế chắc là xong việc.

Sớm hôm sau ngày 11 tháng 7 năm 1518, Trần Chân đang ngồi trong hành dinh với các thuộc hạ như Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc, Cao Xuân Thì. Sau khi mọi người cạn xong một bát rượu, Nguyễn Kính hỏi Trần Chân:

-Sao chúa công hôm nay có vẻ không vui?

Trần Chân nói:

-Đúng là hôm nay ta không vui. Đêm qua ta mơ một giấc mơ đầu rơi máu chảy…

Đang khi đó có quan nội giám của Lê Chiêu Tông đến truyền khẩu dụ:

-Hoàng thượng có chỉ, mời quan phụ chính Trần Chân vào nội điện có việc gấp.

Trần Chân quỳ nhận chỉ và đáp:

-Thần tuân chỉ.

Rồi cùng nội giám và các tướng bước ra ngoài để vào cung. Bỗng nhiên một làn gió thổi cực mạnh, ngọn cờ “Soái” treo trên cột đứt dây rơi xuống. Trần Chân trèo lên yên ngựa, con ngựa hí vang thảm thiết và lồng lên dữ dội suýt hất Trần Chân xuống đất. Nguyễn Áng nói:

-Giấc mơ đầy máu, cờ “Soái” rơi xuống đất, ngựa hí và lồng lên là điềm rất xấu. Xin chúa công không nên vào cung lúc này.

Trần Chân nói:

-Vua triệu không vào là kháng chỉ, các người xui ta làm phản sao. Cứ cho Trần Trí, Nguyễn Nga, Nguyễn Bá Đá đi theo hộ vệ ta là được.

Bốn người đi vào điện Càn Nguyên, bị bức tường che khuất và khi ra sân rộng thì không thấy viên quan nội giám đâu nữa. Mọi người còn đang ngạc nhiên ngơ ngác thì từ 4 phía những trận tên như mưa dội vào 4 người. Toàn là tướng võ từng xông pha trăm trận nhưng vì quá bất ngờ, Trần Chân và 3 tùy tướng trúng tên độc vào mặt, vào người mà chết. Máu đã đổ ở sân cung điện Càn Nguyên.

Tin quan phụ chính Trần Chân bị vua Lê Chiêu Tông nghe lời bọn gian thần sát hại ở điện Càn Nguyên truyền khắp kinh thành, xôn xao dư luận, lòng người ly tán. Tại quán trà ngon nơi cũ, lại bốn cụ già hôm xưa ngồi đàm đạo về  bài “sấm” truyền có hại cho quan phụ chính Trần Chân, hôm nay lại ngồi uống trà. Sau một vài chén, cụ có dáng đồ Nho gọi:

-Chủ quán.

-Dạ.

-Thêm một ấm nữa đi, cho đặc nước vào.

-Dạ.

Một cụ cất tiếng:

-Hôm nọ cụ giải thích bài “sấm” đó có hại cho quan phụ chính, nay quả nhiên quan phụ chính Trần Chân đã bị Lê Chiêu Tông giết trong điện Càn Nguyên. Đó có phải là do mệnh trời không thưa cụ?

Cụ gia đồ Nho thưởng thức một ngụm trà đặc nóng và nói chậm rãi:

-Nói là tại số mệnh cũng đúng mà không cũng đúng. Nói số mệnh đúng là vì quan trường là nơi hiểm ác, lại gặp phải thời loạn lạc, long hổ tranh hùng, các quyền thần tìm cách sát hại lẫn nhau, đã vào cuộc chơi đó thì phải chấp nhận gần như là một số mệnh. Nói không phải là số mệnh cũng đúng vì bài ca dao kia không phải là bài “sấm” của trời mà có thể do một quyền thần nào đó đặt ra để mượn bàn tay Lê Chiêu Tông diệt Trần Chân và mũi tên này đã trúng hai đích, một là gạt bỏ được vật cản đường lớn nhất là Trần Chân trên con đường vươn lên của hắn, hai là Lê Chiêu Tông mất trung thần, nhà Lê ngày càng suy yếu tạo điều kiện cho hắn soán ngôi. Bọn này đã nắm chắc được yếu điểm của Lê Chiêu Tông là còn trẻ người non dạ, hay nghe lời dèm pha, đa nghi, không biết ai là gian thần, càng không biết ai là trung thần. Trong cục diện hiện nay, giết Trần Chân, Lê Chiêu Tông đã trúng độc kế của bọn gian thần, đã tự chặt chân chặt tay của mình và tự hại mình.

Cụ đồ Nho ngừng lại, nhấp thêm ngụm nước và nói tiếp:

-Quan Phụ chính Trần Chân đã có công lao phò Lê Chiêu Tông. Trần Cảo đã nhiêu lần tiếm ngôi xưng đế tại Đông Kinh. Một mình Trần chân đã đánh bại Cảo, giữ lại ngôi báu cho Lê Chiêu Tông. Rồi khi quân triều đình rời Đông Kinh đi đánh Trần Cảo ở Chí Linh, Đa Sĩ đã nổi loạn cướp bóc kinh thành, Trần Chân lại từ Chí Linh quay về dẹp loạn, đem lại sự yên ổn cho Lê Chiêu Tông và cho kinh thành. Trần Chân là một trung thần lại có tài thao lược. Cho nên giết Trần Chân là Lê Chiêu Tông tự chặt chân tay mình, trúng vào kế của một quyền thần nào đó còn nằm trong bóng tối. Sự diệt vong của Lê Chiêu Tông là không thể tránh khỏi.

Trước đó hoàng thượng cũng đã nghe lời vu cáo của bọn gian thần, đã giết Trịnh Duy Đại và các tùy tướng ngay trong điện Càn Nguyên.

Một cụ già lại hỏi cụ đồ Nho:

-Dạ, cụ vừa nói cái chết của quan phụ chính Trần Chân là do số mệnh là thế nào?

Cụ đồ Nho đáp:

-Nghe nói trước khi vào cung ngọn cờ “Soái” của quan phụ chính Trần Chân bị gió rơi xuống đất, con ngựa mà Trần Chân cưỡi bỗng hí lên thảm thiết, lồng lên không chịu đi. Đó là vận nguy nan đã được báo trước. Nhưng cái vận hạn của quan phụ chính quá lớn đã chiến thắng, đè bẹp cái mệnh và quan phụ chính đã chết.

Một cụ nói:

-Trong trường họp đó quan phụ chính không nên vào cung.

Một cụ nói:

-Không vào cung thì kháng chỉ, có khác gì làm phản.

-Ừ nhỉ, quan trường thật là hiểm ác, khốc liệt, đúng là quan trường là chiến trường.

Lại nói các tùy tướng của Trần Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Hiếu, Cao Xuân Thì khuyên can Trần Chân không được, Trần Chân vẫn quyết vào cung thì rất lo lắng, ngồi uống trà để đợi tin tức, hai canh giờ sau một người lính hốt hoảng chạy về báo:

-Dạ bẩm quan phụ chính bị các cung thủ mai phục ở cung Càn Nguyên bắn chết cùng ba tùy tướng rồi ạ.

Cả bọn Nguyễn Kính ngồi lặng đi choáng váng. Nguyễn kính đập bàn tức giận:

-Tên hôn quân Lê Y này thật không biết đất trời là gì nữa, dám nghe lời dèm pha của bọn gian thần giết hại trung thần. Các tướng quân hẹn chiều nay hội quân bản bộ ở chùa Láng đánh vào cung bắt giết Lê Chiêu Tông, báo thù cho quan phụ chính.

-Tuân lệnh tướng quân.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem bức thư này về Sơn Nam đưa cho quan Vĩnh Hưng Hầu Trịnh Tuy đem 2 vạn quân về tiếp ứng.

-Dạ, tuân lệnh tướng quân.

Chiều hôm đó, 3 vạn quân của các tướng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Kính tiến đánh kinh thành. Lê Chiêu Tông chạy trốn về Gia Lâm. Quân Sơn Tây của Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Hiếu, Cao Xuân Thì thả sức cướp phá kinh thành. Kinh đô sạch không, dân tình náo loạn.

                                           II

Tại hành doanh Bồ Đề, vua Lê Chiêu Tông họp cùng các đại thần bàn cách đối phó với bọn Nguyễn Kính. Lê Chiêu Tông đã cho sứ giả triệu hồi Nguyễn Hoằng Dụ ở Thanh Hóa ra cứu giá. Sứ giả về báo:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ từ chối không đem quân ra Đông Kinh cứu hoàng thượng.

Lê Chiêu Tông tức giận:

-Hả, dám chống lại thánh chỉ, phản rồi, phản rồi.

Cung Khiêm Hầu Hà Văn Chính nói:

-Dạ, bẩm hoàng thượng, thần xin tiến cử một người có thể lui được bọn Nguyễn Kính, còn có thể dẹp yên được giặc Trần Cảo đang hoành hành ở Kinh Bắc.

(Còn nữa )

CVL

 

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 4)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn