Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 29)

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

 Kỳ 29.

Đối diện với quân Minh ở bờ bắc, quân Việt đóng dọc bờ nam sông Hồng, được coi là đoạn chủ chốt, tuyến đầu của phòng tuyến Đa Bang dài 800 dặm mà then chốt là thành Đa Bang ở Quảng Oai (Vạn Thắng, Ba Vì), cách Đông Đô 60 dặm về phía tây. Thủy quân Việt đóng trên các dòng sông Hồng và sông Lô.

chhongutrung-1652628001.jpg
Tướng quân Hồ Nguyên Trừng và cuộc tử chiến thành Đa Bang bi tráng. Nguồn: Internet.

 

  Khi quan sát trận địa của quân Việt ở bờ Nam sông Hồng, Trương Phụ trông thấy lều trại của quân Việt ở bãi sông Mạc Hoàn ở bờ nam có vị trí chiến lược quan trọng. Trương Phụ nói với Mộc Thạnh và các tướng Minh:

-Quân Việt xem ra chủ trương cố thủ chờ quân ta hết lương và bị tiêu hao sẽ phản công. Ta phải đổ bộ sang bờ nam phá tan chủ trương này của Hồ Nguyên Trừng. Xem ra bãi Mộc Hoàn là một vị trí giúp ta đổ bộ. Đêm nay ta bí mật im lặng đưa quân sang đánh úp, kẻ kia không phòng bị sẽ bị tiêu diệt. Nếu thắng lợi sẽ mở ra một cục diện lớn, tấn công thành Đa Bang, tiến về Đông Đô, chiếm đồng bằng sông Hồng và tiến vào Tây Đô.

-Mộc Thạnh và các tướng đều nói:

-Tướng quân nói phải lắm.

-Tướng Trần Húc và Lý Bân.

-Có mạt tướng.

-Đêm nay hai tướng quân đem 2 vạn quân dùng thuyền nhỏ bơi sang sông bí mật đánh úp Mộc Hoàn.

-Mạt tướng tuân lệnh.

 Lại nói đóng giữ bãi Mộc Hoàn gồm 1 vạn quân Tả thần dược do tướng Nguyễn Công Khôi chốt giữ. Đối diện bờ bắc là 20 vạn quân Minh nhưng Nguyễn Công Khôi lơ là trễ nải, đêm nào viên tướng này cũng say sưa tửu sắc, quân lính do đó chểnh mảng lơ là không phòng bị. Đêm 17 tháng 1 năm 1407, 2 vạn quân Minh âm thầm bơi sang sông, nửa đêm bao vây tấn công doanh trại ở bãi Mộc Hoàn. Nguyễn Công Khôi khi đó còn ôm mỹ nhân say xỉn, quân lính ngủ say, lính gác bị giết. 1 vạn quân Việt và chính Nguyễn Công Khôi cũng bị giết.

  Chiếm được chỗ đứng chân ở bờ nam, Trương Phụ nói:

-Trời cho ta thành công chuyến này.

  Rồi ra lệnh:

-Đem tất cả thuyền bè thu được của dân bắc cầu phao tiến sang bờ nam ngay đêm nay.

-Tuân lệnh tướng quân.

  Trong đêm đó, 20 vạn quân Minh đông như kiến cỏ đã tràn sang bờ nam sông Hồng, uy hiếp nghiêm trọng phòng tuyến Đa Bang. Tướng Lương Dân Hiến nói với Hồ Nguyên Trừng:

-Ta nên đem toàn bộ binh lực đẩy chúng sang bờ bắc.

  Tướng Thái Bá Nhạc nói:

-Ta chỉ có 10 vạn quân đóng rải rải khắp phòng tuyến, làm sao mà đánh lại được 20 vạn quân, ta nên rút vào thành Đa Bang cố thủ, chờ chúng tấn công, ta dùng hỏa lực của “Thần cơ sang pháo” tiêu diệt chúng.

  Sau một hồi đắn đo, Hồ Nguyên Trừng nói:

-Đành phải rút vào thành Đa Bang cố thủ, hy vọng “Thần cơ sang pháo” sẽ tiêu diệt được chúng khi chúng tấn công.

  Lương Dân Hiến nói:

-Nhưng chiến sự lâu, hết đạn, hết lương thực thì thành Đa Bang thất thủ. Mong Chủ tướng nghĩ lại.

Hồ Nguyên Trừng nói:

-Nhưng phản công thì toàn bộ quân đội bị tiêu diệt hết. Cứ vào thành còn hy vọng tiêu diệt được địch rồi tính sau.

  Lương Dân Hiến thở dài. Hồ Nguyên Trừng ra lệnh:

-Toàn quân trên phòng tuyến rút về thành Đa Bang cố thủ.

-Tuân lệnh Chủ tướng.

  Thành Đa Bang được xây dựng đầu năm 1406 ở xã Cổ Pháp, tổng Thanh Mai, huyện Tiên Phong, Quảng Oai, Sơn Tây, cách Đông Đô về phía tây 60 dặm, là thành quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống tuyến phòng thủ Đa Bang. Đa Bang che chắn cho Đông Đô và toàn bộ vùng đồng bằng sông Hồng ở phía đông-nam. Trên thành có đặt 40 khẩu “Thần cơ sang pháo” do Hồ Nguyên Trừng thiết kế và công binh xưởng chế tạo. Trong thành, ngoài bộ binh sử dụng súng hỏa mai, gươm giáo, nỏ cung tên còn có một đội tượng binh 100 thớt voi.

  Sau khi sang được bờ nam sông Hồng, quân Minh đứng trước trở ngại lớn là thành Đa Bang kiên cố, Trương Phụ nói:

-Quân Việt chỉ có thành Đa Bang này là then chốt nhất. Nếu chiếm được thành này coi như công cuộc chinh phục đã gần hoàn thành.

  Rồi Trương Phụ nói với toàn quân:

-Giặc chỉ có mỗi thành Đa Bang này mà ta và các ngươi lập công cũng chỉ có một trận này. Cho nên trong khi tấn công, không ai được lùi lại, lùi sẽ chém, ai lên thành trước sẽ được hậu thưởng vượt cấp.

  Trương Phụ nói tiếp:

-Tướng Mộc Thạnh và Trần Tuân nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem quân tấn công mặt đông-nam của thành Đa Bang.

-Mạt tượng tuân lệnh.

-Tướng Hoàng Trung và Thái Phúc nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân cùng ta tấn công phía tây bắc thành Đa Bang.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Đang đêm, trời tối mịt mùng, phía đông nam và phía tây bắc thành Đa Bang, mỗi hướng 10 vạn quân Minh im lặng như những bóng ma rùng rùng kéo lại. Trong tay của chúng được trang bị súng hỏa mai, cung tên giáo mác. Khi lại gần chúng đốt đuốc sáng trưng bập bùng như biển lửa, thổi tù và reo hò vang động khắp không gian. Chúng dùng súng hỏa mai và cung tên bắn lên thành như mưa, hàng trăm quân Việt gục xuống. Hồ Nguyên Trừng ra lệnh:

-Bắn thần cơ sang pháo.

Trên thành, 40 khấu thần công nổ vang như sấm. Tên đạn sắt và đạn đá bay ra xa hàng 50 trượng. Hàng nghìn quân Minh kêu rú lên và gục xuống chết. Quân Minh hoảng hốt lùi lại. Trương Phụ thét:

-Xông lên, kẻ nào lùi lại chém.

  Quân Minh lại rùng rùng xông lên xả thân trong chiến thuật biển người không tiếc sinh mạng lính của Trương Phụ. Những khẩu thần cơ sang pháo trên mặt thành vẫn liên tục nổ và phun cái chết vào quân Minh ở dưới. Xác quân Minh chồng cao gần bằng mặt thành. Bọn phía sau đạp lên xác bọn đã chết mà xông lên. Chúng dùng thang mây leo lên mặt thành nhưng hết đợt này rơi xuống đợt khác lại leo lên. Phần quân Việt bị súng hỏa mai của giặc bắn xác cũng xếp đống trên mặt thành, máu chan hòa như suối. Cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Trời đã sáng rõ, phía dưới xác quân Minh chất cao như núi, máu chảy thành sông. Trong lúc đang quyết chiến thì tướng Lương Văn Hiến nói với Hồ Nguyên Trừng:

-Báo cáo chủ tướng, đạn của thần cơ sang pháo đã hết, làm sao bây giờ?

-Hồ Nguyên Trừng nói:

-Dùng cung tên và súng hỏa mai để chiến đấu.

  Trương Phụ thấy các khẩu thần cơ sang pháo của quân Việt trên thành thưa thớt dần rồi im bặt. Trương Phụ thúc quân:

-Xông lên, thần cơ sang pháo của quân Việt đã hết đạn.

Canh giờ sau, tướng Thái Bá Nhạc nói với Hồ Nguyên Trừng:

-Bẩm chủ tướng, đạn của súng hỏa mai và tên cung nỏ cũng đã hết. Nên mở cổng thành và lùa 100 thớt voi ra, bộ binh theo sau để giết giặc, may ra đuổi được quân giặc.

  Hồ Nguyên Trừng nói:

-Cũng đành như vậy thôi.

Rồi ra lệnh:

-Mở cổng thành, lùa tượng binh ra và bộ binh theo sau chiến đấu.

Cổng thành Đa Bang mở toang, 100 con voi chiến tranh nhau xông ra ngoài dùng vòi cuốn quân Minh mà đập xuống, dùng chân dày xéo quân giặc. Quân Minh hoảng hốt lùi lại. Trương Phụ ra lệnh:

-Bắn súng hỏa mai vào voi.

  Quân Minh dùng tên lửa và súng hỏa mai bắn vào voi. Voi đã chùn bước.

Trương Phụ ra lệnh tiếp:

-Kỵ binh giả sư tử xuất kích.

  100 lính kỵ binh cưỡi trên những con ngựa nhưng mặt khoác mặt nạ hình sư tử bằng vải. Thì ra Trương Phụ là một viên tướng cáo già, biết phương nam có tượng binh nên đã chuẩn bị mặt nạ sư tử để sãn sàng phá trận. Quả nhiên voi quân Việt bị súng hỏa mai bắn đã chùn bước, nay gặp 100 con “sư tử” thì hoảng sợ chạy lùi về dày xéo cả lên quân Việt. Voi chạy vào thành, quân Minh theo sát tràn vào thành, quânViệt cản không nổi. Quân Minh quá đông tràn vào như thác đổ chém giết, quân Việt kháng cự quyết liệt nhưng canh giờ sau tan vỡ rối loạn, có nguy cơ bị tiêu diệt. Hồ Nguyên Trừng phải ra lệnh mở cửa nam, mở đường máu rút lui. Quân Việt đại bại, thành Đa Bang thất thủ. Hồ Nguyên Trừng rút về sông Hoàng Giang. Các tướng Lương Dân Hiến, Thái Bá Nhạc hy sinh tại trận. Quân Minh thu được 12 con voi, nhiều vũ khí thuyền bè. Các tướng Việt trên các chiến lũy nam sông Hồng hay tin Đa Bang thất thủ cũng rút chạy theo Hồ Nguyên Trừng. Đông Kinh hoàn toàn bỏ trống. Trương Phụ ra lệnh:

-Tướng quân Lý Bân và Trần Húc.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân dẫn 2 vạn quân vào chiếm Đông Đô.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng quân Mộc Thạnh.

-Hãy cùng ta truy kích Hồ Nguyên Trừng và đánh chiếm đồng bằng sông Hồng phía đông-nam Đông Đô.

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Lý Bân và Trần Húc dẫn quân tràn vào Thăng Long mà không gặp một sức kháng cự nào. Quân giặc thả sức cướp bóc, hãm hiếp tàn phá Đông Đô. Tại Đông Đô, quân Minh lộ rõ bộ mặt xâm lược tàn ác, rơi đi cái mặt nạ “Phù Trần diệt Hồ”mà chúng rêu rao khi tiến quân vào Đại Ngu. chúng bắt trẻ em trai Việt đem hoạn đi để đào tạo thành tay sai phục vụ cho nền thống trị sau này. Thăng Long một lần nữa lại trải qua biến cố bi thảm trong lịch sử tồn tại của mình bởi họa ngoại xâm.

  Trương Phụ và Mộc Thạnh tiến về đồng bằng sông Hồng, quy tụ khoảng 15 vạn quân ở cửa Hàm Tử chuẩn bị tiến đánh Hồ Nguyên Trừng ở Hoàng Giang. Tại Hoàng Giang, quân Việt các nơi lục tục kéo về và tập hợp được khoảng 7 vạn quân. Hồ Nguyên Trừng đang ngồi trong tổng hành dinh thì thám mã về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, đại quân Minh tập trung ở cửa Hàm Tử khoảng 15 vạn tên.

  Hồ Nguyên Trừng quyết định bất ngờ đánh một trận quyết liệt ở Hàm Tử để may ra thì tiêu diệt được quân giặc, liền ra lệnh:

-Tướng Hồ Xá, Trần Đĩnh nghe lệnh.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng quân đem ba vạn quân theo bờ nam sông Hồng, bao vây và tấn công phía đông nam bãi Màn Trù, tiêu diệt quân Minh.

-Mạt tướng tuân lệnh.

(Còn nữa)

CVL