Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)

PGS TS Cao Văn Liên

15/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 28.

Bá quan văn võ lại hô vang:

-Mong Thái sư đăng quang hoàng đế, không được kháng chỉ và di chiếu của Thái thượng hoàng.

  Lê Quý Ly nói:

-Đã ba lần rồi, bá quan văn võ đề nghị ta đăng cơ, vả lại có di huấn của Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông, ta không thể kháng chỉ và thoái thác, đành phải chấp nhận ngồi lên ngai vàng vậy.

chhoang-de-hoang-quy-ly1-1-1652538456.jpg
Tranh chân dung Hoàng đế Hồ Quý Ly. Ảnh: internet

 

  Quan nội thị đem áo vàng có rồng màu đỏ cuộn và vương miện màu vàng có nhưng dây ngọc lung linh rũ xuống trước mặt và hai vai. Lê Quý Ly khoác áo long bào, đội vương miện. Quan nội thị vội bế Trần Thiếu Đế xuống, Lê Quý Ly ngồi vào ngai vàng, chính thức đăng quang hoàng đế. Bá quan văn võ vội quỳ hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Lê Quý Ly nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Lê Quý Ly nói tiếp:

-Ta nay đăng cơ hoàng đế, lấy niên hiệu Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu Đại Việt thành Đại Ngu, đổi quốc tính từ họ Lê sang họ Hồ. Từ nay tên húy của ta là Hồ Quý Ly, giáng Trần Thiếu Đế xuống làm Bảo Ninh Đại Vương. Thái phó Hồ Hán Thương, Tư đồ Hồ Nguyên Trừng, Phán Thủ tri tả hữu Ban sự Hồ Quý Tỳ nghe chỉ:

  Ba người vội quỳ. Hồ Quý Ly nói tiếp:

-Nay phong Hồ Hán Thương làm thái tử, Hồ Nguyên Trừng làm Tả tướng quốc, Hồ Quý Tỳ làm Hữu tướng quốc.

  Ba người đồng thanh nói:

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Ai có tấu gì không?

Im lặng.

 -Không có tấu. Bãi triều.

  Một năm sau, năm 1401, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là thái tử Hồ Hán Thương, lui về làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm toàn bộ quyền lực, quyết định mọi công việc của đất nước.

 

                                                 V

  Sáu năm sau thành lập triều đại Nhà Hồ, tháng 9 năm 1406, nắng mùa thu như rải lụa xuống Tây Đô. Trong cung Càn Nguyên thành An Tôn, triều đình đang có phiên thiết triều. Hồ Hán Thương ngồi trên ngai vàng, Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly ngồi chếch phía sau bên cạnh. Bá quan văn võ quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế

-Thái thượng hoàng thiên thiên tuế.

  Hồ Quý Ly nói:

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Tạ ơn Thái thượng hoàng.

  Hồ Quý Ly hỏi:

-Các khanh ai có tấu bước lên.

  Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng bước ra:

-Thần có tấu.

-Khanh nói đi.

-Tâu Thái thượng hoàng, tâu hoàng thượng. Suốt sáu năm nay triều đình đã ra sức thực hiện những chính sách cải cách do Thái thượng hoàng đưa ra về kinh tế, quân sự, kinh tế, tài chính và văn hóa. Cho đến nay, những cải cách đó ít mang lại hiệu quả, chưa có tác dụng đưa đất nước thoát khỏi cảnh đói nghèo, không thoát được cuộc khủng hoảng của kinh tế đại điền trang thái ấp.

  Hồ Quý Ly có vẻ không hài lòng hỏi:

-Khanh có chứng cớ gì không?

-Dạ, về chính sách hạn điền, hạn nô quy định mỗi gia đình quý tộc chỉ được sử dụng một số lượng đất đai, một số lượng nông nô nhất định, còn thừa phải trao lại cho nhà nước để trao lại cho nông dân. Chính sách này bị bọn quý tộc nhà Trần kiên quyết chống lại quyết liệt, quý tộc nhà Hồ cũng phản đối gay gắt. Số ruộng đất lấy được của quý tộc nhà Trần không chia cho nông dân được vì bị bọn quý tộc nhà Hồ chiếm hết. Nông dân vẫn không có ruộng đất, ngày càng đói khổ và bị biến thành nô tì càng đông đảo. Cái cách thất bại mà nông dân bất mãn với triều đình, quý tộc nhà Trần chống lại. Triều đình ta bị cô lập trước mọi tầng lớp bách tính. Triều đình bị cô lập sẽ rất khó khăn cho công cuộc chống lại quân Minh nếu chúng sang xâm lược một lần nữa.

-Về chính sách thay tiền đồng bằng tiền giấy cũng bị bách tính phản đối vì tiền giấy in bằng giấy học trò rất dễ rách, lại rất dễ in lậu nên bọn in lậu in tiền giả không kể xiết làm đồng tiền phá giá, rối loạn nền tài chính, đời sống bách tính càng thêm khổ cực.

-Chính sách thay chữ Nôm bằng chữ Hán cũng không phải một sớm một chiều mà giải quyết được, phải dịch lại một khối lượng đồ sộ văn bản hàng nghìn năm nay, đặc biệt những văn bản 400 năm nay dưới triều Lý và triều Trần từ chữ Hán ra chữ Nôm. Muốn dịch được phải có một đội ngũ trí thức lớn, tiền bạc giấy tờ để in lại. Những điều đó thời gian còn ngắn nên ta chưa đủ điều kiện cho nên thực hiện được còn rất hạn chế. Vì thế, trong thi hội chúng ta chưa thể thi chữ Nôm được mà vẫn phải thi Nho. Năm 1400, triều đình mở được cuộc thi hội, thi Nho, lấy đỗ được 20 học vị Thái học sinh, trong đó những người tài như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên.

-Về củng cố quốc phòng, chúng ta đã xây dựng xong phòng tuyến Đa Bang dài 800 dặm kéo dài từ núi Tản Viên, men theo bờ nam các sông Đà, sông Hồng, Sông Luộc đến sông Thái Bình, trong đó then chốt nhất là thành Đa Bang ở xã cổ Pháp, Quảng Oai - Sơn Tây (Vạn Thắng, Ba Vì), ngăn quân Minh tràn xuống Đông Đô và đồng bằng sông Hồng, bảo vệ Tây Đô từ xa.

-Chúng ta đã cho đóng cọc ở tất cả cửa sông cửa biển để chặn thủy binh giặc từ Lạng Sơn, từ Tuyên Quang tràn xuống, kể cả cửa sông Bạch Đằng. Chúng ta đã phát triển bộ binh lên đến 10 vạn, thủy binh cũng là lực lượng mạnh. Thủy binh chúng ta đã đóng những tàu chiến lớn hai tầng mang tên tàu “Tải lương Cổ Châu”, “Tải lương trung tàu”. Chúng ta đã chế tạo và sản xuất súng thần công “Thần cơ sang pháo” có sức bắn xa và công phá mạnh chưa nước nào có, kể cả nhà Minh. Thần cơ sang pháo khi bắn ra bằng thuốc nổ, bắn ra một mũi tên sắt dài, kèm theo các viện đạn sắt, đá sát thương rất khủng khiếp. Hiện nay đã có 40 khẩu “Thần cơ sang pháo” đặt ở thành Đa Bang và một số thành khác. Ngoài dao kiếm, bộ binh chúng ta đã có súng hỏa mai, một loại vũ khí cầm tay rất hiệu quả. Nhà Minh chưa có đại bác thần công nhưng quân đội của chúng cũng trang bị phần lớn bằng súng hỏa mai này. Với trang bị như vậy nếu quân Minh sang, thần không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo.

  Hồ Quý Ly hỏi:

-Tháng 6 năm 1406, ta đã đánh bại cuộc xâm lược của nhà Minh, bắt tên Việt gian Trần Thiêm Bình và giết chết, sau đó đã ngoại giao mềm dẻo mong để nhà Minh không tấn công xâm lược Đại Ngu nữa. Theo khanh, nhà Minh có còn tấn công xâm lược nước ta nữa hay không?

  Hồ Nguyên Trừng đáp:

-Bẩm Thái thượng hoàng, chiến tranh hay không, không phụ thuộc vào ta mà phụ thuộc vào nhà Minh. Kẻ kia có dã tâm quyết xâm lược thì dù ta có ngoại giao mềm mỏng, nhân nhượng bao nhiêu thì chúng vẫn cứ đánh.

  Hồ Nguyên Trừng vừa nói xong thì có quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, có thám mã từ biên cương về muốn vào gặp báo tin khẩn cấp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

  Thám mã vào quỳ và báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, bẩm hoàng thượng, giặc Minh đã huy động 60 vạn lính chiến đấu và hàng vạn dân phu chia làm hai đạo, một đạo từ ải Pha Lũy đánh vào Lạng Sơn, một đạo từ Vân Nam đánh vào ải Phú Lệnh Hà Giang ạ.

  Bá quan văn võ nhốn nháo:

-Hả, 60 vạn quân?

  Hồ Nguyên Trừng nói:

-Xin bá quan trật tự, nếu là 60 vạn thì thường là chỉ có 20 vạn quân chiến đấu, còn lại là 40 vạnh dân phu bốc vác mang theo lương thực phục vụ, như vậy mỗi đạo quân là 10 vạn quân chiến đấu và 20 vạn dân phu.

Hồ Quý Ly hỏi:

-Quân ta tổng cộng bao nhiêu:

-Bẩm Thái Thượng hoàng, quân ta được khoảng 10 vạn, chỉ bằng một nửa quân số của nhà Minh tiến sang xâm lược.

  Hồ Quý Ly nói:

-Quân ta ít hơn, càng phải cố thủ trong các thành lũy ở phòng tuyến Đa Bang để kéo dài chiến tranh, kẻ kia hết lương thực, ta sẽ phản công tiêu diệt chúng như Lý Thường Kiệt đã làm trước kia khi chiến tranh với quân Tống.

  Hồ Quý Ly nói tiếp:

-Nay phong Tả tưởng quốc Hồ Nguyên Trừng làm Chủ tướng, tổng chỉ huy các lực lượng thủy bộ Đại Ngu cầm quân chống giặc.

  Bá quan văn võ nói:

-Thái thượng hoàng anh minh.

  Hồ Nguyên Trừng nói:

-Thần tuân chỉ.

                                   *     *

                                 *

  Lại nói tháng 9 năm 1406, Minh Thành Tổ huy động 20 vạn quân chiến đấu, 40 vạn dân binh phu khuân vác mở cuộc tấn công xâm lược Đại Ngu lần thứ hai. Quân Minh chia làm hai đạo tiến vào Đại Ngu. Đạo thứ nhất gồm 10 vạn quân chiến đấu, bộ binh và kỵ binh, 20 vạn phu do Chinh di Phó tướng quân Tân Thành hầu Trương Phụ cùng Tham tướng Huỳnh Dương Bá Trần Húc chỉ huy đánh vào ải Pha Lũy theo đường Lạng Sơn tiến xuống. Đạo thứ hai gồm 10 vạn quân chiến đấu, bao gồm bộ binh và kỵ binh, 20 vạn phu do Chinh di Tả phó tướng quân Tây Bình Hầu Mộc Thạnh chỉ huy cùng Tham hữu tướng quân Đô đốc đồng tri Phong Thành Hầu Lý Bân đánh vào cửa ải Phú Lệnh theo đường Hà Giang tiến xuống Bạch Hạc, chiếm Việt Trì Phú Thọ. Trương Phụ Từ Lạng Sơn theo đường Tiên Phúc tiến xuống hội quân với Mộc Thạnh, Lý Bân ở Bạch Hạc. Quân Việt ở Việt Trì do lực lượng mỏng nên nên phải rút về bờ Nam sông Hồng. Quân Minh chiếm được toàn bộ bờ bắc Bạch Hạc.

(Còn nữa)

CVL

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 28)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn