Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)

PGS TS Cao Văn Liên

13/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

ch1611-citadel01-1068x580-1652364426.jpg
Một góc Tây Đô (Thanh Hóa).

 

Kỳ 26.

Đã biết trước trong phiên thiết triều cách đây ba tháng nhưng hầu hết các đại thần đều choáng váng:

-Hả, nhanh vậy sao?

-Hả, dời đô, ta ngủ mê hay là sự thật?

  Nhưng rồi tất cả hiểu là sự thật khi Lê Quý Ly nói tiếp:

-Mọi người nghe mệnh lệnh sau đây:

-Tướng Phạm Nhữ Lạc, tướng Dương Ngang.

-Có mạt tướng.

-Hai tướng chỉ huy 2 vạn quân ở lại bảo vệ Thăng Long.

-Chúng mạt tướng tuân lệnh.

-Tướng Trần Khát Chân.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân chỉ huy thủy binh, dùng thuyền chiến vận tải đồ đạc, của cải nặng nề và cồng kềnh của triều đình và của hoàng gia vào Tây Đô. Tướng quân hãy đi theo đường sông Hồng ra Lục Đầu Giang ra cửa Cấm theo đường biển mà vào sông Mã mà vào Tây Đô. Có thể chở thành nhiều chuyến, bao giờ hết thì thôi.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Tư đồ Lê Nguyên Trừng nghe lệnh.

-Có nhi thần.

-Tư đồ tổ chức cho hoàng gia di chuyển bằng xe ngựa kéo trong đó có cả hoàng thượng đi từ Thăng Long vào Tây Đô, cho 4 vạn quân đi theo bảo vệ.

-Nhi thần tuân lệnh.

-Tướng quân Trần Nguyên Hãn.

-Có mạt tướng.

-Tướng quân phụ trách sự di chuyển của các gia đình đại thần, quan lại vào Tây Đô. Mỗi gia đình đại thần, quan lại thuộc triều đình phải dùng xe ngựa riêng và ngựa để vận chuyển người và của cải đồ đạc. Tướng quân đem theo 3 vạn quân để giúp đỡ và bảo vệ. Đoàn của các gia đình đại thần quan lại đi sau xe của hoàng gia.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Ai còn tấu không?

Im lặng

-Không có tấu, bãi triều.

  Từ đó cho đến nửa tháng sau, triều đình, hoàng gia và các gia đình đại thần quan lại tất bật chuẩn bị gói ghém cho sự ra đi. Thăng Long trong tình trạng hỗn loạn rối ren. Thế rồi vào một ngày mùa đông năm 1397, từ Thăng Long, hàng vạn quân đi trước, theo sau là xe ngựa, ngựa đầy sắc cờ màu vàng chở những gia đình quý tộc hoàng gia, áo quần sang trọng gấm vóc, kèm theo tư trang đồ đạc đi dài dằng dặc trên con đường thiên lý từ Thăng Long vào Tây Đô. Tiếp theo đoàn xe ngựa của hoàng gia là đoàn xe ngựa của gia đình các đại thần quan lại không có cờ quạt nhưng cũng kéo dài dằng dặc. Đi sau cùng là hàng vạn quân đội. Cuộc di tản khổng lồ làm bụi cuốn mù mịt bay theo gió. Hoàng gia và quý tộc nay mới dời Thăng Long lần đầu đi trên con đường thiên lý, trông thấy hai bên đường làng mạc nông thôn tiêu điều xơ xác, dân cư đói nghèo cực khổ. Những đứa trẻ gầy dơ xương, mùa đông mà hầu như không quần áo hoặc có thì cũng rách rưới ra đứng nhìn đoàn người, ngựa xe vàng son mệt mỏi ủ rũ đi trong bụi đường gió lạnh về phương nam mà chúng không hiểu họ đi về đâu và vì sao lại bỏ Thăng Long êm ấm sung sướng mà đi? Ba cụ già ngồi trong quán bên đường thiên lý nhìn đoàn người ngựa xe và quân đội đi dài như bất tận. Một cụ đầu chít khăn nâu, tóc hoa râm, áo dài nâu đặt đen, áo dài đen vẻ nhà Nho:

-Cụ đọc sách nhiều, nước ta có mấy lần thiên đô rồi cụ?

  Cụ đồ uống xong bát nước, đặt bát xuống và vuốt râu trả lời:

-Thiên đô lần thứ nhất là sau khi kế vị vua Hùng, Thục Phán An Dương Vương dời đô từ Bạch Hạc, Phú Thọ về Cổ Loa. Cuộc dời đô thứ hai là Đinh Tiên Hoàng đế sau khi đánh bại và thu phục 11 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt thì đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình. Cuộc dời đô thứ ba là sau khi khai sáng ra nhà Lý, năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt đã được 400 năm nay của hai triều Lý-Trần, còn đây là cuộc dời đô thứ tư, dời từ Thăng Long về Tây Đô Thanh Hóa.

  Một cụ chít khăn nâu nhưng tóc bạc trắng thở dài nói:

-Không hiểu ngài tể tướng Lê Quý Ly này đang làm gì nữa? Xưa Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là lúc thế nước đi lên, dời từ miền núi ra đồng bằng sông Hồng là đất rồng chầu hổ cuốn, trung tâm linh thiêng của cả nước nên Đại Việt đã thịnh trị được gần 400 năm, nay lại dời đô từ đồng bằng về miền núi, thật là ngược đời.

  Cụ chít khăn nâu, tóc hoa râm nói:

-Có lẽ dời đô để chuẩn bị kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Nghe nói thời kỳ này quân Minh đang gây sức ép với Đại Việt rất mạnh. Còn nữa, dời đô để Lê Quý Ly chuẩn bị cướp ngôi nhà Trần.

  Cụ đồ nói:

-Ôi trời ôi, xưa nhà Lý có dời đô đâu mà Lý Thường Kiệt đã đánh bại quân Tống trên bờ sông Cầu, ngay như nhà Trần có dời đô đâu mà Trần Thái Tông và Trần Hưng Đạo ba lần đánh bại quân Nguyên- Mông to lớn và tàn bạo khét tiếng. Nay nếu chiến tranh nổ ra, quân Minh chiếm được Thăng Long, chúng sẽ không tiến được vào Tây Đô chăng, chỉ cách Thăng Long 300 dặm.

  Cụ bê chén nước uống và nói tiếp:

-Còn chuyện dời đô để cướp ngôi thì ở đâu mà chả cướp được khi binh quyền đã ở trong tay, thế lực tể tướng Lê Quý Ly hiện nghiêng cả triều đình và thiên hạ. Thực tế ông ta đã là hoàng đế rồi, còn đòi gì nữa.

  Cả ba người im lặng thở dài. Một cụ than:

-Thời cuộc rối ren, đất nước hỗn loạn, không thể hiểu được, chỉ khổ bách tính chúng ta mà thôi.

  Cả ba im lặng lại uống nước, mắt nhìn đoàn người ngựa dằng dặc trên đường thiên lý, bụi cuốn mù trời. Trời đất nhuốm màu ảm đạm, thê lương. Vận mệnh Đại Việt bước vào hồi mong manh, khó lường.

  Qua hai ngày thì cuộc thiên di cũng kết thúc, cuộc dời đô thành công. Đại Việt đã có một kinh đô mới chật hẹp, núi sông bao quanh như một pháo đài cố thủ.

                                     *     *

                                     *

Đến hôm trước thì sáng hôm sau Lê Quý Ly lên tầng cao nhất của điện Càn Nguyên ở thành nội quan sát bốn phương. Lê Quý Ly cảm thấy cực vui khi ý tưởng của mình đã thành hiện thực. Lê Quý Ly đang đứng trên tòa thành được gọi là kinh đô của nước Đại Việt. Thành nội là thành ghép bằng những khối đá lớn, đồ sộ, bề thế. Trong thành nội đủ các cung điện như ở Thăng Long cho triều đình làm việc, chỗ ở cho hoàng gia, cho gia đình các đại thần, quan lại trung ương. Những cung điện với những đà đao uốn cong rồng phượng nhô lên trên bầu trời màu xám.

  Bao quanh thành nội là một khoảng không gian rộng lớn là thành ngoại. Đó là bức thành đất khổng lồ được phủ bởi những rặng tre gai xanh ngát. Những ngọn của rừng tre đung đưa theo gió. Bên ngoài lũy tre là hào nước bao quanh. Lê Quý Ly đưa mắt nhìn xa hơn nữa, ngoài thành ngoại là La Thành, có những đoạn đắp đất nối liền với những dãy núi tạo nên những bức tường thành tự nhiên. Núi xanh ngát vươn lên trong mây trắng sương bạc. Đó là các núi Đốn Sơn, núi Hắc Khuyển, núi Xuân Đài, núi Trác Phong, núi Tiến Sĩ, núi Kim Ngọ, núi Ngưu Ngọc, núi Voi. Chen giữa núi là các con sông Bưởi, sông Mã nước lồng như ngựa tung bờm phi ra biển. La Thành không chỉ là thành phòng thủ, còn là đê ngăn lũ lụt. La Thành xanh ngát màu xanh của núi sông cây lá, tre gai và nhiều cây lá vô danh khác.

  Núi Đốn Sơn là nơi có Đền Thề như đền Đồng Cổ ở Thăng Long. Phía nam thành ngoại Lê Quý Ly dự tính cho xây đàn Nam Giao đồ sộ để triều đình làm lễ tế giao đại xá, để thiên tử tiếp xúc với thiên đình.

  Buổi sáng mùa hạ năm 1398, bầu trời Tây Đô u ám, gió lặng im ngừng thổi. Trong điện Càn Nguyên, bá quan văn võ đang dự phiên thiết triều. Vua Trần Thuận Tông ngồi trên ngai vàng, Thái sư Lê Quý Ly đứng bên cạnh. Các quan quỳ xuống hành lễ:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

-Miễn lễ, các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

  Trần Thuận Tông nói:

-Bá quan văn võ hãy nghe chiếu nhường ngôi của ta.

  Các đại thần văn võ bá quan hoảng hốt ngạc nhiên:

-Hả, hoàng thượng nhường ngôi?

-Sao hoàng thượng lại nhường ngôi?

-Thái tử Trần An mới ba tuổi mà, còn quá bé.

  Trần Thuận Tông giục quan nội thị:

-Khanh đọc chiếu đi, sao lại ngẩn người ra vậy?

-Dạ, thần tuân chỉ.

-“ Thuận thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, trẫm vốn mộ đạo, không có bụng làm vua, không có đức mà tạm giữ ngôi báu thực khó làm nổi, huống chi bệnh thần kinh thường phát tác, thờ cúng và chính sự đều không làm được. Lời thề nguyền trước trời đất, quỷ thần đều nghe, nay nên nhường ngôi để vững nghiệp lớn. Hoàng thái tử Trần An lên ngôi đế. Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly là Quốc tổ nhiếp chính. Trẫm tự làm Thái thượng hoàng Nguyên quân Hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa chí. Khâm thử"”

  Lê Quý Ly gọi:

-Người đâu.

-Dạ.

-Đem hoàng thượng mới ra.

-Dạ.

  Quan nội thị bế hoàng thái tử Trần An mới 3 tuổi ra, mình mặc áo màu vàng. Trần Thuận Tông rời khỏi ngai vàng. Thái tử khóc giơ hai tay đòi:

-Cha ơi, bế con, con sợ quá, cha ơi…

  Trần Thuận Tông nói:

-Con đừng sợ, con ngồi lên ghế đi.

  Quan nội thị đặt Trần An lên ngai vàng, đội vương miện lên đầu. Hoàng thái tử càng khóc to, giật vương miện xuống. Quan nội thị phải lùi về phía sau lưng giữ mũ lại. Lê Quý Ly nói:

-Hoàng Thái tử Trần An lên ngôi, đế hiệu là Trần Thiếu Đế.

  Bá quan văn võ vội quỳ xuống:

-Hoàng thượng vạn vạn tuế.

  Lê Quý Ly nói:

-Ta thay hoàng thượng mời các ái khanh bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

-Tạ Phụ chính Thái sư.

  Sau lời hô của bá quan, ngoài trời bỗng nhiên sấm sét tóe lửa và giông bão nổi lên kèm theo tiếng mưa gào không dứt. Văn võ bá quan cả sợ. Một số nghĩ trong đầu mà không dám nói ra: “Điềm rất xấu, vận nhà Trần sắp hết”.

(Còn nữa)

CVL                                                                        

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 26)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn