Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)

11/05/2022 06:00

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập IV (A)  “CHUYỂN GIAO VƯƠNG TRIỀU VÀ NHÀ HẬU TRẦN ĐÁNH GIẶC MINH” của PGS TS Cao Văn Liên. 

Kỳ 24.

Phạm Sư Ôn đem quân chiếm Thăng Long ba ngày nhưng kho tàng của cải trống rỗng, phần thì do bị quân Chiêm Thành hai lần tràn vào tàn phá cướp bóc, đốt phá, phần thì nay có chút vàng bạc nào, Trần Nghệ Tông khôn ngoan đã đem cất giấu trong núi. Dân quanh kinh thành cũng nghèo đói, không có gì cung cấp cho nghĩa quân. Phạm Sư Ôn đành ra lệnh cho nghĩa quân rút khỏi kinh thành. Nghĩa quân đi ra đến cầu Tương Đương (Cầu Giấy), hai bên đường cây cỏ rậm rạp, làng quê hoang vắng. Thốt nhiên có mấy phát tên lửa bắn lên trời. Không rõ cánh quân triều đình do tướng nào chỉ huy đã mai phục, nã tên đạn như mưa vào quân khởi nghĩa. Hàng nghìn nghĩa quân trúng tên ngã xuống chết chồng chất, máu tràn mặt đất. Rồi từ hai bên đường, quân triều đình tràn xuống chém giết. Phạm Sư Ôn bị trúng tên chết ngay tại trận. Cuộc nổi loạn ở Quốc Oai bị dẹp tan. Người đánh tan quân khởi nghĩa Phạm Sư Ôn là tướng Hoàng Phùng Thể, đóng ở Hoàng Giang Ninh Bình, nghe tin kinh thành có biến vội kéo quân về dẹp giặc. Sau đó Hoàng Phùng Thể lên Bắc Giang đón Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông và triều đình trở về kinh đô. Trong khi đó lại có thám mã về báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, Chế Bồng Nga lại dẫn thủy binh đánh vào sông Hoàng Giang - Ninh Bình rồi ạ.

chtr1-1652190044.jpg
Nội vệ Thượng tướng quân Trần Khát Chân (ảnh minh họa). Nguồn: baotanglichsu.vn

 

  Tướng Hoàng Phùng Thể nói:

-Thần xin tiến cử một người có thể đánh tan giặc Chiêm Thành.

  Thái Thượng hoàng hỏi:

-Tướng nào vậy?

  Hoàng Phùng Thể đáp:

-Dạ, tướng Trần Khát Chân, quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, dòng dõi nhà Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, rất giỏi thủy chiến.

-Cho gọi Trần Khát Chân đến đây.

-Dạ.

  Trần Khát Chân vào quỳ hành lễ:

-Thái thượng hoàng vạn tuế, vạn tuế.

-Miễn lễ, ái khanh bình thân.

-Tạ thái thượng hoàng.

-Tướng quân Trần Khát Chân nghe khẩu dụ: nay phong Trần Khát Chân làm đại tướng, thống lĩnh quân Long Tiệp tới Ninh Bình phá giặc Chiêm Thành.

-Thần tuân chỉ.

-Ta chờ tin chiến thắng của tướng quân.

-Đa tạ Thái thượng hoàng.

  Trần Khát Chân đem binh thuyền vào Hoàng Giang, trông thấy binh thuyền quân Chiêm Thành đông như kiến cỏ, cờ quạt rợp trời, trống chiêng dậy đất. Trần Khát Chân quan sát trận địa và nói với các tướng:

-Ở đây không có địa thế mai phục, phải lui binh về sông Luộc, chọn địa thế mai phục thì mới thắng được giặc.

-Tuân lệnh tướng quân.

  Trần Khát Chân cho lui binh về đoạn sông Hải Triều của sông Luộc, nằm giữa một bên là Hưng Nhân (Hưng Hà) Thái Bình, bên kia là Tiên Lữ (Phủ Cừ) Hưng Yên. Hai bên bờ sông cây cỏ rậm rạp. Đây là đoạn sông mà giặc bắt buộc phải đi qua để vào sông Hồng vào Thăng Long. Trần Khát Chân cho bộ binh mai phục trên bờ, còn đại bộ phận binh thuyền đóng ở phía tây sông Hải Triều chặn giặc. Tối hôm đó, hai người lính Việt dẫn một người lính Chiêm Thành vào và nói:

-Trình tướng quân, có một lính Chiêm sang đầu hàng ta.

  Trần Khát Chân hỏi:

-Tên ngươi là gì, sao lại sang đầu hàng ta? Ngươi có biết tiếng Việt không?

-Dạ bẩm tướng quân, tên tôi là Ba Lạu Kê. Tôi biết tiếng Việt. Trong quân doanh của Chiêm Thành, tôi trót vi phạm quân luật sợ bị Chế Bồng Nga xử tử nên phải chạy sang đây, mong tướng quân dung nạp cứu mạng.

-Ta sẽ dung nạp nếu như ngươi lập công, còn được thưởng. Ngươi có biết thuyền của Chế Bồng Nga sơn màu gì không?

-Dạ bẩm tướng quân, toàn bộ chiến thuyền của thủy binh Chiêm Thành sơn màu trắng, duy có thuyền của Chế Bồng Nga to nhất và sơn màu xanh.

  Trần Khát Chân nói:

-Tốt, ngươi hãy ở quân doanh của ta, đi theo ta và khi lâm trận, nếu thấy thuyền Chế Bồng Nga thì chỉ cho ta.

-Đa tạ tướng quân.

  Trần Khát Chân cho đặt trên bờ đoạn sông mai phục 4 máy bắn đá cực lớn, lại có nhiều cung cứng nỏ mạnh, cả tên có lửa và ra lệnh khi thấy thuyền màu xanh thì nhất loạt bắn vào.

  Sáng hôm sau, binh thuyền của quân Chiêm Thành ào ạt đánh tới. Dòng sông hơi hẹp nên binh thuyền đi theo hàng dọc hai hàng. Toàn bộ binh thuyền lọt vào trận địa mai phục. Mười chiếc thuyền trắng đi đầu, một chiếc thuyền màu xanh to lớn đi theo sau. Ba Lạu Kê nói với Trần Khát Chân:

-Chiếc thuyền màu xanh đó chính là thuyền của Chế Bồng Nga.

Trần Khát Chân ra lệnh:

-Máy bắn đá và tất cả cung nỏ bắn vào thuyền màu xanh.

-Tuân lệnh chủ tướng.

  Quân Việt hai bên bờ nã máy bắn đá và tất cả cung nỏ vào thuyền màu xanh. Chế Bồng Nga đang theo dõi đoàn binh thuyền của quân Việt ở phía trước để xông tới tác chiến thì bất ngờ bị đá dội vào đầu và trúng tên tới tấp. Chế Bồng Nga chết gục xuống thuyền, máu tuôn xối xả. Quân Chiêm Thành hỗn loạn, tiếng kêu thảm thiết vang khắp không gian. Ba Lạu Kê bảo Trần Khát Chân:

-Họ đang kêu hoàng thượng Chế Bồng Nga chết rồi.

  Trần Khát Chân ra lệnh cho thủy binh:

-Xông lên đánh giết.

  Đại đội binh thuyền quân Việt ở phía tây khoảng nửa dặm lao xuống leo lên thuyền quân Chiêm Thành chém giết. Quân Chiêm Thành bị giết hàng vạn, số còn lại nhảy xuống sông chết đuối, còn sống thì bơi vào bờ và bị bắt. Quân Chiêm đại bại, 100 chiến thuyền bị chìm, còn một ít chiến thuyền tháo chạy ra biển về nước. Trần Diệu Nguyên, tướng nhà Trần trước đã hàng phục Chế Bồng Nga, nay muốn lập công quay về, liền cắt đầu của Chế Bồng Nga chạy sang thuyền của Phạm Nhữ Lặc, Dương Ngang nhưng bị hai tướng này giết, cướp lấy đầu Chế Bồng Nga và đem về cho Trần Khát Chân. Trần Khát Chân sai người chạy ngựa gấp đem đầu Chế Bồng Nga về dâng cho Thái thượng hoàng. Khi đó Trần Nghệ Tông đang ở Bình Than, canh ba đang ngủ. Quan nội thị vào báo:

-Dạ bẩm Thái thượng hoàng, tướng Trần Khát Chân đã đánh tan giặc Chiêm Thành, giết chết Chế Bồng Nga, cắt đầu đem dâng Thái thượng hoàng.

  Thái thượng nói:

-Đưa vào ta xem.

  Hai người lính đem chiếc hòm gỗ vào, mở ra cho Trần Nghệ Tông xem. Râu tóc Chế bồng Nga dựng ngược, hai mắt vẫn mở trừng trừng. Trần Nghệ Tông cười sảng khoái:

-Ha!ha!ha!...Ta đợi ngươi đã lâu rồi, nay thấy được đầu nhà ngươi không khác gì Hán Cao Tổ xưa thấy được đầu Hạng Vũ. Trần Khát Chân khá lắm. Quan nội thị đâu:

-Dạ.

-Truyền khẩu dụ, nay phong Trần Khát Chân làm Long Tiệp bỗng thần nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ Tiết quan nội hầu.

-Thần sẽ đi thuyền khẩu dụ ngay.

  Sau khi Chế Bồng Nga tử trận, Chiêm Thành bước vào thời kỳ suy thoái, họa xâm lăng từ phía nam Đại Việt tạm yên. Hai con của Chế Bồng Nga hàng Việt được thu dùng, trọng dụng. Đó là năm 1390.

*      *

*

  Vào cuối năm 1394, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông bắt đầu đau ốm. Trong cung riêng của Thái thượng hoàng, các thái y tấp nập ra vào bắt mạch, các quan nội thị liên tục đem thuốc đã sắc đến, các đại thần lần lượt chăm chỉ tới thăm. Khi Lê Quý Ly tới thăm thì Thái thượng hoàng cho mọi người ra ngoài hết mới nói chuyện. Trong những câu chuyện có đề cập đến tôn thất nhà Trần có ý chống đối Lê Quý Ly thì Thái thượng hoàng nói:

-Việc Trần Nhật Chương mưu giết ái khanh, ta đã cho người giết ông ta rồi, ái khanh đừng lo nữa.

Lê Quý Ly đáp:

-Tạ ơn Thái thượng hoàng, vì thần Thái thượng hoàng đã mất lòng tôn thất rồi.

  Lại một hôm khác, Lê Quý Ly vào thăm. Khi còn hai người, Thái thượng hoàng đưa ra một lá thư và nói:

-Có người học trò tên là Bùi Mai Hoa viết trong tương lai ái khanh sẽ lấy ngôi nhà Trần và đề nghị ta giết ái khanh để trừ hậu họa. Ái khanh xem đi.

  Lê Quý Ly cầm tờ tâu xem xong trả lại cho Trần Nghệ Tông và nói:

-Đa tạ Thái thượng hoàng đã cho thần xem, đã tin tưởng hạ thần.

  Trong một đêm, Thái thượng hoàng mơ thấy Trần Duệ Tông. Trần Duệ Tông vẻ rất đau khổ tiêu điều, hỏi Trần Nghệ Tông:

-Sao Thái thượng hoàng lại giết Trần Phế Đế là con của trẫm, cháu của huynh? Nó có làm gì sai đâu? Nó chỉ muốn trừ khử Lê Quý Ly để giữ cơ nghiệp nhà Trần. Ta báo cho huynh biết: Khi huynh mất, Lê Quý Ly sẽ đoạt ngôi nhà Trần và giết Trần Thuận Tông là con của huynh.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Cơ nghiệp nhà Trần đã đến bước suy vong, thiên hạ sẽ đại loạn, bá tính sẽ cơ cực. Ta muốn bắt chước tấm gương của Lý Huệ Tông chọn người ngoại tộc tài giỏi kế vị, thành lập một triều đại mới đưa đất nước đến hưng thịnh, thiên hạ thái bình. Ai bắt Trần Phế Đế lại mưu giết người mà ta đang cần để trao ngai vàng cho để cứu vãn đất nước.

  Trần Duệ Tông nói:

-Huynh nhầm rồi, người đó sẽ cưóp ngôi thành lập triều đình mới nhưng không lâu sau thì đánh mất cả ngai vàng và đánh mất cả đất nước. Đất nước sẽ chìm trong máu và nước mắt.

  Trần Nghệ Tông nói:

-Không thể nào, không thể nào.

  Hình ảnh Trần Duệ Tông qua đi thì hình ánh Trần Phế Đế hiện ra với sợi dây thừng thắt ở cổ. Trần Phế Đế dãy dụa kêu gào thảm thiết:

-Ta không có tội, ta không có tội. Hu!Hu!Hu!...

  Trần Nghệ Tông kêu thét lên và vùng dậy kinh hãi, toàn thân run rẩy, người đẫm mồ hôi, lúc nóng lúc lạnh. Các quan nội thị vội dìu Thái thượng hoàng nằm xuống. Bóng đêm đối với Trần Nghệ Tông bây giờ thật quá hãi hùng.

  Tháng 1 năm 1394, bệnh của Thái thượng hoàng càng nặng. Các đại thần, tôn thất vào thăm rồi lần lượt về hết, cuối cùng vẫn chỉ còn Lê Quý Ly và Thái thượng hoàng. Trần Nghệ Tông nắm tay Lê Quý Ly và nói những lời trăn trối:

-Bình Chương là em bên ngoại của ta, là em rể của ta, là thông gia của ta, thân thích như người họ Trần. Mọi việc nước nhà ta đã giao cho khanh cả. Mọi thế lực chống đối ái khanh đã bị ta diệt trừ hết. Hiện nay thế nước suy yếu, họ Trần đã hết người xuất sắc. Ta chết đi, quan gia có thể giúp cho Trần Thuận Tông thì giúp, nếu nó hèn kém ngu muội thì ái khanh hãy nhận lấy ngai vàng để cứu thiên hạ khỏi sụp đổ. Được như vậy thì ta có thể yên lòng nhắm mắt.

(Còn nữa)

CVL

                                                                       

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập IV-A (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 24)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn