Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)

PGS TS Cao Văn Liên

16/01/2022 06:16

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập III “NHỮNG KHÚC CA KHẢI HOÀN” của PGS TS Cao Văn Liên.

Kỳ 42.

Nghệ An mùa đông năm 1788 cũng chìm trong giá rét, nắng mùa đông nhàn nhạt rải xuống muôn cây và làng xóm. Sông Lam nước trong xanh lạnh lẽo uốn lượn tuôn nước về Đông. Hai bên bờ sông xóm làng chạy quanh co  soi bóng xuống dòng sông. Vài con thuyền trôi lững lơ vô định. Núi Hồng Lĩnh vừa sáng sớm nên sương còn bao phủ như vành khăn trắng xóa. Trong căn phòng sang trọng của trấn trị trấn Nghệ An, ba người vừa ăn sáng xong đang ngồi uống trà và bàn việc nước. Ngồi một bên bàn là quan trấn thủ Nguyễn Văn Thận, được phong là Thận Trực Hầu. Hai người ngồi đối diện là Trần Quang Diệu và Bùi Hữu Hiếu, hai người nhận lệnh vua Quang Trung ra Nghệ An trước để tuyển quân, chờ đại quân từ Phú Xuân ra nhập vào cùng Bắc tiến. Khi ba người xong một tuần trà, Trần Quang Diệu nói:

-Đa tạ sự giúp đỡ của quan trấn thủ, “Cáo Thị” gửi ra cho bách tính có mấy ngày mà thanh niên trấn này đã nô nức tòng quân, con số đã lên tới 3 vạn. So với chỉ tiêu Bắc Bình Vương giao cho thì vừa đủ.

chuyqt1-1642258498.jpg
Tranh minh họa: Hàng vạn chiến binh áo vải cờ đào của nghĩa quân Tây Sơn đã tiến hành cuộc hành quân thần tốc ra kinh thành Thăng Long đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Nguồn: Internet.

 

Bùi Hữu Hiếu nói:

-Bắc Bình Vương còn định ra Thanh Hóa tuyển quân tiếp cho đủ quân số 10 vạn.

 Chợt có thám mã về báo:

-Bẩm quan trấn thủ, tin từ Phú Xuân đưa ra, Bắc Bình Vương đã lên ngôi hoàng đế, đế hiệu là Quang Trung ngày 22 tháng 11, ngày 23 hoàng đế đã thống lĩnh 5 vạn quân có cả bộ binh, kỵ binh và tượng binh đang nhanh chóng tiến ra Nghệ An.

Trần Quang Diệu và Bùi Hữu Hiếu:

-Xin chúc mừng quan trấn thủ được nghênh tiếp xa giá hoàng thượng.

Nguyễn Văn Thận chắp tay đáp lễ:

-Không dám, không dám, đa tạ hai tướng quân. Nếu hoàng thượng đi từ 23, nay đã là ngày 29, đại quân sắp đến Nghệ An rồi.

Bùi Hữu Hiếu nói:

-Nếu hôm nay mà đại quân đã ra đến đây thì một người lính bộ binh trung bình một ngày đi 200 dặm, quả là thần tốc, thần tốc.

Trần Quang Diệu nói:

-Không thể gọi là đi mà là nằm trên cáng khênh nhau mà chạy.

Vừa khi đó, thám mã về báo:

-Dạ, bẩm quan trấn thủ, đại quân của hoàng đế Quang Trung đã vượt cầu Bến Thủy, đang tiến vào Nghệ An ạ.

Nguyễn Văn Thận ra lệnh cho các quan trong trấn cùng Trần Quang Diệu, Bùi Hữu Hiếu đem quân bản bộ địa phương ra ngoài thành đón hoàng đế Quang Trung và đại quân. Không chỉ quan lại, hào trưởng mà bách tính Nghệ An nghe tin đại quân Tây Sơn tiến ra đã đem rượu, quà bánh, hoa quả, nước ra đứng suốt mấy dặm đường đông đúc để chào đón úy lạo. Tới gần giờ Ngọ thì thấy bụi cuốn mù mịt, đất sông Lam núi Hồng như rung lên bởi bước chân của voi, ngựa và 5 vạn bộ binh đang tiến vào trấn trị Nghệ An. Toàn bộ vùng trời đỏ rực màu cờ đỏ, đỏ rực màu quân phục. Lạ nhất là trên lưng mỗi con voi to như trái núi di động đặt những ống đồng vàng óng. Bộ binh thì oai phong gươm giáo loang loáng sáng rực dưới ánh nắng mặt trời. Kỵ binh thì hàng vạn con ngựa màu nâu và đen hùng dũng cao to hý vang the thé. Hoàng đế Quang Trung đội mũ vàng, áo bào và áo giáp màu vàng ngồi trên lưng voi dưới lá cờ đỏ in hình mặt trời vàng có chữ “Soái” lớn. Khi Quang Trung tiến lại gần bách tính, quan lại thì đội tiên phong dừng lại. Quang Trung xuống voi đi lại thì quan trấn thủ, quan viên của trấn, quân địa phương và bách tính quỳ xuống hô to:

-Kính chào hoàng thượng, hoàng thượng vạn tuế,vạn tuế…

-Hoàng thượng vạn vạn tuế…

Vua Quang Trung nói:

-Miễn lễ, bình thân.

-Tạ ơn hoàng thượng.

Vua Quang Trung hạ lệnh các tướng cho quân hạ trại, ăn uống nghỉ ngơi, rồi cùng Nguyễn Văn Thận, Trần Xuân Kỷ, Trần Quang Diệu, Bùi Hữu Hiếu và quan viên, tướng lĩnh đi vào thành Nghệ An. Sau bữa tiệc quan trấn thủ cùng quan viên Nghệ An chiêu đãi mừng Bắc Bình Vương lên ngôi hoàng đế, nhà  vua hỏi Trần Quang Diệu và Bùi Hữu Hiếu:

-Hai tướng quân đã tuyển được bao nhiêu quân rồi?

-Dạ, bẩm hoàn thượng, tính đến hôm nay đã được 3 vạn rồi ạ.

-Thôi được, ngay hôm nay hai tướng quân ra trấn Thanh Hóa tuyển thêm 3 vạn quân nữa. Thanh Hóa là quê hương của tướng quân Bùi Hữu Hiếu chắc là thuận lợi.

-Dạ, chúng thần tuân lệnh.

Quang Trung quay lại nói với Nguyễn Văn Thận:

-Quan trấn thủ làm cho hai việc gấp.

-Dạ.

-Làm thêm cho 1 vạn chiếc cáng tre hoặc trúc cho 3 vạn lính mới Nghệ An khênh nhau để hành quân ra Thanh Hóa và ra Tam Điệp. Thứ hai làm thêm cho 10 vạn cái bánh đa, 10 vạn cái dò bò hoặc dò lợn bổ sung lương khô cho quân đội.

-Dạ, thần tuân chỉ.

-Với tư cách trấn thủ, khanh lên núi Thiên Nhận mời cho được La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp xuống đây giúp hoàng đế Quang Trung kế chống giặc cứu nước.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Hôm sau, Nguyễn Văn Thận cùng tùy tướng đi lên núi Thiên Nhận mời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. La Sơn Phu Tử tên là Nguyễn Thiếp, quê quán làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn, Trấn Nghệ An. Ông sinh năm Quý Mão (1723). Năm Quý Hợi (1743) thi đậu Giải Nguyên. Sau khi thi đậu, Nguyễn Thiếp làm huấn đạo ở Anh Đô nhưng thời cuộc hỗn loạn, ông từ chức đi ở ẩn tại núi Thiên Nhận để xa rời cuộc thế đảo điên, lấy hiệu là “Lạp Phong Xử Sĩ”. Ông là người học rộng biết nhiều, nổi tiếng trong thiên hạ và trong giới hàn lâm học sĩ Nho gia. Lần ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, Quang Trung đã mời và được gặp La Sơn Phu Tử. Quang Trung rất kính phục tài phân tích thời cuộc chính trị, kiến thức uyên bác sâu sắc và xác đáng của ông.

Nguyễn Văn Thận đi từ sớm thì chiều trở về cùng La Sơn Phu Tử. Vua Quang Trung ra đón:

-Xin kính chào tiên sinh.

La Sơn Phu Tử chắp tay:

-Xin kính chào hoàng thượng.

-Không dám, mời tiên sinh ngồi.

Trong sảnh đường của quan trấn thủ Nghệ An, chủ khách chia nhau an tọa. Quang Trung nhìn La Sơn Phu Tử thấy ông không già hơn xưa bao nhiêu. Vẫn là một ông già mái tóc bạc phơ, vận quần và áo dài màu trắng, đi giầy màu nâu, da đỏ thắm hồng hào, nom đúng là một cư sĩ, lại như một tiên ông. La Sơn Phu Tử nhìn Quang Trung vẫn oai phong lẫm liệt, dáng dấp đế vương như xưa. Quang Trung hỏi:

-Tiên sinh có được khỏe mạnh không? Đã gần một năm rồi lại được hân hạnh gặp tiên sinh.

La Sơn Phu Tử đáp:

-Dạ, đa tạ hoàng thượng, lão phu vẫn khỏe, chúc mừng hoàng thượng đăng quang.

Quang Trung đáp:

-Đa tạ tiên sinh. Trẫm là dân áo vải không có chí làm vua. Nhưng nay Lê Chiêu Thống tự bỏ nước, tự bỏ ngai vàng mà đi, tự kết thúc nhà Hậu Lê, cầu viện ngoại bang để 30 vạn quân Thanh vào chiếm Thăng Long, vào chiếm Bắc Hà. Cả nước và bách tính không biết trông cậy vào ai. Trẫm bất đắc dĩ phải lên ngôi hoàng đế để lấy danh chính ngôn thuận mà hiệu lệnh thiên hạ đánh giặc cứu nước. Nay ra quân nhưng quân ta ít, giặc thì đông, thế rất lớn. Xin tiên sinh chỉ giáo làm thế nào để thắng giặc, đặng cứu dân cứu nước.

La Sơn Phu Tử đặt ly trà xuống và nói:

-Mưu lược dụng binh như thần thì hoàng thượng đã nổi danh thiên hạ qua các trận chiến lật đổ chúa Nguyễn, đánh bại Xiêm La, lật đổ chúa Trịnh. Nay ra quân đánh quân Thanh, hoàng thượng đã có mưu lược. Lão phu chỉ nói rằng tính từ 30 Tết đến mùng 5 Tết, hoàng thượng phải phá được giặc, nếu quá ngày đó mà không phá được thì rất khó khăn, diễn biến khó lường.

Vua Quang Trung cả mừng nói:

-Tiên sinh nói chính hợp với trù liệu, dự tính của trẫm.

Hôm sau, sau bữa cơm rượu sáng, La Sơn Phu Tử nói:

-Xin cáo biệt hoàng thượng.

Quang Trung chắp tay đáp lễ:

-Xin đa tạ tiên sinh đã hạ cố, hẹn ngày gặp lại.

Nguyễn Văn Thận cùng tùy tùng lại đưa La Sơn Phu Tử về lại Thiên Nhận Sơn.

(Còn nữa)

 CVL

     

                                                         

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập III (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 42)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn