Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)

PGS TS Cao Văn Liên

04/12/2021 09:09

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

chuylehoan04-atb-1638583528.jpg
Tranh minh họa (Nguồn: Internet).: Lê Đại Hành là vị vua khai sáng nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 980 đến 1005. Ông là một trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất ở Việt Nam. Trong sử Việt, ông không những là một vị hoàng đế có chiến công hiển hách trong việc đánh bại quân xâm lược nhà Tống ở phương Bắc và bình định quân Chiêm Thành tại phương Nam để giữ gìn bờ cõi và củng cố nền độc lập cho nước Đại Cồ Việt.

 

Kỳ 40.

Lại nói Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đem 2 vạn quân tiến vào Lạng Châu. Quân Tống tiến xuống đầu đạo Vũ Ninh thì dừng lại, chờ thủy quân tiến vào sông Cầu chở bộ binh vượt sông như đã định. Chờ mãi mà không thấy thám mã báo tin gì, Hầu Nhân Bảo sợ nếu chiến tranh kéo dài thì sẽ thất bại vì lương thực có hạn, quân số bị dân binh của Đại Cồ Việt tiêu hao. Hầu Nhân Bảo bàn với phó tướng là Tôn Toàn Hưng:

- Ta cứ đem quân xuống bờ Bắc sông Cầu rồi tính sau.

Tôn Toàn Hưng nói:

- Thưa chủ soái, xuống bờ Bắc sông Cầu mà không có thuyền thì tính sao?

- Phép hành quân gặp núi thì mở núi, gặp sông phải bắc cầu. Ta cứ xuống xem địa thế sông thế nào, có thể có chỗ nông lội qua được. Chờ ở đây lương thực sắp hết. Tướng quân có gánh nổi trách nhiệm không?

- Mạt tướng không dám.

Liền đốc thúc ba vạn quân tiến xuống. Chu Vị Công đi tiên phong, Hầu Nhân Bảo đi trung quân, Tôn Toàn Hưng đi hậu quân. Đến Hoa Bộ là một thung lũng hẹp, phía Đông là vách núi, phía Tây là rừng rậm, quân Tống hầu hết đã lọt vào thung lũng. Thốt nhiên, những hồi chiêng trống vang lên kèm theo những trận mưa tên từ rừng phía Tây và sườn núi phía Đông. Hàng nghìn quân Tống gục xuống ngay loạt tên đầu. Có tiếng kêu:

- Quân ta bị mai phục.

- Quân ta bị mai phục.

Tướng Chu Vị Công đi tiên phong trúng tên ngã ngựa chết. Hầu Nhân Bảo cuống cuồng quay ngựa định tháo chạy về phương Bắc nhưng ba vạn quân hỗn loạn, xác chồng chất lấp kín đường không thể chạy được. Trong khi đó quân Việt từ Đông Tây hai bên kéo xuống chém giết. Phạm Cự Lượng xông ngay vào người đang cuống cuồng trên lưng ngựa, trên đầu có lá cờ đề chữ “Soái” đưa một đại đao qua cổ. Đó chính là Hầu Nhân Bảo. Hầu Nhân Bảo thây phun máu đổ vật xuống đường. Quân Việt reo hò băm 2 vạn quân Tống thành những đống thịt đầy máu. Tôn Toàn Hưng nhờ đi hậu quân không sâu vào trận địa nên quay ngựa kịp chạy thoát, dẫn tàn quân chạy một mạch về biên giới. Khi vượt khỏi biến giới mới đi chậm lại để thở. Một tùy tướng nói:

- Chủ soái Hầu Nhân Bảo đã tử trận.

TônToàn Hưng nói:

- Ai bắt ngài ta đang yên đang lành lại xin Hoàng thượng đánh Đại Cồ Việt, không biết Lê Hoàn là tay đại anh hùng, đã cùng Đinh Bộ Lĩnh đánh Đông dẹp Bắc, chỉ hai năm là Đại Cồ Việt thống nhất. Cho ông ta chết cũng đáng đời.

Rồi tên tướng bại trận dẫn tàn binh mệt mỏi đi về Ung Châu trong một chiều mùa đông ảm đạm. Hoàng hôn đỏ tím trời Tây một màu máu.

Nghe tin đạo bộ binh bị quân Đại Cồ Việt tiêu diệt, Chủ soái Hầu Nhân Bảo bị giết, Tôn Toàn Hưng thoát chết đã tháo chạy về nước, Lưu Trừng cả sợ giương buồm cho thủy binh rút nhanh về Quảng Đông. Trần Khâm Tộ nghe tin cũng vội vã bỏ Tây Kết tháo chạy đường bộ, vì chiến thuyền đã bị dân binh đốt cháy trong khi quân Tống rời thuyền lên bộ tác chiến. Lê Đại Hành ra lệnh cho tất cả quân các đạo truy kích cùng quân triều đình. Quân Tống chạy không kịp bị chết quá nửa, thây nằm đầy đường. Các tướng Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện bị bắt, tướng Chu Vi Công tử trận, các tướng Lưu Trừng, Gia Thực chạy thoát về nước nhưng bị Tống Thái Tông chặt đầu bêu ở chợ Ung Châu, Thôi Lượng bị giáng chức. Sau chiến thắng, Lê Đại Hành cùng các tướng ca khúc ca khải hoàn trở về kinh đô Hoa Lư. Lê Đại Hành cho cả nước ăn mừng chiến thắng, ban lệnh đại xá thiên hạ. Đó là niên hiệu Thiên Phúc năm thứ hai, 981. Cùng năm đó Lê Đại Hành thấy phải cho Dương Vân Nga, một người phụ nữ hy sinh quyền lợi riêng tư vì đất nước một danh phận. Từ là hoàng hậu, rồi lên hoàng thái hậu. Sau khi vệ Vương Đinh Toàn nhường ngôi cho Lê Đại Hành thì bà không còn danh phận gì cả. Vì thế, sau khi được sự đồng ý của Dương Vân Nga, Lê Đại Hành kết hôn với bà và phong bà làm hoàng hậu. Tiệc cưới của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga diễn sau lễ ăn mừng đại thắng ngoại xâm đã mang lại một niềm vui lớn cho Triều đình, cho đất nước. Sau chiến thắng quân Tống, uy danh của Lê Đại Hành chấn động Đại Cồ Việt, chấn động cả Biện Kinh của nhà Tống. Năm 986, Tống Thái Tông buộc phải công nhận Lê Đại Hành là người cai trị Đại Cồ Việt. Bản sắc phong cho Lê Đại Hành một năm hai lần, nhiều lần cử sứ giả sang Hoa Lư giao thiệp và gần 100 năm sau nhà Tống không dám xâm phạm Đại Cồ Việt và sau này, năm 1054 là Đại Việt.

II

Sau chiến thắng không lâu, Lê Đại Hành thiết triều bàn việc nước. Lê Đại Hành nói:

- Các ái khanh có việc gì thì tấu:

Thái sư Hồng Hiệu bước ra:

- Bẩm Hoàng thượng, thần có tấu.

- Ái khanh nói:

- Bẩm Hoàng thượng, năm 980 Đại Cồ Việt ta muốn giao hảo với nước Chiêm Thành ở phương Nam, đã sai sứ giả là Ngô Tử Cảnh và Từ Mục đi sứ nhưng vua nước đó láo xược bắt giữ sứ thần không cho về nước. Như vậy là khinh mạn, không coi nước ta ra gì. Đó là danh dự quốc gia và của triều đình Hoa Lư, của Hoàng thượng. Mong Hoàng thượng xem xét.

Đại tướng Lã Lang bước ra:

- Thần xin bẩm tấu.

- Ái khanh nói đi:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, vua Bê Mi Thuế của Chiêm Thành đã nhiều lần quấy rối nước ta,nay lại bắt sứ giả, tuyệt giao. Thần nghĩ Hoàng thượng phải phát binh tiến vào Chiêm Thành trị tội để giữ yên biên giới phía Nam.

Triều đình đồng thanh:

- Xin Hoàng thượng phát binh trừng phạt Chiêm Thành.

Lê Đại Hành nói:

- Chuẩn tấu, ta sẽ thân chinh cầm quân trừng phạt Chiêm Thành. Ta là chủ soái, Đại tướng Phạm Cự Lượng làm phó soái cuộc Nam tiến.

- Chúng thần tuân chỉ.

Mùa xuân năm 982, Lê Đại Hành làm Tổng tư lệnh, Thái úy đại tướng Phạm Cự Lượng làm phó soái cùng các tướng đã dày dạn kinh nghiệm trong khói lửa chiến tranh như Lã Lang, Trần Nguyên Thái…tiến hành cuộc Nam chinh. Lê Đại Hành dẫn 300 chiến thuyền, 5 vạn quân rời kinh đô Hoa Lư ra cửa Đại An và vượt sóng tiến về phương Nam, mở cuộc chinh phạt xứ Chiêm Thành xa xôi. Trời mùa xuân nhưng vẫn còn gió lạnh. Bầu trời và biển xám xịt. Những cơn sóng lừng theo gió mùa đông bắc vỗ vào những con thuyền tung bọt trắng xóa. Những chiến thuyền chạy bằng buồm và cả bằng mái chèo. Những cánh buồm căng gió đưa đoàn thuyền lướt nhanh như bay. Cờ vàng tung bay phấp phới. Những làng mạc xanh thắm quanh co dọc bờ biển tưởng như dài vô tận trong không gian như cùng đi theo những chiến thuyền lướt trên sóng nước.

Đường từ Hoa Lư đến biển gần kinh đô Đồng Dương xa khoảng 1.500 dặm. Sau ba ngày ba đêm hành quân, thủy quân Đại Cồ Việt đã đến vùng biển ngang với kinh đô Chiêm Thành. Lê Đại Hành cho thủy quân tập kết tại cù lao Chàm và nói với Phạm Cự Lượng và Lã Lang:

- Thủy quân và tượng binh là hai lực lượng mạnh của Chiêm Thành. Đại tướng Phạm Cự Lượng đem 100 chiến thuyền và 1 vạn quân bí mật tiếp cận dùng hỏa công đốt quân cảng và chiến thuyền của Chiêm từ phía Đông và phía Bắc vì thuận hướng gió. Nhớ càng bí mật càng tốt. Tốt nhất là đêm nay tướng quân có thể hành sự.

Phạm Cự Lượng đáp:

- Dạ, thần xin tuân lệnh.

Lê Đại Hành nói tiếp:

- Trại tượng binh ở phía Tây, đại tướng Lã Lang đem 1 vạn quân, bí mật chốt chặt cửa doanh trại tượng binh và phóng hỏa đốt. Nhớ cũng phải hành sự bí mật. Còn ta sẽ đánh bộ binh của Bê Mỹ Thuế và chiếm kinh thành Đồng Dương.

Lã Lang đáp:

- Thần xin tuân lệnh.

Đêm xuống dần, biển và không gian chìm trong màn đêm. Biển phập phồng đen ngòm cuộn sóng rung lên những bản nhạc. Gió thổi vi vu. Đoàn chiến thuyền của Đại Cồ Việt không đèn đóm, lừ lừ nối đuôi nhau như đàn cá voi khổng lồ, bí mật tiến lại gần căn cứ thủy quân của chiêm thành ở cảng Hội An. Căn cứ rộng mênh mông neo đậu hàng trăm chiến thuyền trong đêm sóng yên biển lặng. Cách quân cảng khoảng 2 dặm, 100 dũng sĩ Đại Cồ Việt bơi lặn vào những con thuyền có ánh đèn, có những tên lính canh đang thức. Những dũng sĩ bí mật bất ngờ nhảy lên thuyền, bịt miệng và giết những tên lính canh đang ngủ gà ngủ gật. Vậy là không còn ai báo động cho 2 vạn thủy binh Chăm đang ngon giấc trên hàng trăm chiến thuyền. Phạm Cự Lượng cho hạm thuyền tiến lại gần quân cảng chừng nửa dặm thì thả những con thuyền con có chứa chất cháy, được châm lửa và cho trôi vào. Những con thuyền đó gặp gió đưa vào gần quân cảng, dạt trôi vào chiến thuyền quân Chiêm. Canh giờ sau, vài chục chiến thuyền bốc cháy và sau đó 200 chiến thuyền quân Chiêm thành 200 bó đuốc. Quân Chiêm đang ngủ say thức dậy thì bén lửa và bị dìm xuống nước do thuyền chìm. Có những tên không kịp thức dậy và ngủ giấc ngủ vĩnh viễn dưới đáy biển. Tiếng chuông báo động vang lên, lính Chiêm kinh hoàng, bất lực nhìn toàn bộ binh thuyền và hàng nghìn đồng đội chết cháy chìm xuống cùng những mảnh than đỏ rực của những chiến thuyền. Lửa cháy dữ dội khủng khiếp vàng rực cả vùng trời hải cảng Hội An, khói bốc cao mù mịt quằn quại như những con quái vật bay trong đêm.

(Còn nữa)

CVL.

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 40)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn