Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)

PGS TS Cao Văn Liên

30/11/2021 08:29

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

ch-lh1-1638235664.jpg
Tranh minh họa: Thập đạo tướng quân Lê Hoàn.

 

Kỳ 36.

Chương III
NHÀ TIỀN LÊ (980 - 1009)

I

Trong khi nước Việt thời Hậu Ngô Vương và thời nhà Đinh đang đầy biến động thì bên kia biên giới đất Trung Nguyên, cục diện Ngũ đại thập quốc kéo dài 60 năm cũng đang đến hồi kết thúc. Tháng 7 năm 959, Chu Thế Tông của nhà Hậu Chu tạ thế, vua Cung Đế kế vị còn nhỏ. Tháng 7 Năm 960, Triệu Khuông Dẫn, Điện Tiền đô kiểm điểm, thống lĩnh cấm quân của nhà Hậu Chu đã cướp ngôi, lập ra nhà Tống, lấy đế hiệu là Tống Thái Tổ, lấy Biện Kinh làm kinh đô. Năm 976, Tống Thái Tổ băng hà, em trai là Triệu Quang Nghĩa kế vị, đế hiệu là Tống Thái Tông (976-997).

Mùa đông năm 980, kinh đô Biện Kinh của nhà Tống chìm trong màu tuyết trắng, những trận mưa tuyết rơi xuống liên miên. Những bông tuyết tinh khiết trắng xóa từ không trung rơi xuống phủ ngập đường, đậu trên những cành cây khẳng khiu trơ trụi lá. Tuyết đậu trên những mái cung điện lợp ngói lưu li vàng son sang trọng.

Trong cung điện vàng son sang trọng của mình, Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa đang ngồi đọc sách, bốn góc phòng bốn lò sưởi bằng đồng đựng than gỗ đang cháy đỏ hồng rực. Tống Thái Tông đội mũ lông cừu mềm mại, khoác áo ấm cũng bằng lông cừu màu vàng. Hai nội quan đứng hầu hai bên. Thị nữ bê vào những ấm trà bốc khói. Tống Thái Tông vừa uống xong trà, đặt ly xuống thì có thị vệ vào báo:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, có người của Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo về có việc hệ trọng muốn xin gặp.

Tống Thái Tông nói:

- Cho vào.

- Dạ.

Tùy tướng của Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo bước vào và quỳ xuống:

- Dạ, Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế.

- Miễn lễ.

- Dạ, đội ơn Hoàng thượng.

- Ngươi từ Ung Châu về đây có việc gì không?

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, có thư của Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo ạ.                                                 Quan nội thị nhận thư từ tay viên tùy tướng và cung kính dâng lên Tống Thái Tông. Tông Thái Tông bóc thư ra đọc. Thư viết: “Kính bẩm Hoàng thượng, ở An Nam, cả Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận Vương và An Nam Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Đinh Liễn mà triều đình ta sắc phong đã bị giết, trong nước loạn to, gần mất, ta có thể đem quân chiếm lấy được. Nếu lúc này không mưu tính, sợ bỏ mất cơ hội. Thần xin được về cửa khuyết để bày tỏ trước Hoàng thượng về việc này. Nay kính thư. Thần Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo”.

Sớm hôm sau, Tống Thái Tông lập tức thiết triều. Khi bá quan văn võ đầy đủ, Tống Thái Tông nói:

- Quan nội thị, đọc thư của Tri Ung Châu Hầu Nhân Bảo cho bá quan nghe!

- Thần tuân chỉ.

Khi quan nội thị đã đọc xong thư, Tống Thái Tông nói:

- An Nam vốn là châu quận của Trung Nguyên ta từ thời Hán, nhưng dân xứ ấy ương ngạnh, không bao giờ chịu khuất phục. Nhân cơ hội Trung Nguyên ta rối loạn bởi cục diện Ngũ đại thập quốc, các họ Khúc- Dương - Ngô đã giành được quyền tự chủ. Đến thời Tiền Ngô Vương thì xưng Vương, thời Đinh Bộ Lĩnh thì xưng hoàng đế, không coi chúng ta ra gì. Nay hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giết, vua kế vị mới 6 tuổi, Lê Hoàn nhiếp chính, trong nước rối ren. Đây là lúc trời cho ta có thể lấy lại An Nam. Ta định cho triệu Hầu Nhân Bảo về kinh sư để làm rõ thêm tình hình và bàn chuyện chinh phạt. Các đại thần ai có tấu gì không?

Tể tướng Lư Đa Tốn bước ra:

- Thần xin có tấu.

- Ái khanh tấu đi.

- Dạ bẩm Hoàng thượng, thần cho rằng để chớp thời cơ thì cần phải nhanh chóng. Nay cứ để Hầu Nhân Bảo ở lại Ung Châu, chuẩn bị kỹ rồi tiến đánh bất ngờ như sét đánh, kẻ kia không kịp bưng tai. Nếu triệu Hầu Nhân Bảo về triều thì đi lại mất thời gian sẽ lỡ cơ hội. Mong Hoàng thượng xem xét.

Một võ quan bước ra:

- Dạ, bẩm Hoàng thượng, thần là Hữu Tráng, cai quản Quảng Nam Tây lộ, vừa được triệu về kinh sư, có biết chút ít về Đại Cồ Việt, nay xin bẩm báo:

- Ái Khanh tấu đi:

- Dạ bẩm Hoàng thượng, ở Giao Châu, vua kế vị nhà Đinh còn nhỏ, mới 6 tuổi, nước loạn mãi không yên, dân không biết dựa vào ai làm chủ. Ta nên sai quân sang nói là đến cứu Vệ Vương Đinh Toàn, dẹp gặc Lê Hoàn thì lòng dân sẽ quy thuận và ta tiến quân mới có nguyên cớ, mới có danh nghĩa rõ ràng.

Tống Thái Tông nói:

- Khanh nói phải lắm, mục đích của ta là sáp nhập An Nam vào Đại Tống của ta, còn cái cớ là giúp nhà Đinh. Ha! ha! ha!.

Tống Thái Tông lập tức ban chiếu chinh phạt Đại Cồ Việt. Chiếu viết: “Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Thanh giáo và oai linh của nước nhà vang khắp mọi nơi. Gần đây, đất Giao Chỉ chưa sáp nhập vào địa đồ Trung Quốc, chúng ở một phương gần nơi Ngũ Lĩnh. Từ cuối đời Đường rối loạn, chia sẻ đất đai, rồi chúng làm ra một nước tiếm ngụy, ở xa thanh giáo thành ra phong tục như đứa mù, đứa điếc. Kịp khi Phiên Ngung đã bình định mới ban cho chính sóc mà tuân hành. Tuy đã phục tùng chịu làm phiên thuộc nhưng cứ tu luyện binh lính, có ý quật cường. Lễ thờ phụng nước trên lẽ nào như thế? Vậy ta bất đắc dĩ phải trị tội gian ngụy để cứu dân. Phải cử binh qua đánh để khai hóa xứ mọi rợ. Nay cho Tôn Toàn Hưng xuất quân qua đánh”.

Rồi Tống Thái Tông cho lập Giao Chỉ hành doanh là bộ chỉ huy lực lượng quân viễn chinh. Hầu Nhân Bảo là Tổng tư lệnh, được phong là Giao Chỉ Lộ thủy lục kế đô chuyển vận sứ. Các chánh tướng và phó tướng của cuộc viễn chinh là Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực,Vương Soạn và Trần Khâm Tộ. Tôn Toàn Hưng là phó Tổng tư lệnh, được phong là Uy Châu lục bộ binh mã đô hộ thư. Hứa Trọng Tuyên là Phó Tổng tư lệnh đóng tại hậu cứ bên đất Tống. Lưu Trừng chỉ huy lực lượng thủy quân, Hứa Sương Duệ chỉ huy lực lượng thông tin liên lạc. Nhà Tống huy động vào cuộc chiến tranh khoảng 6 vạn quân, chủ yếu là cấm quân, lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của triều đại này. Quân Tống chia làm hai đạo tiến vào Đại Cồ Việt. Đạo quân bộ do Lan Châu Đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Trương Tuyền và Tả giám môn vệ hướng quân Thôi Lượng chỉ huy từ Ung Châu tiến vào đạo Lạng Châu. Đạo thủy quân do Thứ sử Ninh Châu Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ, Quan Khí phó sứ Giả Thực và Phụng quan các môn chi hậu Vương Soạn tiến theo đường biển vào sông Bạch Đằng của đạo Lục Châu- An Biên của Đại Cồ Việt.

Mùa đông năm 980, gió lạnh như cắt da thổi vào Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư, những núi đá cao mơ màng đứng trong sương huyền ảo, những đàn chim tránh rét đang bay vội về phương Nam xa xôi. Nắng chan hòa. Trên đỉnh cột cờ của kinh đô lá cờ vàng có chữ Đại Cồ Việt tung bay huy hoàng dưới nắng. Lê Hoàn đang ngồi uống trà trưa trong tư dinh thì có tùy tướng vào báo:

- Dạ bẩm phó vương nhiếp chính, có mật thư của quan Tổng trấn đạo Lạng Châu.

Lê Hoàn bóc thư đọc. Thư viết: “Bẩm Thập đạo tướng quân, khoảng 6 vạn quân thủy bộ nhà Tống đang tập kết gần biên giới nước ta ở Lạng Châu và Lục Châu, chuẩn bị xâm lược Đại Cồ Việt. Kính mong Thập đạo tướng quân cùng triều đình chuẩn bị và bàn kế sách kháng chiến. Nay kính thư”.

Ngoài thư của quan Tổng trấn đạo Lạng Châu, còn có Chiếu Thư của vua Tống phát đi để chinh phạt Đại Cồ Việt. Lê Hoàn đọc xong tức giận đập bàn quát:

- Thằng nhãi ranh Triệu Quang Nghĩa láo xược, ta sẽ cho ngươi biết thế nào là Đại Cồ Việt.

Rồi gọi:

- Người đâu.

- Dạ.

- Quân Tống sắp sang xâm lược. Đi bẩm báo với Dương thái hậu, Hoàng thượng và văn võ bá quan đến nghị triều bàn việc chống giặc.

- Dạ.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 36)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn