Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)

PGS TS Cao Văn Liên

24/11/2021 09:27

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập II của PGS TS Cao Văn Liên.

dinhtienhoang-1637720554.jpg
Tượng thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Nguồn: Internet.

 

Kỳ 30.

Ngô Nhật Khánh là dòng dõi họ hàng với Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, quê quán ở Đường Lâm. Trong loạn 12 sứ quân, Ngô Nhật Khánh cũng chiếm cứ vùng Đương Lâm xưng hùng xưng bá với mục tiêu là khôi phục ngai vàng nhà Ngô do chính ông ta làm hoàng đế. Do không đủ lực lượng nên phải quy hàng Đinh Tiên Hoàng. Đinh Bộ Lĩnh trong con mắt chính trị cũng muốn thu phục dòng dõi Ngô Vương, một gia tộc lớn, có ảnh hưởng trong bách tính khi đó nên đã thu phục Ngô Nhật Khánh. Sau khi về Hoa lư, Đinh Tiên Hoàng đã cưới mẹ Ngô Nhật Khánh là Ngô phu nhân, một góa phụ đã có hai con và phong làm Ngô hoàng hậu. Ngược lại, để thêm sự bền chặt, Đinh Tiên Hoàng đã gã công chúa Phất Kim cho Ngô Nhật Khánh và phong là phò mã Đô úy. Đinh Tiên Hoàng còn cho Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai trưởng của mình lấy em gái Ngô Nhật Khánh. Cuộc hôn nhân của Đinh Tiên Hoàng với Ngô hoàng hậu đã cho ra đời hoàng tử Hạ Lang, năm nay đã tròn năm tuổi.

Cũng phải nói thêm rằng, theo tính toán của Đinh Tiên Hoàng, bệ đỡ của triều đình nhà Đinh dựa trên ba trụ cột, đó là quân đội và các tướng lĩnh, thứ hai là Phật giáo, thứ ba là các gia tộc có ảnh hưởng lớn về chính trị trong thiên hạ. Trong bệ đỡ gia tộc lớn, Đinh Tiên Hoàng đã tạo nên những mối quan hệ chằng chéo, phức tạp về hôn nhân. Trong khi ở Bố Hải Khẩu, Đinh Tiên Hoàng kết hôn với con gái Trần Minh Công là Trần hoàng hậu. Sau khi lên ngôi, Đinh tiên Hoàng gả công chúa Minh Châu cho Trần Thăng, gả công chúa Phất Ngân cho Trần Nguyên Thái là hai em em trai của Trần Minh Công. Trần Nguyên Thái phụ trách về ngoại giao của Đại Cồ Việt, đứng sau Ngoại giáp Đinh Điền. Năm 976, Trần Nguyên Thái đã đi sứ sang nhà Tống đàm phán về quan hệ hai nước. Năm 968 khi vào Ái Châu thu phục Ngô Xương Xí, Đinh Tiên Hoàng lại kết duyên với Dương Vân Nga là ái nữ của Dương Tam Kha để kết giao với dòng họ Dương tăm tiếng và thế lực ở châu này. Kết qủa của cuộc hôn nhân này, Dương Vân Nga đã sinh ra hoàng tử Đinh Toàn.

Như vậy, Đinh Tiên Hoàng có ba công chúa và ba hoàng tử. Ba hoàng tử đều là cùng cha khác mẹ. Trưởng nam là Đinh Liễn, một tướng tài, từng cùng Đinh Tiên Hoàng xông pha chiến trận, lập được nhiều chiến công, góp phần to lớn vào việc dẹp các sứ quân, thống nhất thiên hạ, khai sinh triều nhà Đinh ở Hoa Lư. Ngoài tài quân sự, Nam Việt Vương Đinh Liễn còn có tài ngoại giao. Năm 972 Đinh Liễn phụng mệnh Đinh Tiên Hoàng đi sứ sang Biện Kinh (Khai Phong), Kinh đô Nhà Tống. Cuộc bang giao đã thành công tốt đẹp nên năm 975 vua Tống sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, Phong cho Đinh Liễn là Tĩnh hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ. Hoàng Tử thứ hai là Đinh Hạng Lang, con của Đinh Tiên Hoàng và Ngô Hoàng hậu. Đinh Hạng Lang phải gọi Ngô Nhật Khánh là anh cùng mẹ khác cha, gọi Đinh Liễn là anh cùng cha khác mẹ. Hoàng tử nhỏ tuổi nhất là Đinh Toàn, con của Đinh Tiên Hoàng với hoàng hậu Dương Vân Nga. Triều đình và hào kiệt trong thiên hạ, kể cả Đinh Liễn đều tin là Đinh Tiên Hoàng sẽ trao ngôi thái tử cho Đinh Liễn. Công lao và tài năng của Đinh Liễn xứng đáng với ngôi vị đó.

Quay lại biệt phủ của Ngô Nhật Khánh và cuộc chuyện trò giữa Ngô hoàng hậu và con trai. Sau một vài chén trà Ngô Nhật Khánh nói với Ngô hoàng hậu:

- Hôm nay vắng công chúa Phất Kim, còn có hai mẹ con, con muốn nói với thân mẫu một chuyện mà từ lâu con không nói được.

Ngô hoàng hậu ngạc nhiên:

- Phò mã có việc gì vậy?

- Thân mẫu đừng gọi con là phò mã. Từ lâu con đã muốn khôi phục lại ngôi vị của dòng họ Ngô hiển hách do Tiền Ngô Vương xây dựng nên.

Ngô hoàng hậu hốt hoảng:

- Con đã là phò mã nhà Đinh, mẹ cũng là hoàng hậu nhà Đinh, em gái con là Nam Việt Vương Đinh phu nhân, em trai con là hoàng tử nhà Đinh. Sao con lại quên ơn Đinh Tiên Hoàng, quên đi địa vị của mình mà nói những lời phản nghịch như vậy. Con muốn nhà mình bị tru di ba họ sao?

Ngô Nhật Khánh lạnh lùng đáp:

- Nền độc lập của nước Việt ta do công lao của Ngô Vương Ngô Quyền và dòng họ ta tạo nên. Đáng tiếc, Tiền Ngô Vương mất sớm và thiên hạ bước vào loạn lạc. Đinh Tiên Hoàng chẳng qua là dựa vào sức họ Trần, họ Dương và họ Ngô mà thống nhất được thiên hạ. Đáng lý phải trả lại ngai vàng cho dòng họ Ngô ta mới đúng. Các ngôi vị của nhà ta mà thân mẫu vừa nói cũng chẳng qua là hư vị, cũng chỉ là phụ thuộc và cúi đầu trước họ Đinh mà thôi.

Ngô hoàng hậu gần như nổi giận:

- Con đã từng là sứ quân mà không hiểu thời cuộc. Nếu con là người chiến thắng 11 sứ quân thì con có trao ngai vàng cho ai không, ngay trong dòng họ Ngô, con có trao cho Ngô Xương Vương không? Còn ngôi vị nhà ta hư vị là thế nào? Vinh hoa phú quý không kém dòng quý tộc nhà Đinh. Con còn đòi hỏi gì? Còn mơ khôi phục ngai vàng, con có thực lực không. Ngay khi còn là một sứ quân đã phải đầu hàng rồi là gì? Làm thế nào mà đảo ngược được thời vận? Con thật ảo tưởng.

- Nhưng mộng của con là mộng đế vương, không phải là địa vị Đô úy phò mã. Thân mẫu hãy giúp con. Con biết là thân mẫu có cách giúp.

- Ta giúp được gì?

- Trong lịch sử, bao nhiêu triều đại đã bị sắc đẹp của các hoàng hậu lật đổ, đem lại ngai vàng cho dòng họ ngoại. Mẹ hãy dùng sắc đẹp thuyết phục lung lạc Đinh Tiên Hoàng để ngài ấy bỏ ý định lập Đinh Liễn làm thái tử mà truyền ngôi cho Đinh Hạng Lang nhà ta. Khi Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Hạng Lang lên ngôi, con trở thành nhiếp chính, nắm hết quyền lực. Quyền lực từ nhà Đinh sẽ dần chuyển về tay nhà Ngô dễ như thò tay vào túi lấy đồ vật.

- Mẹ không làm được. Mụ già đã 50 tuổi như ta làm gì còn sắc đẹp như Dương Vân Nga mà lung với lạc Đinh Tiên Hoàng. Ta được phong hoàng hậu đã là may lắm rồi. Vả lại, trong ba người con, Đinh Liễn tài năng, đức độ là xứng đáng ngôi thái tử. Vả lại Đinh Liễn là con rể của ta, em rể của con, lại là anh vợ của con cơ mà.

- Đinh Liễn dù là anh vợ lại là em rể làm vua thì vẫn là triều nhà Đinh. Ý của con là kiên quyết thay nhà Đinh bằng nhà Ngô. Nếu thân mẫu không giúp êm đẹp như vậy, con công khai cầu viện ngoại bang, khi đó thân mẫu và hai em chết thì đừng trách con. Thân mẫu muốn con làm vua hay cả nhà nhà ta sẽ chết.

- Con đang ép ta đấy hả?

- Không, con chỉ muốn thân mẫu giúp con vì thân mẫu giúp được trong tầm tay, vả lại con đường này êm xuôi, không đổ máu.

- Thôi được, để ta xem.

Ngô Nhật Khánh mừng rỡ:

- Con cảm ơn mẹ.

Ngô hoàng hậu dặn trước:

- Nhưng khi làm nhiếp chính, không được làm hại Hạng Lang đấy.

- Ai lại làm hại em mình. Thân mẫu yên tâm.

- Ai biết đâu được, phò mã đúng là lòng tham không đáy.

Đêm nay, trong cung của Ngô hoàng hậu, đèn nến sáng trưng lộng lẫy như thiên hà, như sao sa. Hoa kết nhiều màu tươi thắm, rực rỡ, cỗ bàn yến tiệc linh đình. Hôm nay là ngày sinh nhật thứ 5 của hoàng tử Đinh Hạng Lang. Hoàng tử có tướng mạo phi phàm, khôi ngô, tuấn tú, mắt sáng, môi đỏ. Hoàng tử nhỏ mặc áo vàng, đội khăn vàng càng thêm rực rỡ. Ngô hoàng hậu đêm nay cũng trang điểm lộng lẫy xinh đẹp khác thường. Nhìn hoàng hậu ai cũng cho rằng bà mới 30 tuổi, không ai cho rằng bà đã ngũ tuần. Đinh Tiên Hoàng bế Hạng Lang, nhìn Ngô hoàng hậu mà hạnh phúc dâng tràn. Các đại thần, thái giám được Ngô hoàng hậu sủng ái không ngớt lời ca ngợi Đinh Hạng Lang, khi tiệc rượu choáng váng say sưa một số kẻ to gan xu nịnh còn nói đến Đinh Hạng Lang xứng ngôi thái tử mà không sợ tai vách mạch rừng.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết " Việt Nam diễn nghĩa – Tập II (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 30)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn