Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 69)

PGS TS Cao Văn Liên

23/10/2021 08:55

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

            

chuyen-ngo-q4-1634953953.jpg
Tranh minh họa: Ngô Quyền quyết tâm ra Bắc diệt Kiều Công Tiễn báo thù cho cha vợ. Nguồn: Internet

 

Kỳ 69.

Kiều Công Tiễn đọc thư xong cả sợ. Còn đang suy nghĩ thì Kiều Công Thuận nói:

-Giữ lại cái xác để làm gì, dẫu sao Dương Đình Nghệ cũng là cha nuôi của huynh, trả lại thi hài thì tỏ ra còn chút tình nghĩa với họ Dương. Vả lại, nếu Ngô Quyền đánh ngay thì ta chưa đủ lực tất thất bại. Cứ trả thi hài để hoãn chiến rồi có thời gian tính toán sau.

Kiều Công Tiễn nói:

-Thôi cũng đành chiều theo ý Ngô Quyền rồi tính sau vậy.

Sáng hôm sau thám mã về báo:

-Bẩm Kiều Tiết độ sứ chúa công, Ngô Quyền, Dương Tam Kha đã dàn 3 vạn quân ngoài thành Đại La nửa dặm, đòi chúa công trao lại thi hài Dương Tiết Độ sứ, nếu không sẽ tấn công thành.

Kiều Công Tiễn đáp:

-Ta biết rồi.

Rồi Kiều Công Tiễn ra lệnh đem quan tài có thi hài Dương Đình Nghệ đặt lên xe có ngựa kéo ra cửa thành, trên quan tài phủ vải trắng, chung quanh có vòng hoa. Một lư hương lớn đặt ở đầu quan tài khói hương nghi ngút. Hai bên xe tang, mỗi bên có 10 võ sĩ mặc áo tang, đội khăn tang dắt ngựa đi ra ngoài thành, tiến về trước hàng quân của Ngô Quyền và Dương Tam Kha. Kiều Công Tiễn lên thành quan sát, Kiều Công Thuận đốc thúc quân sẵn sàng chiến đấu, đề phòng Ngô Quyền tấn công. Kiều Công Tiễn trông thấy Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc và 3 vạn quân đều mặc tang phục, các tướng lĩnh và quân sĩ một màu trắng toát nhưng tay vẫn cầm vũ khí, nét mặt vừa đau buồn vừa căm giận. Nhạc tang vang lên bi ai thảm thiết. Toàn bộ bách tính Đại La không quản có thể nổ ra chiến trận cũng mặc đại tang, đông như kiến cỏ một màu trắng toát đứng vây tròn quanh quân Khúc-Dương để tưởng nhớ Dương Tiết độ sứ, một vị vua thương dân thương nước. Trông thấy cảnh đó, Kiều Công Tiễn bỗng nhiên kêu lên:

-Trời ơi, ta đã làm gì thế này!!

Và hắn gục xuống trong tay người lính bên cạnh.

Khi xe tang đến, Ngô Quyền, Dương Tam Kha và tất cả các tướng đều xuống ngựa quỳ lạy trước linh cửu Dương Đình Nghệ. 3 vạn quân cũng quỳ xuống. Sau đó xe chở linh cửu đi đầu, các tướng lĩnh và 3 vạn quân đi sau tiến về Ái Châu. Dọc đường từ Đại La đến Ái Châu, đông đảo bách tính mặc đồ tang, đem lư hương đặt dọc đường đón và tiễn đưa linh cửu Dương Đình Nghệ. 3 vạn người màu trắng đi trong tiếng nhạc bi ai, nắng tháng tư chói chang tung bụi mịt mờ theo gió, cờ tang, cờ vàng bay phần phật theo bước chân đi 300 dặm đường. Thực sự đây đã là một đám tang vĩ đại đưa Dương Đình Nghệ về làng Giàng, Dương Xá yên nghỉ. Về Dương Xá dự tang và đưa Dương Đình Nghệ về nơi yên nghỉ có đông đủ hầu hết các Thứ sử các châu của An Nam, các hào trưởng, các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh, bạn bè thân hữu của Ngô Quyền, của Dương Tam Kha, 3000 nghĩa tử. Sau tang lễ, các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh, Thứ sử các châu, các hào trưởng, 3000 nghĩa tử ngỏ lời sẽ cùng Ngô Quyền tiến đánh Đại La sau 100 ngày, bắt tên bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, tên phản bội Kiều Công Tiễn, rửa hận cho nước nhà, cho bách tính, báo thù cho Dương Đình Nghệ.

        

                                                        IX

Vào một sáng mùa xuân năm 938, tại đại sảnh đường trong thành Đại La, Kiều Công Tiễn đang ngồi trên ghế Tiết độ sứ, dáng vẻ lo lắng, khuôn mặt nham hiểm đã gầy càng gầy hơn, càng tăng sự gian manh tàn ác hơn. Ban đầu do tham lam, say mê quyền lực, Kiều Công Tiễn nghĩ rằng cứ giết được Dương Đình Nghệ, ngồi lên ghế Tiết độ sứ, có quyền hành thì có tất cả, mọi người đều phải khuất phục.Nhưng sự đời không đơn giản như vậy, nhất là trong lĩnh vực quyền lực chính trị. Cái tiếng tăm không mấy tốt đẹp, gian tham, tàn bạo khi còn cai trị ở Phong Châu của hắn đã lan truyền khắp nước. Nhưng khi ở Phong Châu, miền trung du xa xôi, người thì tin, kẻ thì nghi ngờ. Nhưng sau khi về Đại La giết Dương Đình Nghệ là nghĩa phụ, ân nhân của Kiều Công Tiễn, đoạt chức Tiết độ sứ thì sự xấu xa, đê tiện, phản trắc của Tiễn không thể che đậy được nữa. Hắn mới hiểu ra trong chính trị quyền lực, kẻ xấu xa về nhân phẩm, tha hóa về đạo đức, kém tài năng mà ngồi ở ngôi cao thì thật không sung sướng gì và cực kỳ nguy hiểm, như cưỡi trên lưng hổ, như ngồi trên núi lửa, có thể bị hổ ăn thịt và bị thiêu cháy bất cứ lúc nào. Gần một năm nay, Kiều công Tiễn đã cho tay chân của mình đi đến tất cả các châu nhằm thuyết phục, mua chuộc kết giao bè phái với các Thứ sử, với các anh hùng hào kiệt, với các hào trưởng. Nhưng tất cả người của Kiều Công Tiễn đều bị từ chối không tiếp, hoặc bị đuổi đi, các thư từ công văn bị trả lại kèm theo những bức thư thóa mạ của họ. Đại lược là họ không bao giờ ủng hộ cho một kẻ bất hiếu, bất trung, vô đạo, tham lam ích kỷ tàn bạo, chỉ biết vinh thân phì gia, không biết bách tính và đất nước. Họ đều báo cho Tiễn biết rằng hắn phải bị trừng phạt, phải đền tội ác. Bây giờ hắn mới biết rằng bách tính Việt là ghê gớm chứ không như hắn hiểu lầm chỉ là lớp người nghèo khổ cam chịu khuất phục để những bậc vương, tướng gian manh như hắn muốn làm gì cũng được. Vì thế, suốt gần một năm nay, quyền lực của Kiều Công Tiễn không vượt quá thành Đại La.

Thế lực đáng sợ nhất của hắn là Ngô Quyền và Dương Tam Kha. Thám mã đã về báo rằng trong đại tang của Dương Đình Nghệ, hầu hết các Thứ sử, hào trưởng, anh hùng hào kiệt khắp nơi đều về dự, thậm chí họ còn thống nhất ngỏ lời với Ngô Quyền, Dương Tam Kha sẽ hợp lực với Ngô Quyền đánh bắt Kiều Công Tiễn báo thù cho Dương Đình Nghệ, người trong một năm hai lần đánh bại quân Nam Hán hùng mạnh, giành lại tự chủ độc lập cho nước nhà, đem lại cuộc sống no ấm, yên vui cho bách tính. Người như vậy mà chết dưới tay một kẻ tiểu nhân tàn độc thì tội ác của Kiều Công Tiễn là không thể tha thứ được.

Những ngày gần đây, thám mã lại về báo rằng Ngô Quyền gia tăng số lượng quân đội Khúc- Dương, tăng cường số lượng dũng sĩ, một binh chủng đặc biệt đáng sợ với mọi kẻ thù lên đến gần 1 vạn, Thời gian huấn luyện được tăng cường cả ngày lẫn đêm. Ngô Quyền cũng đã xây dựng thủy binh hùng mạnh với nhiều loại chiến thuyền, thuyền lớn, thuyền nhỏ, có những chiến thuyền mông bằng đồng, không chỉ chạy bằng chèo mà chạy bằng buồm do tận dụng sức gió. Quân đội Khúc-Dương còn được tăng cường về kỵ binh, vũ khí nhiều loại bằng sắt tốt. Binh sĩ được huấn luyện kỹ chiến thuật chiến đấu phong phú, thiện chiến và hiệu quả, còn được huấn luyện sự phối hợp chiến đấu giữa các quân binh chủng, còn được huấn luyện tổ chức và kỹ luật nghiêm khắc, chặt chẽ. Ngô Quyền còn sử dụng những nhân tài quân sự và mưu trí tham mưu về quân sự. Các tướng lĩnh trong quân đội Khúc- Dương bây giờ là những tướng tài. Nhìn chung, quân đội Khúc –Dương thời Ngô Quyền đã được nâng cao một bước về chất lượng toàn diện, mọi mặt so với thời Dương Đình Nghệ, lại càng vượt xa so với thời họ Khúc.

Trong khi đó, quyền lực của Kiều Công Tiễn cho đến bây giờ không vượt khỏi thành Đại La, còn bên ngoài Đại La và cả nước mênh mông là các thế lực thù địch. Ngay ở Đại La, ngoài 1 vạn quân bản bộ từ Phong Châu về thì còn đáng tin cậy, còn vài nghìn quân Khúc-Dương của Dương Đình Nghệ, họ đã đầu hàng, nhưng lòng dạ của họ thì làm sao biết được, mà đem giết hết để trừ hậu họa thì cũng không được. Giết hết những kẻ đầu hàng, chạy về với mình, nay mai còn ai dám về với Kiều Công Tiễn, thứ hai, làm vậy là quá tàn bạo, Kiều Công Tiễn không muốn chuốc lấy tiếng tàn bạo hơn nữa. Một quân đội như vậy làm sao chống lại với quân đội Khúc -Dương của Ngô Quyền. Mà Ngô Quyền có lẽ đã sắp đánh Đại La đến nơi rồi. Đã quá thời gian 100 ngày của Dương Đình Nghệ lâu rồi. Càng suy nghĩ, Kiều Công Tiễn càng thấy bị cô lập và bế tắc. Kiều Công Tiễn bắt gia nhân rót và uống thêm vài chén rượu nữa, cuối cùng dằn chén mạnh xuống bàn và quát:

-Đi mời Tổng trấn Đại La Kiều Công Thuận đến đây!

-Dạ.

Một lát, Kiều Công Thuận đến và chắp tay:

-Huynh cho gọi đệ?

Kiều Công Tiễn đưa cho Kiều Công Thuận một chén rượu và nói;

-Đệ uống đi rồi bàn quốc sự với ta.

-Đa tạ huynh

Rồi Kiều Công Thuận uống một hơi. Khi Thuận đặt chén xuống bàn thì Kiều Công Tiễn nói:

-Thuận này.

-Dạ

Kiều Công Tiễn với dọng lè nhè say:

-Thuận này, huynh đệ ta hiện nay bị cô lập, Thứ sử các châu, anh hùng hào kiệt, hào trưởng trong cả nước không ủng hộ chúng ta mà họ ủng hộ Ngô Quyền. Quân đội của chúng ta ít và yếu, lại còn thêm quân của Khúc- Dương đầu hàng, không biết lòng dạ họ thế nào. Theo thám mã báo thì chỉ nay mai là Ngô Quyền và Dương Tam Kha tiến đánh Đại La, lực lượng của chúng đông và rất mạnh. Chúng ta đã bị cô lập. Ngay trong gia đình ta cũng đã không đồng lòng. Cháu của thúc là Kiều Công Chuẩn không về Đại La, chỉ ở lại Phong Châu và còn định đem theo Kiều Công Đĩnh còn nhỏ rời khỏi trấn trị Bạch Hạc, còn Kiều Công Hãn đã đi theo Ngô Quyền, hiện đang ở Ái Châu. Đệ có kế sách gì để chống lại quân của Ngô Quyền không ?

Kiều Công Thuận hỏi:

-Thế bố cáo của huynh nói về lý do huynh giết Dương Đình Nghệ để báo thù cho Khúc Thừa Mỹ người ta không tin à?

-Không ai tin, họ còn mắng chúng ta là xảo biện, là ngu xuẩn. Họ cho rằng Dương Đình Nghệ đánh quân Nam Hán, giết Lý Khắc Chính, giết Trần Bảo là để giành lại  quyền tự chủ, độc lập, còn Nam Hán giết Khúc Thừa Mỹ khi đó đang bị lưu đày ở Phiên Ngung là tàn bạo, là giận cá chém thớt, không liên quan gì đến Dương Đình Nghệ. Vả lại, giết Lý Khắc Chính và Trần Bảo là Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, đâu phải Dương Đình Nghệ.

Ngừng một lát Kiều Công Tiễn bỗng reo lên vui mừng:

-À có rồi

-Có cái gì vậy huynh?

-Nhắc đến quân Nam Hán ta mới nhớ ra, đó có thể là chỗ dựa cho chúng ta, cái phao cứu ta khỏi chìm. Chúng ta phải lập tức cầu cứu Lưu Nghiễm đem quân sang cứu chúng ta. Khi đó trong đánh ra, ngoài đánh vào thì Ngô Quyền và Dương Tam Kha chắc là bị bắt. Suýt nữa thì quên, hay, hay, có lối  thoat rồi. Ha! Ha! Ha!

Kiều Công Thuận nói:

-Nhưng đó là hành động bán nước, là phản quốc, huynh biết không. Với dân Việt, tội gì họ cũng có thể tha thứ, nhưng tội phản quốc thì họ không tha, lại còn bị muôn đời nguyền rủa, hàng nghìn năm, con cháu không ngóc đầu lên được.

-Đệ yên tâm, ta chỉ nhờ họ mang quân sang tiêu diệt Ngô Quyền xong, sau đó đề nghị họ về nước, ta chỉ hết lòng thần phục và nộp cống là được.

Kiều Công Thuận nói:

-Huynh không thuộc lịch sử nước ta rồi, cái bọn vua chúa phương Bắc từ đời này qua đời khác, từ triều đại lớn đến triều đại nhỏ đều có dã tâm xâm chiếm nước ta. Huống chi Nam Hán là nước nhỏ, đang muốn chiếm An Nam để vơ vét sức người sức của cho cuộc tranh hùng với năm đời mười nước đang diễn ra khốc liệt. Huynh mời chúng vào thì dễ, đuổi chúng về nước thì khó, khi đó mất nước, anh em ta sẽ là tội đồ của lịch sử, của dân tộc, bị phỉ nhổ muôn đời.

Ngừng một lát, Kiều Công Thuận nói tiếp:

-Còn một con đường nữa là huynh bỏ chức tiết Độ sứ, bỏ Đại La lui về Phong Châu làm Thứ sử là tốt nhất.

Kiều Công Tiễn nói:

-Bây giờ đã muộn rồi, đã cưỡi lưng cọp rồi, xuống là bị nó ăn thịt. Thù giết Dương Đình Nghệ, liệu ta chạy về đâu mà Ngô Quyền và Dương Tam Kha tha thứ?

Kiều Công Tiễn uống thêm vài chén rượu nữa rồi đập bàn:

-Thuận à, cầu cứu Nam Hán  là con đường thoát duy nhất của huynh và đệ, còn hậu thế ư, dân tộc ư, bách tính lạc Việt ư, kệ xác nó. Làm chính trị đôi khi cũng phải dày mặt, kệ cho nó chửi rủa.

-Bay đâu.

-Dạ.

-Đem bút mực ra đây!

-Dạ.

Có giấy mực và bút, Kiều Công Tiễn liền viết thư cho vua Nam Hán Lưu Nghiễm, đóng ấn Tiết độ sứ màu đỏ, niêm phong rồi gọi:

-Bay đâu cho gọi Kiều Công Đại vào!

Kiều Công Đại bước vào, đó là người trong họ hàng và là người giúp việc cho Kiều Công Tiễn:

-Dạ, bác gọi cháu.

- Nay ta giao trọng trách cho cháu, cháu chọn lấy 5 người và cháu cầm đầu phái đoàn sứ bộ đến Phiên Ngung, kinh đô của nhà Nam Hán, đưa bằng được bức thư này cho vua Nam Hán. Sai người chọn vàng bạc châu báu, ngọc trai đồi mồi đóng một thùng lớn và dâng lên cùng với thư, rõ chưa?

-Dạ, thưa, cháu rõ rồi ạ.

Kiều Công Đại lui ra chuẩn bị lên đường, còn Kiều Công Tiễn lại tiếp tục uống rượu. Kiều Công Thuận lui ra ngoài, miệng lẩm bẩm:

-Chúng ta chết không có đất mà chôn rồi, thành tội đồ của bách tính, của quốc gia rồi. Tội ác này trời không dung đất không tha rồi.

Hôm sau, lính canh cửa thành thấy Kiều Công Thuận cưỡi ngựa đi ra cửa Bắc và phi nước đại về hướng Phong Châu.

(Còn nữa)

CVL

 

Bạn đang đọc bài viết "       Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 69)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn