Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 59) 

PGS TS Cao Văn Liên

13/10/2021 10:18

Theo dõi trên

 Trân trọng giới thiệu tiếp tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa” - Tập I của PGS TS Cao Văn Liên.

ktd1-1634094974.jpg
Tranh minh họa: Khúc Thừa Dụ phát cờ khởi nghĩa. Nguồn: Internet.

 

CHƯƠNG VII:           BA HỌ ANH HÙNG (KHÚC - DƯƠNG - NGÔ)

Kỳ 59.                                                             I

Năm 589, nhà Tùy tiêu diệt nhà Trần, kết thúc cục diện Nam-Bắc triều ở Trung Quốc. Giao Châu lại thuộc nhà Tùy thống trị. Năm 617, Lý Uyên tiêu diệt nhà Tùy, thiết lập nhà Đường. Giao châu lại thuộc nhà Đường thống trị từ 617 đến năm 905. Nhà Đường gọi Giao Châu là An Nam đô hộ phủ, sau còn gọi là Tĩnh Hải Quân đứng đầu là Tiết độ Sứ. Dưới phủ là châu, dưới châu là huyện, dưới huyện là hương, dưới hương là xã, dưới xã là làng, bản ( miền núi). Toàn bộ An Nam đô hộ phủ có 12 châu, 59 huyện, trong đó có những châu lớn như Phúc Lộc Châu, Hoan Châu, Diễn Châu, Ái Châu, Trường Châu, Phong Châu, Hồng Châu, Giao Châu, Lục Châu, Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu và hàng chục châu nhỏ ở miền núi gọi là châu ki mi. Trị sở của An Nam đô hộ phủ là thành Đại La, nơi ở và làm việc của  Tiết độ Sứ. Chính quyền nhà Đường ở An Nam đô hộ phủ vẫn thi hành chính sách đàn áp, bóc lột đồng hóa nặng nề như các triều đại Hán, Đông Ngô, Tấn, Lương, Tùy.

Vào thế kỷ thứ IX, nhà Đường bước vào thời kỳ suy tàn đổ nát bởi quan trường thối nát, bóc lột nông dân vô hạn độ. Chính vì thế, năm 874 đến năm 884, Hoàng Sào đã lãnh đạo nông dân nổi dậy. Chiến tranh loạn lạc càng đẩy nhà Đường vào con đường suy yếu bất lực trong việc cai trị các thuộc địa, như không thể bảo vệ cho An Nam. Năm 862 đến năm 863, nước Nam Chiếu của người Thái ở Tây Bắc An Nam đã đem 50 vạn quân xâm lược và chiếm phủ thành Đại La. Các hào trưởng người Việt đã phải tự tổ chức chống lại giặc Nam Chiếu để bảo vệ bách tính. Trong sự suy yếu của nhà Đường đã tạo điều kiện cho các thế lực các hào trưởng Việt vươn lên và phát triển. Họ đã thành những lá cờ dẫn dắt nhân dân trên con đường đấu tranh giành quyền tự chủ độc lập. Tiêu biểu trong số đó là họ Khúc  ở Hồng Châu.

Vào một đêm thượng tuần tháng 7 năm 905, ở đất Hồng Châu  thuộc An Nam đô hộ phủ, tất cả chìm trong bóng đen mênh mang mịt mờ. Gió đêm từ sông Luộc, sông Kinh Thầy thổi về mát rợi làm dịu bớt cơn nắng gắt ban ngày của mùa hè oi bức. Nghìn cây xanh đủ loại bao phủ làng xóm lắc lư theo chiều gió, phát ra những âm thanh xạc xào. Những ánh sáng hắt ra từ những ngọn đèn dầu từ các cư gia le lói trong đêm. Bầu trời thẫm như màn nhung đen điểm những vì sao như những viên kim cương lấp lánh xa vời. Xa xa vang lên những tiếng chó sủa mơ hồ lan ra trong đêm trường thanh vắng.

Trang Cúc Bồ, Ninh Giang, Hồng Châu cũng chìm trong màn đêm tĩnh mịch. Cái khác là nơi đây ánh sáng phát ra từ nhiều ngọn đèn dầu hắt ra rực rỡ, xua bớt màu đen của đêm làm cho phong cảnh hiện rõ hơn. Những rặng tre nặng lá dày đặc đung đưa xạc xào. Những cây cau cao vút nhô lên không trung với những bẹ lá to lớn lắc lư. Những cây mít đang mùa trái chín, nhãn như rừng đang mùa ra quả. Đất Hồng Châu nổi tiếng vải ngon đến mức nhà Đường phải bắt nộp cống vải cho vua Đường. Núp dưới những tán cây đó là những ngôi nhà lợp ngói xây gạch khang trang với màu tường vôi đã xám theo thời gian. Đó là dinh cơ của hào trưởng họ Khúc, hào trưởng nhiều đời đất Hồng Châu giàu có và thế lực nổi tiếng khắp xứ Đông. Tiếng tăm của dòng hào trưởng này lan cả sang thành Đại La, vùng Phong Châu, Ái Châu, Hoan Châu và các châu huyện khác.

Đêm nay trong căn phòng lớn của tư dinh có bốn ngọn đèn dầu lạc ở bốn góc nhà, ánh sáng soi rõ sự sang trọng, cổ kính của căn phòng, những cây gỗ lim bóng loáng to một người ôm làm trụ cột. Gian giữa sát tường nhà kê bàn thờ gia tiên họ Khúc, có một bàn thờ lớn và nhiều bàn nhỏ sơn son thếp vàng chạm khắc tinh vi lấp lánh. Lư hương và bài vị cũng sơn son thếp vàng. Chính giữa nhà kê bàn gỗ lim, hai bên bàn kê hai chiếc ghế tràng kỷ. Bàn và hai ghế cũng chạm khắc hoa văn cầu kỳ. Màu gỗ của bàn ghế dùng lâu năm đen bóng. Trên bàn đặt bộ ấm chén uống trà xanh màu nâu bóng. Có ba người đang ngồi đối diện nhau, giữa là chiếc bàn. Gia nhân rót ba bát nước chè xanh nóng cho ba người rồi chắp tay đứng vào góc nhà. Người ngồi bên hữu là Khúc Thừa Dụ, người kế thừa chức hào trưởng của tổ tiên họ Khúc. Khúc Thừa Dụ khoảng 65 tuổi, mặt vuông, hai tai dài, đầu buộc khăn thếp, mình mặc áo dài lụa đen, đôi lông mày rậm, đôi mắt quắc thước, bộ râu đen oai nghi như ông thầy đồ Nho nhưng nghiêm khắc. Ngồi đối diện với Khúc thừa Dụ có hai người, một người là Khúc Hạo, con trai của Khúc Thừa Dụ. Khúc Hạo là một trung niên khoảng bốn mươi tuổi, mặt hơi dài, miệng rộng, mắt lấp lánh thông minh, mặc chiếc áo dài màu nâu, đầu chít khăn cũng màu nâu, tay bê nước uống, tay cầm quạt mo phe phẩy xua tan đi cái nóng của tối mùa hè. Người thứ hai ngồi cạnh Khúc Hạo là Dương Đình Nghệ, khoảng 36 tuổi, một hào trưởng quê ở Dương Xá, làng Giàng, Ái Châu (nay là Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ người cao lớn, mặt hơi tròn và quắc thước, dáng hào kiệt. Ông mặc áo dài xanh, chít khăn xanh. Ông là gia tướng cũng là khách của Khúc Thừa Dụ. Đương Đình Nghệ từ Ái Châu ra đây để cùng mưu việc lớn với Khúc Thừa Dụ. Khúc Hạo hỏi Khúc Thừa Dụ:

-Thưa cha, nhà Đường hiện nay cực kỳ mục ruỗng và suy yếu, không thể quản lý được Tĩnh Hải Quân. Cha định liệu thế nào trong việc giành lấy chính quyền vào tay?

Khúc Thừa Dụ uống một ngụm nước rồi nói:

-Con nói đúng, hiện nay vua Đường Chiêu Tông chỉ là hư vị, toàn bộ quyền hành nằm trong tay tể tướng quyền thần Chu Ôn (Chu Toàn Trung). Nhưng cả Đường Chiêu Tông và Chu Ôn cũng không thể khống chế được bọn quân phiệt địa phương. Ngay cả An Nam Đô hộ phủ, Tiết độ sứ Độc Cô Tổn dù rất tàn ác, được bách tính gọi là “Ngục Thượng thư”, quyền hành cũng không vượt quá thành Đại La. Ở các địa phương, quyền hành đã lọt vào tay các hào trưởng người Việt. Nhưng các hào trưởng người Việt lúc này cũng chưa ai dám vùng dậy, dành lấy quyền lực cao nhất là Tiết độ sứ vào tay mình.

Khúc Hạo hỏi:

-Vì sao vậy thưa cha?

Khúc Thừa Dụ đáp:

-Con phải học tập hơn nữa để có con mắt nhận định thời thế, đặc biệt là trong thời loạn lạc để có quyết định đúng đắn hợp thời cơ mới mong có thắng lợi. Nhà Đường tuy suy yếu nhưng quốc gia chưa lâm vào thế tan rã, chưa phát triển thành cục diện cát cứ tranh hùng giữa các thế lực. Thứ nữa, ở An Nam đô hộ phủ vẫn còn tồn tại Tiết độ sứ của nhà Đường. Vậy cả thời cuộc ở Trung Quốc và thời cuộc ở An Nam chưa tạo được thời cơ thật chín muồi để chúng ta nắm lấy chính quyền.

Đương Đình Nghệ nói:

-Vậy thưa chúa công, khi nào thì các hào trưởng người Việt mới nắm lấy chức Tiết độ sứ, giành chính quyền để giành quyền độc lập?

-Khúc Thừa Dụ đáp:

-Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng cho đất nước và cho vận mệnh dân tộc, cho nên ta đã suy nghĩ và nung nấu lâu rồi. Chỉ khi nào Trung Quốc chia cắt thành nhiều nước, chính quyền thống nhất nhà Đường sụp đổ, hoặc là khi ở An Nam Đô hộ phủ không còn Tiết độ sứ, chúng ta sẽ nắm lấy chức vụ hành chính cao nhất đó nhưng vẫn xưng là Tiết độ sứ, mềm dẻo về sách lược để không bị chúng đàn áp. Chờ khi nước ta đã hùng mạnh rồi thì mới có thể xưng vương xưng đế.

 Dương Đình Nghệ gật gù tán thưởng:

-Chúa công thật là sáng suốt. Đó là một sách lược hay.

Khúc Hạo hỏi:

-Hiện nay ở An Nam Đô hộ phủ có rất nhiều thế lực của các hào trưởng ở các địa phương, nếu như có thời cơ như cha vừa nói, cha có quyết tâm vào Đại La nắm lấy chức Tiết độ sứ, hay là tôn phò một hào trưởng nào đó lên.

Dương Đình Nghệ nói:

-Cứ như mạt tướng xem xét thì hiện nay chỉ có thực lực của chúa công mới có thể làm nổi công việc này. Các hào trưởng khác hiện nay chưa ai đủ thế lực. Cho nên khi có thời cơ chúa công nên phất cao lá cờ chính nghĩa vì giang sơn và vì bách tính.

Khúc Thừa Dụ nói:

-Đúng là nói thế và lực hiện nay chúng ta mạnh hơn các hào trưởng khác. Vì thế ta đã được hầu hết các hào trưởng, anh hùng hào kiệt các châu ủng hộ, chỉ chờ ta kêu gọi là họ về ứng nghĩa. Vả lại, giành chức Tiết độ sứ không phải là mưu lợi cho bản thân cho gia đình, cho dòng họ mà phải vì quyền lợi của bách tính, vì giành quyền tự chủ độc lập cho dân tộc, tức là phải vì nước, vì dân thì mới làm được.

Khúc Thừa Dụ dứt lời. Tiếng trống cầm canh của trang Cúc Bồ đã điểm canh hai, mọi ngươi đang định đi nghỉ thì một gia nhân vào báo:

-Dạ, bẩm chúa công, có thám mã từ Đại La về muốn gặp.

Khúc Thừa Dụ nói:

-Cho vào!

Người thám mã bận quân phục màu nâu mang gia huy của họ Khúc bước vào:

-Dạ bẩm chúa công, Tiết độ sứ Độc Cô Tổn của nhà Đường không cùng bè cánh với  quyền thần Chu Ôn nên bị triệu hồi về Hải Nam và bị giết chết. Thành Đại La không có Tiết độ sứ, quan viên và quân sĩ người Hán đang như rắn mất đầu. Tư mã Đặng Thiềm Âu đang lúng túng. Thành Đại La đang đại loạn ạ.

Khúc Thừa Dụ nói với Dương Đình Nghệ:

  -Thời cơ đã đến rồi. Tướng quân hãy cho nổi trống tập hợp 5000 võ sĩ của ta đang ở trang Cúc Bồ, mang theo vũ khí, chiêng trống và cờ. Trước tiên cho quân tiến về trang Lỗ Xá để tập hợp thêm các anh hùng hào kiệt về tụ nghĩa, sau đó tiến về Đại La.

  Dương Đình Nghệ đáp:

-Mạt tướng tuân lệnh.

  Khúc Thừa Dụ nói với Khúc Hạo:

-Con ra chuẩn bị lương thực đưa xuống thuyền, chuẩn bị chiến thuyền để có thể hành quân theo đường sông Luộc về sông Hồng để nhanh chóng về Đại La.

-Dạ tuân lệnh cha.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa – Tập I (Tiểu thuyết lịch sử) (Kỳ 59) " tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn