Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 46

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 46

  Lớn lên, Lê Nghi Dân nghe thiên hạ đồn đại Nguyễn Thị Anh là một người đàn bà đẹp nhưng tàn ác. Nghe nói phụ hoàng Lê Thái Tông còn một cung phi xinh đẹp, nết na nữa là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao cũng đang có thai đồng thời với Bang Cơ. Sợ Ngô Thị Ngọc Giao sinh con trai sẽ tranh đoạt ngôi thái tử của con mình, đã bày trò vu cáo Ngô Thị Ngọc Giao rằng đó là cái thai ma quái vì đã 10 tháng rồi mà chưa được sinh ra. Phụ hoàng Lê Thái Tông nghe theo, định cho voi giày chết Tiệp dư, may có vợ chồng Nguyễn Trãi đến xin đem giam vào chùa Huy Văn. Lê Thái Tông nghe theo. Khi Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra hoàng tử, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã đem bà và Hoàng tử Lê Tư Thành ra tận An Bang xa xôi trốn tránh mới thoát nạn. Lê Nghi Dân cũng nghe đồn đại Lê Bang Cơ không phải là con của phụ hoàng Lê Thái Tông vì Thần Phi Nguyễn Thị Anh vào cung mới được 7 tháng đã sinh ra. Khi có quyền lực, Thái hậu Nguyễn Thị Anh kiên quyết giết đi những người mà bà ta cho là mong manh biết về sự việc này. Nguyễn Trãi bị Nguyễn Thị Anh nghi ngờ đầu tiên, lại thêm việc ông cứu Ngô Thị Ngọc Giao nên bà ta buộc các đại thần có mặt ở hành cung Lệ Chi Viên im lặng chấp nhận cho bà ta vu cáo Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ giết vua và Nguyễn Trãi chịu án thảm khốc tru di tam tộc, khoảng 400 người đã bị đầu rơi máu chảy, vụ huyết án tàn khốc nhất trong lịch sử các vương triều Đại Việt mà từ trước đến lúc đó chưa hề có. Tiếp theo Nguyễn Trãi thì hai hoạn quan Đinh Thắng và Đinh Phúc bị giết vì hai người này nắm sổ sách nghi chép ngày tháng hợp hôn của phụ hoàng với bà ta. Tiếp theo hai hoạn quan là hai khai quốc công thần, hai đại thần cố mệnh là Trịnh Khả và con là Trịnh Bá Quát, Trịnh Khắc Phục và con là Trịnh Bá Giai, chắc hai đại thần đã biết phong phanh gì đó về chuyện này nên bị vu cáo là kết bè đảng làm phản. Sự giết chóc kinh hoàng của Nguyễn Thị Anh làm cho Lê Nghi Dân càng lớn lên càng sợ hãi. Bây giờ sau một đêm thức dậy thấy được ánh mặt trời ban mai thì Lạng Sơn Vương mới biết mình còn sống. Lạng Sơn Vương lo sợ cho tính mạng của mình, cho Tân Bình Vương Lê Khắc Xương và cho Lê Tư Thành. Bây giờ hai mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao không biết đang trốn tránh phương nào không chỉ gian khổ mà còn đầy hiểm nguy.

   Lê Nghi Dân suy nghĩ rộng hơn: Ngôi báu là do Thái Tổ Cao Hoàng Đế gian khổ trong mười năm nay mới giành lại được, nay lại lọt vào tay Lê Nhân Tông chắc chắn không phải là con của phụ hoàng mà hiện nay đang nằm trong tay của một người đàn bà tầm thường ở Đông Vệ. Triều đình nhà Hậu Lê đứng trước tình cảnh như triều đình nhà Trần thời Dương Nhật Lễ lọt vào cung và lên ngai vàng. Mẹ Dương Nhật Lễ là một kép hát xinh đẹp, một Quý tộc nhà Trần mê sắc đẹp và điệu múa của nàng đã ép lấy nàng ta về, không biết rằng nàng ta đã có thai với chồng cũng là kép hát. Lớn lên lên ngôi, Dương Nhật Lễ liền ra tay giết các quý tộc nhà Trần, giết cả Thái hoàng thái hậu, người kiên quyết đưa Dương Nhật Lễ lên ngôi vì nhầm là cháu nội của mình. Dương Nhật Lễ định đổi triều đình nhà Trần thành triều đình họ Dương. May có Trần Nghệ Tông (Trần Phủ) ra tay đảo chính lật đổ Dương Nhật Lễ, khôi phục lại ngôi vị nhà Trần.

   Hành động và tấm gương của Trần Nghệ Tông đã làm cho Lê Nghi Dân cảm phục và kiên quyết noi theo. Lê Nghi Dân đi đến quyết định để cứu mình, cứu ngai vàng nhà Lê là phải hành động như Trần Nghệ Tông: Làm chính biến lật đổ Lê Nhân Tông và Nguyễn Thị Anh. Lê Nghi Dân nghĩ muốn làm được việc khó khăn đó thì phải có lực lượng, cho nên suốt một năm nay Lạng Sơn Vương dùng vàng bạc, hứa hẹn tước vị, chức vụ cho chỉ huy quân cấm vệ là Lê Đắc Ninh và Hoằng Dục để làm nội ứng. Hai người này đã thu nhận được 300 quân cấm vệ. Cũng dùng tiền bạc và chức vụ, Lạng Sơn Vương đã kết giao với nhiều tay kiếm khách như Phạm Đôn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang... Theo kế hoạch được thống nhất, đêm khuya nay sẽ hành động.

   Lê Nghi Dân nghe trống đã điểm canh ba, vội mặc quân phục và áo giáp cẩm vệ, mang vũ khí đi vào hành cung của vua Lê Nhân Tông. Giờ đó theo quy ước là giờ tuần phòng của Lê Đắc Ninh. 300 quân của Lê Nghi Dân mặc cẩm y vệ do Phạm Đôn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang dẫn đầu, im lặng trong bóng đêm tiến vào. Lê Đắc Ninh và Hoằng Dục bí mật mở cánh cổng lớn cung nơi ở của Lê Nhân Tông. Lê Nghi Dân và các thủ hạ tiến vào, đạp cửa phòng của vua xông vào. Dưới ánh đèn le lói, trên chiếc giường sơn son thếp vàng, trong lớp chăn bông bọc lụa đỏ ấm áp Lê Nhân Tông đang ngủ say. Lê Nghi Dân dùng dao nhọn cực sắc đâm vào cổ Lê Nhân Tông, một dòng máu phun mạnh ra đỏ cả một góc gường. Lê Nghi Dân cẩn thận soi đèn một lần nữa xem có đúng là Lê Nhân Tông không, khi tin chắc là đúng, Lê Nghi Dân nói  nhỏ với Phạm Đôn:

  -Đi sang cung Thái hậu giết Nguyễn Thị Anh.

  -Dạ.

  Cũng  nhờ quân cấm binh mở hậu cung, đêm đó, gần sáng, bọn Phạm Đôn, Phan Ban và bọn lính mới vào được phòng Thái hậu. Nguyễn Thị Anh thức dậy hoảng sợ định kêu thì Phạm Đôn đã bịt miệng và nói đủ cho Thái hậu nghe:

  -Đêm nay chúng ta đến để báo thù cho Nguyễn Trãi và 400 người ba họ của ngài, cho hai hoạn quan Đinh Thắng và Đinh Phúc, cho Trịnh Khả, Trịnh Bá Quát, Trịnh Khắc Phục và Trịnh Bá Giai và biết bao nhiêu người vô tội bị bà giết hại. Bà có biết đạo trời là gieo gió gặt bão, ác giả ác báo không. Từ một đứa con gái con nhà thường dân vất vưởng ở Cầu Bố Thanh Hóa, may được làm Thần phi, Thái hậu, không cảm ơn trời đất, triều đình lại ra tay giết hại các khai quốc công thần đã hy sinh xương máu, góp phần giải phóng đất nước, giành lại ngai vàng cho bà, cho con bà. Lê Nhân Tông con bà đã bị ta giết chết, bà hãy xuống suối vàng để gặp nhau.

  Nói xong Phạm Đôn cứa một nhát dao cực mạnh vào cổ của Nguyễn Thị Anh, máu đỏ phun ra đầm đìa, Phạm Đôn xô cái xác xuống giường rồi cả bọn đi ra.

            Vậy là Lê Nhân Tông hưởng thọ được 18 tuổi, ở ngôi được 17 năm, Nguyễn Thị Anh thọ được 38 tuổi.

(Còn nữa)

CVL