Vị lương y giàu tâm huyết với thuốc cổ truyền của người Thái đen

Xuân Phan

30/09/2022 09:26

Theo dõi trên

Thuốc y học cổ truyền của người Thái đen mà lương y Lang Thị Quynh, Chủ cơ sở Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Bà Quynh ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) được thừa hưởng và dày công nghiên cứu phát triển đang giúp nhiều bệnh nhân chiến thắng các bệnh mạn tính.

Phố huyện Thường Xuân một sáng mùa Thu nắng dìu dịu, mùi thơm ngào ngạt của những vị thuốc ở rừng dẫn tôi vào một con ngõ nhỏ ở khu 2 tìm gặp lương y Lang Thị Quynh. Trong căn nhà mới khang trang, bà Quynh thoăn thoắt thái, sao, rồi bốc những vị thuốc cho người bệnh. Đã 69 tuổi nhưng bà vẫn có nước da hồng hào, dáng người chắc khỏe, khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt sáng đặt dưới vầng trán như nhiều suy tư, trăn trở. Gần cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều người đã an nhàn vui vầy bên con cháu, còn bà nhiều hôm vẫn thức khuya dậy sớm, lặn lội bên con suối cánh rừng lấy cho được những vị thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh.
Bà nói bằng cái giọng lơ lớ tiếng Kinh: “Đi lấy thuốc vất vả nhưng vui lắm. Nhờ những bài thuốc ấy mà ngày càng có nhiều người khỏi bệnh. Nhìn người bệnh được chữa khỏi, trong đó có cả bệnh hiểm nghèo nhờ những bài thuốc ấy tôi vui lắm. Sức khỏe quý hơn vàng mà”.

2-1664504660.jpg
Lương y Lang Thị Quynh

Bà Lang Thị Quynh sinh ra ở tận làng Chiềng, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) nơi cùng sơn tận thủy, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái đen sinh sống. Đây là vùng núi cao chạm mây, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho các loại cây dược liệu, cây thuốc nam sinh sôi nảy nở. Làng Chiềng cũng là nơi lưu giữ được nhiều bài thuốc quý trong dân gian. Từ tấm bé, bà thường đi theo mẹ lên rừng lấy thuốc cứu chữa bệnh cho dân nghèo, rồi được truyền lại nghề thuốc. Cứ thế mà thuốc theo bà đi đến những người bệnh khắp trong làng ngoài xã cho đến tận bây giờ.
Không chỉ dùng những bài thuốc mà tổ tiên để lại, lương y Lang Thị Quynh đã dày công nghiên cứu, phát triển và áp dụng thành công, giúp chữa trị nhiều ca bệnh mạn tính phức tạp, như: các bệnh về gan, dạ dày, phổi, bệnh thường gặp của phụ nữ sau sinh... Trong số bệnh nhân của bà có rất nhiều người gặp cơn thập tử nhất sinh được cứu sống. Vậy nên họ vui mừng như được sinh ra thêm một lần trên cõi đời này và đã xin nhận bà là mẹ, là chị. Như bà Vũ Thị Hồng Khánh, ở số nhà 287, phố Cầu Huyện, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã nhờ con trai đưa vào Thanh Hóa để cảm ơn “chị” Lang Thị Quynh sau hành trình dài "chiến đấu" và chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo. Đầu năm 2018, bà thấy ho liên tục, uống thuốc không thuyên giảm, nên được con trai đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình khám. Tại đây bà được chẩn đoán mắc căn bệnh u ác tính phổi phải. Không tin với "bản án tử”, gia đình quyết đưa bà đến Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều) thực hiện lại các xét nghiệm. Nhưng rồi kết quả cũng chẳng khác.
"Đầu tháng 5/2018, tôi bắt đầu truyền hóa chất tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình. Sau mỗi đợt truyền, người yếu đi thấy rõ, chân tay tê bì, da xanh nhợt nhạt. Biết bệnh nhưng tôi vô tư lắm, vẫn thường kể truyện cười cho những bệnh nhân cùng khoa cho khuây khỏa. Nhưng sau mũi truyền hóa chất cuối cùng, về nhà được 2 hôm thì tôi bị sốt và ho ra máu, phải trở lại bệnh viện. Chỉ duy nhất lần đó tôi khóc. Khóc vì tôi đã phải chịu đựng đau đớn giày vò đằng đẵng hơn 10 tháng trời, nhưng bệnh vẫn vậy" - bà Hồng Khánh kể.

1-1664504692.jpg
Bà Vũ Thị Hồng Khánh, ở số nhà 287, phố Cầu Huyện, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã chiến thắng bệnh hiểm nghèo sau kết hợp điều trị đông tây y.

Sau lần ấy, bà Hồng Khánh tìm đến các bài thuốc y học cổ truyền với hy vọng cắt đứt những cơn ho dai dẳng kéo dài. Và bà tìm đến các thuốc y học cổ truyền của lương y Lang Thị Quynh sau lời giới thiệu của một người đã khỏi bệnh phổi ở cùng thị trấn.
Bà Hồng Khánh bộc bạch: "Khoảng tháng 6/2019, tôi bắt đầu sử thuốc lá nam của lương y Quynh để đun uống và đắp chườm. Các cụ xưa nói "Nam dược trị nam nhân" rất đúng, qua từng ấm thuốc, tôi cảm nhận rõ rệt sự thay đổi tích cực trong cơ thể mình. Sau 3 tháng dùng thuốc, những cơn ho của tôi đã dứt hẳn. Tôi ngủ sâu giấc, ăn ngon và tăng cân trở lại với ngày trước khi xạ trị. Nhờ kết hợp điều trị y học hiện đại và y học cổ truyền mà tôi sống trụ được đến hôm nay”.

3-1664504660.jpg
Những vị thuốc của lương y Lang Thị Quynh dùng chữa bệnh

Không chỉ riêng bà Hồng Khánh, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp mà chúng tôi gặp đã được chữa bằng bài thuốc y học cổ truyền của Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bà Quynh. Trong đó có bà Vũ Thị Liên, ở thôn Trung Lao, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh (Nam Định); ông Lê Bá Hội ở khu phố Tân Thịnh, thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân (Thanh Hóa); chị Nguyễn Thị Ngà ở khu 4, xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ và chị Chu Thị Tuyết ở thôn 3, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cùng mắc bệnh khối u cổ tử cung …
Đa phần các bệnh nhân tìm đến Phòng chẩn trị y học cổ truyền Bà Quynh khi bệnh đã nặng với các biểu hiện ho dai dẳng, sụt cân, mất ngủ triền miên. Cá biệt có những trường hợp ho dữ dội, ra máu, khi ho phải quỳ xuống nền nhà, da nhợt nhạt, thể trạng gầy sụp. Thậm chí nhiều người bệnh đã xuất hiện cơn đau âm ỉ sau lưng vùng ngực, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) phát hiện có khối u trên đường hô hấp, teo phổi...
Tùy vào cơ địa, thể trạng và mức độ bệnh, họ được lương y Lang Thị Quynh lên phác đồ điều trị bằng các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (xoa bóp). Bài thuốc là sự kết hợp theo tỷ lệ hài hòa hơn 10 loại thảo dược quý, gọi theo tiếng Thái: chưa lướt, co khăm bức, co tan pạo, chưa thau kinh, chưa nếp leo...

4-1664504660.JPG
Lương y Lang Thị Quynh và lương y Hoàng Thị Chon (con gái) vào rừng lấy thuốc

Điều khác biệt trong phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền của người Thái đen được lương y Lang Thị Quynh sử dụng là việc xoa bóp trị liệu bên ngoài được thực hiện với các loại lá cây giã hoặc xay nhuyễn, cho lên bếp sao khô cùng với thảo dược dạng nước để có tác dụng cao nhất. Trong thời gian điều trị, người bệnh phải kiêng dùng thị trâu, thịt chó, thị bò, mắm tôm và các loại đồ uống có cồn, thuốc lá.
Được nhiều người bệnh tin tưởng tìm đến, cơ sở thuốc nam gia truyền của lương y Lang Thị Quynh đã được Sở Y tế Thanh Hóa cấp phép thành lập Phòng chẩn trị Y học cổ truyền bà Quynh. Đó là một sự ghi nhận, nhưng với bà niềm vui lớn hơn là nụ cười của mỗi bệnh nhân./.

Bạn đang đọc bài viết "Vị lương y giàu tâm huyết với thuốc cổ truyền của người Thái đen" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn