VỀ ĐÂU NÓN LÁ BÀI THƠ TÂY HỒ!

  Quốc Quân

28/03/2022 06:30

Theo dõi trên

 

Nằm bên dòng sông Như Ý, làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) từ lâu đã nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống. Nghề chằm nón lá đã hình thành cách đây hàng trăm năm và nón bài thơ -một nét đặc trưng của Huế cũng xuất phát từ làng nón Tây Hồ. Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ: Đó là vào khoảng năm 1959 - 1960, ông Bùi Quang Bặc - một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ bằng cách, ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón (lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu được bán vào thị trường của các tỉnh phía Nam.)

 

img-20220328-225524-1648510352.jpg
 

Ảnh minh họa

Khó khăn về kinh tế

Khác với tưởng tượng ban đầu của tôi về hình ảnh già trẻ hăng say làm việc trong không gian đầy nón và lá của người dân làng Tây Hồ. Làm nón nay không còn là nghề chính của làng, làm nón bài thơ thì lại càng ít.

Người dân làng Tây Hồ ngày nay không còn làm nón lá nhiều và tập trung như trước nữa. Nón lá ngày nay chủ yếu làm bằng lá xanh và lá kè. Trong làng bây giờ không còn một gia đình nào là làm nón lá bài thơ. Tôi tìm được đến nhà dì Dương Thị Búp, một trong số ít gia đình còn sinh sống bằng nghề nón trong làng. Năm nay đã 60 tuổi, nhưng những mũi kim của cô chằm rất đều và rất đẹp, cô Búp đã có hơn 40 năm làm nghề chằm nón. Cô cho biết: “Nón lá bài thơ là niềm tự hào lớn của người dân Tây Hồ. Ngày trước mọi người từ nhỏ đến lớn ai cũng thích chằm nón, mấy dì thường tập trung lại chằm, trò chuyện vui lắm con, nghề làm nón ở làng giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả nhưng đến nay đã không còn nhiều người mặn mà với nghề. Ngày nay, dì chủ yếu là chằm nón lá sưa, trung bình dì làm ngày được bốn chiếc, mỗi chiếc có giá 15.000 – 20.000 nghìn đồng bựa ni răng đủ sống con ơi, biết là cũng khó nhưng chừ mình cũng lớn tuổi rồi nên làm để kiếm thêm thu nhập ngoài những giờ đồng án thôi con à.’’ Dì Búp chia sẽ.

img-20220328-225526-1648510352.jpg
 

Ảnh minh họa

Trao đổi ông Bùi Quang Đấu (cán bộ địa phương thôn Tây Hồ): “Khó khăn của người dân làng nghề tại đây có lẽ là vấn đề thị trường. Thị trường nón lá ngày không phải là một thị trường hấp dẫn để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó giá thành nguyên liệu ngày càng cao trong khi giá bán thành phẩm một sản phẩm nón lá từ 20.000 – 30.000 nghìn đồng một chiếc. Chính vì vậy, người dân trong làng cũng ngày càng không mấy mặn mà với nghề”. 

 

Trăn trở về những hướng đi mới cho làng nghề

 

Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của các ngành dịch vụ, công nghệ đặt ra một thách thức rất lớn đối với các làng nghề truyền thống. Tại làng bây giờ, số ít những người còn gắn bó với nghề bởi vì người dân ở đây vẫn tin tưởng về sự phát triển của làng nghề, bởi “không một ai có thể phá vỡ những nét đẹp văn hóa ngàn đời từ xưa để lại, cha truyền con nối, cứ thế mà gìn giữ, phát huy”.

​​​​​

img-20220328-225521-1648510352.jpg
 

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo được sự phát triển bền vững, những cán bộ địa phương, nghệ nhân làng nghề không khỏi những trăn trở tìm kiếm một hướng đi cho sự phát triển toàn diện. Khi được hỏi về mong muốn của mình, ông Bùi Quang Hùng (bí thư Thôn Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi hy vọng chính quyền địa phương sẽ có những chính sách phù hợp, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư để họ có thể phát triển các mô hình tham quan, trải nghiệm, cũng như tạo một thị trường tốt hơn nhằm tăng thu nhập cho người dân, có thế, họ mới giữ được ngọn lửa nghề”.  

Ngày nay, nón lá làng bài thơ không chỉ gắn liền với hình ảnh của các bà, các mẹ thôn quê mà còn góp mặt tại các sàn diễn thời trang, quốc tế với nhiều mẫu mã đa dạng. Đây cũng chính là một hướng đi mới để nón lá – hình ảnh chứa nhiều giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ trở nên phổ biến và thu hút hơn. 

 

Để những hướng đi mới có thể thực hiện một cách tốt nhất, chính quyền địa phương nơi có sự phát triển của các làng nghề cần có những chính sách phù hợp, sự quan tâm sát sao đối với từng hộ dân. Bằng việc này, không chỉ giúp cho ngọn lửa nghề sẽ luôn được giữ gìn mà còn đảm bảo được cuộc sống đầy đủ, ấm no của người dân

Chính quyền cần có hướng đi nào cho làng nghề truyền thống?

img-20220328-225537-1648510352.jpg
 

Ảnh minh họa

Một câu hỏi lớn đặt ra trong đầu tôi: “Cái nôi của nón lá bài thơ rồi sẽ đi về đâu?”. Trao đổi với ông Bùi Quang Hùng (Bí thư Thôn Tây Hồ- Xã Phú Hồ): “Trước đây ngoài những giờ đồng án, người dân trong làng làm nón rất đông và làm nón là nghề chính của làng. Nay khi đất nước bước vào thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa đời sống ngày phát triển. Thanh niên trong làng cũng đi học xa nhà và làm việc ở những công ty, xí nghiệp với thu nhập ổn định hơn. Nên nghề nón cũng khó có chổ đứng, việc gìn giữ và lưu nghề truyền thống của Làng, của ông bà để lại nhất là chiếc nón lá bài thơ là quan trọng cần phải được sự quan tâm và có nhiều phương hướng để góp phần khôi phục lại làng nghề truyền thống, tự hào của địa phương”. Chính quyền địa phương sở tại nên xem xét ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần giúp làng nghề tồn tại và ngày càng phát triển.

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "VỀ ĐÂU NÓN LÁ BÀI THƠ TÂY HỒ!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn