Văn hóa và triết học là một vấn đề sâu sắc và phải học

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ

18/11/2021 16:27

Theo dõi trên

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ tâm sự trước thềm Hội nghị văn hóa toàn quốc.

 

 

Tôi trở về Hà Nội, đi làm tạp vụ ở Công ty Hải sản cấp I. Văn phòng đóng ở Phú Viên. Thấy mình ngu si quá với kiến thức ở một cơ sở kinh doanh Cấp I, tôi xin đi học Đai học tại chức để có cái bằng đại học. Đi học, tôi nhận ra toàn bộ cái kiến thức ấy cũng thật vớ vẩn trong bao công việc rất cần tri thức tổng hợp khi chuyển lên Tổng công ty Muối, ở vị trí làm phó Chánh văn phòng.

Rồi tôi, từ 1985 dở dói viết văn và dù in liên tục trên báo Văn nghệ thời ấy nhưng ý thức rằng sự viết ấy là mình mới hành động theo bản năng chứ không có tri thức soi đường, tức còn chưa biết gì mấy. Rất nhiều vấn đề thuộc về nghề về văn học nghệ thuật, khi nghe chuyện các bậc cha anh nói chuyện, tôi ngu ngơ. Tôi rất lắng nghe Bế Kiến Quốc khi ông bàn về văn chương, đặc biệt về thơ phú…

Để có thể làm nghệ thuật thật sâu sắc và thành công, người ta cần có hai bàn đế mà đứng vững trên nó, đó là vốn, chiều dày Văn hóa, mà đặc biệt Văn hóa dân tộc phải nắm chắc, tinh thông nhuần nhuyễn đến độ tiêu hóa khi thực hành nghệ thuật. Hai là phải thấm đẫm triết học để quán xét, bay trên hiện thực cứ không mô phỏng hay chụp ảnh hiện thực.

Có được hai điều ấy làm bàn đế, nhà văn biến những chuyện bé nhỏ tưởng tủn mủn trong cõi nhân gian này, mang tính khái quát để chứa đựng những điều lớn lao. Theo tôi nhà văn lớn, trên cơ sở hiện thực đời sống, hiểu thấu thân phận cá nhân và thân phận dân tộc, bằng vốn triết học sâu sắc, quán xét thực tế qua trải nghiệm, thâu tóm để tạo ra những hình tượng. Nhà văn thực tài, thực lớn sẽ đến với nhân loại từ những câu chuyện bình dị, tưởng giản đơn của cá nhân, nhóm người, cộng đồng lớn hơn là cả dân tộc...

Có rất nhiều vấn đề khi nhìn nó trình bày nó bằng ngôn ngữ văn tự nhà văn không thể đi xa được chỉ phọt phẹt trong ao nhà, viết về điều gì cũng vẫn ra những gì tủn mủn, kể cả khi anh nhìn nhận và viết ra những sự kiện lớn lao của đất nước. Mọi sự khi quán xét để viết ra, phải được soi chiếu bằng vốn văn hóa và tư duy của triết học. Và, không gì khác phải học. Sự học có nhiều đường, học ở trường quy và học trong cuộc đời (học bạn) học ở sách (đọc sách)

Gần đây khi nghiên cứu để thực hành về hội họa, Phan Cẩm Thượng có nói, bạn ông, ông Thành Chương là một họa sĩ tài danh, ông ta có một vốn văn hóa ghê gớm, nhất là kho tàng văn hóa dân tộc. Mọi thứ văn hóa Đông phương ẩn tàng trong tộc Việt về làng quê Việt đã ngấm vào ông ấy từ nhỏ, nghệ thuật dân gian ở đồ cổ, bao gồm văn hóa Trung Hoa, văn hóa Việt, ông ấy tường lắm. Nghiên cứu về đình chùa ở kiến trúc, điêu khắc ông ấy có cả kho tàng khổng lồ. Ồ, tôi nghĩ, ở cái nền ấy và cả ở hơn 40 năm làm báo, Thành Chương với sự gần gũi các danh tài cả nước, lại khi thân phụ là nhà văn Kim Lân, ông Thành Chương tích lũy được bao điều. Bạn bè tôi nhiều người không biết, nhiều thú chơi, ông Thành Chương dạy ngược lại bố ông, nhà văn Kim Lân, kể cả nghệ thuật cung đình trong hát quan họ, hát chèo, chơi đồ cổ…

Tôi phải học.

Sang Đức 10 năm tôi giấu biệt rằng, tôi từng viết văn. Tôi ý thức, quá khứ có ghê gớm bao nhiêu chỉ là thứ trang sức lòe loẹt và ấu trĩ nếu hiện tại anh không làm gì hay hơn ngày cũ. Tôi bò ra đọc và học, tôi làm thân với nhiều danh sĩ và học ở họ một cách không giấu dốt theo tinh thần: Không biết nói là không biết.

Khi nghiên cứu về triết học châu Âu tôi thiếu kiến thức cơ bản nên khả năng thẩm thấu các nhà văn lớn châu Âu các trường phái mới phát sinh rất thiệt thòi. Tôi tìm đọc cỡ Võ Phiên, Đặng Tiến, và nhiều bác bên Mỹ lứa tuổi tôi một cách theo tinh thần thụ huấn chân thành. Tôi học Đặng Tiến hỏi ở ông nhiều vấn đề thuộc về tư duy văn học và vỡ ra rất nhiều điều. Chơi với vợ chồng cặp đôi tiến sĩ triết học con cái ông Lê Đức Thọ, Ông Luân và bà vợ tiến sĩ Lê Trung Nguyệt, tôi lắng nghe họ, hỏi họ, khi bàn về những điều còn thắc mắc ở Tư bản luận của Mác, khi biết ông Luân đọc bản dịch tư bản luận của Nguyễn Khắc Viện  dịch. Nhiều điều tôi vỡ ra, nhận ra, nhận ra cái tôi học ở đại học đôi khi hiểu sai lạc chủ nghĩa Mác nhất là ở Tư bản luận là phản động.

Ở triết học, tư duy trong sách kinh điển của tôn giáo không hề dễ hiểu, nó buộc người ta phải động não để thấm hiểu nó, nhất là Phật học. Khi đọc nghiên cứu nó tôi vướng vào các Công Án rất ngắn gọn của một nhà sư ở Nhật. Tôi hỏi và tra sách, không hiểu rạch ròi hết câu: "Hãy nghe tiếng vỗ của một bàn tay". Nhiều lời khác nữa của cậu tôi dạy rồi mà nhớ không ra. Tôi viết thư nhờ Tiến sĩ hai bằng Thái Kim Lan ở Bonn dạy, chỉ bảo, chị trả lời trên Email, chỉ khoảng hai trang giấy, lời lẽ rất dung dị dễ hiểu. Những trang sách vỡ ra.

Triết học nói chung và đặc biệt triết học phương Đông đòi hỏi người ta tư duy, cảm nhận dưới tầng sâu của nó, không phải bằng sự cảm thụ bề ngoài của ngôn từ. Sự nhận biết nó nếu câu nệ và hình dáng bên ngoài của ngôn ngữ rồi hàm hồ phát biểu thì chính mình trở thành kẻ ấu trĩ, u muội.

Gần đây khi biên tập truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu , động đến chi tiết chuông Hồng Chung, tra sách không thấy hết vấn đề cội gốc, tôi liền điện hỏi thày Thích Đạo Lý Lý Đạo, người bạn vong niên đã được đào tạo cẩn thận và được ông dạy, giảng cho cặn kẽ. Không chỉ về tên gọi mà các nội dung khác của Hồng Chung trong nội hàm của Nhà Phật. Chính vì thế tôi hiểu sâu sắc hơn vấn đề được nhà văn đặt ra trong truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, để biên tập giúp việc cho Tổng biên tập Trần Đăng Khoa  tốt hơn.

Tôi năm nay 73 tuổi, là nhà văn sống đến hôm nay, tôi ý thức rất rõ còn bao nhiêu vấn đề tôi không biết hay chưa viết nên phải học để xóa nạn không biết cứ nói là biết.

Lọ mọ tôi vẫn đọc và học. Lọ mọ điều gì ở hội họa mắc mớ tôi hỏi Thành Chương, ở văn chương tôi hỏi Đặng Tiến hay Hoàng Hưng… Lọ mọ tôi nhờ vả cả thầy trẻ Trà Vinh hàng xóm ở cạnh nhà về kỹ năng vẽ…

Bạn đang đọc bài viết "Văn hóa và triết học là một vấn đề sâu sắc và phải học" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn