Ung bướu Hà Nội ký sự: Kỳ 6: Bức xúc đầu tiên ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và lựa chọn đúng !

Trong gia đình, mình là người to nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những việc hệ trong ngoài xã hội như thiên tai bão lũ địch họa hoặc chiến tranh hòa bình thế giới là việc mình phải lo. Bà xã, mình phong là Mama Tổng quản, khoán lo toàn bộ những việc trong gia đình. Khi đấy, ý của Mama Tổng quản được mọi thần dân trong nhà tuân theo tuyệt đối, kể cả mình.

Việc cơm nước hàng ngày cũng do Mama Tổng quản lo. Mình thi thoảng muốn ăn tươi cũng đi chợ mua thêm thức ăn về bổ sung cho bữa cơm. Ra chợ, cũng mặc cả như bà nội trợ sành sỏi nhưng khi về đến nhà, hỏi mua cái này cái kia bao nhiêu tiền thì quên béng, quên thật sự vì không chú tâm vào giá cả.
Cũng vì vậy, khi mình vào viện chữa bệnh, Mama Tổng quản đi cùng, giao dịch với các y bác sỹ và làm bộ nhớ để giúp mình thực hiện các quy định và y lệnh của bệnh viện. Mình chữa bệnh, bác sỹ ra yêu cầu mình tuân theo, có quên thì Mama Tổng quản nhắc nên mình yên tâm làm một bệnh nhân gương mẫu.
Chính vì vậy, mình bị sốc khi đến nằm nội trú lần 3 tại khoa Nội 2 Bệnh viện Ung bướu Hà Nội..

ch1hocong-thiet-1658114305.jpg
Bện nhân điều trị tại Bệnh viện ung bướu Hà Nội. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Hai lần trước bệnh viện cho Mama Tổng quản một chiếc vòng đeo tay dành cho người nhà ở lại chăm sóc bệnh nhân nên mọi việc đã có Mama Tổng quản lo.
Lần thứ 3 nằm khoa Nội 2, sau khi nhập viện, nhận quần áo bệnh nhân, nhận giường, mình chợt thấy cô điều dưỡng túm cổ tay Mama Tổng quản và cắt xoẹt cái vòng đeo tay ở cổ tay Mama Tổng quản, yêu cầu ra khỏi buồng bệnh, ra khỏi khoa để phòng bệnh chỉ còn y tá và các bệnh nhân.
Thực tình hai lần trước khi y tá làm thuốc hoặc tiêm truyền cho các bệnh nhân, người nhà cũng phải ra khỏi phòng, nhưng ra chỗ ghế ngồi trước cửa phòng chờ y tá làm xong lại vào. Lần này, họ kiên quyết bắt ra hẳn ngoài và vào giờ thăm nom mới được vào tiếp xúc với bệnh nhân.
Mình đang ở chế độ ăn sonde. Thức ăn và dinh dưỡng đều được Mama Tổng quản chuẩn bị rồi dùng xi lanh bơm vào dạ dày. Nay không để Mama Tổng quản tự do ra vào buồng bệnh thì mình ăn sonde bằng niềm tin hay sao ? Máu nóng bốc lên, mình tuyên bố không truyền hóa chất nữa và muốn về nhà, nhằm gây áp lực để nhân viên của khoa trao lại quyền có người nhà ở lại chăm sóc cho Mama Tổng quản.
Mặt lạnh tanh, không giải thích gì thêm, nữ nhân viên vừa cắt xoẹt cái vòng đeo tay của Mama Tổng quản trở về văn phòng khoa, để các y tá bối rối trước bệnh nhân trở chứng là mình.

cha2hcthiet-1658114384.jpg
Phòng xạ trị gia tốc B Bệnh viện ung bướu Hà Nội. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Sau đó, một y tá ra cửa khoa giải thích cho Mama Tổng quản rằng bệnh nhân lần đầu hoặc khi bệnh nhân không thể tự chăm lo cho mình mới châm chước cho người nhà ở lại. Với các bệnh nhân vẫn tương đối khỏe, các y tá sẽ chăm lo. Việc ăn uống không có gì thay đổi. Đến giờ ăn, người nhà vẫn vào chăm sóc bệnh nhân như thường. Dịch Covid-19 đã ít ảnh hưởng nên bảo vệ tầng dưới không làm căng như trước. Họ thấy mang đồ ăn, dinh dưỡng theo là họ cho vào.
Hóa ra nhân viên quyền lực của khoa kiệm lời, không giải thích cặn kẽ nên gây hiểu nhầm. Đang quen được bác sỹ Nam ở khoa Xạ trị nhẫn nại giải thích thấu đáo cho mọi thắc mắc, mọi bước điều trị, nay gặp người “tiết kiệm lời” như nữ nhân viên này, thấy hẫng hụt. 
Được cô y tá giải thích cặn kẽ, Mama Tổng quản yên lòng về nhà như mọi khi để chuẩn bị thức ăn dinh dưỡng, chờ đến giờ ăn đến bơm cho người bệnh. Mình cũng yên tâm, ở lại để tiêm truyền.
Nằm dài trên giường bệnh truyền đến 5 loại chai trong một ngày. Có chai chỉ 1 giờ đồng hồ nhưng có chai phải truyền trong 20 tiếng. Vậy là nguyên ngày nằm một chỗ và nghĩ về sự cố xảy ra.
Hóa ra. Bệnh viện quy định như vậy là để phòng bệnh luôn được yên tĩnh, bệnh nhân không bị phân tán khi tiêm truyền. Truyền hóa chất yêu cầu phải tập trung. Mình đang dùng loại hóa chất có sử dụng máy đếm giọt để đưa vào cơ thể. Đưa quá nhanh hoặc không đúng chỉ định, hóa chất dễ gây cháy ven hoặc khiến cơ chế tự vệ của cơ thể kích hoạt, gây ớn lạnh, mẩn ngứa, thở nhanh; chỗ tiêm truyền phồng lên, ven bị vỡ hoặc nhói đau, tê cứng... Những khi ấy y tá phải có mặt ngay để xử lý kịp thời. 
Điều rút ra trong vụ này là khi chưa nắm được trình tự thì cứ nghe lời bác sỹ. Họ làm gì cũng đều vì bệnh nhân và yêu cầu của chuyên môn.
Chỉ vì cái sự "kiệm lời" mà mình lần đầu tiên “cãi đài” khi gặp việc không ưng ý. Tệ thật !

Khi biết mình bị ung thư thực quản giai đoạn 3, gia đình tôi đã tìm hiểu khắp nơi về bệnh và các phương pháp chữa trị, cả trong và ngoài nước.

Mình không có kiến thức về ngành y nên nhờ cậy anh bạn học phổ thông, cựu bác sỹ Xanh Pôn tư vấn. Qua anh bạn này, các bác sỹ Hiến và Đan ở Xanh Pôn góp ý nên về chữa chạy ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Họ là những chuyên gia y tế, họ có cái nhìn khách quan và khoa học về thực trạng khám chữa bệnh ung thư tại Hà Nội.

Về Bệnh viện Ung bướu Hà Nội mới thấy phác đồ điều trị ung thư ở bệnh viện đều đã được Bộ Y tế chấp nhận và triển khai toàn quốc. Bệnh viện gần nhà, tiện đường qua lại thăm khám. Lượng bệnh nhân vắng vẻ, không bị cảnh đến khám bệnh đông như “đi hội” ở các bệnh viện khác trong ngành.

Về “tiêu cực phí”: Nghe nói nhiều về tình trạng tiêu cực trong ngành y, tựa như hồi bao cấp xưa, phải có con gà treo vào cái cầu dao thì nó mới sập xuống để được cấp điện. Hai vợ chồng già đã chuẩn bị sẵn hàng tập phong bì dùng để “bôi trơn” hoặc cảm ơn khi các y tá, điều dưỡng giúp đỡ mình. Suốt đợt, ông hỏi bà và bà hỏi ông, chưa thấy ai dùng đến ‘chất bôi trơn thần thánh” hồi mở cửa này. Các cháu y tá, điều dưỡng đều kiên quyết không nhận và khẳng định toàn bệnh viện cũng nói không với tệ nạn nhận phong bì.

Thuốc men và thiết bị y tế thiếu thốn ở đâu không biết, riêng tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, việc của mình là chấp hành nghiêm túc mọi y lệnh của bác sỹ. Thuốc men và vật tư y tế, có bệnh viện lo và lo đầy đủ.

Quan trọng nhất là đã qua 2/3 thời gian hóa và xạ trị theo liệu trình, phản ứng cơ thể như thế nào. Đây mới là mới bận tâm lớn nhất của mình và gia đình.

Việc điều trị bệnh ung thư thực quản của tôi còn tiếp diễn nên chỉ khi kết thúc đợt điều trị, mới có thể cảm nhận được rõ nét kết quả điều trị.

6 kỳ Ung bướu Hà Nội ký sự mới chỉ là những cảm nhận ban đầu, của người vừa mới nghe tin mắc bệnh ung thư và cũng mới bước đầu chữa trị theo phương pháp này. Những bài viết chỉ nhằm tự động viên bản thân và những người chung cảnh ngộ, giúp họ có sự lựa chọn phương pháp chữa trị mà họ tin tưởng nhất.

(Hết phần 1)