Ung bướu Hà Nội ký sự: Kỳ 3 – Nhập viện, Hóa và xạ trị

Sau khi làm hàng loạt các xét nghiệm, chiếu chụp, mô phỏng 3D hình ảnh khối u ở thực quản, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tổ chức hội chẩn về ca bệnh của mình. Hôm sau, bệnh viện mời bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến hội chẩn mở rộng để thông báo chi tiết về mức độ tiến triển của khối u, hướng điều trị và những phần việc cần người bệnh và gia đình hợp tác trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
ch1-ung-bwou-hn-1657900336.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

Văn phòng khoa Nội 2 nằm trên tầng 4 nhà C.

Vừa hội chẩn xong, ký các cam kết về phía bệnh nhân và người nhà xong, y tá của khoa tiến hành ngay thủ tục nhập viện.

Mình được đưa vào phòng 406, có ban công nhìn xuống khoảng sân xếp đầy bon sai của Bệnh viện Thanh Nhàn. Mama Tổng quản đi lấy quần áo bệnh nhân, đưa thay luôn để y tá bắt đầu truyền dịch. Hai ngày đầu dịch truyền là các chất đạm, gluco và nhiều chai lọ khác, được giải thích nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể và làm các thành mạch máu quen dần với việc truyền dung dịch qua ven. Vậy là từ bé đến lớn, đây là lần đầu tiên mình ở bệnh viện qua đêm.

ch3hocong-thiet-1657900517.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Vừa truyền dịch vừa chờ lúc hết một đợt truyền, Mama Tổng quản đưa mình sang chỗ nội soi ổ bụng, can thiệp để mình nội soi có gây mê. Lại tiêm thuốc cản quang và lại gây mê. Tỉnh dậy, mọi việc thăm khám đã xong. Sang buồng bác sỹ trưởng khoa, được biết trường hợp của mình phải mổ nội soi dạ dày để lắp đường sonde (đường sông để tiếp thức ăn dinh dưỡng khi thực quản bị sưng). Kỹ thuật mới, thiết bị mới nhỏ xinh có nắp đậy được gắn trên thành bụng, truyền thức ăn vào thẳng dạ dày bằng mấy chiếc xi lanh to vật vã kèm theo, thay cho chiếc ống phải luồn lách qua mũi hoặc cổ họng như ngày trước để tiếp thức ăn. Bác sỹ trưởng khoa nói : “Bệnh nhân không cần nằm một chỗ như trước mà sau khi truyền thức ăn, có thể đứng dậy đi lại bình thường”. Dĩ nhiên thiết bị mới phải mua ngoài nhưng “Đắt xắt ra miếng”. Lắp đường sonde mới, mình vô tư đi khắp thế gian. Khi chưa cắt chỉ vết mổ gây đau. Cùng phòng, những người đặt đường sonde nửa đêm bấm chuông nhờ y tá tiêm thuốc giảm đau. Riêng mình, quen bị đời đấm đá nên suốt mấy ngày chờ tháo chỉ, không phải tiêm mũi giảm đau nào. Đêm về, khi đã an vị trên giường bệnh, mình “đuổi” vợ con về nhà. Mình không thể chấp nhận người nhà ngồi bên cạnh, nhìn người bệnh suốt đêm một cách không cần thiết. Đã có các y tá, điều dưỡng túc trực, cần gì bắt người nhà thức đêm cùng mình. Để Mama Tổng quản về nghỉ, tái tạo sức và nói dại, nếu bà ấy vì thức trông mình, nhỡ ốm lăn ra đấy thì hoàn cảnh nhà mình còn bi đát hơn. Chả dại.

Nói về việc mình chưa bao giờ ở bệnh viện qua đêm.

Năm 1980 mình bị tai nạn ô tô bên Long Biên.

Chiếc xe tải láng sang phải để rộng đường cua vòng lại. Từ sau, mình phanh xe máy không kịp, đâm vào giữa thân ô tô. Cũng may còn phản xạ, mình co cẳng đạp giữa thùng xăng ở thân xe khiến thùng xăm bị móp và mình bắn ra ngoài, chỉ bị gẫy xương quai xanh. Cấp cứu ở Bệnh viện Việt Xô, đến cuối chiều mình đòi về nhà. Kê chiếc ghế gấp lên trên chiếc giường to, mình nằm chịu đau và tiếp bạn bè đến thăm.

Chu Đức – anh chàng cùng đội về kể cho anh em trong đơn vị : “Chúng mày ơi, ngực ông Thiết bét nhè”. Nó thấy ngực băng bó trắng toát, ngỡ mình bị nặng.

Năm 2019 mình đi đá bóng bên Lào cùng FC BKHN. Cuối chiếc xe 45 chỗ luôn được mấy anh em khoanh lại thàng “Xóm nhà lá”, làm nơi đánh tá lả. Mỗi lần có người ù, Thành “dế” (Nghỉ hưu từ công an Đống Đa) ngồi chầu rìa lại hô : “Vỗ tay nào”.Mỗi lần vỗ tay là mỗi lần quỹ rượu bia của đoàn lại được bổ sung nên không chỉ các ông mà các bà trên xe cũng vỗ tay nhiệt liệt.

Ngồi đánh bài triền miên, từ sân vận động Bách khoa ở Hà Nội tới tận khách sạn ở Viêng Chăn (Trừ những khi nghỉ dọc đường theo quy định cứ 2 tiếng một lần). Đến khách sạn chợt mình thấy sảnh khách sạn cứ nghiêng ngả. Lễ tân khách sạn cũng như vào hùa, không chịu đứng yên. Giật mình. Đây là lần đầu tiên mình bị trạng thái dạng như tiền đình, trên đất xa lạ Triệu Voi. Điện thoại về nhà, Mama Tổng quản sốt ruột, định sai ông con trưởng sang Viêng Chăn đón mình về.

ch2-ung-buou-xa-tri-1657900666.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Cụ Minh “mã” trưởng đoàn trao đổi với con gái ông trọng tài Bính, Việt kiều tại Viêng Chăn đang đi theo đoàn làm phiên dịch và thống nhất hôm sau sẽ cùng chồng cô bé này đưa mình đến Bệnh viện Quốc tế Viêng Chăn thăm khám.

Khám đi khám lại vẫn không phát hiện bệnh nên đành đợi về Hà Nội, đến Bệnh viện Xanh Pôn khám lại. Dạng bệnh như tiền đình và khi ho mạnh, mình thấy bật máu tươi nơi cổ.Lại tiếp tục nhập viện, ở nội trú để thăm khám theo yêu cầu của bác sỹ.

Đứng trên tầng cao của Bệnh viện Xanh Pôn nhìn thấy nhà mình nên cứ hết giờ chiều, mình lại lẻn về nhà để sáng hôm sau vào viện. Các y bác sỹ biết và các bệnh nhân cũng biết nhưng không ai thắc mắc gì. Mình về nhà, bệnh nhân còn lại được ở riêng một cái giường thênh thang, thắc mắc nỗi gì. Bạn bè nghe tin điện thăm hỏi. Có tốp bắt buộc cứ đến thăm, đành hẹn họ có mặt tại nhà hàng, tổ chức thăm viếng người bệnh theo kiểu Úc. Vừa được nhâm nhi, vừa vui. Tội gì chen vào nơi đầy những bệnh nhân đang vật vã vì đau ốm.

 

Sau mấy ngày được các bác sỹ điều trị nâng cao sức khỏe và làm quen với việc tiêm truyền, mình bắt đầu được hóa và xạ trị.

Ven bên trái tay được cắm cây tiêm tiêm truyền mở, có chỗ cắm kim truyền và có chỗ để bơm các loại thuốc bổ sung. Tiện lợi hết cỡ khi chỉ một lần chọc ven mà đã có đường truyền nhân tạo lắp sẵn ở tay. Ngày xưa khi chưa có kim tiêm truyền mở, mỗi lần muốn truyền là một lần y tá phải chọc ven. Người thạo việc đã đành. Người mới làm quen, gặp bệnh nhân ven mờ có khi chọc nát vùng ven mà không được việc.

Hôm trước cậu y tá ở Bệnh viện Xanh Pôn, ý muốn giảm căng thẳng cho bệnh nhân, nói đùa : “Thế bác có muốn chọc ven kiểu khuyến mại không ?”. Bệnh nhân bật cười và năn nỉ : “Thôi. Cậu cứ làm nhát ăn ngay đi”. Đùa như vậy nhưng cậu y tá này là người lấy ven giỏi nhất mình từng gặp. Cả cây kim truyền to tướng, cậu  ấy đưa vào đường ven vẫn thấy êm ru. Cũng cậu y tá này hôm đầu TEST Covid cho mình. Suốt mùa dịch, do mũi bị dị ứng nên cứ thấy cái tăm bông xoe xoe trước mặt là mình co rúm lại. Thậm chí có lần TEST Covid, mình bị một y sinh chọc khiến chảy máu mũi. Riêng cậu này vừa đùa vui, vừa không phải dò dẫm nhiều, đưa cây tăm bông vào sâu vùng khoang mũi rồi rút nhanh khiến mình chưa kịp cảm thấy bị chọc xoang đã xong công đoạn lấy mẫu thử.

Ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội không thấy nam y tá. Nữ đảm nhiệm nên không bạo tay, nhưng thao tác nhẹ nhàng, thái độ nhẫn nại khiến người bệnh yên tâm chìa tay để lấy ven. Đã mấy lần lắp kim tiêm truyền mở, mình chưa gặp phải tình trạng “khuyến mại”, chọc 2 lần mới xong.

Từ đầu giờ sáng y tá đi đến đầu giường bệnh, thông báo miệng kèm một tờ giấy giao cho bệnh nhân, kê những loại dung dịch cần truyềntrong ngày.

Mình phải truyền 5 loại. 3 loại đầu là các dung dịch có tốc độ truyền mau, kiểu “dọn bãi” cho loại hóa chất sẽ truyền vào tầm trưa. Ngay trước cái chai bọc giấy xi măng để che ánh sáng là chai dung dịch rửa mạch máu. Chai này chia làm đôi, nửa truyền trước và nửa chuyền sau để làm sạch mạch máu khỏi hóa chất sau khi truyền.

Truyền chai hóa chất chính, lẽ ra phải đặt máy đếm giọt theo cùng nhưng bệnh nhân như mình tỉnh táo, không dùng tới máy.

Chai này truyền trong khoảng từ 16 đến 20 tiếng mới xong. Nằm nhìn từng giọt hóa chất tí tách rơi xuống phễu của ống truyền, chắc không bệnh nhân nào đủ kiên nhẫn để dõi theo. Tháng Năm nó rơi một giọt và đến tận tháng Mười mới kế tiếp giọt thứ 2. Ống truyền có van tinh chỉnh, nhưng không bệnh nhân nào dám can thiệp. Lượng hóa chất vào cơ thể quá nhanh sẽ gây sự cố, nhẹ thì cháy vùng ven, nặng thì gây sốc cho cơ thể.

Mấy “cựu bệnh nhân”cùng phòng muốn đợt truyền kết thúc sớm để về nhà. Họ chỉnh tốc độ nhanh cho đường truyền và có người còn mang kim tiêm, chọc lên chai truyền để thông khí cho nhanh. Nhưng không ai dám “mó máy” tới việc truyền của chai hóa chất chủ lực.

Truyền những gì đã được thông báo và giải thích cặn kẽ. Đầu đất như mình, đã đồng ý phương pháp trị liệu thì cứ ngoan ngoãn chấp hành. Mỗi bệnh nhân có 2 bác sỹ riêng chăm sóc, có khi họ còn sốt ruột muốn mình sớm khỏi bệnh hơn cả mình cũng nên.

Đã thế, mình không thèm quan tâm đến những giọt hóa chất đang chậm rãi rơi và “leo lên mạng”, xem thiên hạ hôm nay dậy sóng vì cớ sự gì.

Việc xạ trị có vẻ bài bản và nghiêm ngặt hơn.

Bệnh nhân được đi chụp chiếu, dựng hình ảnh 3D khối u và y tá dùng kim châm, săm những vị trí khác nhau quanh vùng ngực để đánh dấu những chỗ tia trị xạ chiếu vào. He he. Vậy là mình gia nhập hàng ngũ “con Rồng cháu Tiên” khi trên cơ thể đã có những vết săm. Chỉ là những dấu chấm nhưng dù sao cũng bước vào thế giới của những đại ca săm đầy hổ báo trên cơ thể.

Nằm trên giường máy, mâm tia xạ chạy vòng từ phải sang trái rồi vòng ra phía dưới cơ thể.

Phòng mát lạnh. Tư thế nằm thả lỏng. Không thấy cơ thể có phản ứng gì. Chắc phải một thời gian dài sau này mới cảm nhận được những lần xạ trị.

Máy lách cách đưa mâm xạ về chỗ cũ. Giường bệnh nhân được đưa lên cao và trả về chỗ ban đầu. Ngồi bật dậy cảm ơn cậu y tá, mình khoác lại chiếc áo như chưa từng có lần xạ trị nào xảy ra.

Giờ xạ trị của mình lúc 20h25. Nhường giờ ban ngày cho những người ở xa, xạ trị xong còn kịp chuyến xe về nhà hoặc về quê. Giờ đấy cũng tiện cho mình khi có cả ngày trời ở nhà để lo việc khác.

Cũng theo giờ đã định, bệnh nhân đến xếp sổ và chờ đến lượt. Mỗi người có một liệu trình xạ trị riêng, đã được lập trình trên máy nên tại phòng chờ xạ trị, không có chuyện chen lấn xô đẩy hoặc đòi làm trước, theo kiểu “Mày có biết tao là ai không”.

Mình xạ trị theo dạng ngoại trú. Đến xạ trị xong rồi về. Nếu đang nội trú để truyền dịch, y tá sẽ căn giờ tạm rút đường truyền cho bệnh nhân đi xạ trị.

Khoa Nội và khoa Xạ trị không cho phép người nhà vào phòng bệnh thăm. Có khách cứ a lô, khoa sẽ mở cửa cho bệnh nhân (nếu lúc ấy chưa làm thuốc) xuống tiếp khách tại vườn hoa ngay trước cửa khoa.Tha hồ biểu lộ tình cảm mà không ảnh hưởng tới người đang trong phòng bệnh. Vườn hoa nhiều cây xanh. Những bệnh nhân trẻ tuổi cũng sẽ thích với quy định “Chặt mà lỏng” này.

(Còn nữa)