Tuyên Quang: Chăn nuôi đại gia súc giúp nhiều hộ nông dân Lâm Bình thoát nghèo bền vững

Thái Sơn

17/08/2022 12:16

Theo dõi trên

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) có nhiều tiềm năng cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Huyện đang từng bước phát huy lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Theo thống kê ngành nông nghiệp huyện Lâm Bình, liên tiếp trong nhiều năm, đàn trâu bò của huyện đều có sự gia tăng về số lượng. Đến nay, tổng đàn trâu, bò của huyện Lâm Bình đã có gần 13.000 con. Bên cạnh việc chăn thả tự do, người dân Lâm Bình còn có nhiều hình thức chăn nuôi khác như nuôi nhốt, chăn nuôi vỗ béo rồi xuất bán.

gia-dinh-anh-dinh-1660713228.jpg
Anh Ma Bá Dính, thôn Poi, xã Minh Quang chăm sóc đàn trâu của gia đình

Ông Trần Văn Chung, Trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lâm Bình cho biết: Huyện tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo quy mô trang trại, gia trại, khuyến khích liên kết thành lập hợp tác xã để tập trung sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã chú trọng xây dựng các mô hình, hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển hình thức từ chăn thả tự nhiên sang bán chăn thả và nuôi nhốt; vận động bà con tận dụng đất để trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi; nuôi trâu, bò tại các thôn, xã có thế mạnh về chăn nuôi, qua đó khuyến khích nhân rộng. Đồng thời để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, mỗi năm các cơ quan chuyên môn triển khai tiêm phòng, bao gồm cả tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung.

Tại xã Minh Quang (Lâm Bình) nơi đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nghề chăn nuôi đại gia súc đã có truyền thống từ lâu đời. 

Ông Ma Phúc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chăn nuôi trâu bò không tốn nhiều công sức, nuôi nhốt trong chuồng có nhiều lợi ích từ khâu chăm sóc đến chủ động phòng chống dịch bệnh. Tỉ lệ tăng đàn luôn ổn định, đem lại nguồn kinh tế rất lớn. Với việc diện tích các khu vực bãi chăn thả ngày một thu hẹp người dân địa phương đã thay đổi phương thức chăn nuôi. Hầu như gia đình nào cũng dành một diện tích để trồng cỏ voi, bổ sung thức ăn cho gia súc.

Đến nay, toàn xã đã có 1759 con trâu 210 con bò, nhiều gia đình tại xã đã vươn lên khá giả nhờ nuôi trâu bò. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền và làm tốt công tác thú y đã giúp bà con nuôi trâu bò ít mắc bệnh và mang lại hiệu quả hơn. Xã đã xác định chăn nuôi đại gia súc là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiêm phòng cho gia súc, không thả rong vào mùa đông và đa dạng hóa các hình thức chăn nuôi, hàng năm từ các nguồn vốn phát triển, địa phương hỗ trợ người dân từ 20-30 con trâu bò.

Anh Ma Bá Dính, thôn Poi, xã Minh Quang cho biết, gia đình anh hiện có có 7 con trâu. Trước đây, trâu chủ yếu được thả rông, nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên về mùa đông trâu bò thường thiếu thức ăn hay mắc bệnh và chết rét. Riêng bản thân gia đình ông Dính có hơn 2ha đất đồi nên ông áp dụng hình thức nuôi vỗ béo. Con giống hơn một năm tuổi được ông mua về đầu năm, sau gần một năm chăm sóc thì được ông xuất bán. Tính trung bình mỗi năm, gia đình thu lãi từ 70 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống của cả gia đình.

Bạn đang đọc bài viết "Tuyên Quang: Chăn nuôi đại gia súc giúp nhiều hộ nông dân Lâm Bình thoát nghèo bền vững" tại chuyên mục Nông nghiệp mới. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn