Từ sự việc đau lòng - Nghĩ về văn hoá ứng xử trong học đường

Quang Minh

09/09/2022 21:58

Theo dõi trên

Văn hóa ứng xử trong trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường.

3-tu-su-viec-dau-long-1662735374.jpg
Bạo lực học đường gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tâm lý

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, ngày 5/9/2022, hơn 20 triệu học sinh cả nước sẽ dự lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023 trong niềm hân hoan, háo hức. Đây là năm học được xác định với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Niềm vui, niềm han hoan đón chào năm học mới của thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh vừa diễn ra được vài ngày thì ngành giáo dục xảy ra chuyện buồn.

Chiều 7/9, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang tạm giữ hình sự đối với thầy Phạm Thế Giáp, 38 tuổi, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, TP Rạch Giá, để điều tra hành vi “Giết người”.

Nạn nhân là thầy giáo H.A.T, 40 tuổi, là đồng nghiệp cùng trường, cùng dạy môn thể dục, nhưng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. 

Theo thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, thầy Phạm Thế Giáp cầm dao đâm thầy Hoàng Anh T tại căng tin của Trường. Thầy T. bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu.

1-tu-su-viec-dau-long-1662735168.jpg
Thầy Phạm Thế Giáp ôm mặt khóc vì ân hận. (Ảnh chụp clip).

Ngày 8/9, mạng xã hội lan truyền clip dài khoảng 45 giây ghi lại hình ảnh trong khuôn viên trường học, một thầy giáo mặc áo sơ mi xanh ngồi trên xe máy lời qua tiếng lại với 2 học sinh. Thầy giáo này dùng thước gỗ đánh nhiều lần vào người một học sinh. Sau đó tiếp tục dùng thước gỗ và mũ bảo hiểm mình đang đội trên đầu đánh vào người học sinh đứng bên cạnh.

Người thầy giáo dùng thước, mũ bảo hiểm đánh học sinh được xác định là thầy Lê Văn Tú, giáo viên Trường THPT Hùng Vương (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk). Thầy Tú sau đó đã viết thư xin lỗi về việc làm của bản thân.

2-tu-su-viec-dau-long-1662735214.jpg

Thầy giáo dùng thước gỗ đánh học sinh. (Ảnh chụp clip).

Hành động của hai người thầy gây ra trong môi trường học đường ở hai địa phương khác nhau đã gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tâm lý tình cảm của học sinh, đồng nghiệp và người thân.

Để xảy ra sự việc đáng tiếc kể trên, có thể thấy rằng việc thực hiện văn hóa ứng xử trong học đường của các thầy chưa được phù hợp, chưa được tế nhị, chưa được linh hoạt,…đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, văn hoá ứng xử trong trường học rất quan trọng giúp cải thiện mối quan hệ giữa người với người, cư xử với nhau chan hòa, dùng tình thương để xoa dịu vấn đề mâu thuẫn, xung đột; đứng trên vị trí của người khác để cảm thông và thấu hiểu sẽ là cách mở nút nhanh nhất cho mọi hiềm khích, từ đó, dễ dàng giao lưu, trao đổi và kết nối với nhau, giúp gắn chặt tình đoàn kết.

Đồng thời xây dựng văn hóa ứng xử trong các trường học giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra trong tương lai, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên trong nhà trường cần nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học.

Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, lối sống văn hóa thông qua việc tự học, tự rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết phù hợp để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Nhà trường cần ban hành các quy định về văn hóa ứng xử lồng ghép vào các quy định, quy chế như: Quy chế văn hóa công sở, Quy định đánh giá xếp loại công chức, viên chức. Phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn, Hội và tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục trong công tác thi đua xây dựng trường học văn hóa, văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên thiết thực, thường xuyên, hiệu quả.

Bạn đang đọc bài viết "Từ sự việc đau lòng - Nghĩ về văn hoá ứng xử trong học đường" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn