Truyện ngắn: MÙA HƯƠNG BƯỞI

Nguyễn Duy Hiếu

02/07/2022 16:16

Theo dõi trên

Cứ mỗi độ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai, hoa bưởi lại làm xao xuyến mọi ngả đường ở một miền quê vùng núi Hà Tĩnh. Những bông hoa bưởi màu trắng tinh khôi và hương thơm dịu dàng, như một khoảnh khắc báo hiệu thời gian bắt đầu chuyển mùa.

aminh-277-1656663793-1656753314.jpg

Tiết trời tháng Ba khá thất thường, ví như một cô nàng “đỏng đảnh”. Những chùm hoa bưởi trắng tinh khôi, búp non xen kẽ những bông hoa đã bung nở, hương bưởi gửi vào gió mang đi xa, làm êm dịu cái khó chịu trong vùng quê miền núi. Mùi hương thoang thoảng mà ngạt ngào lại len lỏi trong từng ngõ nhỏ. Ai ai cũng muốn lưu giữ cho mình hương hoa dịu ngọt đầy vương vấn ấy. Nhiều bạn gái đã thành thói quen gói ghém kỹ trong từng chiếc khăn tay những bông hoa bưởi nở trắng tinh khôi, nhụy vàng e ấp...

Một buổi sáng, đầu tháng Ba năm 1975, những chiếc giỏ xe chở đầy hoa bưởi, hương thơm nồng nàn, vây quanh sân trường. Thầy cô và bạn bè có mặt từ sáng sớm để tổ chức Lễ chia tay một số bạn lên đường nhập ngũ. Dọc các con đường làng quen thuộc rất nhiều hoa bưởi. Nhiều đôi nam thanh, nữ tú ngắm nhìn hoa bưởi trắng tinh khôi như một thời khắc chuyển mình giữa Xuân sang Hạ. Và dường như ai cũng muốn lưu giữ cho mình một chút dịu dàng trong mùa hoa trắng nồng nàn của tuổi học trò. Học hết kỳ I, bước sang kỳ II, giữa lúc quân và dân ta đang thừa thắng xông lên quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Võ Quang Hội và nhiều bạn bè trong trường đã gác lại ước mơ vào giảng đường đại học để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ngày tiễn quân, Ban Giám hiệu nhà trường đã tổ chức buổi gặp mặt chia tay thật giản dị, trang nghiêm, đầm ấm, thắm tình thầy trò.

Đêm hôm đó, Thu Thủy đến nhà Hội, lòng xốn xang khi nhớ lại một năm trước cũng đã tiễn anh trai mình đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thủy biết rằng, ngày mai phải xa anh, xa một nửa kia chờ ngày đoàn tụ. Cầm chùm hoa bưởi trên tay, cổ cô ứ nghẹn không nói nên lời, đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Những câu chuyện chúc cho các bạn trẻ ngày mai lên đường cứ râm ran và lan tỏa trong mùi hương bưởi tháng Ba. Người thân, bạn bè và cả gia đình đều có cảm xúc quyến luyến không nỡ muốn rời xa. Dù người yêu chưa lên đường, nhưng ắt hẳn cảm giác tủi thân đã bắt đầu len lỏi vào suy nghĩ của Thủy. Anh ôm Thủy vào lòng, thân hình mảnh mai, bé nhỏ, mái tóc buông xỏa trước ngực, pha lẫn mùi hương bưởi dịu dàng lan tỏa. Anh xúc động vụng về động viên Thủy mấy câu thơ: “Đất nước/ Của những người con gái, con trai/ Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép/ Xa nhau không bao giờ rơi nước mắt/ Nước mắt giành cho ngày gặp mặt…”. Hồi hộp chờ mãi, Thu Thủy mới đáp trả lại tình cảm của anh: “Anh à! Ngày mai là một ngày mới và chúng ta sẽ phải xa nhau, không biết bao giờ gặp lại… Em cảm thấy nó như một giấc ngủ trưa vậy. Anh phải nhớ giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúc anh yêu lên đường nhập ngũ bình an, may mắn. Em sẽ chờ anh. Mãi mãi yêu anh, chàng trai à!...”

Sau một tuần tập trung học tập chính trị ở Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An, Tân binh Võ Quang Hội cùng đồng đội được lệnh bí mật hành quân sang nước bạn Lào. Tại Lào, bước sang năm 1975, khí thế đấu tranh chính trị của quần chúng ngày càng lên cao, mở đầu là cuộc biểu tình của 300 học sinh Pạc Xế diễn ra trong nhiều tuần lễ. Tiếp đến là cuộc đấu tranh của nhân dân mường Noọng Bốc từ ngày 4 tháng 1 đến ngày 21 tháng 2 năm 1975, trước sự đàn áp dã man của địch, nhiều đảng viên đã anh dũng hy sinh. Với sự giúp đỡ kịp thời của bộ đội tình nguyện Việt Nam, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi. Quân giải phóng nhân dân Lào đã đập tan cụm phòng ngự của địch ở ngã ba Sa la Phu Khun, sau đó phát triển lực lượng về hai hướng Viêng Chăn và Luông Pha bang. Địch hốt hoảng lâm vào tình trạng hoang mang, dao động dẫn đến tan rã. Trong đợt tập kích của địch vào cao điểm 200 tại huyện Pha xay, tỉnh Xieng khuang (Lào), chiến sĩ trẻ Võ Quang Hợi, mới 18 tuổi đời, thuộc Đại đội 17, Tiểu đoàn 27 bị thương nặng ở chân và được chuyển ra trạm phẫu tiền phương. Trạm đóng ở rìa suối dưới chân núi Phu ma xay. Tháng 5, ở đất nước Triệu Voi trời mưa như trút nước hết trận này đến trận khác. Nằm điều trị trên giường bệnh ở trong hang đá, Hợi không yên lòng, anh luôn nhớ đơn vị, nhớ đồng đội và người yêu Thu Thủy. Trận đánh cao điểm 200 ác liệt vừa rồi, không biết ai còn, ai mất. Ngoài kia, máy bay của địch ngày càng tăng cường đánh bom dữ dội. Trực thăng địch đổ bộ quân xuống mấy điểm cao gần đơn vị, nhằm khống chế đường ô tô vào vùng giải phóng. Chúng đã tổ chức mai phục và bắn cháy mấy xe ô tô của ta trên đường vào vùng giải phóng đón thương binh và dân công về hậu cứ... Anh vừa nghe chiến sĩ giao liên nói Tiểu đoàn sắp được lệnh rút quân về miền Tây Nghệ An, chỉ để lại một Đại đội bám địch.

Một đêm cuối tháng 5, ngoài trời vẫn đổ mưa… Mưa triền miên, tiếng mưa nghe đến nao lòng, giữa lúc đó, trạm phẫu thuật thông báo: Thương binh nặng được đưa ra địa điểm cách đấy gần chục cây số để lên ô tô chuyển về tuyến sau. Số còn lại đi được sẽ giao cho một Tiểu đội bộ binh bảo vệ, cắt rừng đi vào ban đêm vòng tránh khu vực kiểm soát của địch. Vết thương ở chân tuy vẫn rỉ máu do bị nhiễm trùng mấy ngày còn đau nhức nhối, nhưng Võ Quang Hội xung phong hành quân bộ cùng anh em để nhường cáng cho đồng đội. Ngày nghỉ, đêm đi, cứ như thế đến đêm thứ ba thì đoàn đến bản Non (Xieng Khuang) và mắc kẹt ở đó. Vì đang là mùa mưa, nước suối ở bản Non chảy xiết, cuồn cuộn như thác đổ, chia cắt đường hành quân của đoàn. Đồng chí Trần Danh Huy, trưởng đoàn quyết định cho anh em nghỉ lại chờ khi nước lũ rút hết mới tổ chức hành quân vượt suối bảo đảm an toàn. Theo bước chân người phiên dịch vào bản, thấy bộ đội Việt Nam vất vả gian khổ, băng rừng, lội suối nhiều ngày, ốm đau, người dân bản Non đã tiếp đón chu đáo và cho bộ đội ở nhờ. Võ Quang Hội vì đau chân được Trưởng đoàn Trần Danh Huy bố trí ở tại nhà đồng chí cán bộ cách mạng Lào. Anh phiên dịch cho biết: Gia đình này là Việt Kiều từ Quảng Bình theo bố mẹ sang định cư ở đây lâu rồi. Chồng của chị là bộ đội Pha thet Lào đang chiến đấu ngoài mặt trận. Nhà chỉ còn lại người vợ và hai cô con gái đang học phổ thông. Bước chân vào nhà, với thói quen, Hội chào xã giao bằng tiếng Lào: 

- Xa bai đi ượi (chào chị).

Biết có khách đến là bộ đội Việt Nam, cả nhà vui vẻ phấn khởi lắm, bà chủ chắp hai tay và nói bằng tiếng Việt:

- Cám ơn bộ đội Việt Nam.

Mọi người rất xúc động, vợ đồng chí bộ đội Pha thet Lào ân cần hỏi thăm từng người. Và có lẽ vì nhìn thấy Hội là chiến sĩ trẻ nhất trong Đoàn, nên bà quan tâm hơn và thường xuyên trò chuyện. Bà hỏi về quê hương, bố mẹ, anh em Hội ở Việt Nam. Anh khiêm tốn trả lời: “Dạ… Nhà cháu có 4 anh chị em, cháu là út. Đáng lẽ còn 2 chị nữa, nhưng bom đạn của giặc Mỹ ném trúng hầm trú ẩn... Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, chưa học hết cấp 3, cháu đã xung phong vào bộ đội…”. Nghe câu chuyện của Hội, bà mẹ càng thêm quý mến và thương Hội nhiều hơn. Đêm đến, mọi người đều được bố trí ngủ cùng trên sàn nhà, Trưởng đoàn Huy không quên nhắc nhở anh em thay nhau gác ngoài cổng, phòng bất trắc xảy ra.

Trời lại bắt đầu rả rích mưa. Mọi người đã say giấc nồng, có lẽ do hành quân đường xa thấm mệt. Võ Quang Hội vẫn thức vì vết thương sau nhiều ngày đi lại bị nhiễm trùng sưng tấy và đau buốt. Anh không dám cựa mình vì sợ chạm đến giấc ngủ của mọi người, Hội cố gắng hít thật sâu cho tâm hồn thoải mái để xua đi cái đau đớn tột cùng. Bỗng nhiên, hương hoa bưởi và mùi bồ kết ở đâu vương đến, gợi cho Hội cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Mùi hương và những câu chuyện ban sáng làm cho Hội nhớ lại những kỷ niệm về làng quê miền núi Hà Tĩnh yêu dấu, nơi có mẹ già, có các anh chị và người yêu Thu Thủy. Anh nhớ hình ảnh cặm cụi, cần mẫn đầy yêu thương của bà; nhớ về cây bưởi sau vườn, hoa nở trắng dưới mưa xuân lất phất. Ngày ấy, Hội hay đi nhặt hoa bưởi về cho mẹ và chị gội đầu. Đêm đến, Hội lại được gối đầu lên tay mẹ, vào mái tóc đen huyền và thơm mùi hoa bưởi của mẹ để ngủ. Đã lâu rồi, hầu như Hội không có cảm giác này. Anh quay mặt sang bên phía cô con gái lớn của chủ nhà, mùi hương càng nồng nàn hơn. Anh thoáng nghĩ: “Chắc cô ấy gội đầu bằng bồ kết và hoa bưởi”. Cơn đau không hiểu vì sao bỗng nhiên tan biến. Thấy bộ đội Hội trằn trọc không sao ngủ được, cô con gái lớn của bà chủ bèn rủ anh ra sân để tâm sự. Cô gái nhỏ nhẹ:

- Bộ đội có nhớ nhà không, đã có người yêu chưa?

Câu hỏi rất bình thường thôi, nhưng sao lúc này lại làm anh nghẹn ngào, đau nhói con tim. Thế là một mùa hoa bưởi nữa lại về. Hội bất chợt khẽ hát cho cô gái nghe: “Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…”. Mỗi lần cất lên là những kỷ niệm trong trẻo với "Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa” lại ùa về làm tan biến cơn đau. Cô gái càng xích lại gần hơn và thủ thỉ:

- Chắc bộ đội thích hoa bưởi? 

Hội vốn thích hoa bưởi và trong ba lô của anh mang theo chùm hoa bưởi người yêu tặng trước lúc lên đường. Hoa bưởi vốn mang vẻ đẹp thầm kín với mùi hương nhẹ nhàng. Sự duyên dáng của loài hoa này nằm trọn trong sự mộc mạc của những cánh hoa nhỏ nhắn, trắng ngần. Hương hoa thoang thoảng, vừa đủ, lại rất dễ chịu. Anh kể cho cô gái nghe: Cứ vào độ cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai (Âm lịch), khắp quê anh lại thấp thoáng sắc trắng tinh khôi, hương thơm ngan ngát của hoa bưởi từ mọi nẻo đường, ngõ ngách. Nhiều người mong đến mùa hoa bưởi, như mong chờ một khúc giao mùa đầy dịu êm và tinh tế trên những con đường đến trường...

Sáng hôm sau, Trưởng đoàn Trần Danh Huy bảo Hội cùng anh em trong Tiểu đội và cô con gái lớn lên rừng hái rau về cho đoàn cải thiện. Từ nhà ra đến rừng khoảng 3 cây số, tuy vết thương còn rỉ máu nhưng Hội không kêu ca, phàn nàn, anh cố đi để không bị tụt lại phía sau. Thỉnh thoảng, cô gái lại nhìn xuống vết thương của anh bằng ánh mắt e ngại và thán phục. Vừa đi vừa nói chuyện, đến rừng lúc nào không ai hay, sau khi hái rau xong, cô gái còn xuống suối bắt cua, bắt cá. Võ Quang Hội và hai chiến sĩ ngồi đợi, ôm súng cảnh giới. Đang chăm chú quan sát, đột nhiên anh nghe thấy tiếng cô gái reo lên. Nhìn về phía suối, thấy cô cầm con cá to bằng bàn tay ra vẻ thích thú, hồn nhiên như con trẻ vừa được nhận quà. Sau khi cho cá vào giỏ, cô gái lại tiếp tục nhẹ nhàng thò hai bàn tay trắng muốt xuống các khe đá để mò cua. Hội rất sợ gặp phải con rắn độc hoặc bị càng cua kẹp nát bàn tay cô gái. Thêm một lần nữa, cô gái lại đưa anh trở về thời thơ ấu, thời mà anh lon ton chạy theo mẹ và chị ra đồng giữa trưa tháng Sáu “nước như ai nấu, chết cả cá Cờ...”. Sự đảm đang, vẻ đẹp hồn nhiên của người con gái Lào đã mang đến cho anh những rung động mới lạ. Anh đắm say ngắm nhìn cô và cảm nhận nhiều lúc cô cũng dành cho anh sự quan tâm và ánh mắt thương mến. Sau một tuần dừng chân nghỉ lại ở bản Non cũng là những ngày Hội cùng cô lên rừng hái rau, xuống suối bắt cá, mò cua. Vùng giải phóng có nhân dân các bộ tộc Lào bao bọc và che chở nên rất an toàn. Vết thương cũng đã lành ít nhiều, anh không còn cầm súng cảnh giới mà cùng xuống suối mò cua, bắt cá với cô gái Lào. Nhiều khi cua, cá đầy cả giỏ nhưng cô gái vẫn chưa chịu ra về dường như muốn kéo dài thời gian ở bên anh. Còn thường ngày, lúc nào anh cũng dậy từ sáng sớm để chuẩn bị lên nương. Mỗi lần đi trên đường, mái tóc thơm mùi hoa bưởi và hương bồ kết làm anh thấy trái tim rộn ràng trong lồng ngực, nhưng chưa một lần anh dám nắm tay, thổ lộ tình cảm với cô gái...

Thời gian như một giấc ngủ trưa, rồi ngày chia tay cũng đến, bà mẹ và hai cô con gái tiễn đoàn bộ đội Việt Nam ra tận bờ suối. Như có linh tính mách bảo, cả hai đều bước chậm lại. Lặng im đi bên nhau, Hội nhìn cô gái Lào mà lòng bâng khuâng, lưu luyến. Đến bờ suối, cô chủ động nắm tay Hội, trao cho anh bức ảnh và nói bằng tiếng Việt rất tình cảm: 

- Anh Hội đi mạnh khỏe, công tác tiến bộ, nhớ đừng quên... 

Anh sững sờ không tin vào tai mình nữa: 

- Sao em nói tiếng Việt giỏi thế! Chưa bao giờ em nói cho anh biết điều đó. Nếu biết điều này, anh và em đã có thể chuyện trò, tâm sự mấy ngày qua và cũng là để giãi bày tình cảm của anh đối với em...

Cô gái không ngần ngại tỏ ra mạnh dạn hơn: Gia đình em là Việt Kiều, bố mẹ em dạy tiếng Việt từ thuở bé, đó là tiếng mẹ đẻ, chúng em rất yêu quý tiếng Việt. Mỗi khi bộ độ Việt Nam qua đây, gia đình em sẵn sàng giúp đỡ. Hiện tại bố em là bộ đội Pha thét Lào. Kể đến đây, Hội đứng lặng im, một thoáng trầm ngâm. Chưa kịp nói điều gì thì các anh trong đoàn đã gọi rối rít:

- Hội ơi! Nào đi nhanh lên kẻo thủ trưởng đang chờ. 

Anh hấp tấp vội vàng chạy theo đoàn, nước mắt rưng rưng, miệng lưỡi cuống lên quên cả hỏi tên em... Có lẽ đây là giờ phút anh thấy lòng mình yếu đuối nhất trong những năm tháng sống trong quân ngũ.

Sau khi điều trị tại bệnh viện Quân khu 4, vết thương lành lặn, anh được xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Biết tin Hội về, Thu Thủy cầm bó hoa tươi thắm đến tặng anh. Hai người ôm nhau vỡ òa trong những giọt nước mắt sung sướng của ngày gặp mặt. Thủy nhanh nhảu kể cho anh nghe: “Ngày anh lên đường, em ở nhà nhận thêm mấy sào ruộng, chăn nuôi lợn gà, gia đình khó khăn, bố hay ốm đau, mình mẹ không lo được cuộc sống, may mà các em học giỏi đỗ đạt đi làm cả. Khi hay tin anh bị thương, em khóc cạn nước mắt, bạn bè đến động viên rồi cũng nguôi dần. các bác bên nhà cũng hay sang chia sẻ…”. Sau khi trao cái hôn đầy tình cảm, anh ôm Thủy vào lòng, người mảnh mai, bé bỏng, mái tóc đen và đôi mắt nâu huyền, nhưng hay mềm lòng hờn dỗi. Thủy vẫn biết trong 3 năm ấy, tình yêu của cô và anh Hội có thể chứng minh sự bền chặt, vượt qua xa cách, sóng gió để đến bên nhau. Anh mạnh mẽ, trưởng thành trong môi trường chiến đấu chắc hẳn sẽ là một bờ vai vững chãi, đáng tin cậy trong tương lai.

Tháng Ba về, mê mải giữa bao sắc hoa xuân rực rỡ, chợt anh dịu lòng trước hương bưởi lặng thầm nơi xóm nhỏ bình yên. Sang xuân, cây bưởi nở hoa, từng chùm hoa trắng tinh khiết, ken dày, tỏa hương thơm dịu dàng, thật gần gũi, thân quen mà vẫn đem đến bất ngờ tới ngỡ ngàng - lại thêm một mùa hoa mới... Hai người tay trong tay dắt nhau đến ra mắt gia đình hai bên. Hội cũng không quên mang theo chùm hoa bưởi mà Thủy trao anh trước lúc lên đường. Thế mà đã qua 3 mùa “con ong đi lấy mật”. Hội chưa kịp nói, nhành hoa, hương hoa sẽ nói hộ. Nhành hoa bưởi tinh khiết và dịu dàng ẩn chứa trong đó biết bao tình yêu và niềm tin nơi quê hương, nơi gia đình, nơi trái tim Thu Thủy trọn lòng trao gửi cho anh... Những mùa hoa bưởi cứ vậy đến rồi đi, đi rồi lại đến… cây bưởi dẻo dai, bền bỉ, vững vàng qua nắng mưa, giông bão, dâng cho đời những mùa trái chín ngọt lành. Anh thầm đọc cho Thủy nghe những câu thơ cháy lòng da diết về quê hương của người đồng đội viết tặng anh trước lúc hy sinh: “Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi/ Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương/ Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận/ Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương/ Đẹp lắm anh ơi! Con sông Ngàn Phố/ Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau/ Nay mai những chuyến đò xuôi ngược/ Bưởi quê mình rời bến nối đuôi nhau...”.

Đất nước hòa bình, thống nhất, mỗi lần gặp mặt Hội Cựu chiến binh, anh đều cầm theo bức ảnh nhỏ nhắn, xinh tươi của cô gái Lào ở bản Non, từng giúp đỡ bộ đội Việt Nam mà anh chưa kịp biết tên. Hơn 40 năm trôi qua, hình bóng cô gái, mùi hoa chăm pa và hương bưởi luôn là kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí anh. Còn bức ảnh là kỷ vật vô giá anh luôn giữ bên mình, nâng niu và trân trọng ./.

Bạn đang đọc bài viết "Truyện ngắn: MÙA HƯƠNG BƯỞI" tại chuyên mục Tác phẩm – tác giả. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn