Trịnh Xuân Bảng - Người anh hùng đầu tiên của đặc công Rừng Sác

Xuân Phú/Thành Đô (Tổng hợp)

01/11/2022 09:28

Theo dõi trên

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ được Quân chủng Hải quân xây tặng nằm sát ngay QL1 ở thôn Hòa Bình xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để nghe ông kể về những chiến tích hào hùng, những trận đánh đã đi vào huyền thoại và cũng là nỗi khiếp sợ của quân thù. Ông là người lính đặc công Rừng Sác, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Xuân Bảng...

Căn cứ “nổi” bên sườn địch

Hôm chúng tôi tìm đến, giữa cái nắng như thiêu như đốt, ông Bảng đánh trần đẩy xe đất lấp cái ao quanh vườn nhà để trồng rau. Ở cái tuổi thất thập “xưa nay hiếm” nhưng trông ông vẫn rắn chắc và tráng kiện. Với giọng nói hào sảng, những câu chuyện về chiến tích hào hùng của đặc công Rừng Sác qua ký ức của người lính năm xưa cứ ùa về, đan xen lẫn nhau cuốn hút người nghe đến lạ.

Anh hùng đặc công Rừng Sác Trịnh Xuân Bảng

Ông chậm rãi kể, năm 1965, lúc mới là chàng trai mới ngoài 20, ông vào bộ đội, thuộc Đại đội 365, bộ đội địa phương huyện Quảng Trạch. Sau sự kiện Hải quân ta đánh trận đầu tiên với không lực Hoa Kỳ, ông được lựa chọn sang bộ đội Hải quân và vào đơn vị đặc công nước. Gần một năm huấn luyện tại Hải Phòng, ông được phiên vào Đại đội 2 (Đoàn 126 Hải quân) và đi vào Nam chiến đấu. Sau gần 10 tháng ròng rã hành quân, đến 8-1967 đơn vị của ông tập kết tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và được phiên hiệu thành Trung đoàn 10 (Trung đoàn đặc công Rừng Sác) với nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiến khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng từ Cát Lỡ, Rạch Dừa đến Nhà Bè, Cát Lái, thành Tuy Hạ, đánh sâu vào nội đô; khống chế ngăn chặn các tuyến đường sông huyết mạch từ Sài Gòn ra biển.

dh2aq2-1667269417.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn hàng ngàn km2 nằm ở phía đông nam tỉnh Đồng Nai, cách Sài Gòn chỉ 30km. Vùng rừng này là một bãi sình lầy nhiều loại cây đước, sú, vẹt, mắm, bần...đan níu nhau thành nhiều tầng lớp và rất lắm cá tôm. Nước lên thì lút đầu người, nước xuống hiện ra hàng trăm sông lạch đan nhau chằng chịt. Ông Bảng nhớ lại: “Muốn bám trụ được nơi đây, đòi hỏi người lính phải có ý chí và thần kinh thép. Bởi hầu như ngày nào cũng hứng đạn pháo, bom B52 rải thảm. Lương thực, nước uống phải nhờ vào sự tiếp viện. Dưới sông cá sấu chực chờ, thấy hơi người là lao tới...”.

Mới chân ướt chân ráo vào rừng Sác, chưa kịp gia cố lại hầm nổi thì địch tung quân càn quét. Trận đầu tiên chạm trán với địch, mở đầu là những trận pháo kích dữ dội, rồi đến máy bay ném bom rải thảm. Những tưởng quân ta đã bị đạn pháo “đè bẹp” ý chí, bộ binh địch dàn hàng ngang từng trung đội tràn vào rừng Sác với ý đồ tiêu diệt quân ta không để nơi đây trở thành căn cứ cách mạng sát nách Sài Gòn. Nhưng chúng đã lầm. Ông Bảng nói, cứ nghe pháo kích, máy bay ném bom thì anh em xuống hầm ngồi hút thuốc rê, uống nước trà, hết pháo lại lên hầm tỏa ra nhằm vào đội hình tiến quân của địch gài mìn. Loại mìn của lính đặc công sử dụng chủ yếu là mìn tự chế (ĐH10, ĐH 5...), mỗi trái chứa khoảng 500 viên bi bằng những cây sắt phi 5 cắt nhỏ, có sức sát thương cực lớn mà Mỹ - ngụy rất sợ. Giữa mênh mông sình lầy, từng tốp quân địch tiến vào đều bị tiêu diệt. Cứ thế hết đợt này đến đợt khác, quân Mỹ - ngụy đã trút xuống nơi đây hàng chục ngàn tấn bom đạn nhưng vẫn không khuất phục được ý chí của những người lính đặc công Rừng Sác, người này ngã xuống, người khác tiến lên. Từ khi Trung đoàn 10 được thành lập, rừng Sác trở thành căn cứ "nổi" của cách mạng.

Lấy bom địch đánh tàu địch

Trong căn nhà nhỏ, những câu chuyện về những trận đánh cảm tử và những khó khăn gian khổ của đội quân rừng Sác cứ tuôn chảy theo mạch kể của ông. Người anh hùng đặc công Rừng Sác hào sảng kể tiếp chuyện trận mạc: Vào khoảng cuối năm 1967, đơn vị chúng tôi bắt đầu tổ chức đánh tàu ở cảng Nhà Bè. Nhưng làm thế nào để đưa được khối thuốc nổ đủ để đánh chìm tàu trên vạn tấn mà không bị phát hiện. Ông Bảng đưa ra sáng kiến, cho thuốc nổ vào thùng tôn kín và làm một cái lỗ để điều tiết nước. Cái thùng nổi thì cho nước vào, nếu chìm sâu quá thì hút ra, nhiệm vụ của người lính là bảo đảm cho cái thùng nổi lưng chừng mặt nước để không bị địch phát hiện. Kíp hẹn giờ thì được làm bằng đường phèn, lợi dụng sức nước người lính đặc công tính toán đặt kíp dày hay mỏng để có thời gian rút lui an toàn. Những sáng kiến tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng đã được đặc công Rừng Sác áp dụng và đánh thắng nhiều trận, gây khiếp sợ cho quân thù. Mỗi trận đánh thường có 3 người, tất cả đều thực hiện dưới nước, họ liên lạc với nhau bằng sợi dây và giật dây làm tín hiệu. Trước khi vào trận các chiến sĩ ai cũng quyết tử cả. Mỗi người được trang bị bốn quả lựu đạn trong đó có ba quả là để tấn công còn một quả để cùng chết với kẻ thù khi bị bao vây.

Sau Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng vây bắt, bố ráp, lập vành đai trắng xung quanh Sài Gòn. Trung đoàn Rừng Sác bị cô lập, lương thực và vũ khí kiệt quệ. Ông Bảng nhớ lại: Chúng tôi chỉ cầm hơi với một ít gạo rang, cả trung đội tôi chỉ còn 1 quả B40 và mỗi người một băng đạn AK. Anh em gặp địch chỉ có tránh chứ không đánh, mấy tháng trời rừng Sác không một tiếng súng. Trên bầu trời, máy bay suốt ngày tuyên truyền việt cộng rừng Sác đã bị tiêu diệt hết gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Để củng cố niềm tin cho nhân dân, Tư lệnh Đặc khu Rừng Sác Lương Văn Nho (Hai Nhã) và Trung đoàn trưởng Lê Bá Ước xuống động viên Đại đội 5 và yêu cầu chúng tôi phải gây tiếng nổ ở cảng Nhà Bè như một lời khẳng định rằng việt cộng rừng Sác vẫn luôn ở bên cạnh bà con nhân dân. Ngặt nỗi, quyết tâm thì ai cũng có nhưng lấy mìn đâu mà đánh. Chỉ huy đại đội ai cũng im lặng.

Ông Bảng, lúc đó là trung đội trưởng đang đi trinh sát được liên lạc báo tin gọi về. Ông bảo: “Chuyện đó dễ chứ không khó đâu thủ trưởng à”, anh em ai cũng trố mắt nhìn. Ông Bảng nói, bom Mỹ thả xuống nhiều quả bị câm, nhờ công binh đào một quả chừng 5 tạ tháo hạt nổ bị câm đặt kíp hẹn giờ của mình vào là xong. Tư lệnh ôm ông Bảng nói: Cậu đánh trận này chứ. Ông Bảng đáp lời: “Trận này khó, em đi là đi luôn chứ không về nữa” và yêu cầu Tư lệnh cho ông chọn thêm 2 người giỏi nhất trung đội là ông Trần Dần quê ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cùng với Nguyễn Chất Xê ở Tiền Hải (Thái Bình). Tư lệnh Hai Nhã trầm ngâm một hồi rồi đồng ý. Ông Bảng nhớ lại, trước giờ xuất trận, tổ ba người cùng ngồi ăn cơm với các thủ trưởng, coi như là làm “giỗ sống”, mọi người dồn hết gạo nấu bữa cơm cho 3 anh em ăn no nê rồi lên đường. Khoảng 7 giờ tối là rời cứ, bơi bộ khoảng 30km thì vào được cảng. Chiếc tàu chở dầu nặng hơn 15.000 tấn được canh phòng nghiêm ngặt, hàng trăm tàu nhỏ tuần tiễu bên ngoài, người nhái lượn lờ bảo vệ, thi thoảng thả bộc phá quanh tàu nhằm tránh đặc công việt cộng xâm nhập. Khi đó nếu bị phát hiện, anh em chúng tôi sẵn sàng ôm mìn lao vào tàu, ông Bảng kể lại.

Đến gần 2 giờ sáng, công việc cài bom đã được hoàn tất. Gần một tiếng sau, khu vực cảng Nhà Bè rung chuyển bởi một tiếng nổ khủng khiếp, tàu chở dầu 1,5 vạn tấn bốc cháy ngùn ngụt. Bọn địch bao vây chặn tất cả lối ra. Các ông bị lạc mất 1 tuần mới trở về được căn cứ... Sau trận đó ông Bảng là người đầu tiên của Trung đoàn đặc công Rừng Sác được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hai ông Trần Dần và Nguyễn Chất Xê sau đó cũng được phong Anh hùng. Trong khoảng thời gian ở rừng Sác, ông Bảng đã tham gia đánh hàng trăm trận và trực tiếp đánh chìm 4 tàu địch từ 1,2 đến 1,5 vạn tấn. Năm 1972, ông Bảng trở ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, đến năm 1987 thì nghỉ hưu với quân hàm trung tá.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, nhưng với người lính đặc công Rừng Sác, những ký ức về một thời hào hùng vẫn không thể nào quên. Ở cái tuổi “gần đất xa trời” ước mong duy nhất của ông Bảng là được trở lại chiến trường xưa, thắp hương cho những người đồng đội mãi mãi nằm lại dưới lòng sông lạnh lẽo...

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Trịnh Xuân Bảng - Người anh hùng đầu tiên của đặc công Rừng Sác" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn