Trịnh Công Sơn - Nhạc sĩ của hòa bình

Nguyễn Thế Khoaq

01/04/2023 15:11

Theo dõi trên

Trong chương trình “Ký ức hòa bình” của VTV, tôi rất bất ngờ và xúc động khi nghe ca sĩ Tấn Minh hát bài “Chiều trên quê hương tôi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào cuối chương trình.

Đây là bài hát không gắn bó trực tiếp với ngày 30/4//75 vì nó được sáng tác 5 năm sau đó, 1980, sau cả chiến tranh biên giới Tây Nam 1977 và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Ca khúc này không nhiều người biết, nhưng trong hàng trăm ca khúc rất được chúng ta yêu thích của ông, không có ca khúc nào gợi nên khung cảnh một đất nước Việt Nam êm ấm, thanh bình với những buổi chiều thật đáng hy vọng: “Có những chốn riêng cho mọi người/Những con đường lứa đôi/Những góc hè phố vui/Giọt chiều trên lá/Như mắt người cười giữa chiều phai”, một Việt Nam với những buổi chiều dù “Sẽ mưa lâu hoặc cơn nắng dài” nhưng luôn nguyên vẹn “Nét quê hương nghìn năm vẫn là”…Đây là mơ ước hòa bình thật lớn, thật sâu, một trong những ca khúc hay nhất của Trịnh Công Sơn sau ngày hòa bình thống nhất đất nước cùng với những “Huyền thoại mẹ”, “Một cõi đi về”, “Tiến thoái lưỡng nan”, Đường xa vạn dặm”…

b1av1-1680336537.jpg
 

b2av2-1680336615.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Nhắc đến ngày 30/4/75, ngày hòa bình đầu tiên của đất nước sau cuộc chiến tranh 30 năm bảo vệ độc lập tự do, giới văn nghệ không thể không nhắc đến sự kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn buổi trưa lịch sử ấy, sau tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh, Trịnh Công Sơn đã say sưa hát bài “Nối vòng tay lớn”. Có lẽ, không có bài hát nào thích hợp để chào mừng ngày hòa bình thống nhất cúa đất nước hơn là bài hát này của ông. “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/Mặt đất bao la, anh em ta về/Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”, những lời hát ấy dường như không chỉ cất lên từ tiếng hát của Trịnh Công Sơn mà cất lên từ trái tim của hàng chục triệu người Việt Nam trong cái ngày mà cả dân tộc hằng mơ ước suốt mấy chục năm qua bỗng thành hiện thực.

Không phải ngẫu nhiên mà năm 2004, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhận Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới cùng với những huyền thoại của nhạc phản chiến thế giới như Joan Baez, Bob Dylan…

Ngay từ năm 1965 đến năm 1972, với các tập “Ca khúc da vàng 1”, “Ca khúc da vàng 2”, “Kinh Việt Nam”,“Ta phải thấy mặt trời”, “Phụ khúc da vàng” được phổ biến rộng rãi ở miền Nam và không chỉ riêng ở miền Nam mà cả ở miền Bắc và đặc biệt ở một số nước trên thế giới, dư luận trong và ngoài nước đều coi âm nhạc về thân phận con người, phản đối chiến tranh, đòi hỏi hòa bình thống nhất đất nước là phần quan trọng nhất trong sự nghiệp âm nhạc của thiên tài Trịnh Công Sơn chứ không phải tình ca. Chính nhờ ca khúc da vàng chứ không phải “Diễm xưa” Trịnh Công Sơn từng được một Đĩa Vàng (giải thưởng âm nhạc) tại Nhật và có tên trong tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp.

Ngay từ nhưng năm tháng đó, có người đã coi Trịnh Công Sơn là một Bob Dylan của Việt Nam (nhạc sĩ Mỹ từng đoạt giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới năm 2004 cùng Trịnh Công Sơn và đoạt giải Noben về văn chương năm 2016). Nếu xét về ảnh hưởng lớn lao của nhạc Trịnh với cả dân tộc VN và đặc biệt là sự kỳ diệu khó ai có thể so sánh của ca từ trong âm nhạc ông, thì tôi tin Trịnh Công Sơn rất có thể là nhạc sĩ thứ hai trên thế giới sau Bob Dylan sẽ được nhận giải thưởng Noben về văn học.

Tiếc thay, sau ngày đất nước thống nhất, phần âm nhạc cực kỳ giá trị ấy của Trịnh Cóng Sơn, từng có đóng góp không nhỏ làm nên ngày 30/4/75 và đã tạo nên một dấu son khó quên của âm nhạc Việt Nam trong ngày lịch sử trọng đại đó hầu hết đều không được cho phép phổ biến trong nước ngay cả với bài đã trở thành một bài hát truyền thống của thanh niên đất nước như “Nối vòng tay lớn”. Nhưng bất chấp mọi sự ngăn cản hành chính, chừng nào thân phận con người còn bị chà đạp, chừng nào nền hòa bình độc lập tự do của đất nước còn bị đe đọa, không ai có thể hạn chế được sự phổ biến ngày càng rộng rãi những “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam”…của thiên tài âm nhạc mà mỗi người dân Việt Nam luôn luôn tự hào và hạnh phúc được hát và sống trong âm nhạc của ông.

Bạn đang đọc bài viết "Trịnh Công Sơn - Nhạc sĩ của hòa bình" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn