Trận địa miền gió cát

Nguyễn Duy Hiếu

03/12/2021 16:50

Theo dõi trên

Nắng hè oi bức, nóng như thiêu, như đốt. Ngồi trên mâm pháo, hơi nóng như chảo rang, nhưng trên trận địa vẫn vang rền khẩu lệnh, chỉ thị, mục tiêu, phương vị, góc tà… của chỉ huy các cấp…

         

tran-dia-phao-1638524956.jpg
 

 Sau năm 1975, cả nước độc lập thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, nhưng các thế lực thù địch vẫn âm mưu câu kết với bọn phản động để chống phá cách mạng nước ta. Đất nước luôn ở trong tình trạng vừa có hòa bình vừa có thể xảy ra chiến tranh. Lứa học trò tốt nghiệp năm 1976 chúng tôi đành tạm gác ước mơ vào giảng đường đại học để cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Chúng tôi là những con, em của quê hương Can Lộc, một mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, được biên chế vào Trung đoàn pháo cao xạ 214, thuộc Quân khu IV. Nơi đóng quân là một vùng cát trắng, giống như một dãi lụa mềm mại, uốn lượn quanh co dưới chân núi Hồng Lĩnh. Mùa gió Lào, từng đụn cát xoáy từ mặt đất tung lên như rồng lấy nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên là Đoàn pháo Sông Gianh, đơn vị vinh có hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân”.

Những tuần đầu được học tập chính trị và truyền thống đơn vị, chúng tôi càng tự hào về chiến công của các thế hệ cha anh đi trước.Kết thúc chương trình học tập chính trị đầu khóa, chúng tôi bước vào giai đoạn huấn luyện kỹ năng thao tác cơ bản một số vũ khí được trang bị như: pháo phòng không 57 mm, Ra đa SON - 9A (Liên Xô), Ra đa K8 - 60 (Trung Quốc), kính chỉ huy,máy thông tin liên lạc…

Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm tinh mơ, trực ban chỉ huy dóng lên một hồi kẻng báo động dồn dập, mệnh lệnh chỉ huy của các Đại đội chưa dứt, ngay lập tức các chiến sĩ đã nhanh chóng vào vị trí chiếm lĩnh trận địa. Chỉ trong ít phút, những khẩu pháo phòng không 57mm được dỡ bỏ tất cả các lớp ngụy trang, hướng nòng lên bầu trời tìm diệt mục tiêu...

Đại đội tôi được nhận nhiệm vụ cao cả thường trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành phố Vinh và một số cơ sở kinh tế trọng điểm của thành phố nên các tình huống báo động đánh địch đột nhập đường không được đơn vị triển khai luyện tập thường xuyên vào ban ngày cũng như ban đêm. Vì vậy cấp trên yêu cầu chúng tôi phải luôn nắm vững chức trách, nhiệm vụ, thuần thục yếu lĩnh động tác sử dụng pháo, khí tài, nâng cao khả năng hiệp đồng, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Khó khăn nhất đối với chúng tôi là khí hậu miền Trung vô cùng khắc nghiệt. Chúng tôi phải luyện tập dưới nắng hè oi bức, nóng như thiêu, như đốt. Ngồi trên mâm pháo hơi nóng như chảo rang, nhưng trên trận địa vẫn vang rền khẩu lệnh, chỉ thị, mục tiêu, phương vị, góc tà… của chỉ huy các cấp. Nhìn những  giọt mồ hôi chảy thành dòng lăn trên gương mặt đen sạm của những người đồng đội, tôi càng thêm cảm phục tinh thần hăng say rèn luyện của những người lính canh giữ bầu trời.

Binh nhất Lê Văn Phong, chiến sĩ nạp đạn chia sẻ với tôi: “Thao tác của chiến sĩ nạp đạn pháo phòng không 57mm là vất vả nhất, được thực hiện liên hoàn theo trình tự “cầm, bê, đặt, lướt, quay, kéo, tiếp”. Để nạp đạn nhanh chóng, an toàn và tránh bị hỏng hóc các chiến sĩ phải tập luyện rất nhiều lần đến độ thuần thục.Ngoài nhiệm vụ nạp đạn, các chiến sĩ trong khẩu đội có thể đảmđương vị trí của các pháo thủ khác khi chỉ huy yêu cầu...”.

Chúng tôi thường xuyên được cấp trên quán triệt: “Đánh địch tập kích bằng đường không phải có tác phong nhanh nhẹn, nên việc rèn luyện chiến sĩ theo các phương án xác định từ trước là rất quan trọng, bảo đảm cho đơn vị xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Ngoài ra, địch có thể đột nhập vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả ban đêm, vì thế, việc tổ chức báo động, rèn luyện bộ đội phải linh hoạt, bảo đảm trong bất cứ tình huống nào đơn vị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Tôi cùng các chiến sĩ trong khẩu đội luôn thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “lý thuyết gắn với thực hành”, huấn luyện đến đâu, thực hành đến đó, vì vậy, chiến sĩ nắm chắc cấu tạo, tính năng kỹ thuật, chiến thuật các loại vũ khí, trang bị có trong biên chế; bảo đảm cán bộ, chiến sĩ thuần thục yếu lĩnh động tác thực hành cá nhân, nhất là thao tác sử dụng pháo, khí tài, khả năng quan sát mục tiêu bằng mắt thường kết hợp trang bị trong điều kiện thời tiết xấu; chú trọng huấn luyện toàn diện, sát chức năng, nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn tác chiến của lực lượng phòng không; tập trung nâng cao khả năng cơ động, chiến đấu hiệp đồng, khéo ngụy trang, che giấu lực lượng; kết hợp huấn luyện với rèn luyện sức khỏe dẻo dai cho bộ đội.Đặc biệt để nâng cao chất lượng huấn luyện, chúng tôi chủ động làm tốt công tác chuẩn bị mô hình học cụ, thao trường bãi tập, luôn bám sát chủ trương và duy trì “3 thực chất” trong huấn luyện (lên lớp thực chất, ôn luyện thực chất và kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất).

      Trong những tháng huấn luyện chiến sĩ mới, tôi cùng các đồng đội luôn thực hiện tinh thần “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”,các chiến sĩ được huấn luyện nhiều phương án tác chiến đánh địch tập kích bằng đường không. Ngoài ra, hằng năm chúng tôi được Trung đoàn cho tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng với các đơn vị trong Quân khu và bắn đạn thật, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ sát thực tế để nâng cao chất lượng, trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa, giữa bốn bề cát trắng như thế, nhưng từng đám cây trinh nữ vẫn đua nhau trổ bông.Những cánh hoa li ti, hình tròn, màu tím nhạt, dáng yêu kiều. Màu tím thủy chung của hoa tượng trưng cho sự lãng mạn, một lòng son sắt với người yêu. Vẻ đẹp của hoa dịu dàng đến nao lòng. Tuổi thơ qua đi chắc chắn ai cũng phải biết cây trinh nữ (hay còn gọi là cây xấu hổ). Mỗi khi chạm tay vào lá trinh nữ vội khép lại. Hình ảnh của hoa trinh nữ tương tự như những cô gái xuân thì e ấp, thẹn thùng, nụ cười duyên dáng vẫn đọng mãi trong tôi trong những ngày huấn luyện gian khổ ấy….

Tôi nhớ mãi hình ảnh cứ mỗi buổi chiều, sau một ngày kết thúc huấn luyện ở thao trường về, những người lính trẻ chúng tôi thường giấu trong túi áo ngực vài ba bông hoa trinh nữ cẩn thận ép vào quyển sổ tay người yêu tặng trước lúc lên đường. Binh nhất Lê Văn Phong tâm sự với tôi rằng: Quê em ở ven đồi có rất nhiều loài hoa này, bạn gái thích lắm, nếu tặng loài hoa này cho cô gái thầm thương, trộm nhớ.Phong còn khoe với tôi chút lãng mạn của văn chương: “Sự dịu dàng của nàng đã khiến con tim ta hao mòn, ta yêu thích điều đó tới mức hết sự kiềm chế, và con tim ta đã yêu thương nàng từ bao giờ không biết được”. Dù trong thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt loài hoa này vẫn có thể sinh trưởng và phát triển, hoa này tàn đi hoa khác lại nở. Cũng giống như chuyện tình bền bỉ vượt qua mọi chông gai, thử thách và đứng lên trước mọi gian khổ…Phong là chiến sĩ rất năng nổ trong công tác huấn luyện và cũng rất kín đáo trong chuyện tình yêu. Dưới mỗi bông hoa để mang về tặng người yêu, Phong đều ghi dòng chữ: “Đợi anh về em nhé…”.

Sau mỗi ngày huấn luyện về, lính trẻ chúng tôi ai cũng đau nhừ hai cánh tay, toàn thân mệt mỏi. Tôi vẫn nhớ mãi lời trung úy Nguyễn Văn Lợi - Giáo viên Pháo cao xạ của Trung đoàn căn dặn: “Để huấn luyện tốt cán bộ khẩu đội, tiểu đội phải xây dựng giáo án, bài giảng sát với thực tế chiến đấu, truyền đạt rất nhiều nội dung, từ rèn luyện bản lĩnh đến kiến thức chuyên ngành”. Lớp họcđứng xung quanh khẩu pháo 57mm để nghe giáo viên giới thiệu về tính năng tác dụng của binh khí. Đội ngũ cán bộ khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng là lực lượng trực tiếp cùng ăn, cùng ở, sinh hoạt, học tập với chiến sĩ. Cán bộ tiểu đội ảnh hưởng rất lớn đến lối sống cũng như trình độ chuyên môn chiến sĩ trong tiểu đội. Chính vì thế, từ khâu lựa chọn nhân sự đến công tác rèn luyện, huấn luyện chuyên ngành được đơn vị đặc biệt quan tâm. Ngay từ khi huấn luyện chiến sĩ mới, các đơn vị lựa chọn những đồng chí có đạo đức tốt, trình độ học vấn hết cấp III, khẩu khí rõ ràng, nhiệt tình trách nhiệm trong công tác để giữ lại đào tạo khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng”.

Nhớ lời dặn dò của cán bộ cấp trên, trong quá trình huấn luyện, tôi cùng với tiểu đội luôn tập trung nâng cao chất lượng chuyên ngành cho từng đối tượng, từ việc giới thiệu kỹ thuật, tính năng, tác dụng của binh khí; nhận dạng phương tiện bay; vị trí, nhiệm vụ, yếu lĩnh động tác của pháo thủ đến việc huấn luyện khẩu lệnh, động tác chỉ huy của khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng trong hiệp đồng chiến đấu, thực hành đội ngũ chiến thuật…

Bên cạnh việc huấn luyện với cường độ cao trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, cơ sở vật chất thiếu thốn, quanh năm ăn Bo bo (mì hạt) song tôi ngay từ đầu đã xác định được bản lĩnh của người quân nhân trên quê hương xô viết luôn thể hiện quyết tâm rất cao, hăng say luyện tập các nội dung theo quy trình bắn đạn thật. Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị chiến đấu, các khẩu đội bước vào thực hành nội dung hiệp đồng bắt, bám sát mục tiêu. Sau hiệu lệnh của Đại đội trưởng, một hồi kẻng vang lên, các khẩu đội nhanh chóng chuyển vào cấp I. Từ đài quan sát đến các khẩu đội pháo nhanh chóng thao tác, sục sạo, bắt, bám sát mục tiêu theo chỉ thị của Đại đội trưởng. Các tình huống chiến đấu diễn ra mau lẹ, từ khẩu lệnh, động tác đều được các chiến sĩ phối hợp thực hiện một cách nhịp nhàng, chính xác.

Tôi còn nhớ như in đợt chống lũ tháng 8/1977. Mưa lũ tràn về, nước dâng cao, toàn đơn vị gần như thức suốt mấy đêm liền. Đúng 2 giờ sáng, đoàn công tác của Trung đoàn do Đại tá Nguyễn Tình -Trung đoàn trưởng và Đại tá Trần Duy Huynh-Chính ủy Trung đoàn đã tập trung đông đủ tại Sở chỉ huy, nhận chỉ thị của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu: “Hành quân thần tốc đến các địa điểm, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ”. Sau cái bắt tay ấm áp, thể hiện sự kỳ vọng, tin tưởng củaTrung đoàn trưởng vàChính ủy, chúng tôi đã nhanh chóng hành quân về các xã Xuân Giang, Xuân Song, Xuân Phổ, Xuân Hải, giúp nhân dân gặt lúa, khắc phục lũ lụt.Sau nhiều giờ hành quân liên tục, Đoàn công tác của các Đại đội đã có mặt tại các xã bị thiệt hại. Lúc này, nước lũ dâng cao, nhiều ngôi nhà vẫn bị chìm sâu trong nước lũ; một số đoạn đường dẫn vào Trung tâm xã bị sạt lở, quang cảnh làng xóm tiêu điều, xơ xác; không ít gia đình bỗng chốc trắng tay bởi trận “đại hồng thủy”. Chứng kiến cảnh đau lòng ấy, trái tôi như thắt lại, quên hết mệt nhọc sau chặng đường dài hành quân hàng chục km.Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, huấn luyện thuần thục, lại có nhiều kinh nghiệm trong tham gia công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ nên hôm đó chúng tôi đã nhanh chóng bắt tay vào công việc; chia thành nhiều nhóm nhỏ khẩn trương tiếp cận với các gia đình gặp khó khăn để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống; giúp nhân dân củng cố, sửa chữa nhà cửa.

Nhìn ra xa là dòng nước dữ đang cuồn cuộn cuốn trôi một đàn trâu, bò. Nhanh như cắt, chỉ trong chớp nhoáng, chiến sĩ Lê Văn Phong đã lao theo dòng nước bất chấp mọi hiểm nguy, cả tiểu đội cũng xô dòng nước đuổi theo để cứu lấy đàn trâu, bò cho dân. Lúc này trong đầu Phong suy nghĩ: nếu để mất đàn trâu là mất cơ nghiệp của bà con. Sau hơn một tiếng đồng hồ, vật lộn với cơn lũ quái ác, giữa sóng to, gió lớn, đàn trâu, bò đã được dẫn lên bờ an toàn. Cả dân làng đứng trên bờ vui mừng khôn xiết. Bất ngờ,Phong đứng thẩn thờ khi nhìn thấy Quế - Bí thư chi đoàn cũng có mặt để chia sẻ sự hy sinh, vất vả của người lính. Quế có kể cho Phong nghe về nhiệm vụ đưa các chiến sĩ quân y đã đến từng gia đình thăm, khám, chữa bệnh cấp thuốc miễn phí cho người dân; ân cần dặn dò, hướng dẫn cách sử dụng.Đơn vị tôi kết nghĩa với chi đoàn của Quế. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, hai chi đoàn tổ chức nhiều chương trình “Mừng xuân, mừng Đảng” thắt chặt mối tình quân dânrất cảm động, tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp với chính quyền địa phương.

Trong ký ức tôi vẫn luôn hiện lên hình ảnh Chính ủy Trung đoàn trong đêm tiễn Đoàn công tác  chúng tôi về với bà con vùng lũ: “Bà con vùng lũ đang gặp muôn vàn khó khăn, vất vả, trông chờ bộ đội từng phút, từng giờ, nên các đồng chí không được chậm trễ”. Chính vì sự động viên sâu sắc ấy đã giúp tôi quên hết mọi khó khăn vất vả giúp những người dân vùng lũ sớm khắc phục hậu quả.

Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về những ngày huấn luyện vất vả trên thao trường nắng, gió và những đợt giúp nhân dân chống lũ lụt, khắc phục hậu quả thiên tai, vẫn đọng lại trong tôi… Người chiến sĩ chúng tôi huấn luyện trên những vùng cát trắng xen lẫn với màu hoa trinh nữ - loài hoa hoang dại, có sức sống bền bỉ,dẻo dai, mãnh liệt, thủy chung, tượng trưng cho tâm hồn người lính. Tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Sông Gianh anh hùng sẽ mãi mãi in đậm trong lòng nhân dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh -đó cũng chính là mệnh lệnh từ trái tim người lính giữa thời bình, thắp sáng thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân./.    

Bạn đang đọc bài viết "Trận địa miền gió cát" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn