Trận đánh thị xã Xuân Lộc ( tiếp theo)

CCB Phạm Hòa

24/10/2021 08:51

Theo dõi trên

Miền đông nam bộ, sáng nắng chiều mưa, nhưng thật may trong thời gian này trời không mưa, anh em chiến đấu rất gian khổ, rất ác liệt. Nếu trời mưa thì gian khổ đó tăng lên gấp bội và nhờ trời không mưa nên bộ đội không chịu cảnh "máu trộn bùn non".

chu-tr-ti2-1634693370.jpg
Tác giả bài viết

      Thị xã Xuân Lộc đêm 11/4, trời tối đen như mực, máy bay địch vẫn gầm rú trên trời. Chốc chốc chúng lại bắn pháo sáng, cùng lúc dưới đất ở trong các căn cứ, địch bắn hỏa châu lên, sáng cả một vùng trời thị xã. Chúng bắn pháo sáng và hỏa châu để tìm kiếm mục tiêu, khi phát hiện bộ đội ta là chúng gọi pháo bắn cấp tập vào vị trí đó. Đêm nay gió đông nam thổi mạnh nên pháo sáng và hỏa châu bay lơ lững trên trời đã nhanh chóng bị gió thổi bay ra ngoài thị xã. Đúng 10 đêm ngày 11/4, tranh thủ lúc pháo sáng tắt, trời tối, các đồng chí đã lợi dụng địa hình, địa vật áp sát mục tiêu được phân công để lấy thương binh, tử sỹ. Thật đau lòng thương binh, tử sỹ ở đây nhiều, các đồng chí hy sinh với nhiều tư thế khác nhau, có đồng chí cơ thể không vẹn toàn như mất vài bộ phận nào đó trên người, nhưng anh em vẫn bò trong đêm tối tìm kiếm bằng được các bộ phận đó đầy đủ. 2 giờ sáng ngày 12/4 lực lượng tìm kiếm thương binh liệt sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ rút về phía sau an toàn. Cũng nói thêm đây là số thương binh, tử sỹ chủ yếu tập trung những vị trí quân ta tấn công vào căn cứ địch, còn một số tử sỹ nằm rải rác trong quá trình ta tấn công vẫn chưa biết đang nằm ở vị trí nào nên chưa thể lấy ra được.

      Ngày 12/4 là ngày thứ 4 của cuộc chiến. Về mặt tổ chức, cán bộ có một số vị trí được thay đổi: đồng chí Bút tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 về làm tham mưu phó trung đoàn 266, đồng chí Hoàng Biền lên làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5. Đồng chí Trương Công Ty đại đội trưởng đại đội 6 và đồng chí Lê Khắc Chín đại đội trưởng đại đội 8 lên làm trợ lý tác chiến trung đoàn 270, đồng chí Nguyễn Đăng Trí đại đội phó lên làm đại đội trưởng đại đội 8. Đồng chí Trinh tiểu đội trưởng tiểu đội DKZ bị thương, đồng chí Phan Lệ xạ thủ số 1 cối 82ly về làm tiểu đội trưởng tiểu đội DKZ. Đồng chí Lệ hy sinh sáng 27/4 trong trận đánh vào yếu khu Trảng Bom. Trước đó đồng chí Xuân xạ thủ B41 thuộc đại đội 5 đã anh dũng hy sinh, Xuân quê xã Sơn Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh

     Miền đông nam bộ, sáng nắng chiều mưa, nhưng thật may trong thời gian này trời không mưa, anh em chiến đấu rất gian khổ, rất ác liệt. Nếu trời mưa thì gian khổ đó tăng lên gấp bội và nhờ trời không mưa nên bộ đội không chịu cảnh "máu trộn bùn non". Sáng 12/4 cuộc chiến vẫn diễn ra vô cùng khốc liệt, ta quyết đánh chiếm những vị trí then chốt, địch quyết cố thủ, với sự chi viện đắc lực của máy bay từ sân bay Biên Hòa và sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra chúng còn có sự chi viện của các trận địa pháo của địch trên núi Thị và các căn cứ của địch trong thị xã.

       Có đơn vị của ta từ ngày 10/4 bị bao vây trong thị xã, địch dùng máy bay trực thăng UH1 bay thấp rải truyền đơn và chỉa loa công suất lớn kêu gọi bộ đội ta đầu hàng, như trung đội 3 đại đội 6 của đồng chí Lê Đình Quế. Đáp trả kêu gọi thô bỉ, láo xược của địch là hàng loạt các loại pháo của ta dũng mãnh bắn vào máy bay trực thăng như: pháo 37ly 2 nòng, rồi súng 12,7ly, súng AK. Bị ta đánh trả dữ dội, máy bay trực thăng vội vã bay lên cao và bay về căn cứ của chúng. Cũng nói thêm các loại máy bay trực thăng từ UH1 đến máy bay trực thăng vận tải vũ trang xi núc phía dưới bụng máy bay có lớp đệm cao su rất dày nên súng AK không bắn xuyên qua được. Muốn bắn máy bay trực thăng chỉ còn cách khi chúng bay thấp, lúc tên phi công lò đầu ra quan sát hoặc lúc máy bay lượn vòng, súng AK nếu bắn trúng tên phi công máy bay mới rơi được.

      Máy bay trực thăng khi phát hiện từng tốp nhỏ bộ đội ta là chúng bắn dữ dội, nếu thấy không có phản ứng gì là chúng đáp máy bay xuống đất, tìm kiếm hòng bắt số anh em bị thương không có khả năng đánh trả. Rồi chúng chở về Sài Gòn khai thác nhưng chủ yếu chúng lấy đó làm nội dung truyên truyền.

      Thị xã Xuân Lộc được địch xây dựng rất kiên cố, với hệ thống lô cốt, hầm hào liên hoàn cùng hàng rào kẽm gai nhiều từng nhiều lớp. Trong hệ thống phòng ngự, địch còn cho xe xúc ủi, ủi thành những hầm sâu cho xe tăng M48 ẩn nấp. Xe tăng M48 chỉ nổi lên trên hầm mỗi tháp pháo nên khi ta phát hiện việc bắn cháy xe tăng gặp khó khăn, bắn xe tăng địch thuận lợi hơn khi chúng xuất kích.

     Ngoài ra trong thị xã có núi Thị. Núi Thị cao hơn mặt biển khoảng 100m, trên núi cây cối xum xuê. Núi Thị như một pháo đài vô cùng lợi hại, tất cả các lực lượng từ chỉ huy đến pháo binh, các đơn vị tăng thiết giáp.....của địch đều đặt đài quan sát trên núi Thị. Mọi biến động di chuyển quân của ta trong thị xã, địch từ núi Thị có thể phát hiện được. Vì tầm quan trọng của núi Thị như vậy nên địch tăng cường quân bảo vệ rất nghiêm ngặt, về phía ta quyết tâm đánh chiếm núi Thị.

       Chiều ngày 12/4 tiểu đoàn 4 trung đoàn 270 được lệnh tấn công đánh chiếm núi Thị. Trung đoàn tăng cường hỏa lực tối đa cho tiểu đoàn 4 gồm các đơn vị trực thuộc như: cối 120 ly, DKZ 75ly, 12,7ly của các đại đội 14- 15- 16 của trung đoàn và trung đội cối 82ly của c8- d5 cũng được tham chiến chi viện cho d4. Chiều ngày 12/4 sau khi pháo sư đoàn bắn 20 phút, vừa dứt tiếng pháo tiểu đoàn 4 xung phong. Trung đội cối đại đội 8 tiền nhập bám sát tiểu đoàn 4, đất ở đây bằng phẳng nên chúng tôi thấy rất rõ tiểu đoàn 4. Tiểu đoàn 4 đánh địch rất dũng cảm, ngoan cường, bất chấp địch bắn xổi xả, các anh vẫn xông lên. Khi đơn vị vừa bám được chân núi Thị, địch từ trên núi với nhiều từng nhiều lớp phòng ngự chúng tổ chức phản công quyết liệt. Tiểu đoàn 4 buộc phải lùi lại cũng cố lực lượng và xin cấp trên cho pháo bắn các mục tiêu, các cụm hỏa lực của địch. Pháo cối các loại của ta đồng loạt nổ súng, sau 20 phút pháo bắn, khi pháo tạm dừng các mũi các hướng của tiểu đoàn 4 đồng loạt xung phong, lần này có mũi đã lên đến lưng chưng núi nhưng bị địch đánh bật ra. Rồi tiểu đoàn 4 tổ chức tấn công lần 3 nhưng không thành vì địch ở đây quá mạnh.

     Lúc này trung đoàn 270 và trung đoàn 266 thuộc sư đoàn 341 đã chiếm được một số vị trí then chốt tại trung tâm thị xã Xuân Lộc, địch và ta ở thế cài răng lược. Địch buộc phải rút về cố thủ ở các hầm ngầm, lô cốt.....chúng còn bổ sung thêm nhiều chướng ngại vật như: hàng rào kẽm gai, bàn ghế tủ gường rồi xe cơ giới các loại.......trên các con đường hòng cản trở sức tiến công của ta.

     Các đơn vị của ta đã bắn cháy rất nhiều xe tăng, xe thiết giáp, phá hủy nhiều vũ khí trang thiết bị của địch. Một số đồng chí đã vào các kho quân tiếp vụ của địch thu được nhiều chiến lợi phẩm như đường, sữa ông Thọ, rồi thuốc lá các loại: cáp tăng, ru bi.......lần đầu tiên chúng tôi được hút thuốc ru bi vỏ màu xanh. Đây là hàng quân tiếp vụ, thuốc ru bi vỏ xanh chỉ phục vụ trong quân đội địch. Thuốc ru bi vỏ xanh hút thơm ngon, hút đã lắm, ngon hơn hẳn ru bi đỏ của dân sự thời bấy giờ.

       ( Còn nữa)

Theo Trái tim người lính

 

Bạn đang đọc bài viết "Trận đánh thị xã Xuân Lộc ( tiếp theo)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn