Tiễn đưa người từ sông Hồng ra biển xanh vĩnh cửu

Hội Nhà Văn Việt Nam

12/09/2022 13:51

Theo dõi trên

Ông rất yêu mẹ và con sông Hồng nên đã lấy họ mẹ và tên dòng sông để đặt bút danh cho mình là Phan Hồng Giang. Hôm nay, con sông ấy đã rời xa chúng ta để hòa mình vào biển xanh vĩnh cửu.

phan-hong-giang2-1662965185.jpg
 

 

Vào hồi 6h 57 phút, ngày 10 tháng 09, tức ngày rằm Trung thu năm 2022, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hồng Giang đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi.

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hồng Giang tên khai sinh là Nguyễn Đức Hân, sinh năm 1941 ở Nghệ An, trong một gia đình văn chương nổi tiếng, có cha là nhà văn Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên), tác giả Thi nhân Việt Nam; anh là nhà văn Từ Sơn (Nguyễn Đức Dũng). Ông từng học tiếng Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, sau đó trở thành sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov. Cũng tại ngôi trường nổi tiếng này, hơn 20 năm sau, ông đã hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học Ngữ văn.

Ông đã trải qua nhiều công việc và nhiều vị trí: Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, Trưởng phòng biên tập Nhà xuất bản Văn học, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới kiêm TBT tạp chí đối ngoại New Vietnam, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam... Và cho dù làm bất cứ công việc nào và giữ bất cứ cương vị gì, ông vẫn luôn luôn sống và làm việc với phẩm giá của một con người và với bản lĩnh của một trí thức chân chính. Ông là người mang đến cho bạn đọc Việt Nam những vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp văn chương Nga thông qua những bản dịch xuất sắc như Truyện ngắn Chekhov, Đaghextan của tôi của nhà văn Rasul Gamzatov, Cánh buồm đỏ thắm của nhà văn Aleksandr Grin, Nàng Lika của nhà văn Ivan Alekseyevich Bunhin, Một mình với mùa thu của Paustovski... Với bạn đọc yêu văn học Nga, không ai có thể quên được những bản dịch của ông. Những vẻ đẹp văn hóa, đất nước, con người Nga được hiện ra lộng lẫy và sâu thẳm trong sự chính xác và nhuần nhuyễn của tiếng Việt mà dịch giả Phan Hồng Giang mang đến.

Ông từng chia sẻ, ông chọn dịch văn học Nga vì muốn chia sẻ những kiệt tác này với độc giả, đặc biệt là người viết văn trong nước. Theo ông, đó không chỉ là kiến thức, tình yêu văn chương, sự truyền cảm hứng, mà đọc những áng văn tuyệt diệu ấy rồi, hẳn mỗi người viết sẽ phải tự nâng bút lực của mình lên. Quả thật, nhiều thế hệ cầm bút ở Việt Nam đã được “hưởng lợi” từ những tác phẩm dịch này. Đây có thể coi là đóng góp quan trọng của Phan Hồng Giang cho văn học nước nhà. Ông đã đem lại một vẻ đẹp khác cho ngôn ngữ Việt thông qua việc chuyển ngữ các văn bản văn chương Nga.

Từng trải qua nhiều cương vị công tác và “thành danh” trong lĩnh vực dịch thuật, nhưng Phan Hồng Giang chỉ muốn nhận danh xưng là một người nghiên cứu văn hóa. Từ năm 1997 đến lúc nghỉ hưu vào năm 2002, ông đảm đương cương vị viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia. Ông tham gia vào những đề án lớn của Trung ương về văn hóa; nghiên cứu, chấp bút nhiều văn kiện về Chiến lược phát triển văn hóa, từ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng con người, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của xã hội, đất nước...

Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, năm 2012, dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Hồng Giang được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Ghi chép về tác giả và tác phẩm, Chung quanh một số vấn đề về văn hóa, nghệ thuật.

Với một kiến thức sâu rộng, một tư duy logic đầy khám phá, một cách nhìn luôn mới mẻ và thái độ làm việc khoa học đã làm nên cốt cách học giả của dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hồng Giang. Những bài viết và những công trình nghiên cứu của ông vừa mang tính kinh viện vừa mang tính đương đại và đầy dự báo.

Ông tâm sự: “Tuy vốn không thích nói những lời có vẻ to tát, tôi vẫn muốn bày tỏ lòng mong mỏi những người cầm bút chúng ta trước khi và trong khi cầm bút, hãy tuyên chiến với căn bệnh trầm kha vô cảm đang lây lan khắp xã hội. Hãy chia sẻ tình thương với số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc trước vận mệnh của đất nước này, hôm nay và mai sau”.  Những lời ông tâm sự cũng chính là bản tuyên ngôn của ông về đạo của người cầm bút. Tất cả những điều ấy đã được minh chứng trong những năm tháng ông đã sống và trong từng trang viết của ông. Ông là một người lặng lẽ, nhiều trải nghiệm và luôn suy tưởng về số phận con người và sứ mệnh cầm bút của nhà văn. Dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Hồng Giang đã sống qua nhiều biến động của đất nước và thế giới, nhưng mọi thay đổi thời thượng không làm ông đổi hướng, mọi danh lợi không làm ông lung lay. Bởi trong tâm hồn mình, ông đã dựng lên con đường của một trí thức chân chính và ông mãi mãi đi trên con đường ấy cho tới giờ phút cuối cùng của đời mình. 

Ông rất yêu mẹ và con sông Hồng nên đã lấy họ mẹ và tên dòng sông để đặt bút danh cho mình là Phan Hồng Giang. Hôm nay, con sông ấy đã rời xa chúng ta để hòa mình vào biển xanh vĩnh cửu.

Xin được cúi đầu tiễn biệt ông!

Xin quý vị cùng dành một phút mặc niệm. Phút mặc niệm bắt đầu

Xin cảm ơn!

____________

Trích điếu văn ca Hi nhà văn Vit Nam do nhà thơ Trn Hu Vit - y viên BCH Hi nhà văn Việt Nam - đc trong l tang nhà văn Phan Hng Giang. Đu đ do Tp chí đin t Văn hóa và Phát trin đt.

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Tiễn đưa người từ sông Hồng ra biển xanh vĩnh cửu" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn