Thủ tướng: Văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, là hồn cốt của mỗi dân tộc

Xuân Vũ (tổng hợp)

28/02/2023 22:42

Theo dõi trên

Tối 28/2 tại Nhà hát lớn thủ đô Hà Nội, Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

80 năm về trước, tháng 2/1943, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.

b3pmc3-1677598504.jpg

Thủ tướng Phạm MInh Chính phát biểu tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam. Nguồn: Internet.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Chương trình nghệ thuật đặc biệt này nhấn mạnh: Văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Văn hóa dân tộc là hồn cốt của mỗi dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch sử. 80 năm trước, trong bối cảnh chế độ thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua vào tháng 2/1943, là Văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Đề cương thể hiện tầm vóc tư tưởng chính trị của Đảng trong việc xác định vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong cuộc đấu tranh “phản đế”, “phản phong”, đẩy mạnh cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phát xít, thực dân, phong kiến tay sai, xóa bỏ mọi áp bức bất công, giành chính quyền về tay nhân dân.

b4vh4-1677598753.jpg

Một tiết mục trongChương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam diễn ra tối 28/2/2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nguồn: Internet.

Những tư tưởng lớn, dân tộc, khoa học, đại chúng, với tinh thần cách mạng mạnh mẽ, đột phá, tính nhân văn sâu sắc trong Đề cương đã thổi một luồng gió mới có tác dụng thức tỉnh, thu hút, tập hợp đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân. Từ chỗ khủng hoảng, mất phương hướng, hoài nghi, bế tắc, nhiều văn nghệ sĩ đã được định hướng về trách nhiệm xã hội, đi theo ngọn cờ chính nghĩa của Đảng, tham gia cách mạng, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

80 năm qua, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng lý luận của Đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các Văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã cụ thể hóa, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển văn hóa, phục vụ thiết thực công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt là gần 40 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về phát triển văn hóa dân tộc và những đóng góp to lớn của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em; ngày càng phát triển mạnh mẽ, gắn với mọi mặt của đời sống, hướng tới phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân; được bảo tồn, phát huy; từng bước trở thành động lực, nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Truyền thống văn hóa như suối nguồn nuôi dưỡng tạo nên nét đẹp, cốt cách của con người Việt Nam, là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của lòng yêu nước, nhân ái, sẻ chia; tính cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe, chịu thương, chịu khó và khả năng sáng tạo, ứng phó, vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Những thành tựu to lớn đó là nhờ có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý sát sao của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và quảng đại quần chúng nhân dân, mà trực tiếp, nòng cốt là đội ngũ các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên cơ sở kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo, hiệu quả Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng khác nhau.

Thủ tướng chỉ rõ, giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Cạnh tranh trong lĩnh vực văn hóa trở nên khốc liệt hơn; việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức mới khó khăn hơn.

Trong dòng chảy của xã hội, chúng ta đã chứng kiến biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta cũng trăn trở, băn khoăn khi những “luồng khí độc” văn hóa tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ. Giải pháp nào để “gạn đục, khơi trong” trong bối cảnh công nghệ, các nền tảng mạng xã hội phát triển và hội nhập sâu rộng như hiện nay là thách thức và trách nhiệm của mỗi chúng ta. Để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

 Thủ tướng yêu cầu: Tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hướng lớn, quan điểm xuyên suốt, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung trong Đề cương về văn hóa Việt Nam. Quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Cùng với đó Thủ tướng chỉ rõ, tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hoá; đầu tư thích đáng cả nguồn lực con người, vật chất cho phát triển văn hóa theo chiều sâu, nhanh, bền vững. Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thủ tướng lưu ý: Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - đã luôn và sẽ là sức mạnh trường tồn của dân tộc; như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa Thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình tái hiện, khẳng định những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương văn hóa trong suốt chặng đường 80 năm qua.

Chương trình có kết cấu 3 phần: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"; "Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa"; “... Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.

Chương I chủ đề “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tái hiện bối cảnh lịch sử trước khi ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, với hình ảnh người công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức... rơi vào cảnh bế tắc, bần cùng khi mâu thuẫn gay gắt với thực dân Pháp và phát xít Nhật. Khao khát độc lập dân tộc và tự do dân chủ trở thành nhu cầu của mỗi người dân Việt Nam.

Chương II chủ đề “Văn hóa kháng chiến, kháng chiến văn hóa” tái hiện tinh thần khẩu hiệu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, động lực để huy động mọi nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ 1940 - 1975, đã góp phần phát huy vai trò của văn hóa Việt Nam thực hiện vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, huy động được binh chủng, các lực lượng làm công tác văn hóa toàn dân tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Chương III chủ đề “... Văn hóa còn thì dân tộc còn…” khép lại chương trình nghệ thuật với những tiết mục được dàn dựng công phu: Liên khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam; Bay qua biển Đông; Xuân và tuổi trẻ; liên khúc “ Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Việt Nam ơi, ta bước tiếp..

Chương trình cũng truyền tải thông điệp văn hóa với sức sống trường tồn, đã tạo bản sắc riêng cho mỗi quốc gia, dân tộc. Âm nhạc chính là cầu nối văn hóa giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần và tạo sức mạnh mềm cho người dân thêm tin yêu, đóng góp công sức xây dựng đất nước. Tự hào về nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, mỗi người đều có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển phù hợp với xu thế thời đại.

Bạn đang đọc bài viết "Thủ tướng: Văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, là hồn cốt của mỗi dân tộc" tại chuyên mục Thời cuộc. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn