Thợ vẽ & gánh hát

Bùi Trung

03/11/2021 06:20

Theo dõi trên

Đoàn hát Cải lương hát có khách hay không ngoài thành phần đào kép, phục trang, âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, cũng cần cái giàn giá băng rol tranh cảnh tạo ấn tượng mỹ thuật từ bên ngoài đến bên trong.

tho-ve-va-ganh-hat-1635867151.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Trước rạp thì Pano hình ảnh nghệ sỹ, Băng rol tên Nghệ sỹ thì màu mi nơ lòe loẹt mới giống gánh hát, trên Sân khấu thì ngoài tấm màn nhung phía trước bên trong tranh cảnh vẽ phải có chiều sâu. Mở màn ra vừa thấy cái cảnh mà khán giả rộ cái rần là đêm sau sẽ đông nghẹt rạp là cái chắc.

Trước năm 1975, Sài gòn có họa sỹ LK (là em ruột của LTT) anh chuyên vẽ tranh cảnh và cả việc kỹ xảo cho đoàn TM. Anh nổi tiếng đến nổi các đoàn lớn đều phải tìm đến anh để nhờ vẽ tranh cảnh cho họ. Kể về họa sỹ LK Bầu Năm Nhánh (Đoàn Hương Dạ Lý ) kể với tôi :

- Lúc anh còn làm "cậu chài" ở đoàn

Dạ lý Hương, ông Bầu rước được Họa sỹ LK về vẽ tranh cảnh cho đoàn. không biết trong đoàn cho họa sỹ ăn uống sao mà làm anh chàng họa sỹ giận? Khi vẽ cảnh nào cũng đẹp nhưng sao ngộ là hát bến nào cũng vắng tanh, khán giả chỉ đi vòng bên ngoài như bị ma ám... đến một hôm khi mở màn cảnh Rừng từ bên trong ông Bầu mới hết hồn. Bên ngoài nhìn vào thì thấy mấy tảng đá bên bờ suối rất đẹp, cảnh rừng nhìn có chiều sâu y như thật, nhưng từ bên trong nhìn ra thấy trên mấy cục đá là hình người đàn bà đang khỏa thân trước bàn thờ Tổ. Thì ra như vậy khách không vô rạp là phải rồi. Ông Bầu cho lột bỏ luôn cái cảnh rừng đó và mướn người khác vẽ lại.

Thời sau năm 1975 các đoàn Cải lương cấp tỉnh thì hay đến Long Xuyên tìm bằng được Họa sỹ Nguyễn Đức vẽ nguyên giàn Pano hình ảnh cho đoàn mình. Nhìn Pa no thấy hình ảnh nghệ sỹ đấm đá ăn mặc như phim Hồng Kông là bà con rộ rần rần. Nhưng cảnh trí bên trên Sân khấu thì miền hạ không ai vẽ hơn Nguyễn Bá (anh còn nghề khác là Nghệ nhân điêu khắc tượng và tên thường gọi là anh Nhá). Anh vẽ tranh cảnh tự tay đóng luôn, lúc vẽ thì không cho ai đến xem, cái mặt lầm lầm nên ai cũng ngán. Tuy nhiên, nếu biết ý cứ khen anh vài câu là anh cười hề hề cặp cổ rủ đi nhậu. Ai làm phật ý hay chê... anh bưng mấy hộp nước sơn đổ tràn lan lên vải... nhưng sau khi người ta đi hết rồi từ những vũng sơn đó anh tán ra vẽ bình thường. Có lần anh đang vẽ con Sư tử đá ở đoàn Hoa Anh đào, một tay kép hát khen móc họng :

- Anh vẽ con chó..."phóc" đẹp quá.

Thế là Anh bẻ đôi cây cọ hầm hầm bỏ đi qua quán nhậu. Ông Bầu biết chuyện phải đến năn nỉ và ra lệnh cấm không cho ai trong đoàn đến nơi vẽ của anh.

Còn tay nghề đắp tượng của Nguyễn Bá thì khỏi phải chê:

- Cái tượng Phật bà quan âm ở Hòn Nghệ dấu tích của gia đình anh. Cái tượng Bà Chúa Xứ ở Vàm Rầy, tượng Quan Công ở Chùa Ông...

Tiếc là một tay tài hoa như vậy nhưng anh chết sớm. Anh mất khi chưa đến 50 tuổi.

Bầu gánh thời xưa biết vẽ thì cũng không nhiều lắm. Bầu Ngọc Tiết đoàn Quê Hương Chợ Mới, khi chưa làm bầu anh cũng từng đi vẽ thuê bảng hiệu, băng rol... Bầu Thế Nhân huyện Càng Long tự vẽ cảnh trí, băng rol, trang phục cho đoàn hát của mình. Còn các diễn viên vừa đi hát vừa lãnh vẽ tranh cảnh cho đoàn thì có:

Vương chí Phụng, Nhật Thanh, Vũ Sơn...

Những tay thợ vẽ cho đoàn tuy không phải là họa sỹ nhưng có Hoa tay nên vẽ riết rồi cũng quen, sống lâu thì nên Lão là vậy. Mà các đoàn ngày xưa cảnh trí bắt buộc phải có là: Cảnh nhà nghèo, Cảnh nhà giàu, Cảnh rừng, Cảnh đền vua, một cây đa... là xong cho hết các tuồng hương xa cổ tích...

Tui thì chẵng biết gì về cái nghề thợ vẽ nhưng gần mực thì đen, gần đèn riết rồi cũng sáng mập mờ, nhờ có hoa tay nên từng liều mạng vẽ cảnh cho Bầu Chín Nghi đoàn Giang Thành, được rước vẽ cảnh cho đoàn bầu Tèo của chú Sáu Bình Tỉnh tại Cái Dầu, vẽ băng rol, áp phích cho đoàn Hương Bình của bầu Sỹ Phú... ôi cái nghề tay trái vẫn hái ra tiền nuôi luôn cái nghề tay mặt.

Bây giờ kỹ thuật in ấn ngày càng cao, muốn in hình hay tên nghệ sĩ chỉ ngồi uống cà phê đợi một phút ba mươi giây là xong. là xong. Nên đâu ai còn đi tìm mướn họa sỹ hay thợ vẽ làm chi nữa. Mà mấy ông thợ vẽ ngày xưa không theo ông theo bà chắc cũng thất thập cổ lai hy tay chân run hết rồi vẽ vời gì nữa?

Chợt nhớ một ngành nghề dạng thủ công góp phần thành công của một bộ môn Nghệ thuật ngày một rời xa... xa tít.

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Thợ vẽ & gánh hát" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn