Thích nằm bệnh viện

Nguyễn Thị Kim Chi

25/10/2021 07:58

Theo dõi trên

Những buổi sáng cụ truyền một chai nước muối nên rất nhanh xong. Cụ sang giường tôi ngồi nói chuyện. Cụ kể rất nhiều chuyện: Cụ có tám người con, cụ ông cũng mới mất được mấy năm thôi. Các con làm ăn đều có thu nhập rất cao.

Tôi phải nghĩ mấy hôm xem có nên dùng cái đầu câu chuyện như trên không. Nghĩ mãi rồi không tìm được, mong bạn đọc thông cảm nhé. 

Chuyện là thế này: Tôi vừa rời khỏi phòng cấp cứu để về khoa.Con trai tôi đưa vào một phòng tự nguyện. Không gian tự nguyện của chúng tôi có ba giường, phía đông là một ông già bệnh rất nặng có cậu con trai khoảng 40 tuổi chăm sóc. Ở giữa đã có một bà cụ khoảng 90 tuổi không có người đi chăm cụ có vẻ sắp khỏi. Còn tôi được xếp vào giường phía ngoài cửa. Riêng nói về bà cụ, cụ nặng tai nhưng rất minh mẫn dáng người nhỏ nhắn có vẻ nhanh nhẹn hoạt bát hơn nhiều so với tuổi cụ. Cụ có rất nhiều đồ không thiếu thứ gì trong cái va ly kéo và hai cái hộp như một người đi du lịch dài ngày. Tôi nghĩ: Chắc cụ đi viện "chuyên nghiệp". Như thường lệ sáng bác sĩ vào khám cho các bệnh nhân.Khi bác sĩ nói: “Hôm nay cụ khỏi rồi chiều nay cụ ra viện nhé!”. Cụ bắt đầu lên tiếng: “Mọi khi mỗi đợt tôi được ở mười lăm ngày, cùng lắm là mười ngày, sao lần này mới có sáu ngày đã đuổi tôi về... Bây giờ bệnh mới đang tiến triển nhỡ chưa khỏi thì mai tôi lại phải vào à? Tôi không về..v v”. Ai cũng cười... Bác sĩ quay sang tôi và nói: “Đấy cô ạ, chăm sóc các cụ khó lắm phải không cô? Cụ lại không có người nhà ở đây, nói cụ không hiểu bảo đuổi!”. Bác sĩ nói với cụ chiều gọi người nhà lên gặp trưởng khoa. Trưa hôm đó cụ kêu đau bụng, con trai tôi chạy vội lên gọi bác sĩ. Cậu điều dưỡng đến tiêm, khỏi liền, cụ vui vẻ nói: Đấy nếu về nhà, những lúc như thế thì làm sao, gọi ai!

Những buổi sáng cụ truyền một chai nước muối nên rất nhanh xong. Cụ sang giường tôi ngồi nói chuyện. Cụ kể rất nhiều chuyện: Cụ có tám người con, cụ ông cũng mới mất được mấy năm thôi. Các con làm ăn đều có thu nhập rất cao. Vừa rồi đất vườn giải tỏa được đền bù cụ chia đều cho các con và chỉ giữ lại cho mình một tỷ gửi con gái giữ để nó kinh doanh trả lãi cho cụ. Hiện cụ ở cùng cô con gái út, cô quản lý một chuỗi nhà hàng đang đi vào hoạt động rất tốt... "Nhà cháu rất to bốn tầng nhiều phòng, các con mỗi đứa một phòng riêng học ở nhà vì covid. Tôi một phòng ở tầng dưới, đến bữa có người mang cơm nước đến tận nơi cho ăn nhưng cứ một mình thôi... Vì covid không ai đến chơi và cũng không đi đến nhà ai được. Con gái nó bận việc, nhiều ngày nó về khuya thì mình đi ngủ rồi, sáng hôm sau mình còn ngủ nó đã đi rồi, một mình thui thủi... Cứ bấm máy gọi cho các con thì đứa nào cũng bảo: Mẹ nghỉ đi nhé... Ấy, ở đây còn có người mà nói chuyện, còn nhìn thấy người đi ra đi vào. Cứ bảo vào bệnh viện sợ covid chứ, ở đây chả sợ gì... Họ cẩn thận thế cơ mà!". Câu này thì cụ có lý thật! Bệnh viện quản lý rất chặt chẽ, khi vào viện người nhà và bệnh nhân xét nghiệm covid nếu cần thay người lại phải xét nghiệm và chờ. Tuyệt đối không cho ai vào thăm. Điều này thì mọi người yên tâm thật sự. Tôi cứ nằm yên (vì mỗi ngày truyền ba chai nước) nghe cụ nói, chủ yếu là gật đầu và cười còn mình nói cụ có nghe được đâu. Tôi có chút ít kinh nghiệm nghe chuyện người khiếm thính vì ở nhà tôi cũng có người cô ruột giống cụ. Người khiếm thính thường rất thích nói chuyện và rất chăm chú nhìn những biểu hiện trên nét mặt người nghe, nên người nghe cũng phải chăm chú lắng nghe và biểu cảm lên mặt cho họ hiểu.

Cần nghe tôi nói cụ áp sát tai vào mặt tôi. Tôi cố chắt lọc từ ngữ cho thật cô đọng, dễ hiểu. Một lần cụ hỏi "bà có lương không?" Tôi gật đầu cụ hỏi: "xưa làm gì?" Tôi nằm xoay người đưa tay phải lên tường động tác cầm phấn viết. Cụ nói: "a bà giáo, em đoán từ hôm mới nhìn thấy bà!" Cụ thay đổi cách xưng hô, tôi xua tay ra hiệu cụ không nên xưng hô như vậy, tôi rất ngại. Từ lúc ấy cụ có vẻ rất vui và càng tâm sự nhiều hơn... Đúng là người già có ăn được nhiều đâu, chỉ thích có người để dốc bầu tâm sự và khao khát được ở bên cạnh con cháu, mong con cháu nói chuyện với mình. Cần mua gì bà gọi nhờ con trai tôi, cháu giúp đỡ cụ tận tình. Phải công nhận cụ đi bệnh viện nhiều nên nhớ hầu hết các thuốc mà bác sĩ đưa.

Cụ rất hay gọi điện cho các con các cháu cụ, nhiều lúc không nghe được cụ lại nhờ tôi nghe hộ. Tự nhiên tôi trở thành người phiên dịch bất đắc dĩ của cụ. Có một lần cụ ra ngoài nói chuyện với con trai chắc không nghe rõ. Cụ nói gì với con rồi chạy vào dí sát điện thoại vào tai tôi và nói:" Bà giáo ơi con trai em muốn nói chuyện với bà". Tiếng trong máy là một người đàn ông rất lịch sự cảm ơn tôi và con trai tôi... Rồi cậu ấy nhờ tôi nói với mẹ: Khi nào bác sĩ cho về thì về không đòi ở, nếu bác sĩ bảo ở thì ở, không đòi về. Tôi đưa trả cụ điện thoại,cụ ghé sát tai vào tôi để nghe tôi "dịch" như vậy. Ngày hôm sau bác sĩ cho cụ ra viện. Cụ đưa điện thoại cho con trai tôi và nói: Con ghi số máy của bà giáo vào đây để về bà còn gọi. Chia tay tôi, cụ ra viện khi người giúp việc vào thanh toán và đón cụ về.

 

Theo Chuyện Làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Thích nằm bệnh viện" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn