Thái Nguyên: Di tích đồi Pụ Đồn - Niềm tự hào của người dân vùng ATK

Hải Hằng

25/08/2021 05:51

Theo dõi trên

Với tài, đức của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được phong hàm Đại tướng và Thái Nguyên vinh dự là nơi diễn ra buổi Lễ thụ phong lịch sử này tại đồi Pụ Đồn (hay còn gọi là đồi phong tướng), thuộc xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa). Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, là niềm tự hào của người dân vùng ATK.

pu-don-1629845335.jpg
Nhà bia Di tích đồi Pụ Đồn ở xã Phú Đình (Định Hóa)

Những ngày tháng Tám lịch sử, khu đồi Pụ Đồn có nhiều người lui tới hơn thường lệ, với mục đích ôn lại truyền thống cách mạng. Đồi Pụ Đồn nằm ngay chân đèo De, một bên là núi cao, một bên là cánh đồng trải rộng.

Trên đồi có nhà bia ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại, đó là Lễ phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo - chỉ huy quân đội, trong đó cao nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp đó là Trung tướng Nguyễn Bình và các Thiếu tướng: Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Sâm, Nguyễn Sơn, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái. Tuy di tích được dựng đơn sơ nhưng chứa đựng ký ức hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là sự kiện lịch sử đánh dấu bước tiến lên chính quy, hiện đại của Quân đội ta.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về sự kiện trọng đại ngày diễn ra Lễ phong quân hàm cấp tướng cho một số cán bộ lãnh đạo - chỉ huy quân đội năm 1948, chúng tôi được biết, Lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể tại hội trường dựa vào sườn núi, bên dòng suối, cạnh cánh đồng Nà Lọm, dưới tán cây rừng. Đây trước đó là Trại thiếu nhi Nà Lọm. Sở dĩ gọi là trại thiếu nhi bởi cuối tháng 7-1947, giặc Pháp mở rộng xêm chiếm, nhiều trẻ em ly tán chạy giặc nương náu ở các nhà thờ thuộc tỉnh Phú Thọ, Bác Hồ đã cử cán bộ đón 35 em về đây, dựng lán trại, bớt khẩu phần ăn, tăng gia, sản xuất để nuôi các em ăn, ở, học tập. Được bà con địa phương che chở, đùm bọc, Trại thiếu nhi hoạt động theo chiến thuật du kích, lúc di chuyển, lúc tập trung hoặc phân tán…

Ngày 28-5-1948, Hội trường lớp học Trại thiếu nhi Nà Lọm trở thành nơi diễn ra Lễ phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ lãnh đạo khác của Quân đội ta. Để chuẩn bị cho buổi Lễ, phía trong Hội trường đặt một bàn được bài trí giản dị, có lá cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa hái trên núi, xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Buổi Lễ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì với sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ Chính phủ.

pu-don1-1629845335.jpg
Sắc lệnh số 110-SL được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 20/1/1948 về việc phong hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Tại buổi Lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tay cầm Sắc lệnh gọi đồng chí Võ Nguyễn Giáp lên và tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều binh khiển sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”. Giây phút tuyên bố đầy xúc động, khiến Bác và mọi người đều rơm rớm nước mắt. Sau khi nhận Sắc lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực làm tròn nhiệm vụ để đem lại độc lập, thống nhất cho đất nước. Từ đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Việt Nam khi mới ở tuổi 37, lãnh đạo Quân đội lập nhiều chiến công hiển hách, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc...

Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã Phú Đình (Định Hóa) cho biết: Di tích đồi Pụ Đồn là một trong những di tích lịch sử quan trọng trong quần thể các di tích thuộc vùng ATK Định Hóa. Trên địa bàn hiện không còn nhân chứng nào ở thời điểm đó, nhưng mỗi người dân từ trẻ tới già đều thuộc lòng sự kiện trọng đại diễn ra tại đây, hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Di tích, từ đó thêm tự hào về quê hương mình...

Trân trọng những giá trị đó, người dân xóm Tỉn Keo luôn có ý thức giữ gìn, bảo vệ Di tích. Bà Ma Thị Mến, nhà ngay sát đồi Pụ Đồn hằng ngày vẫn lên đây quét dọn, vệ sinh quanh khu Di tích, không những thế, một phần diện tích đất trong khuôn viên khu Di tích này là do gia đình bà hiến tặng. Bà Mến cho biết: Tôi muốn tỏ lòng kính trọng, yêu quý  Đại tướng và góp phần bảo vệ giá trị Di tích, để nơi đây mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bạn đang đọc bài viết "Thái Nguyên: Di tích đồi Pụ Đồn - Niềm tự hào của người dân vùng ATK" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn