Sự cảm nhận thơ văn Lermontov ở Việt Nam

Vũ Thế Khôi

08/08/2021 00:41

Theo dõi trên

Cũng như nhiều nhà văn Nga khác, Mikhail Lermontov đến với bạn đọc Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, thông qua các bản dịch sang tiếng Pháp.

lemontop6-1628357619.jpg

Nhà thơ Lermontov

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội chúng tôi tìm thấy một tủ thư mục những tác phẩm sau đây của Mikhail Lermontov (liệt kê theo số thứ tự vào sổ ghi trên dấu (đóng ở bìa lót) của Thư viện Trung ương Đông Dương (TVTƯĐD) – Bibliothèque Centrale de I’ Indochine, thành lập năm 1917:

1. Lermontoff. Le Demon suivi des Hommes de Dieu. Traduit du Russe par Marc Semnoff, Paris Librairie Plon, 1923. TVTƯHN p. 6810; TVTƯĐD.

2. Lermontoff, Un Héros de notre Temps. Trad de Villamarie. Paris, Stock, 1922. TVTƯHN p. 8961; TVTƯĐD no 27667.

3. Mérimée (prosper). Etudes de Litérature Russe. Tome I: Pouchkine, Lermontoff. Textes établis et annotés avec une introduction par Henri Mongault. Paris, Champion, 1931. TVTƯĐD no 47827.

Sách thứ nhất là bản dịch bằng thơ không vần trọn vẹn hai trường ca Qủy sứ và Mtxưri của Lermontov, có kèm theo một lời nói đầu (tr.1 – 3) của người dịch (Avant – propos du traducteur), giới thiệu vắn tắt tiểu sử và tác phẩm của nhà thơ Nga. Sách thứ hai là bản dịch tiểu thuyết Một anh hùng thời đại, rất tiếc, có lẽ đã thất lạc vì thủ thư không tìm thấy trong kho. Sách thứ ba là một tập trong Toàn tập tác phẩm của Prosper Mérimé, tuyển các bản dịch một số tác phẩm của Pushkin: Con đầm pic, Người Zigan, Kị sĩ (Goussar), Budris và các con trai, Phát súng và trường ca Mtxưri của Lermontov. Các tác phẩm thơ đều được chuyển dịch bằng văn xuôi. Người chuyển dịch Pushkin là Mêrimê; trường ca của Lermontov do nhà văn Nga Ivan Turghenev dịch, Mêrimê hiệu đính. Sách có bài dẫn nhập (Introduction) dài gần 140 trang của Henri Mongault, nhan đề Mêrimê và văn học Nga. Trước phần tác phẩm có lời giới thiệu về tác giả: Về Pushkin – 34 trang, về Lermontov – vẻn vẹn 1 trang.

Các tác phẩm của Lermontov bắt đầu đến Việt Nam vào khoảng những năm 1920. Chẳng hạn, theo bà Hồng, người phụ trách Phòng tra cứu của Thư viện Quốc gia cho biết, thì tiểu thuyết Un Héros de notre Temps (Một anh hùng thời đại), với số lưu chiểu là 27667 đã nhập kho thư viện trung ương Đông Dương tháng 3.1926. Tuy nhiên, chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng những độc giả Việt Nam đầu tiên tiếp xúc thông qua tiếng Pháp với văn học Nga nói chung và Lermontov nói riêng phải là lớp người có thể tạm gọi là hiện thân của sự gặp gỡ Đông - Tây: xuất thân trong các gia đình nho học cũ cuối cùng (nền khoa cử Hán học ở Việt Nam kết thúc năm 1919), nhưng lại qua nền học chính Pháp – Việt mới của Albert Sarraut, thiết lập năm 1917, thông thạo tiếng Pháp và văn học nghệ thuật Pháp – chính là lớp thanh niên trí thức đã tạo nên giai đoạn phát triển rực rỡ của nền thơ mới, tiêu thuyết mới, báo chí Việt Nam bằng chữ quốc ngữ (La tinh hóa), hội họa, âm nhạc và kiến trúc mới.

Lớp người ấy hầu hết đã ra đi, nhưng óc thông thái, sức sáng tạo, tinh thần dân tộc và dân chủ, tính cách khảng khái của họ còn để lại dấu ấn sâu đậm trong nền văn hóa mới của Việt Nam Âu hóa dưới chế độ thuộc địa nói chung và nói riêng là trong các thế hệ [1] học trò. Một đại diện của lớp người ấy là Vũ Bội Liêu (1912-1947), giảng viên văn học Pháp ở trường Tư thục Thăng Long nổi tiếng tại Hà Nội thời thuộc Pháp, một trong những người đầu tiên ở Việt Nam viết Những sự gặp gỡ của Đông phương và Tây phương trong ngôn ngữ văn chương, Nxb Tân Việt in lần đầu năm 1944. Ông Vũ Bội Liêu đã hi sinh thầm lặng trên đường làm nhiệm vụ “ZT” (tức giao thông liên lạc) ngay trong năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Công trình tiên phong của ông về hội nhập văn hóa Đông -Tây, mãi 55 năm sau, 1999, theo đề nghị của người viết những dòng này và nhờ sự tài trợ của em rể ông Liêu, một Việt kiều ở Mỹ , mới được Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phối hợp với Nxb Văn học ở Hà Nội tái bản, có lời đề tựa của nguyên chủ nhiệm báo Thanh Nghị Vũ Đình Hòe, nơi đã đăng tải các bài giảng của ông giáo trường Thăng Long về chủ đề này trước khi ông sưu tập chúng thành sách. Theo lời kể của PGS Vũ Đức Phúc vào năm 2003 (đã 82 tuổi), một người học trò của ông Liêu ở trường Thăng Long và sau này từng làm Viện phó Viện Văn học, thì thầy Liêu rất quý cậu học sinh Phúc say mê văn học nên đã tặng cậu cuốn tiểu thuyết Les Eaux Printanières (Lũ xuân) của Ivan Turghenev và khuyên cậu tìm đọc thêm các nhà văn Nga khác, vốn không được đưa vào chương trình chính thức của nhà trường thuộc địa Pháp. Nghe theo lời khuyên, cậu học trò trường Thăng Long đã tìm đọc bằng tiếng Pháp các tiểu thuyết Anna Karenina và Phục sinh của L.Tolstoi, Tội ác và trừng phạt của Dostoevski. Về sau Vũ Đức Phúc trở thành một trong những người đầu tiên ở Việt Nam dịch văn học Nga qua tiếng Pháp: 1963 ông cho công bố bản dịch kịch Quan thanh tra của Gogol. Giờ đây, khi bắt đầu quan tâm tìm hiểu hiện tượng văn học Nga, đến Việt Nam sau cùng so sánh với các nền văn học nước ngoài khác, nhưng lại nhanh chóng đi sâu vào lòng bạn đọc Việt Nam đủ các thế hệ, chúng tôi hiểu ra nguyên do đã khiến ông giảng viên văn chương Pháp ở trường Thăng Long thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp, vốn quan tâm mối quan hệ Đông -Tây, đã đam mê văn học Nga và cố gắng truyền niềm đam mê ấy cho các học trò: văn học Nga rất gần với phương Đông, cũng “dĩ tải đạo”, và cái đạo đó là nhân đạo, tức đạo lí làm người. Giải thích với chúng tôi lí do ông say mê Puskin, Turghenev, L.Tolstoi, Dostoevski… PGS. Vũ Đức Phúc nói: “Văn học Nga có tính nhân văn rất cao, hơn hẳn văn học Pháp”. Ông thán phục cảnh cô gái điếm Naschia chửi thẳng vào mặt gã quý tộc năm xưa đã làm hại một đời con gái của cô, đẩy cô xuống vũng bùn của cuộc đời, bây giờ, bị lương tâm cắn rứt lại đề nghị lấy cô làm vợ: “Một bài học đích đáng về đạo làm người! Một nhà văn nước khác có lẽ đã cho cô ôm choàng lấy gã công tử bạc tình, vừa khóc như mưa, vừa cảm ơn rối rít!”.

vu-the-khoi-1628357849.jpg
Nhà giáo dục Vũ Thế Khôi

Tuy nhiên, theo lời PGS Phúc, ông tiếp cận Lermontov muộn hơn nhiều so với Pushkin, Turghenev, L.Tolstoi. Hiện nay trong thư viện riêng của PGS Phúc vẫn lưu trữ khá nhiều sách văn học Nga bằng tiếng Pháp, trong số đó có hai cuốn ông mới mua ở vỉa hè Hà Nội năm 1954/1955, khi từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô theo hiệp đình Giơnevơ, đó là:

-   Un Héros de notre Temps – đã rách mất mấy trang đầu nên không rõ năm và nơi xuất bản.

- Henri Troyat – L’etrange destin de Lermontoff (Số phận kì lạ cả Lermontov) – là một quyển tiểu sử nhà thơ Nga, xuất bản ở Paris năm 1952; trong tủ thư mục của thư viện quốc gia hiện nay có sáu tác phẩm của H. Troyat xuất bản từ năm 1938 đến năm 1953, nhưng không có cuốn trên đây.

Trả lời câu hỏi: “Ông có thích Lermontov không?”, PGS Vũ Đức Phúc thẳng thắn trả lời: “Không thích bằng Turghenev và Tolstoi, mặc dù rất cảm phục dũng khí của Lermontov trong vụ cái chết của Puskin”. Tự giải thích sự cảm nhận Lermontov của mình, ông Phúc nới: “Có lẽ vì chưa hiểu. Nhân vật Petrorin thật khó hiểu”. Thực vậy cả “l’étrange destin” (số phận kì lạ) của Lermontov lẫn “l’étrange Homme” (con người kì quặc) Petrorin của nhà văn đều là con đẻ của một môi trường thực tại rất đặc thù, “rất Nga”, nên một khi phải cảm nhận không trực tiếp, mà lại qua lăng kính Tây Âu thuần túy, thì không thể không thấy khó hiểu… Có ý kiến cho rằng sở dĩ những bạn đọc như ông Vũ Đức Phúc không thích nhân vật Petrorin là vì thế hệ ông, những người chiến sĩ vừa mới bước ra khỏi lò lửa cách mạng và chiến tranh gian khổ, ác liệt để giành độc lập, đã quen chấp nhận những điển hình anh hùng như Pavel Vlasov, Pavel Kortraghin và các đội viên Cận vệ thanh niên… Điều này không có gì lạ: thế hệ làm nên cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến trường kỳ tám năm chống thực dân Pháp từng quen tư duy và hành động theo những lí tưởng cao đẹp vì độc lập – tự do, quan niệm anh hùng phải là người sống có lí tưởng, dám hi sinh quên mình vì nước vì dân, nhân cách không tì vết, đáng làm tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Ngoài ra, có lẽ cũng không nên quên rằng ông Phúc là học trò của thầy Liêu vốn xuất thân trong gia đình một vị tú tài nho học, với gia phong Khổng-Mạnh nghiêm khắc [2], bởi vậy chăng mà trong số các nhà văn Nga thầy khuyên trò Phúc tìm đọc, không có tên tác gia Lermontov cùng quyển tiểu thuyết có nhân vật trung tâm kỳ quặc.

Phải chăng cách cảm nhận Lermontov như vậy – nhà văn có dũng khí, nhưng tác phẩm và nhân vật khó hiểu – là chung cho những thế hệ bạn đọc văn học Nga đầu tiên ở Việt Nam? Có một thực tế gợi cho chúng tôi ý nghĩ ấy: trên báo chí trước cách mạng tháng Tám 1945 và hồi kí văn học sau này, người ta nhắc đến Puskin, Turghenev, Tolstoi, Dostoevski… nhưng không thấy một đại biểu nào trong những thế hệ ấy nhắc đến Lermontov.

tho-lemontop1-1628357478.jpg
tho-lemontop2-1628357478.jpg
 

Sau ngày hòa bình lập lại ở Đông Dương theo hiệp định Giơnevơ năm 1954, Việt Nam mới tiếp tục được việc đào tạo tiếng Nga, vốn bắt đầu tại giảng đường Đại học Việt Nam ngay hai tháng sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng đã bị chiến tranh làm gián đoạn [3]. Tháng 8-1945, 100 học sinh được cử sang Mat-xcơ-va học tiếng Nga. Sau hai năm, 80 người trở về nước làm phiên dịch nhằm kịp thời phục vụ công cuộc phục hồi nền kinh tế và xây dựng lại đất nước, đang khẩn trương triển khai với sự giúp đỡ của một đội ngũ chuyên gia Liên Xô hùng hậu. Số 20 người còn lại được cử vào khoa ngữ văn trường Đại học Sư phạm Quốc gia mang tên Lênin tại Mat-xcơ-va. Đây là lớp chuyên ngữ văn Nga đầu tiên của Việt Nam được đào tạo trực tiếp trong môi trường ngôn ngữ và văn hóa Nga. Liên tục trong những năm sau đó, hàng vạn sinh viên, thực tập sinh và nghiên cứu sinh được cử đi du học Liên Xô về đủ các chuyên ngành, trong đó thường xuyên có chuyên ngành ngữ văn Nga. Đồng thời ở trong nước, từ năm 1955 tiếng Nga trở thành ngoại ngữ được giảng dạy rộng rãi trong các trường đại học, rồi các trường phổ thông trên khắp miền Bắc Việt Nam. Từ năm 1958 khoa ngoại ngữ thuộc đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập và bắt đầu đào tạo tiếng Nga như một chuyên ngành. Và tám năm sau, 1966, trong điều kiện ác liệt của cuộc chống Mĩ cứu nước đã ra đời cơ sở đào tạo thứ hai về chuyên ngành ngoại ngữ - Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, với khoa lớn nhất là Khoa tiếng Nga. Tất cả những điều đó góp phần tạo nên một lớp bạn đọc mới có khả năng cảm nhận văn học Nga trong nguyên tác chứ không phải thông qua ngôn ngữ trung gian.  Bên cạnh đó, việc dịch văn học Nga và Xô Viết được đẩy mạnh, mới đầu còn qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Pháp hoặc tiếng Trung, nhưng từ khoảng giữa năm 60 trở về sau thì đại bộ phận tác phẩm được dịch trực tiếp từ tiếng Nga, giúp cho đông đảo quần chúng Việt Nam được tiếp xúc với hầu hết các tác phẩm tiêu biểu nhát của nền văn học Nga vĩ đại.

Sự cảm nhận thơ văn Lermontov của bạn đọc Việt Nam cũng trở nên đa dạng hơn, tùy thuộc vào bối cảnh và trình độ nhận thức.

Tác phẩm đầu tiên của Lermontov được dịch sang tiếng Việt là tiểu thuyết Một anh hùng thời đại, do dịch giả Phạm Thủy Ba thực hiện qua bản tiếng Pháp, Nxb Văn hóa ấn hành năm 1960 [4]. Một anh hùng thời đại không phải là tác phẩm dễ dàng tiếp nhận đối với mọi tầng lớp độc giả Nga đương thời, và như đã trình bày ở trên, khó hiểu ngay cả đối với bạn đọc Việt Nam được đào tạo cơ bản về văn học và quen thuộc với văn học phương Tây. Cũng khoảng từ đầu những năm 60 trở đi, cùng với việc tốt nghiệp của những khóa sinh viên ngữ văn Nga đầù tiên, đã xuất hiện nhiều bản dịch trực tiếp từ tiếng Nga thơ trữ tình của Lermontov. Theo dịch giả Thúy Toàn, vào đầu những năm 70, với tư cách là biên tập viên của Nxb Văn học ông được trao nhiệm vụ làm tuyển tập M.Iu.Lermontov. Thơ, trong tay ông đã “có gầm chục tuyển tập dịch thơ Lermontov của nhiều bạn khác, có tập gồm tới cả trăm bài”, “có nhiều tác phẩm của Lermontov hiện đã có hàng chục bản dịch sang tiếng Việt, tạm thời lưu truyền bằng các bản chép tay, như những bài Cánh buồm, Người ăn xin, Nàng tiên cá, Bài hát ru con của người Côdắc. Các bản trường ca Mtxưri, Ác quỷ cũng đã có tới ba, bốn bản dịch [5].

Tuy nhiên việc “con người kỳ quặc” Petrorin đến với đông đảo bạn đọc Việt Nam quá sớm (1960), trong khi đó thi ca sục sôi khát vọng tự do và hàm súc lí tưởng nhân văn của ông mãi 18 năm sau mới đến được với họ qua tuyển tập Thơ nói trên, với 65 bài thơ và 3 trường ca Mtxưri, Tiên đảo ngũ, Ác quỷ, đã không khỏi gây kh khăn cho sự cảm nhận chủ đề tư tưởng và nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết. Mặc dù bản dịch chẳng những có Lời giới thiệu hai trang của người dịch, trình bày vắn tắt nguyên nhân xã hội đã đẻ ra hiện tượng Petrorin, mà còn kèm theo Tiểu dẫn sắc sảo của nhà nghiên cứu nổi tiếng Irakli Andronikov, nhưng sự cảm nhận của độc giả Việt Nam đối với tác phẩm này ban đầu diễn ra không phải hoàn toàn đúng đắn. Năm 1961 chúng tôi đã được đọc trong nhật kí của một thanh niên cùng trang lứa những đoạn trích ghi một số nhận xét và suy nghĩ của Petrorin về phụ nữ và cách chinh phục trái tim họ, được người ghi coi như phương châm xử thế cho bản thân. Điều này có mối liên quan nhất định đến một động thái khoảng sau 1975, trong cao trào “chống văn hóa vàng”, “chống ảnh hưởng của lối sống tư sản”, cùng với việc cắt tóc bù xù và quần ống loe của một bộ phận thanh niên trên đường phố, tiểu thuyết này một thời gian cũng bị xếp vào kho thư viện, không được đưa ra phục vụ bạn đọc (theo GS Nguyễn Kim Đính).

tho-lemontop6-1628357478.jpg
 

Góp phần hình thành sự cảm nhận đúng đắn và sâu sắc thơ văn Lermontov ở Việt Nam chính là lớp người từng sống và học tập trong môi trường ngôn ngữ và văn hóa Nga, được tiếp thu kiến thức uyên bác, lòng tự hào và niềm say mê văn học của những người thầy Nga. Vốn đã có khả năng cảm nhận sâu sắc và tinh tế thơ văn trực tiếp bằng tiếng Nga nên sau đó từ trên bục giảng của khoa văn các trường Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh, khoa tiếng Nga các trường trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ và đại học Ngoại ngữ Hà Nội, lớp người tốt nghiệp các trường đại học ở Liên Xô về đã truyền lại cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam những hiểu biết cơ bản về thời đại, con người và sự nghiệp sáng tác của Mikhail Iurievich Lermontov. Cũng chính họ là tác giả các bài viết giới thiệu trên báo chí Việt Nam hay trong các chương trình sách giáo khoa về con người và sáng tác của Lermontov. Có thể theo dõi quá trình truyền thụ - truyền cảm này qua ví dụ về một người trong số họ: GS. Nguyễn Kim Đính.

Vốn là một giảng viên văn học Nga và Xô Viết trong bộ môn Văn học nước ngoài của GS. Hoàng Xuân Nhị (người đầu tiên bắt đầu giảng dạy chương trình văn học Nga và Xô Viết ở Việt Nam) tại Khoa Văn của trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, năm 1962 Nguyễn Kim Đính được cử sang làm thực tập sinh ở khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Lômônôsôv. Ngay trong quá trình học tập, được may mắn học với GS Brodski, một chuyên gia hàng đầu về văn học Nga, Kim Đính đã say mê thơ văn Lermontov, làm bản dịch đầu tiên sang tiếng Việt trường ca Mtxưri và gửi về bộ môn cho đồng nghiệp dùng làm tài liệu giảng dạy. Mặc dù theo lời GS. Đính, ông dịch để phục vụ giảng dạy, chưa có ý định ấn hành, nhưng việc các đồng nghiệp rồi sinh viên truyền nhau đến thất lạc cũng phần nào nói lên sự say mê Lermontov trong đám học trò của ông. Về sau ông còn dịch trường ca Ác quỷ, cũng được sinh viên truyền tay nhau đọc và rồi ai đó trong số họ mang theo mất hút vào rừng Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước. (GS. Đính nhớ là Tường Phước, nguyên biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam nói rằng đưa cho Thanh Thảo, nay là nhà thơ ở Đà Nẵng, nhưng Thanh Thảo không xác nhận với chúng tôi điều này). Theo Nguyễn Kim Đính, chìa khóa để hiểu Lermontov là mối quan hệ giữa tiếng nói phủ định và tiếng nói khẳng định trong thơ văn của ông. Tháng 10-1964 trong kỷ niệm 150 năm ngày sinh của M.Iu.Lermontov, Kim Đính đã đọc một bài diễn văn về cuộc đời và sáng tác của nhà thơ, dịch đăng trên tuần báo Văn nghệ, số 77, ngày 16-10-1964 bài Nhà thơ (Đoản kiếm của tôi rực rỡ vàng son) – có lẽ là bài thơ đầu tiên của Lermontov công bố trên báo chí Việt Nam? Rất tiếc, bài diễn văn của GS. Nguyễn Kim Đính không đăng trên báo và đã thất lạc. Tuy nhiên, về sự cảm nhận thơ văn Lermontov của thế hệ Nguyễn Kim Đính, có thể tham khảo bài báo khá dài của người viết những dòng này, đăng cũng nhân dịp kỉ niệm đó trên Tạp chí văn học của Viện nghiên cứu văn học [6]. Những ý tứ chủ yếu trong bài viết có lẽ trùng hợp với bài diễn văn ngày ấy của Nguyễn Kim Đính, bởi vì chúng cùng một bối cảnh và một nguồn cảm nhận thơ văn Lermontov: 1961 tôi cũng đã bảo vệ luận văn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quốc gia mang tên Lenin tại Mát-xcơ-va về thơ trữ tình của Lermontov. Trong cuộc trò chuyện mới đây tại tư gia GS Đính, chúng tôi cùng nhất trí “cái hồn” của thơ văn Lermontov là sự phủ định quyết liệt đối với tất cả những gì là giả dối, trá hình, đạo đức giả, ở xung quanh, dù cái đó núp danh “Tổ quốc” (GS. Đính: “Chỉ Lermontov dám viết: Vĩnh biệt nước Nga nhơ nhuốc!... Puskin không bao giờ dám viết như vậy”), hay là nó, - tức sự giả dối, thói đạo đức giả - ở trong chính mình, dù đó là “cái tôi” được mọi người ngợi ca và mình một thời cũng tự ngắm nghía. GS. Đính tiếp: “Mình thích Petrorin chính là ở chỗ anh ta dám tự mổ xẻ (cũng như cùng thời gian ấy, Lermontov đã tự mổ xẻ thế hệ mình trong bài thơ Trầm tư – VTK). Hồi ấy tất nhiên chưa thể nghĩ đến chứ “kỉ” của các cụ ta xưa, nhưng bây giờ trong cái trào lưu “về nguồn” (tức trở lại với những di sản văn hóa cổ truyền), mình mới ý thức tại sao mình lại thích cái sự tự mổ xẻ ở anh chàng Petrorin. Ở đây quả là có cái gì đó gần với thái độ của phương Đông ta đối với chữ “kỉ”. V.T.K: “Vâng, như ông cha thường nói: tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. GS Đính: “Tôi lại nhớ câu: Thích kỷ giáo nhân thị nghịch, chính kỷ giáo nhân thị thuận (Buông thả mình mà dạy người là ngược, chấn chỉnh mình rồi dạy người mới thuận). Với lại, phải công nhận Lermontov rất hiện đại trong bút pháp tiểu thuyết. Làm công tác nghiên cứu – giảng dạy, nên mình để ý ngay điều này. Ngày nay người ta bàn nhiều về “thời gian tiểu thuyết”, thì Lermontov đã phát minh thủ pháp này từ lâu: trong khi tiểu thuyết Tây Âu còn đang nghiêm chỉnh tuân thủ trật tự thời gian, thì ông đã xen kẽ quá khứ và hiện tại nhằm phơi bày nội tâm nhân vật Petrorin”.

tho-lemontop3-1628357478.jpg
 

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng: Người anh hùng thời đại của Lermontov cũng gây ít nhiều phản cảm ở độc giả phương Đông vốn trọng “nghĩa” hơn “tình” (đó cũng chính là lí do tại sao độc giả và khán giả Việt Nam yêu thích Natalia hơn Aksinia trong tiểu thuyết và phim Sông đông êm đềm, - V.T.K). Thế hệ chúng tôi tuy may mắn được tiếp nhận Lermontov ngay trong môi trường văn hóa Nga, được những người thầy Nga uyên bác cắt nghĩa hiện tượng “những người thừa” như Onheghin, Petrorin, Oblomov…, và dẫu bị hấp dẫn bởi ý chí quật cường, tư duy độc lập và sắc sảo, tính cách mạnh mẽ và hành động dũng cảm của Petrorin, song chúng tôi vẫn cảm thấy “người anh hùng thời đại” của Lermontov có “cái gì đó ang ác”, thiếu lòng nhân ái, vị tha: chiếm đoạt bằng được nàng Bêla trong trắng như bông hoa rừng, thỏa mãn dục vọng rồi bỏ rơi; đùa giỡn với trái tim của tiểu thư Meri như mèo vờn  chuột chỉ cốt để lột mặt nạ của vị anh hùng rởm Grushnitski; ngay cả khi Pet say đắm Vera thì chính nàng đã phải cay đắng thốt ra lời: “Anh đã yêu em như người ta yêu một vật sở hữu của mình”. Và chính Pet cũng tự mổ xẻ như vậy trong nhật kí: “Tình yêu của tôi không đem lại hạnh phúc cho ai, vì tôi không bao giờ hi sinh một tí gì cho người tôi yêu. “Tôi yêu để cho tôi” (Chúng tôi nhấn mạnh, V.T.K). Vậy là, phản kháng quyết liệt, thậm chí nổi loạn chống lại mọi sự giả dối, không từ một thủ đoạn nào để lột trần cái mặt nạ “iêng hùng” và thói đạo đức giả trong xã hội xung quanh, đủ dũng khí tự mổ xẻ thói hư tật xấu trong con người mình, nhưng Petrorin lại không vượt lên được chính mình. Thắng mọi đối thủ, từ những tên thổ phỉ buôn lậu ven biển, con lợn lòi giữa rừng, đến các tiểu thư đài các ở chốn khuê phòng, Petrorin lại không thể thắng nổi bản thân. Chủ nghĩa vị kỷ khiến Pet khép kín tâm hồn trong nỗi cô đơn kiêu hãnh, phản kháng chống lại sự giả dối nhơn nhơn vô liêm sỉ, anh quay lưng lại với mọi người, ôm khư khư nỗi bất đắc chí của riêng mình. Tuy Pet không ngán ngẩm, thụ động như Oneghin mà vùng vẫy, thậm chí lao vào các cuộc phiêu lưu hòng tìm ra sứ mạng thật của mình [7]; thậm chí tổng kết đời mình trong đêm trước cuộc đấu súng, Petrorin đã bộc bạch trong nhật kí: “Chắc là tôi có một sứ mệnh cao cả vì tôi cảm thấy trong một sức lực dồi dào…”, nhưng rốt cuộc anh vẫn “không đoán ra được cái sứ mạng ấy”, nên dường như chỉ phá ngang vì tuyệt vọng, không lối thoát. Độc giả Việt Nam hiểu biết lịch sử và văn học Nga dẫu thông cảm, nhưng không thể đồng tình “sự tuyệt vọng toàn thể và sâu sắc” (Gertxen), tuy đã được biết là nó tất yếu sau thảm bại tháng Chạp năm 1825 của bộ phận tiên tiến nhất trong tầng lớp thanh niên quý tộc Nga mưu toan lật đổ chế độ chuyên chế Nga hoàng và cả nước Nga như bị đóng băng vì khiếp nhược trước những biện pháp đàn áp tàn bạo của Nikolai I: “những năm đầu tiếp sau năm 1825 thực khủng khiếp; phải cần đến hơn chục năm sau người ta mới hoàn hồn được” [8]. Vâng, quả có như vậy, nhưng mà Puskin “vẫn ca chính khí ca thuở trước” (Ariron), dẫu thơ ca của ông “… từ khẳng định niềm vui sống chuyển dần sang khẳng định tính bi kịch trong cuộc đời” [9]: “Lạy trời đừng bắt tôi phát điên/ Thà cho đói khát bắt nghèo hèn…”. Ông vừa mới gục ngã thì Lermontov đã cúi nhặt ngọn cờ và dũng cảm bước tiếp, dẫu cầm chắc “Mái đầu tôi mà em hằng âu yếm/ Sẽ từ ngực em lên đoạn đầu đài” (Phỏng Ăngdrê Sênhiê)… Không, theo cảm nhận của thế hệ chúng tôi, Petrorin chưa thực xứng đáng với cái tên “anh hùng một thời đại”! Chính Lermontov dẫu rất tâm đắc nhân vật ruột rà với mình, đã sâu cay mỉa mai Pet bằng cách soi rọi cái tâm vị kỷ của chàng qua tấm gương vị tha trong sáng của Maksim Maksimưtr và đã tỏ ra vô cùng nhạy bén khi để cho người “anh hùng” của thời đại sau thất bại của “phái Tháng Chạp” ở cuối đường đời gần như chết về phần hồn (tư thế ủ rũ, những cái ngáp vặt và ánh mắt lạnh lùng, dửng dưng ở dịch trạm trên đường đi Ba Tư) và cuối cùng chết nốt cả về phần xác (sau khi ở Ba Tư về). Bởi lẽ từ đầu những năm 40 của thế kỉ XIX đã manh nha thời đại của những người anh hùng khác – Bielinski, Ghertxen, Ogariov… Từ năm 1840, sau cả tiếng đồng hồ trò chuyện say sưa tâm đắc trong phòng tạm giam vì vụ đấu súng với Đơ Barant, qua cái bắt tay xiết chặt với Belinsky, Lermontov dường như đã sẵn sàng đi cùng những người anh hùng thời đại mới – các nhà dân chủ cách mạng.

Thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp theo, những người đã làm nên cuộc chống Mỹ cứu nước bi tráng của dân tộc Việt Nam, lại có dấu ấn riêng trong cách đọc thơ văn Lermontov. “Một anh hùng thời đại đầy chất thơ…! Lermontov là một tính cách nhất quán, những gì ông viết ra trong cuốn tiểu thuyết độc đáo ấy cũng là chất liệu tìm thấy trong thơ ông, bởi chúng cũng là máu thịt của chính ông mà thôi” – Nhà thơ Anh Ngọc cảm nhận tinh tế như vậy [10].

Anh Ngọc, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, cũng là một người mê thơ văn Lermontov (“từ lúc 17 tuổi, ngay khi bản dịch Một anh hùng thời đại của Phạm Thủy Ba xuất bản năm 1960”). Trong những năm học ở Khoa Văn, đại học Tổng hợp 1962 – 1964, Anh Ngọc tự học thêm tiếng Nga và mày mò dịch ngót năm chục bài thơ Lermontov, trở thành một phần trong luận văn tốt nghiệp đại học về thơ trữ tình của ông mà anh đã viết và bảo vệ thành công dưới sự hướng dẫn của GS. Kim Đính. Trong cuộc trò chuyện mới đây với chúng tôi anh giải thích lí do yêu thích thơ văn Lermontov của mình là sự đồng cảm: “Tôi cũng rất yêu thích Puskin, đặc biệt là nàng Kiều nửa Tây, nửa Đông”. Tachiana của ông: nàng đã xử sự đúng như người đàn bà trong bài thơ Tiết phụ ngâm của thi sĩ đời Đường Trương Tịch [11]. Nhưng Pushkin hài hòa quá, mực thước quá, mà cuộc sống hiện đại đâu có hài hòa, mực thước như vậy. Thật –   giả, bi – hài, buồn – vui luôn luôn song hành, lẫn lộn: Anh buồn vì thấy em vui (về câu thơ này của Lermontov, trong cuốn sách đã dẫn trên, Anh Ngọc viết: “Câu thơ khiến ta giật mình vì nó giống hệt tâm tư của chàng trai trong thơ 😭.Kh. của chúng ta: Người ấy thường hay vuốt tóc tôi, Thở dài trong lúc thấy tôi vui”). Lermontov rất hiện đại, mình cảm thấy ông gần với lòng mình hơn cả về tư tưởng lẫn cảm xúc”. Bởi vậy mà ngay cả những lần nằm trong cống ngầm dưới đường 9 trong thời gian chiến dịch 1972 ác liệt, chiến sỹ thông tin Anh Ngọc, giữa những đợt tuần tra đảm bảo đường dây liên lạc thông suốt hai đầu Bắc – Nam con đường máu lửa ấy, vẫn đọc thơ Pushkin và Lermontov. Trong câu chuyện của Anh Ngọc có một chi tiết lý thú, tuy không trực tiếp nói về Lermontov, nhưng lại liên quan đến “tính nhân văn rất cao” của văn học Nga nói chung mà PGS Vũ Đức Phúc đã nhắc tới. Anh Ngọc kể: “Thời gian ấy tôi đặc biệt mê cuốn Bốn mùa – lịch thiên nhiên của Prishvin, mỗi ngày tôi chỉ dám đọc một trang thôi, sợ chóng hết”. Và trong lúc bom chùm B52 trút xuống nhằm hủy diệt chính anh, anh lại thương xót một con chó trong truyện bị sát hại. Trở lại với thơ văn của Lermontov, Anh Ngọc nhận xét: “ Lermontov hiện đại vì đi đến thân phận con người. Thơ văn ông đầy mâu thuẫn, dằn vặt, có cả cay đắng, bi phẫn, nhưng không bi quan, yếm thế mà luôn phản kháng mãnh liệt với cái “thật giả” – có cái thật thật sự và có cái thật giả dối. Cũng như Petrorin, tôi thèm khát sống trung thực triệt để với bản thân mình và với xung quanh. Thị Màu phải nổi loạn là vì thói đời giả dối vây quanh không cho phép nàng sống theo nhân tính thực của mình. Tôi đi xem Thị Kính, nhưng lại mê Thị Màu, nên đã viết về cô nàng lẳng lơ: Thừa sinh lực nên người luôn túng thiếu. Petrorin hấp dẫn cũng là vì vậy. Anh ta sục sôi nghị lực, cao thượng, kiêu hãnh khẳng định nhân cách trung thực của mình chống lại cái xã hội giả dối, ngẩng cao đầu trước bất kỳ ngoại cảnh dập vùi nào. Tâm trạng tôi trong và sau cải cách ruộng đất cũng như vậy”.

tho-lemontop4-1628357478.jpg
 

Có lẽ đó cũng là cảm nhận chung về thơ văn Lermontov của thế hệ bạn đọc trẻ Việt Nam, được học hành và trưởng thành trong những năm xây dựng hòa bình sau cuộc kháng chiến chống Pháp, ôm ấp nhiều hoài bão, và rồi đều phải vượt lên những dằn vặt riêng tư trước những biến động xã hội khốc liệt trong xã hội miền Bắc những năm 50-60, để khẳng định nhân cách của chính mình và thanh thản bước vào cuộc thử lửa mới, sống còn đối với dân tộc, trở thành những anh chị “lính tú”, “lính cử” ngoan cường, đồng thời biết độc lập suy nghĩ về mọi điều xảy ra quanh mình để rồi sau này phát biểu với cảm nhận riêng của thế hệ mình về cuộc chiến đã trải qua, như nhà văn - chiến sỹ Bảo Ninh đã viết trong tiểu thuyết Thân phận tình yêu (tên xuất bản lần đầu là Nỗi buồn chiến tranh). Chỉ có thể giải thích như vậy hiện tượng các anh chị “lính tú”, “lính cử” từng học các chuyên ngành khoa học – kỹ thuật khác nhau, hoặc tự tay, hoặc được bạn bè, người yêu chép vào sổ lưu niệm những bài thơ, bài ca trữ tình, trong đó có không ít thơ của Pushkin và Lermontov, làm hành trang lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Có thể đơn cử làm ví dụ trường hợp Thụy Kha, nay là nhà thơ kiêm phê bình âm nhạc, biên tập viên tạp chí Văn hiến Việt Nam. Anh là sinh viên ngành thông tin, học tiếng Nga với cô giáo có cái tên gợi lên hình ảnh mùa đông trắng xóa mênh mông ở nước Nga – cô Tuyết , từng say mê nghe cô đọc những bài thơ tình của Lermontov trong nguyên tác. Khi chuẩn bị vào chiến trường miền Nam, Thụy Kha đã chép vào sổ tay các nguyên bản tiếng Nga, để rồi một ngày mưa, ngày 24 tháng 10 năm 1972 ở căn cứ Trị - Thiên trên núi Trường Sơn, tìm thấy sự thanh thản qua việc ngồi chép vào “Sổ tay văn học” của mình bản dịch của đồng đội Nguyễn Trung Thu bài thơ Cánh buồm và tự mình chuyển dịch bài thơ Một mình tôi cất bước lên đường xa của Lermontov thành ca từ tiếng Việt:

Ngoài đêm vắng chỉ có bóng tôi lang thang trên đường;

Đường lấp lánh bay lướt qua màn sương…

Lại nữa, năm 1974 ở chiến trường Khâm Đức – Quảng Nam, một cơn sốt rét ác tính đã ném anh vào hôn mê triền miên trong bệnh viện dã chiến 471. Suốt 2 tuần vật vã, người đau đớn hốc hác, nhưng vừa dứt cơn sốt ác tính, tỉnh hơn một chút, anh đã bắt tay vào việc ngay: “Cả một ngày lao vào sửa các bài thơ đã viết và viết thêm một bài mang tứ lạ…”. Đáng chú ý là trong cơn sốt sáng tạo tiếp theo cơn sốt ác tính ấy, ngày 25/4/1974 nhà thơ kiêm nhạc sĩ Thụy Kha đã lấy bài thơ Gĩa từ của Lermontov để phổ nhạc và phỏng dịch thành ca từ. Vì sao ư? “Mình mượn tâm hồn đó để nói nỗi day dứt của mình…” (Trích “Sổ tay văn học”). Trò chuyện với chúng tôi tại tòa soạn tạp chí Văn hiến Việt Nam, khi tôi nói rằng “một nét riêng của thế hệ “lính tú, lính cử” các anh là biết độc lập suy nghĩ”, Thụy Kha tâm sự: “Vì phải tự ý thức. Thơ văn của thế hệ trước chỉ đưa chúng tôi đến ngưỡng cửa chiến trường, chúng tôi phải tự ý thức để không bỏ chạy, trụ lại được và chiến thắng. Ở chiến trường tôi làm thơ, hay dịch thơ, phổ nhạc cho thơ Lermontov cũng là một cách tự ý thức để khẳng định mình. Có thể gọi chúng tôi là thế hệ Tự ý thức. Thơ văn Nga giàu tính nhân văn và phong phú chất trí tuệ, đặc biệt là Lermontov, đã giúp chúng tôi nhiều lắm. Chúng tôi đọc thơ văn Nga, còn lính ngụy đọc thơ văn người hùng cao bồi Mỹ, nên cũng có thể nói ở chiến trường miền Nam đã từng có sự đối đầu của hai nền văn hóa”.

Điều đáng tiếc là họ, những người lính thế hệ tự ý thức ấy, chỉ dịch và phỏng tác Pushkin và Lermontov cho riêng mình, để khẳng định chính mình, và chỉ trao đổi với số đồng đội cùng cảm nhận, không đưa đăng ở đâu, nên năm 1978, những người ở NXB Văn học làm tuyển tập “Thơ” của Lermontov không hề biết đến các dịch phẩm ấy của họ. Hi vọng rằng khiếm khuyết này sẽ sớm được khắc phục, bởi lẽ các bản dịch và phỏng tác của họ, dù đạt hay chưa đạt, đều có nghĩa “vật chứng” về một hiện tượng có lẽ là độc nhất vô nhị trên thế giới về tác động tư tưởng - tình cảm của thơ ca Nga.

Hiện nay hứng thú của bạn đọc Việt Nam đối với thơ văn Nga nói chung và của Lermontov nói riêng, cũng như đối với số phận “lạ kỳ” của ông vẫn không suy giảm. Thỉnh thoảng trên báo chí lại xuất hiện những bài viết về ông, nhưng chủ yếu phỏng dịch một số bài trên báo chí Nga cung cấp những giải thuyết và thông tin mới về cuộc quyết đấu dẫn đến cái chết bi thảm của nhà thơ. Điều đáng chú ý hơn là số lượng càng ngày càng tăng những người dịch mới và bản dịch mới thơ của Lermontov, dẫu chưa có dịp công bố. Chẳng hạn mới đây, PTS Phó chủ nhiệm khoa địa chất Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà thơ và dịch giả Tạ Hòa Phương, người từng đoạt giải nhất cuộc thi dịch thơ Pushkin nhân dịp kỷ niệm 200 ngày sinh của nhà thơ, đã công bố 40 bài thơ của Lermontov được anh dịch ra tiếng Việt bằng các thể thơ khác nhau. Hoặc như bài thơ Cánh buồm, khó lòng biết được có bao nhiêu bản dịch sang tiếng Việt, ngoài 2 bài đã in trong tập “Thơ” Lermontov năm 1978, đều chưa dịch đạt khổ thứ hai, thậm chí câu cuối của khổ này chưa thoát ý, một điều cũng không có gì lạ bởi vì “Cánh buồm” – một viên ngọc lưu ly trong thơ trữ tình của Lermontov, bản tuyên ngôn tư tưởng - nghệ thuật của ông, tưởng như đơn giản mà cực kỳ khó dịch! Trong 3 ngày 15 – 17/5/2002 trên mạng vi tính có đến hơn chục bức thư trao đổi giữa nhà thơ - dịch giả Tạ Hòa Phương và nhà nghiên cứu - dịch giả TS. Khoa học ngữ văn Đào Tuấn Ảnh ở Viện Văn học, cùng bàn luận và thử nghiệm cách dịch từng câu, nhằm đạt đến một bản dịch chẳng những chính xác về ý mà còn tương đồng về phong cách.

tho-lemontop5-1628357478.jpg
 

Ngay như tiểu thuyết Một anh hùng thời đại, tuy được dịch sang tiếng Việt sớm nhất trong các tác phẩm của Lermontov, lại được dịch những hai lần, cả qua ngôn ngữ trung gian, lẫn trực tiếp từ tiếng Nga, song không phải mọi vấn đề về dịch thuật đối với tiểu thuyết này đã được giải quyết. Như trên đã nói, bản dịch đầu tiên do ông Phạm Thủy Ba, một nhà giáo dạy văn, dịch từ tiếng Pháp, in năm 1960. Năm 1992 dịch giả Anh Trúc công bố bản dịch mới tiểu thuyết Một anh hùng thời đại, năm 2000 đã tái bản. Tuy là dịch từ nguyên tác tiếng Nga, khắc phục được một số nhược điểm của bản dịch từ ngôn ngữ trung gian trước đây, nhưng chưa thể nói là thực sự thành công do còn trúc trắc trong hành văn tiếng Việt (kiểu như: thộn, xỏ lá v.v…) – một điều lí thuyết dịch văn học từng nhiều lần cảnh báo là có thể gây cảm giác chối tai cho người đọc. Bởi vậy chăng, nên một số bạn đọc vẫn thích bản dịch thanh thoát của Phạm Thủy Ba hơn, mặc dù bản dịch từ ngôn ngữ trung gian này đã khó tránh khỏi sự trung hòa những nét đặc sắc trong lời ăn tiếng nói của từng nhân vật. Chẳng hạn, đọc trong nguyên tác chúng ta biết viên đại úy già Maksim Maksimưtr tuy xuất thân quý tộc, nhưng thuộc tầng lớp quý tộc suốt đời sống nơi thôn dã và lăn lộn cùng đám bình dân. Ông bộc lộ bản tính chất phác và nhân hậu qua những câu nói vắn tắt, mộc mạc mà sinh động nhờ dùng cả loạt từ và thành ngữ dân gian Nga. Vậy mà trong bản dịch qua tiếng Pháp cái ông đại úy bình dân giàu lòng vị tha và đáng yêu ấy nói một thứ ngôn ngữ mờ nhạt, nhiều khi lại còn kiểu cách chẳng kém trang phong lưu mã thượng Petrorin! Sở dĩ như vậy là bởi vì thay cho các từ và thành ngữ văn phong hội thoại sinh động và dung thoại trong nguyên bản tiếng Nga, dịch giả đã dùng phần lớn những từ và kết cấu thuộc văn phong bút ngữ. Xin so sánh: “ 😊 Lũ khố rách, chỉ được cái bạt mạng. –V.T.K) – bản dịch qua tiếng Pháp: “Bọn người khốn khổ, nhưng ít ra còn có nhiệt huyết”. Không còn thấy bóng dáng của “đặc tả thông qua lời ăn tiếng nói”, vốn được coi là một thủ pháp nghệ thuật điêu luyện của tiểu thuyết gia Lermontov [12].

Tuy nhiên trong phạm vi bài này chúng tôi chưa có ý định làm công việc phê bình mà chỉ muốn nêu lên rằng thơ văn Lermontov còn chờ đợi được giới thiệu rộng rãi hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn với bạn đọc Việt Nam ngày hôm nay.

PHỤ LỤC: Tư liệu cho lịch sử dịch văn học Nga ở Việt Nam

1. Bài thơ Cánh buồm, Nguyễn Trung Thu dịch tại binh trạm Trị - Thiên trên Trường Sơn, Thụy Kha chép vào “Sổ tay văn học” ngày 24 - 10 -1972:

Một chiếc buồm trăng trắng cô đơn

Trên biển xanh xanh trong mù sương

Buồm tìm chi nơi đất trời xa lạ

Sao buồm ruồng bỏ chốn quê hương

Sóng dập phũ phàng gió rít lên

Cột buồm kêu chèo chẹo uốn cong them

Chao ôi! Hạnh phúc buồm không trốn

Nhưng cánh buồm kia cũng chẳng tìm

Dưới buồm nước biển nhuộm trời xanh

Trên buồm mây trắng dỡn quanh quanh

Nhưng buồm phản kháng đòi giông tố

Dường như ytong đó mới yên lành

2. Cũng tại đây Thụy Kha phỏng dịch thành ca từ bài thơ Một mình tôi cất bước lên đường xa :

Ngoài đêm vắng chỉ có bóng tôi lang thang trên đường

Đường lấp lánh bay lướt trong màn sương

Trời vắng im chìm lắng lòng tôi xiết bao lạnh lung

Những cánh sao buồn trong đêm khuya soi sang

Những cánh sao thầm nói bao lời tâm tình

Nhịp đời trôi dần cuốn mãi đi ước mơ sáng ngời

Ngập chìm theo dĩ vãng ngọt ngào của tôi

Lòng khát khao cuộc sống tự do phía xa chân trời

Sẽ lãng quên buồn vui tháng năm tăm tối

Sẽ lãng quên bao đắng cay của cõi đời

3. Bài thơ Giã từ đã được Thụy Kha phỏng dịch thành ca từ và phổ nhạc  ngày 25 - 4 - 1974 tại bệnh viện dã chiến 471 ở chiến trường Khâm Đức - Quảng Nam:

Giã từ, giã từ

Ôi hai tiếng ấy

Có thể lìa xa

Buồn đau biết mấy

Em hãy mang đi

Địa ngục của anh

Thiên đường của anh

Tới nơi xa xăm

Bàn tay em sao

Xa cách đôi môi anh

Em hãy đến bên anh

Trong phút giây

Và hãy nhen lên

Ngọn lửa tình yêu

*

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Thế Khôi. Pushkin và phương Đông – trong bộ sách 5 tập “Alexandr Pushkin. – Tuyển tập tác phẩm. Về A.X. Pushkin”, NXB Văn học – Trung tâm văn hóa & ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội – 1999, tr.67 – 83.

2. Vũ Đình Hòe – Thanh Nghị. Hồi kí – NXB Văn học – Trung tâm văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, in lần 2, có sửa chữa bổ sung, Hà Nội 2000, các tr.555 – 560, 691 – 694.

3. Vũ Thế Khôi. Cách mạng tháng Mười với tiếng Nga và tiếng Nga với cách mạng.  – Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 11/2002, tr. 23 – 28.

4. Lec-man-tôp. Một anh hùng thời đại. – Phạm Thủy Ba (1924-1994) dịch, NXB Văn hóa – Viện Văn học, Hà Nội 1960; trên bản dịch không ghi sách xuất xứ, nhưng ông Hoàng Thúy Toàn, nguyên phó giám đốc NXB Văn học cho biết là dịch từ một bản tiếng Pháp.

5. M.Iu.Lermontop. Thơ. – Thúy Toàn tuyển chọn và giới thiệu; nhiều người dịch; NXB Văn học, Hà Nội, 1978, tr.9.

6. Văn Khôi. Lec-mon-top, một hồn thơ quật khởi. – Tạp chí Văn học, số 11/1964, tr.85 – 96.

7. Xin so sánh với ý kiến của B.Eikhenbaum: “Petrorin được tạo dựng ngược hẳn với Oneghin” – trong “B.Eikhenbaum – Về văn xuôi. Về thơ. (tiếng Nga) – L, NXB Văn học. 1986, tr.304”.

8. A.Ghertxen. Bàn về văn học. (tiếng Nga) – M1962, TR.245.

9. B.Gorodetski – Thơ trữ tình của Pushkin, (tiếng Nga) – M. – L., 1962.

10. Anh Ngọc – Từ thơ đến thơ. Tiểu luận, phê bình, hồi ức. – NXB Thanh niên, Hà Nội 2000, tr.153.

11. Anh Ngọc có dẫn bài thơ đó ở tiểu luận về thơ tình của Nga trong sdd, tr.151:

Như gương vâng biết lòng chàng

Thờ chàng há dám phụ phàng thề xưa

Giả ngọc chàng, lệ như mưa

Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng

12. Xin tham khảo: E. Mikhailova – Văn xuôi của Lermontov. (tiếng Nga) – Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện Văn học M.Gorki, M, 1957.

* Tác giả xin chân thành cảm ơn PGS. Vũ Đức Phúc, GS Nguyễn Kim Đính, các nhà thơ Anh Ngọc và Thụy Kha, các TS. Tạ Hòa Phương và Đào Tuấn Ảnh đã cho phép phỏng vấn, sử dụng tư liệu cá nhân và đã bớt chút thời giờ đọc duyệt bản thảo của tiểu luận này. – V.T.K.

_______________________________________

* Bài công bố lần đầu trên tạp chí Khoa học Ngoại Ngữ, số 01 tháng 11 - 2004. Chỉnh sửa và bổ sung phần Phụ lục, in trong sách Thơ Lermontov. Song ngữ Nga - Việt, xuất bản nhân kỷ niệm 200 năm sinh của nhà thơ (1814 - 2014)

Ảnh mấy trang viết tay là thủ bút của nhà thơ- nhạc sĩ Thụy Kha, do chính anh photocopy từ sổ tay chiến trường và trao cho Vũ Thế Khôi.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Sự cảm nhận thơ văn Lermontov ở Việt Nam" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn