Sắp Tọa đàm về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Vương Xuân Nguyên

03/06/2022 21:19

Theo dõi trên

Ngày 18/6 tới đây, Chi hội Nhà báo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Tọa đàm Tri ân tưởng nhớ Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác.

Tham dự buổi Tọa đàm dự kiến có đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp từng cộng tác gần gũi với Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, đại diện các thế hệ học trò của ông, cùng đông đảo cán bộ, hội viên của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và người làm báo, cộng tác viên và cơ quan đối tác thân thiết của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam. 

dao-the-tuan-1654219444.jpg

Trong tư liệu của gia đình và nhiều tài liệu chép rằng, vào mùa hè năm 1931, tại Kinh thành Huế, cụ Đào Duy Anh và nữ sĩ Trân Như Mân đã hạ sinh được quý tử đầu lòng, lấy tên là Đào Thế Tuấn. Tin vui trên được nhắc nhiều khi Nhà chí sĩ cách mạng tiền bối Phan Bội Châu đã có những vần thơ chúc mừng và dự báo về sự nghiệp, tiền đồ tươi sáng của cậu bé Đào Thế Tuấn: 

"Hai mươi lăm triệu giống dòng ta

Hôm trước nghe thêm một tiếng oa

Mừng chị em mình vừa đáng mẹ

Mong thằng bé nọ khéo in cha

Gió đưa nam tới sen đầy hột

Trời khiến thu về quế nở hoa

Sinh tụ mười lăm mong thế mãi

Ấy nhà là nước, nước là nhà!"

Cây đại thụ của làng Tam Nông Việt Nam

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha ông là học giả lỗi lạc Đào Duy Anh (1904 - 1988), là nhà sử học, địa lý, từ điển học, ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Giáo sư Đào Duy Anh được xem là người mở đầu cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam. Ông là một trong số ít nhân vật Việt Nam được ghi tên vào bộ từ điển Larousse với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại. Giáo sư Đào Duy Anh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội năm 2000. Tổ tiên họ Đào thế kỉ XV có Anh liệt tướng quân Đào Đình Lãng đã từ Khúc Thủy tìm vào Lam Sơn theo phò Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập Tổ quốc, được phong Thượng tướng khinh xa. 

Mẹ ông là nữ sĩ Trần Thị Như Mân, phu nhân của học giả Đào Duy Anh vừa là người đồng chí cùng hoạt động cách mạng vừa là người trợ lý đặc biệt của học giả Đào Duy Anh. Bà sinh năm 1907, là cháu nội của cụ Trần Tiễn Thành, Thượng thư bộ Binh triều Tự Đức, Văn Minh điện đại học sĩ, phụ chính đại thần sau khi vua Tự Đức qua đời, là người đã bảo trợ các nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch, giới thiệu họ với nhà vua. Bà là con của Giải nguyên Trần Tiễn Hối, Tổng đốc Nghệ An. Năm 1925, khi đang làm giáo viên trường nữ trung học Đồng Khánh thì được tin cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải, bị dẫn độ về nước, và bị tòa đề hình Hà Nội kết án tử hình, bà cùng với một số bạn đồng nghiệp cùng chí hướng đánh điện cho Toàn quyền Varenne xin ân xá cho Phan. Sau đó, bà cùng mẫu thân của nhà báo Hải Triều, lập Nữ công học hội là tổ chức xã hội phụ nữ đầu tiên của nước ta ở Huế. Tại đây, cụ Phan Bội Châu, bấy giờ bị Pháp an trí ở Huế, ủng hộ và đến nói chuyện về phong trào phụ nữ trên thế giới. Sau khi ra khỏi nhà tù thực dân vì tham gia những phong trào yêu nước, bà tham gia các hoạt động nghiên cứu cùng học giả Đào Duy Anh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 với uy tín của mình, bà được mời làm hội trưởng Hội Phụ nữ Thừa Thiên Huế và trải qua nhiều vị trí công tác khác tại Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.

Sau chiến dịch Tây Bắc năm 1953, cùng 50 người được chọn đi học ở Liên Xô, Đào Thế Tuấn học Khoa Nông học tại Đại học Nông nghiệp Tachkent. Mặc dù khi đó trường phái Lysenko đang thịnh hành, nhưng ông lại nghiên cứu theo trường phái Vavilov tiến bộ hơn.

Năm 1955, khi mới 24 tuổi, ông đã viết cuốn sách đầu tiên về sinh thái và nguồn gốc cây lúa, được Viện Hàn lâm nông nghiệp Liên Xô xuất bản. Đến năm 1958, ông hoàn thành chương trình kỹ sư nông học và tiến sĩ nông học, rút ngắn thời gian 3 năm, và là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô đào tạo.

Về nước, ông dạy môn sinh lý thực vật tại Học viện Nông lâm, bắt đầu nghiên cứu về cây lúa, kiêm trưởng phòng khoa học của Viện. Nhận rõ thất bại của việc học tập phong trào đại nhảy vọt của Trung Quốc cấy dồn lúa để đạt năng suất cao, ông nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân của hiện tượng lốp đỗ lúc cấy dày và bón nhiều đạm.

Các nghiên cứu của ông cho thấy cây trồng của nước ta rất cần lân nhưng bón lân không có hiệu quả, từ đó ông đề xuất phương pháp biến lân thành đạm, qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh, lấy bèo hoa dâu và lá cây điền thanh bón cho lúa. Công trình khoa học này chẳng những giải tỏa ứ đọng supe lân của Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, mà còn được Hội nghị khoa học quốc tế Bắc Kinh (1963) đánh giá cao.

Cũng từ đây, ông chuyển hẳn sang công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp do GS. Bùi Huy Đáp làm Viện trưởng. Ở môi trường mới, ông đã nghiên cứu tìm ra nguyên nhân bệnh vàng lụi đang lan rộng không phải là một bệnh sinh lý, mà là một bệnh virus do bộ rày xanh đuôi đen truyền bệnh. Nhưng phục hồi được bằng các biện pháp canh tác như bón kali, làm cỏ sục bùn. Cùng thời gian, ông tìm ra các giống lúa chịu bệnh có trong nước và 2 giống của nước ngoài, vừa thanh toán nhanh chóng bệnh nguy hiểm này (sau một số năm, Viện Lúa quốc tế - IRRI xác định là bệnh tungro), vừa giúp các nước Đông Nam Á không bị ảnh hưởng. Giống lúa chịu bệnh tungro là IR64 được ông phổ biến ở vùng Điện Biên, giúp dập tắt bệnh vàng lụi tái phát ở đó và nay trở thành “gạo tám Điện Biên” nổi tiếng.

Trong phong trào thâm canh lúa phấn đấu đạt 5 tấn/ha/vụ, các kết quả nghiên cứu của ông đã xác định kiểu giống lúa năng suất cao, xác định mô hình các ruộng thâm canh năng suất cao. Đặc biệt đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa đạt 10 tấn/ha/vụ vào các năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ở các vùng sinh thái khó khăn như hạn hán, lụt úng, chua mặn, miền núi không cấy được các giống của cách mạng xanh. Ông cùng các cộng sự đã tạo được một loạt giống lúa đáp ứng được yêu cầu thâm canh tại các vùng sinh thái khó khăn đó, đồng thời nghiên cứu sinh lý sang một số cây trồng khác ngoài lúa, phục vụ chuyển đổi hệ thống cây trồng như ngô, đậu tương và tạo ra các giống chống sâu bệnh.

gsvs-dao-the-tuan-1632367433341147844116-1654255287.jpg

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác

Giữa lúc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, năm 1967, ông và một đoàn cán bộ trẻ được cử vào Nghệ An giúp tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Tại đây, ông bắt tay vào chống bệnh vàng lụi, cấy lúa xuân, thâm canh khoai lang Đông - Xuân. Ông nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm các cây trồng khác năng suất cao có thể trồng trong vụ đông để thay thế cây khoai lang địa phương năng suất thấp. Có thể nói nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho việc tăng vụ và phát triển vụ đông ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Trở lại Viện, ông tiếp tục nghiên cứu thâm canh lúa và bắt đầu xây dựng cơ sở khoa học của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thành lập Bộ môn Cây trồng cạn đầu tiên ở Việt Nam, tiến hành nhiều thí nghiệm hàng loạt giống cây xứ lạnh, xứ nóng trong điều kiện khí hậu nước ta. Những thí nghiệm này đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển cây vụ đông, mở đầu cho việc đa dạng hóa sản xuất, đặt cơ sở cho việc nghiên cứu hệ thống canh tác. Từ đó, một loạt tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau, như trồng ngô vụ đông bằng mạ ngô (ngô bầu), chỉ đạo cải tạo đất phèn, nghiên cứu hệ sinh thái chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng bản đồ canh tác vùng chiêm trũng, trồng đậu tương đông sau lúa không cày…

Ông đã được nhiều tổ chức quốc tế mời dự hội thảo, trao đổi và giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam, được Nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1985, được Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô bầu làm thành viên nước ngoài của Viện. Ông cũng đã góp phần tích cực vào việc ra đời Nghị quyết 10 - Bộ Chính trị năm 1988. Ông là cha đẻ của hệ thống khoa học nông nghiệp, bắt đầu từ nghiên cứu hệ thống lúa, tiến tới nghiên cứu hệ thống cây trồng, rồi hệ thống nông nghiệp bao gồm cả chăn nuôi và khu vực dân cư của hộ nông dân.

Khi tham gia tổ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo, ông càng khẳng định phải nhìn nông nghiệp Việt Nam một cách toàn diện, gắn với việc phát triển của đất nước. Năm 1984, ông tham gia chương trình hợp tác khoa học - kỹ thuật với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Pháp (gọi là Chương trình hệ thống nông nghiệp lưu vực sông Hồng), xây dựng bộ môn Hệ thống nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, tạo ra cơ sở khoa học để xác định các chính sách nông nghiệp và nông thôn trong điều kiện đổi mới; đồng thời vạch ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ phát triển nông thôn. Đáng quan tâm là hệ thống này kết hợp nghiên cứu kỹ thuật và kinh tế xã hội với nghiên cứu về các thể chế nông thôn, nhất là thể chế kinh tế hộ nông dân. Ông cũng là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu chuyển từ một nền kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hóa trong nông thôn.

Với 81 tuổi đời và hơn 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nguyên Viện trưởng Viện KH-KT nông nghiệp Việt Nam (nay là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - VAAS), Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, người sáng lập trang thông tin PHANO (tiền thân của Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam) được giới trí thức, khoa học trong và ngoài nước nể trọng ví như một cây đại thụ trong lĩnh vực “tam nông” Việt Nam. 

Một trí thức lỗi lạc sống thanh đạm giữa muôn tình bạn 

Từ niềm cảm mến, nể trọng một nhà khoa học trọn đời cống hiến cho nền khoa học nước nhà, hơn 40 nhà khoa học, nhà quản lý, học giả uy tín trong và ngoài nước đã có những bài viết xúc động về Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn với một tầm thế của một "Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác". Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Nhà xuất bản Dân trí đã tập hợp những tư liệu quý báu ấy để xuất bản cuốn sách mang tựa đề "Đào Thế Tuấn -  Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác". 

Mở đầu giới thiệu cuốn sách, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong lời giới thiệu sách đã nêu rõ: "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một trong những nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu nước ta. Với những đóng góp cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam, Ông đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động năm 2000, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2005...Suốt sự nghiệp nghiên cứu khoa học Nông nghiệp, Ông đã viết khoảng 300 bài báo cho các tạp chí tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt, xuất bản 19 cuốn sách công bố các công trình nghiên cứu khoa học tạo tiếng vang lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn cao....".

gs111-1654222001.jpg

Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Trong bài viết "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Nhà Nông học uyên bác", PGS.TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: "Có thể nói Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là người đầu tiên ở Việt Nam đã quan tâm đến tiếp cận hệ thống trong khoa học nông nghiệp, từ nghiên cứu hệ thống ruộng lúa đến hệ thống cây trồng, rồi hệ thống nông nghiệp. Để phát triển hướng nghiên cứu này, ông đã thành lập nhóm nghiên cứu mà sau này trở thành Bộ môn Toán máy tính đặt ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chuyên nghiên cứu về các mô hình phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ với các mô hình kinh tế chung của cả nước...".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ rõ những cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn phát triển nông nghiệp của Việt Nam và một số nước trên thế giới của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, đặc biệt là công trình "Cải cách kinh tế ở Trung Quốc" xuất bản năm 1987 đã có những đóng góp thiết thực trong quá trình ra đời Nghị quyết 10 năm 1988. 

"Giáo sư Đào Thế Tuấn, một trí thức tài hoa, một đảng viên yêu nước từ thủa ấu thơ, khi có giặc thì cấm súng bảo vệ tổ quốc, khi hòa bình thì nghiên cứu canh nông nuôi sống con người; một cán bộ lãnh đạo không màng đến lợi ích cá nhân, thật là một tấm gương lớn, một nhà khoa học say mê với kiến thức, luôn chăm lo đào tạo cho thế hệ tương lai", PGS.TS Lê Quốc Doanh chia sẻ trong bài viết. 

Trong bài viết "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong vấn đề Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn và sự phát triển đất nước", TS Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn cho biết: "Dường như bần cùng hóa và thiếu công bằng là lời nguyền khó tránh của quá trình cộng nghiệp hóa. Giáo sư Đào Thế Tuấn lo lắng chỉ ra tình trạng tương tự tuy mới ở mức độ khởi đầu nhưng rõ rệt và tăng mạnh ở Việt Nam: Trong quá trình đổi mới, nông nghiệp phát triển, nông thôn thay đổi với tốc độ chậm hơn vị thế và thu nhập, điều kiện sống của người dân nông thôn ngày càng tụt hậu. Chênh lệch về phúc lợi xã hội, nhất là về giáo dục, y tế, ô nhiễm môi trường, về chất lượng và giá cả đầu vào, về khó khăn đầu ra, về cơ sở hạ tầng yếu kém, về thiếu cơ hội học hành và việc làm chính thức, "cánh kéo giá" trong đó mọi thứ của nông thôn (giá đất nông nghiệp, giá lao động, giá nông sản...) luôn luôn thấp hơn giá dịch vụ và hàng hóa từ đô thị và công nghiệp, làm kiệt lực dần nông thôn. Ông kết luận rằng, tình trạng nông nghiệp bị lép vế, nông dân thua thiệt là hậu quả và bằng chứng của tình trạng rút tài nguyên nông nghiệp sang phục vụ công nghiệp hóa". Chỉ bằng đó những chia sẻ trong một bài viết dài của TS Đặng Kim Sơn cũng đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn những trăn trở của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn về sự phát triển bền vững, công bằng, mà ngày nay, LHQ đang quan tâm triển khai và hướng tới nền kinh tế bao trùm.

Với một người có hơn nửa thế kỷ học tập và làm việc trong ngành nông nghiệp, trong đó có 14 năm làm việc cùng Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Ngô Thế Dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT có nhiều kỷ niệm đánh nhớ về người thầy, người đồng nghiệp đáng kính của mình. Nhưng có lẽ những ký ức sâu sắc nhất của ông về người thầy của mình là về những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong vai trò là Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn (1980 - 1990). Trong giai đoạn này, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn không chỉ triển khai nhiều dự án, đề tài phục vụ quốc kê dân sinh mà ông còn sớm thúc đẩu hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức quốc tế như Viện INRA (Pháp), Viện Lúa Quốc tế IRRI tại Philipin, Viện Nghiên cứu Cây trồng cạn Quốc tế ICRISAT tại Ấn Độ. Đặc biệt là thúc đẩy hợp tác với UNDP nhằm nâng cấp Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với tổng số vốn 5 triệu USD đã đặt nền móng giúp cơ quan khoa học đầu ngành của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. 

Là một trong những người kế nhiệm lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam sau này, PGS. TS Nguyễn Văn Bộ lại có những ký ức về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn gắn với những trăn trở về vị thế, vai trò của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với tư cách là một viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia hàng đầu thật sự hoàn thiện về mô hình tổ chức, vững mạnh về khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đóng góp có hiệu quả vào xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh. Qua đó giúp chúng ta nhận rõ hơn về chân dung Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn với tư cách một nhà khoa học với tư duy hệ thống.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì khẳng định: "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Người kết nối Nông dân Việt Nam với Quốc tế". Bởi trước hết, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một con người quốc tế. Với khả năng ngoại ngữ đa dạng, sử dụng thành thạo tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu nông nghiệp là chìa khóa quan trọng để mở cửa ra thế giới. Những năm đầu Đổi mới, mở cửa hợp tác quốc tế, thì hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (nay là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã trở thành hình mẫu với những đóng góp nổi bật của vị thuyền trưởng như Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn. Chính ông là người đặt nền móng quan trọng giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam với nhiều tổ chức quốc tế. 

Người đứng đầu Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hiện nay, cũng không quên điểm lại những hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trên cương vị là Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO. Đó là vào năm 2008, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết về Tam Nông, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trên cương vị Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO đã mời Giáo sư Ôn Thiết Quân, chuyên gia hàng đầu về chính sách Tam Nông của Trung Quốc cùng nhiều chuyên gia của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc tổ chức Hội thảo kết hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, Nông thôn (IPSARD) về "Các vấn đề về Tam Nông ở Trung Quốc và Việt Nam". 

Còn với GS.TS Nguyễn Tử Siêm, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Bộ NN&PTNT, ký ức về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là ký ức về một người thầy uyên bác tại Học viện Nông lâm Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước. 

"Thầy là người đầu tiên nhận bằng Phó Tiến sĩ Nông học (nay là Tiến sĩ Nông học) ở Liên Xô vào năm 1958 và cũng là giảng viên có học vị cao nhất của Học viện Nông lâm Hà Nội lúc bấy giờ. Môn "Sinh lý Thực vật" mới mẻ đã đành, cái cách lên lớp của thầy vừa chuẩn mực, vừa hàn lâm, vừa sinh động đã tạo nên một không khí thi đua học tập rèn luyện hấp dẫn khó cưỡng. Giảng đường im lặng, sinh viên chăm chú có thể nói không ai muốn bỏ qua một ý, nghe sót một lời. Nếu muốn nói "dạy ra dạy, học ra học" thì có lẽ đây là một ví dụ...", GS.TS Nguyễn Tử Siêm chia sẻ. 

Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông còn đặc biệt ấn tượng về người thầy uyên bác của mình với tư cách nhà trí thức lớn trưởng thành trong một gia đình có truyền thống hiếu học có cha là học giả Đào Duy Anh, mẹ là nữ sĩ Trần Như Mân. Trong khoa học, ông là người khai mở cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu; Xây dựng nền móng cho các nghiên cứu hệ thống nông nghiệp; Người dẫn đầu trong nghiên cứu phát triển nông thôn và một nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước được tôn vinh danh giá. 

GS. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học thì khẳng định: "Thì ra, đông tây, kim cổ người trí thức đích thực phải là người như vậy, là người như Đào Thế Tuấn". Bài viết "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Một trí thức lớn" của GS Tương Lai trong cuốn "Đào Thế Tuấn - Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác" đã khắc họa chân dung một nhà khoa học lớn, một nhân cách với đời sống thanh bạch nhưng luôn nhiệt huyết lăn xả vào khoa học, đồng cảm với người nông dân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

"Tính anh vốn thế. Xuề xòa, thoải mái trong sinh hoạt, song trong chuyện nghiên cứu viết lách thì lại cực kỳ nghiêm cẩn. Phần chú thích có khi dài hơn cả số dòng anh viết. Anh muốn để người đọc tìm về tận gốc tài liệu, vừa để kiểm tra tính chính xác của thông tin, vừa để mở rộng thêm suy ngẫm...Lượm lặt một vài mảnh vụn trong hồi tưởng về người bạn lớn, một nhân cách trí thức đích thực, bỗng gợi nhớ đến "Luận về kẻ sĩ" của Nguyễn Công Trứ trong đó có câu "Vũ trụ chi gian giai phận sự", xem trong việc đất trời là việc của mình. Đào Thế Tuấn là một con người như thế. Anh không dõng dạc ra tuyên ngôn "Trong vũ trụ đã đành phận sự, phải có danh mà đối với núi sông". Cái "danh" mà anh có từ sự nghiệp cần mẫn và dũng cảm của anh. Theo tiếng gọi của non sông, anh đã cầm súng đánh giặc, đã từng là học viên Lục quân Việt Nam. Rồi cũng theo đòi hỏi của đất nước, một nước nông nghiệp, anh đã hoàn thành chương trình kỹ sư nông học, tiến sĩ nông học trong chỉ 5 năm tại Liên Xô, tiết kiệm được 3 năm; để có thể bắt tay ngay vào công trình nghiên cứu về cây lúa từ năm 1958, trở thành một trong những người khai sáng của nền khoa học nông nghiệp, nông thôn Việt Nam", GS. Tương Lai chia sẻ.

Nói về sự nghiên cứu đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Nhà báo Hàm Châu đã nêu, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là người viết nhiều - hay nói theo cách của các cụ đồ xưa - là học giả "trước tác đẳng thân" (Sách chồng cao hơn đầu). Thời sinh viên, ông đã đưa in ở Tashkent (liên Xô cũ) cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Nga về cây lúa. Trở về nước, theo năm tháng, ông lần lượt đưa in thêm 18 cuốn sách bữa ở nhiều nhà xuất bản lớn. Ông còn kịp thời công bố hàng loạt bài báo khoa học, giải quyết những vấn đề về thời cuộc. Tính đến năm 2005 (năm được Giải thưởng Hồ Chí Minh), ông đã in 206 công trình trên các tạp chí tiếng Việt, 36 bài trên các tạp chí tiếng Anh, 58 bài trên các tạp chí tiếng Pháp và 5 bài trên các tạp chí tiếng Nga. 

"Chịu ảnh hưởng của cha về khuynh hướng "bách khoa thư", về lòng ham thích "trước thư, lập ngôn", bên cạnh các công trình sinh lý học thực vật, ông viết cả những công trình khoa học xã hội: Việt Nam có phải là quê hương cây lúa không? Về nguồn cây lúa ở Trung Quốc; Làng ở vùng Châu thổ sông Hồng - vấn đề còn bỏ ngỏ; Từ Mộ Trạch đến lịch sử nông nghiệp đồng bằng sông Hồng; Dân số Việt Nam trong lịch sử; Người nông dân Châu thổ Bắc Kỳ; Nguyễn Ái Quốc với nông dân; Kinh tế hộ nông dân và thể chế tập thể ở Việt Nam; Hệ thống nông nghiệp và vấn đề nghiên cứu xã hội học ở Việt Nam, Văn hóa và Phát triển...' Nhà báo Hàm Châu chia sẻ trong bài viết "Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - Người luôn bênh vực nông dân".

Cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác" được khép lại bằng những trang viết của bạn bè, đồng nghiệp quốc tế thể hiện sự ngưỡng mộ về một nhà khoa học Việt Nam được nể trọng và có tầm cỡ quốc tế. Trong đó, Richchard Rétris - Chủ tịch trường vì Hòa Bình và Pierre Vuarin - Chủ tịch Trường Đại học Trái đất Công dân Quốc tế đã đánh giá cao những đóng góp trên bình diện quốc tế của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong mục tiêu "Phát triển bền vững và tiến độ con người".

Xây dựng tổ chức Hội và phong trào Phát triển nông thôn

Với TS. Lê Thành Ý, nguyên Trưởng ban Chính sách Nông nghiệp - Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là nhà khoa học nông nghiệp uyên bác của đất nước, người không chỉ được nhắc đến ở khía cạnh kỹ thuật nông học, mà còn được nhắc tới những đóng góp lớn lao có ý nghĩa mở đường cho sự phát triển toàn diện kinh tế xã hội và xây dựng thể chế xã hội ở nông thôn nước ta. 

gs2-1642495980-1654254849.jpg

Lãnh đạo và cán bộ Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tại cuộc gặp gỡ thân mật nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Theo Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn coi vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta là cốt lõi của sự phát triển bền vững. Giáo sư là người sớm đề cập rằng, nếu công cuộc đổi mới dẫn đến sự phân hóa xã hội, tăng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thì sự phát triển sẽ không thực sự bền vững. Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân là ba vấn đề khác nhau,song nếu không cùng giải quyết một cách đồng bộ thì sự phát triển CNH - HĐH đất nước sẽ không vững vàng. Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn cũng là một trong những người quan tâm đến phát triển nông thôn với những nội hàm đầy đủ của nó, khi ông cho rằng, phát triển nông thôn là phát triển toàn diện cả khu vực, chứ không phải chỉ phát triển nông nghiệp. Thực tế ở nước ta, việc phát triển nông thôn thường tập trung vào nâng cao năng suất nông nghiệp, mang tính chất thuần túy kỹ thuật, chưa quan tâm đến sinh kế bền vững, còn nông dân lại là bộ phận yếu thế nhất trong các tầng lớp nhân dân.

"Ngay từ những năm 1980, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là người đầu tiên ở nước ta vận dụng quan điểm hiện đại vào nghiên cứu hệ thống nông nghiệp và ông đã nhận ra rằng, nếu hệ thống nông nghiệp chỉ bao gồm những thành phần tự nhiên và kỹ thuật thì chưa đủ, vì trong thực tế, thành phần kinh tế xã hội mới là yếu tố có ý nghĩa quyết định sự phát triển của hệ thống. Nếu hệ thống nông nghiệp là ý tưởng mở đầu cho nghiên cứu nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển kinh tế xã hội ở nước ta, thì vấn đề thể chế và tổ chức hợp tác của nông dân là những đề xuất nổi bật của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn ở nước ta...", TS. Lê Thành Ý chia sẻ.

Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Thành Ý còn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trong nỗ lực cho ra đời tổ chức xã hội nghệ nghiệp để tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức và cá nhân nghiên cứu cũng như hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông thôn - Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO) và Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (tiền thân là bản tin PHANO).

Trao đổi thêm về nội dung này, ông Mai Văn Thiết - Ủy viên Thường vụ Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO) cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn trăn trở về một tổ chức chuyên nghiên cứu và đề xuất chính sách về "phát triển nông thôn". Trong đó, Giáo sư đề xuất nhiệm vụ của tổ chức này phải chú trọng tìm kiếm giải pháp thúc đẩy kinh tế hộ phát triển bền vững, dân phải giàu; nông dân cần chế biến và xuất khẩu hiệu quả mới cao, vì xuất khẩu thô giá rẻ, nông dân thua thiệt. 

"Tuy nhiên, phải đến năm 2002, với sự đồng hành tích cực của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tâm huyết như: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Khải, TS. Nguyễn Văn Tri, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, TS. Đào Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Hệ thống Nông nghiệp, Ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên viên Vụ cán bộ tổ chức - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam chính thức được thành lập năm 2006. Và năm 2012, trên cơ sở từ bản tin PHANO, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam...", ông Mai Văn Thiết chia sẻ.

gs4-1642496526-1654254970.jpg

Người viết bài vinh dự được nhận sách quý mới xuất bản từ PGS. TS. VS Đào Thế Anh con trai Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

Trên cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO và Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một nhà khoa học uyên bác, người đặt nền móng cho những xu hướng nghiên cứu và thực nghiệm khoa học nông nghiệp tiên tiến tại Việt Nam xuyên 2 thế kỷ. Những đóng góp quan trọng của ông gắn với những thành công của đất nước ta trong hành trình từ một nước nghèo đói, nhận viện trợ lương thực, thực phẩm thành một cường quốc xuất khẩu lương thực thực phẩm, một quốc gia có những đóng góp thiệt thực vào đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng toàn cầu.

"Chúng tôi những nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp, cán bộ hội viện, tổ chức thành viên thuộc Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam nguyện dốc hết tâm sức, trí lực và trách nhiệm xã hội của mình để đưa tổ chức Hội và phong trào phát triển nông thôn ngày càng phát triển nhanh, mạnh và bền vững; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết trung ương 5 khóa XIII của Đảng về phát triển Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn trong tình hình mới. Đó là những việc làm thiết thực của chúng tôi, thế hệ hậu bối để xứng đáng với những giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn cao cả và khát vọng chân chính của Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn và những nhà sáng lập Hội tiền bối", GS.TSKH Trần Duy Quý tâm sự.

Qua những tư liệu kể trên là một phần rất nhỏ trong dòng cảm xúc vô tận của những người ở lại viết về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn nhưng cũng đã đủ giúp chúng ta nhận thấy, trong sâu thẳm kí ức của bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò trong nước, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn là một Nhà khoa học Nông nghiệp uyên bác, một người thầy mẫu mực thủy chung, một người bạn chân thành, một nhân sĩ trí thức tài hoa đáng kính, một Đảng viên trung kiên yêu nước, một nhà khoa học tận hiến cho sự nghiệp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi hội Nhà báo Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Tọa đàm về cố Nhà báo, Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn nhằm tri ân những cống hiến xuất sắc của ông với nền khoa học nước nhà, cũng như việc đặt nền móng cho Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trong hành trình 15 năm xây dựng và trưởng thành. Đồng thời, đây là cơ hội giúp thế hệ trẻ hôm này và mai sau hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang, những cống hiến to lớn cho khoa học nước nhà và đời sống vô cùng giản dị của một bậc trí giả yêu nước có tư duy khoa học hệ thống, tầm nhìn xa trông rộng, không ngừng học hỏi, luôn nhiệt huyết gần dân và khát vọng dân tộc chân chính như Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn.      

---

Đọc thêm những bài viết cùng tác giả trên: https://vuongxuannguyen.vn/

Bạn đang đọc bài viết "Sắp Tọa đàm về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn