Roosevelt người khuyết tật đầu tiên, duy nhất trở thành Tổng thống Mỹ và đắc cử tới 4 nhiệm kỳ!

Đặng Vương Hưng - Tư liệu sưu tầm

06/09/2021 08:24

Theo dõi trên

Bị bại liệt ở tuổi 39 và mất khả năng đi lại, cho đến nay Franklin Delano Roosevelt là người khuyết tật đầu tiên và duy nhất trở thành Tổng thống Mỹ. Hơn thế, ông chèo lái đất nước qua bao khó khăn, là Tổng thống đã đưa Mỹ vượt qua hai cuộc khủng hoảng lớn nhất của thế kỷ 20, gồm Đại suy thoái và Thế chiến II. Ông đắc cử tới 4 nhiệm kỳ và cũng là người khai sinh ra lực lượng FBI của Mỹ.

239279032-1588212548237494-897100696844199598-n-1630846027.jpg

Nhưng không nhiều người biết, Roosevelt còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cá nhân là cuộc đấu tranh với căn bệnh bại liệt. Khi xuất hiện trước công chúng, Roosevelt thường vịn một tay vào cố vấn hoặc con trai, tay kia cầm một cây gậy. Khi đứng phát biểu, ông thường đeo nẹp vào chân và tay nắm chặt bục phát biểu để giữ thăng bằng. Ông quyết tâm không để công chúng chứng kiến hình ảnh ngồi xe lăn của mình, lo ngại nó tác động tới dư luận. Nhân viên mật vụ thường chặn tầm nhìn khi Tổng thống sử dụng xe lăn và yêu cầu phóng viên không chụp ảnh. Hầu hết phóng viên đều tôn trọng yêu cầu của Nhà Trắng...

Sáng 11/8/1921, Roosevelt tỉnh dậy và bắt đầu cảm thấy cơ thể không khỏe. Sau nhiều giờ chèo thuyền và bơi lội tại khu nghỉ dưỡng ở đảo Campobello ở Canada, đôi chân ông bắt đầu đau nhức. Cơ thể run rẩy không kiểm soát, nên ông quyết định đi ngủ sớm. Nhưng sáng hôm sau, tình hình còn tệ hơn. Roosevelt bị sốt gần 39 độ C. Đó là khởi đầu cho cuộc chiến của Roosevelt với căn bệnh bại liệt, khiến ông bị liệt gần như hoàn toàn nửa thân dưới. Ông không thể tự đứng hoặc đi lại nếu không có hỗ trợ. Mẹ của ông đã khuyên con trai từ bỏ sự nghiệp chính trị để trở về Hyde Park, New York. Nhưng vợ của Roosevelt tin rằng ông cần tiếp tục sự nghiệp. Trong quá trình phục hồi, Roosevelt phải phụ thuộc vào vợ để giữ tên tuổi của ông trong đảng Dân chủ. Từ một người nhút nhát, bà Eleanor Roosevelt trở thành một diễn giả và nhà phân tích chính trị giỏi. Những bài diễn thuyết trên khắp bang New York của bà đã giúp cái tên Roosevelt không bị phai nhạt trên chính trường Mỹ.

Roosevelt cũng không bao giờ từ bỏ hy vọng có thể đi lại trên đôi chân của mình. Tháng 12/1921, sau khi bình phục được vài tháng, một nhà vật lý trị liệu bắt đầu làm việc với ông để xác định mức độ tổn thương của cơ thể. Trong những tuần đầu tiên của năm 1922, ông bắt đầu tập luyện một mình. Đây là một giai đoạn khó khăn, khi ông thậm chí không thể đứng dậy trong nhiều tháng. Do đó, ông phải bắt đầu với các các bài tập nhỏ, cố gắng vận động các cơ. Roosevelt phải sử dụng một chiếc nẹp bằng thép ở chân để có thể đứng bằng nạng. Sau đó, ông tiếp tục nỗ lực luyện tập đi lại khắp phòng.

Tháng 10/1922, Roosevelt đến thăm văn phòng luật của ông tại tòa nhà Equitable, nơi một bữa tiệc chào mừng ông đã được chuẩn bị. Người tài xế hỗ trợ không kịp gài miếng cao su ở nạng trái khiến Roosevelt bị trượt ngã xuống sàn. Ông bật cười và nhờ hai thanh niên trong đám đông giúp đứng dậy. Ông đã không trở lại văn phòng hai tháng sau đó. Roosevelt tin rằng khí hậu ấm áp và tập thể dục có ích cho đôi chân của mình nên mua một chiếc nhà thuyền vào tháng 2/1923 để cùng bạn bè và một thủy thủ đoàn nhỏ lên đường tới Florida. Ông sống trên thuyền suốt nhiều tuần, câu cá và dành thời gian với bạn bè. Ông cũng thiết kế một hệ thống ròng rọc, giúp đưa cơ thể xuống nước để tập bơi. Tháng 5/1923, bác sĩ trị liệu nói rằng cơ thể của ông không cải thiện nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, Roosevelt không chấp nhận kết quả này. Ông tiếp tục thử hàng loạt liệu pháp điều trị khác. Roosevelt lần đầu tiên tới thành phố Warm Springs ở Georgia vào tháng 10/1924. Trong nhiều năm sau đó, đây trở thành nơi lưu trú thường xuyên của ông để nỗ lực hồi phục bằng phương pháp thủy trị liệu. Với sự hỗ trợ của bác sĩ trị liệu riêng ở Warm Springs, Roosevelt đã chăm chỉ tự học cách đi bộ trên quãng đường ngắn với nẹp ở hông và chân.

“Từ năm 1925 tới 1928, Franklin đã dành khoảng 116 trong 208 tuần, sống xa nhà và nỗ lực tìm cách khôi phục khả năng đi lại”, nhà sử học Geoffrey Ward, người viết tiểu sử của Roosevelt, chia sẻ. Roosevelt không thể phục hồi được đôi chân nhưng việc tập luyện thường xuyên khiến ông duy trì sức khỏe tuyệt vời. Sau vài năm, Roosevelt trở lại chính trường Mỹ, trở thành thống đốc New York vào năm 1928. Năm 1932, ông trở thành người khuyết tật đầu tiên và duy nhất đắc cử tổng thống Mỹ. Người dân Mỹ đã chấp thuận và ủng hộ một chính trị gia bị khuyết tật nhiều hơn Roosevelt mong đợi, khi nhiều người bày tỏ sự cảm thông với tình trạng của ông hơn là chê trách, theo Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Franklin Delano Roosevelt.

“Hàng trăm nghìn người, nếu không muốn nói là hàng triệu người, đã thấy tổng thống ở cự ly rất gần trong những năm ông ở Nhà Trắng, nhưng hầu hết không ai nhận ra ông bị khuyết tật”, nhà sử học Hugh Gregory Gallagher cho hay. Nhiều sử gia cho rằng căn bệnh bại liệt đã giúp Roosevelt trở thành một người mạnh mẽ. “Ông ấy chỉ thực sự nhận ra mình là ai khi trải qua căn bệnh bại liệt. Nó mang tới cho ông sự tự tin vào sức mạnh của chính mình, điều mà có lẽ không ai có thể có nếu chưa ở trong hoàn cảnh đó”, nhà văn James Tobin nói.

Roosevelt qua đời năm 1945 khi đang là tổng thống nhiệm kỳ thứ 4. Năm 2001, một bức tượng Roosevelt ngồi xe lăn được khánh thành ở thủ đô Washington, hình ảnh mà trước đây ông từng cố che giấu. Bức tường phía sau có khắc những câu nói của cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt về tình trạng khuyết tật của chồng bà.

“Căn bệnh của Franklin đã cho ông ấy sức mạnh mà lòng dũng cảm mà trước đây không có. Ông đã phải tìm hiểu những điều cơ bản của cuộc sống và học được bài học lớn nhất trong tất cả các bài học, đó là lòng kiên nhẫn vô hạn và bền bỉ không ngừng”, Eleanor cho biết. Một người khuyết tật, không đi lại được mà vẫn làm được những việc vĩ đại như thế. Còn chúng ta, những người khoẻ mạnh, đi lại bình thường, có làm được điều gì không?

 

Theo Trái tim Người lính