Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4 tại Thủ đô Hà Nội quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng

X.V (tổng hợp)

20/10/2022 10:13

Theo dõi trên

Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4 sáng nay (20/10) tại Thủ đô Hà Nội, dự kiến bế mạc vào ngày 15/11. Một trong những nội dung đáng chú ý là Quốc hội bầu và phê chuẩn một số chức danh cấp cao, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

dt1quoc-hoi3-201022-1666235001.jpg
Quang cảnh phiên khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 7 dự án luật khác; đồng thời xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của một số cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề; xem xét quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác...

dt2-quoc-hoi-201022-1666235073.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: TTXVN

 

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tăng trưởng GDP 9 tháng của năm 2022 đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao và thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 15,43 tỉ USD, tăng 16,2%.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Biến động phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và an ninh, chính trị thế giới, những diễn biến mới, phức tạp trong xung đột Nga - Ukraine và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng.

"Áp lực lạm phát, biến động lãi suất, tỉ giá và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng cực đoan hơn… vẫn là những thách thức lớn nhất đối với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế đất nước", ông Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm nổi bật của năm 2022, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nhấn mạnh: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

ddt1-thu-tuong-pham-minh-chinh-1666237264.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: TTXVN

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch chồng dịch; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định các loại thị trường, tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.  

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Buổi chiều, Quốc hội nghe các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.

Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) là các nội dung cũng được trình Quốc hội trong chiều nay.

Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, bắt đầu quy trình công tác nhân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Nội dung này sẽ được các đại biểu thảo luận ở đoàn ngay sau đó.

Thông qua và cho ý kiến với 14 dự án luật

Đây là kỳ họp cuối năm, do đó theo thông lệ, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ tiến hành hoạt động giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác của đất nước.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án Luật: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

3 dự thảo Nghị quyết cũng được xem xét thông qua, gồm: Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, Quốc hội cũng cho ý kiến về 7 dự án luật: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Quốc hội xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước; xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).

Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong 2,5 ngày.

Ngoài ra còn xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.

Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cũng được trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.