Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 28)

PGS TS Cao Văn Liên

05/06/2023 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử" của PGS TS Cao Văn Liên do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành.

b1ddl1ab-1685865822.png

11 giờ 30' ngày 30/4/1975 lịch sử, tại Sài Gòn, bà Demulder (Pháp) là phóng viên duy nhất chụp được khoảnh khắc chiếc xe tăng 390 của Quân Giải phóng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập. Bức ảnh của bà được đăng tải trên báo chí khắp thế giới, trở thành biểu tượng cho sự thất bại của Mỹ và đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

 

Kỳ 28

6. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).

 a.  Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam: Sau Đại chiến thế giới thứ II (1939-1945) trung tâm phản cách mạng từ Đức chuyển sang Mỹ. Với tiềm năng kinh tế, quân sự to lớn, Mỹ vươn lên đứng đầu thế giới tư bản chủ nghĩa, thực hiện chiến lược toàn cầu chống chủ nghĩa xã hội, chống phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới để mưu làm bá chủ thế giới. Việt Nam với vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào chủ nghĩa xã hội ở khu vực. Vì thế Mỹ quyết tâm đè bẹp cách mạng Việt Nam. Sau khi Pháp thất bại, Mỹ nhảy vào thay thế Pháp ở Đông Dương. Mỹ ra sức phá hoại hiệp định Giơnevơ, phá hoại sự nghiệp thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chiếm đóng và biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, thành căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, ngăn chặn và tấn công chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á mà trước hết là chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc Việt Nam. Đông Nam Á trở thành một trong các khu vực thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Để đạt mục đích trên, Mỹ đã tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam bằng chủ nghĩa thực dân mới, tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam, gấp rút chuẩn bị tấn công miền Bắc .

         Để thực hiện mục đích xâm lược trên, Mỹ gấp rút xây dựng bộ máy nguỵ quyền, đứng đầu là Ngô Đình Diệm, ra sức xây dựng quân đội nguỵ lên đến 50 vạn, trong đó có 20 vạn là quân chính qui. Chính quyền Ngô Đình Diệm tự mạo nhận là “Cách mạng quốc gia” nêu chiêu bài “Đả thực-bài Phong” để che dấu dã tâm bán nước. Trên thực tế chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng để đàn áp tiêu diệt những người kháng chiến chống Pháp, gây nên những cuộc tàn sát đẫm máu ở miền Nam Việt Nam. Chính sách đàn áp khủng bố của Mỹ-Diệm gây cho ta những tổn thất nặng nề .

         Do sự xâm lược của đế quốc Mỹ bằng chủ nghĩa thực dân mới mà tính chất xã hội miền Nam Việt Nam là xã hội thuộc địa kiểu mới nửa phong kiến. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội miền Nam là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược, mâu thuẫn cơ bản thứ hai là mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Trong hai mâu thuẫn cơ bản đó nổi bật là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ và mâu thuẫn này trở thành mâu thuẫn chủ yếu. Để giải quyết những mâu thuẫn trên, miền Nam phải tiếp tục tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đại diện cho tư sản mại bản, địa chủ phản động ở miền Nam. Con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là phải thực hiện khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân bằng sức mạnh chính trị của quần chúng, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ ách thống trị của đế quốc phong kiến, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

 b.  Cuộc kháng chiến chống Mỹ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là công cụ tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài,  khốc liệt,  hi sinh to lớn nhưng thắng lợi vẻ vang.  Ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch: Chiến lược chiến tranh một phía (1954-1960), chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961-1964), chiến lược chiến tranh cục bộ (1965-1968), chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh  (1969-1973), buộc Mỹ phải ký hiệp địnhPari,  rút quân về nước,  tạo nên thế yếu cho quân Nguỵ không thể cứu vãn được, tạo cơ hội cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc Tổng tấn công giải phóng miền Nam vào mùa xuân 1975 được thực hiện bằng những trận quyết chiến chiến lược:  

         Trận quyết chiến lựơc thứ nhất từ 10-3-1975 đến 24-3-1975 ta đập tan Quân khu 2 nguỵ, giải phóng Tây Nguyên .

         Trận thứ hai : Giải phóng Huế, Đà Nẵng, đập tan Quân khu 1. Ngày 25-3-1975 Quân đoàn 2 của ta phối hợp với nhân dân tiêu diệt Sư đoàn 1 nguỵ, giải phóng thành phố Huế và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên. Mất  Huế,  phía bắc thành phố Đà Nẵng bị ta uy hiếp nghiêm trọng. Ngày 24-3-1975 Tam Kỳ Quảng Nam được giải phóng. Ngày 25-3 Quảng Ngãi, 26-3 Chu Lai (Núi Thành-Quảng Nam) được giải phóng. Sư đoàn 1 và 2 của nguỵ bị tiêu diệt. Mặt Phía nam của thành phố Đà Nẵng bị uy hiếp .

         Ngày 28-3- Quân đoàn 1 của ta cùng các lực lượng Liên khu 5 chia thành 5 cánh: Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam tấn công Đà Nẵng. 15 giờ ngày 29-3  Đà Nẵng-một căn cứ Liên hiệp lớn nhất của Mỹ-nguỵ bị ta tiêu diệt, thành phố lớn thứ hai của miền Nam được giải phóng .

         Ngày 1-4 Bình Định, Qui Nhơn, Phú Yên với thị xã Tuy Hoà, tiếp đến Nha Trang, Khánh Hoà liên tiếp lọt vào tay quân ta. Như vậy chiến dịch Huế -Đà Nẵng (21-3- đến 3-4-1975) trận then chốt thứ hai đã hoàn toàn thắng lợi, làm sụp đổ hệ thống phòng ngự của địch ở miền Trung, xoá bỏ Quân khu 1 nguỵ, không cho địch co cụm về phòng ngự bảo vệ Sài Gòn  .

         Trong cơn hấp hối của chế độ Sài Gòn, chính phủ của Tổng thống Pho lập cầu hàng không khẩn cấp để chuyển vũ khí, trang thiết bị quân sự cho chính quyền nguỵ .

         Trận quyết chiến lược thứ 3: Đập tan Quân khu 3 và 4, giải phóng Sài Gòn. Ngày 14-4-1975 Bộ chính trị quyết định đặt tên trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào Gài Gòn-Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh ”.

         Ngày 9-4-1975, ta tấn công thị xã Xuân Lộc. Ngày 21-4, ta giải phóng Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh, mở toang cánh cửa phía đông vào Sài Gòn. Cùng thời gian đó, Quân đoàn 2 của ta từ Đà Nẵng tấn công thần tốc vào phía nam, giải phóng Phan Rang-Ninh Thuận vào 16-4.

         Ngày 17-4-1975 thủ đô Nông pênh của Cam pu chia được giải phóng.

         Tất cả diễn biến tình hình quân sự đó đặt chế độ Sài Gòn  trước sự sụp đổ không thể cứu vãn nổi. Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ  ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn và 23-4 tuyên bố “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam  đã chấm dứt đối với người Mỹ ”. Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống Việt Nam Cộng hoà. Trần Văn Hương lên thay nhưng 26-4 Hương phải ra đi. Dương Văn Minh được đặt vào ghế Tổng thống.

          Ngày 26-4-1975 các cánh quân của ta gồm cả 4 quân đoàn chủ lực đã hình thành thế trận bao vây Sài Gòn -Gia Định. 7 giờ ngày 26-4 ta bắt đầu tấn công, 28-4 ta đánh sập phòng tuyến vòng ngoài, 5 máy bay A7 do không quân ta lái ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 29-4 ta tổng công kích với 15 sư đoàn chủ lực đánh vào nội thành. 30-4 ta chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, phủ Tổng thống, Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, căn cứ hải quân cảng Bặch Đằng, tiêu diệt và làm tan rã các đơn vị chủ lực nguỵ.

 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Quân Giải phóng húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập trở thành biểu tượng cho sự thất bại của Mỹ và đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến tranh 21 năm của Mỹ ở Việt Nam. Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc Lập. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Sớm cùng ngày, Đại sứ Mỹ Matin rời Sài Gòn bằng máy bay lên thẳng . Lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập. Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước .

(Còn nữa)

 CVL

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hiệu Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử (Kỳ 28)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn